Cách làm chả bì tuổi thơ

Nhắc đến chả bì, có lẽ sẽ nhiều người thuộc thế hệ 7X và 8X đời đầu chợt nhớ lại một thuở hàn vi xa xưa của mình.

Đó là cái thời mà họ còn cắp sách tới trường, mỗi buổi tan học, chưa chịu về nhà nhà ngay, cứ nấn ná lại trước cổng trường để được xà vào một quán nước nào đó, bỏ ra 500-1000 đồng, mua mấy chiếc chả bì be bé, dẹt dẹt hình chữ nhật. Dù không phải cao lương mĩ vị, cũng chẳng đủ no căng rốn nhưng quả thật, chả bì từng là món ăn rất thịnh hành, là đặc sản hoặc chí ít cũng là thứ làm vơi bớt đi nỗi thèm thuồng của lũ học sinh đói khổ ngày xưa sau những tiết học miệt mài.

Tôi cũng nằm trong số đó, từng có thật nhiều kí ức tuổi thơ gắn liền với món ăn dân dã này. Thi thoảng chúng tôi ngồi cùng nhau, tào lao dăm ba câu chuyện, nếu ai đó nhắc đến chả bì là cả hội lại nhao nhao. Đứa thì thốt lên: Ôi ngày xưa sao  mà trẻ con khổ thế?, đứa lại xuýt xoa: Nhắc đến thèm quá! Lúc này mà có mấy cái chả bì chấm tương ớt thì ngon phải biết! Nhưng rồi cuối cùng, tất cả đành buồn rầu trong sự nuối tiếc, chỉ vì thời buổi bây giờ, ai thèm bán chả bì nữa.

Tưởng rằng chả bì sẽ chỉ còn trong kí ức, nhưng cách đây vài hôm, tôi chợt phát hiện ra một nơi hiếm hoi vẫn bán món ăn dĩ vãng ấy. Tuy không giống 100% song cũng phần nào giúp những kẻ hoài niệm như tôi tìm lại được chút dư vị tuổi thơ.

Nơi đó chỉ là một hàng vỉa hè, nằm cạnh cổng chợ Mơ cũ trên đường Minh Khai. Cứ tầm 3h30 chiều trở đi thì chị bán hàng mới dọn đồ ra. Đây cũng là lúc chả bì thơm ngon nhất, khúc nào khúc nấy vàng rộm, nổi rõ lên từng đường gân bì rất hấp dẫn, và còn nóng hổi nguyên, thơm phức vì mới ra lò.

Chả bì nơi này không giống hệt với thứ chả bì bé xíu, mỏng mỏng, dẹt dẹt của cách đây hàng chục năm. Có lẽ vì bán chủ yếu cho các bà nội trợ mua mang về, chứ không phải cho lũ trẻ con ăn và chấm mút ngay tại trận, nên giờ chả bì được cải biên thành những khúc ngồn ngộn hơn, to tầm cổ tay người đàn ông, dài khoảng bằng chiếc thước kẻ học trò. Nhưng nếu so sánh về nguyên liệu và cách thức chế biến thì chắc cũng tương tự, đều được làm từ bì lợn trộn với bột gạo cùng chút rau thì là, sau đó chiên lên đến khi vàng ươm, dậy mùi.

Với khúc chả bì to như thế, mỗi khi khách mua, chị bán hàng sẽ cân lên tính theo lạng, kế đó bổ đôi khúc chả ra, thái thành từng miếng vừa vừa, rồi cẩn thận gói gém cho vào túi ni lông. Và sau cùng, chị không quên bỏ thêm vào mấy sợi lá chanh cho thơm, kèm một túi tương ớt bé xíu nữa.

Ăn chả bì kiểu này tất nhiên sẽ ngập răng hơn song lại không sướng miệng, giòn giòn như loại chả bì cũ ngày xưa. Nhưng như đã nói, nếu bạn nhanh chân mua tầm sớm, lúc chả bì còn nóng hôi hổi, phần vỏ bên ngoài vẫn còn xốp giòn thì ăn cũng thơm ngon lắm. Hoặc cũng có người  sáng tạo  hơn, mua chả bì đã thái sẵn rồi, về nhà lại chiên qua lần nữa, như vậy bảo đảm nóng giòn như mong đợi.

Thưởng thức chả bì chắc chắn sẽ không thể thiếu một bát tương ớt nho nhỏ cạnh bên. Nhất là trong tiết trời lạnh se sắt thế này, đôi khi chẳng cần đũa bát, cứ dùng tay nhón từng miếng chả bì nong nóng chấm với tương ớt cay xè, vừa ăn vừa xuýt xoa thích thú, bạn sẽ có cảm giác như mình được trở về với cái thuở học trò ngày xưa đó.

Địa chỉ: Cổng chợ Mơ cũ, đối diện số 44 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Bưu Điện Việt Nam

Du học và những điều teen lầm tưởng

Thời điểm này, nhiều teen nằng nặc đòi bố mẹ chuẩn bị hồ sơ đi du học cùng bạn bè. Nghe đồn thổi rằng của sống du học rất tự do và sung sướng. Có thật vậy không?

Du học là những ngày tháng dài chiến đấu với mì tôm

Nhiều teen ban đầu cứ tưởng đi du học sẽ được thưởng thức nhiều món mới, toàn cao lương mĩ vị. Cũng đúng, khi đi du học, teen sẽ được thưởng thức nhiều món ăn lạ từ các quốc gia khác nhau. Nhưng quan trọng là nó có ngon và hợp khẩu vị của mỗi người không mới là điều đáng nói.

Đó là chưa nói đến chuyện, thưởng thức nhiều món mới đồng nghĩa với việc tài chính của teen phải luôn dồi dào. Nếu ngày nào teen cũng nghĩ đến chuyện ra ngoài ăn món này, món khác thì chắc chắn sẽ rất tốn kém. Mà khi ra ngoài, lại trăm ngàn chi phí phát sinh, đâu chỉ tiền ăn. Hậu những ngày sau đó, teen thường phải chiến đấu với mì tôm để "cứu đói".

Nhất là đi du học, đến những mùa sale off, các teen nhà mình khó cầm lòng để không "sà xuống nhặt" vài món. Và viễn cảnh thường thấy nhất của các du học sinh là "nhịn ăn, nhịn mặc, làm bạn với mì tôm để mua đồ hiệu".

Ăn nhiều thức ăn ở ngoài cũng khiến trọng lượng của teen tăng vượt mức. Kết hợp với chuyện lười nấu nướng và dọn dẹp. Thế nên nhiều teen ngày này, tháng nọ làm bạn với mì tôm để tiết kiệm mà lại... ngon, bổ, rẻ.



Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Là những lúc học nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu

Cứ nghĩ rằng ra nước ngoài học sẽ thoải mái hơn, bằng cấp có giá trị. Lại nghe được những lời đồn thổi kiểu: "Ôi, học dễ lắm, con bà A kia, học dốt thế mà cũng lấy được cái bằng về làm giám đốc đấy" . Thế nên, dù khó khăn đến mấy, nhiều teen quyết tâm đòi du học cho được.

Nhưng hiện thực lại không ngọt ngào như vậy. Nhiều du học sinh cứ phải thi đi thi lại, học đi học lại nhiều lần một môn vì không hiểu thầy cô giảng gì. Thậm chí, có bạn phải bỏ ra cả năm chỉ đề học ngôn ngữ, khi đã hiểu rồi thì mới bắt đầu vào học được những môn chuyên ngành. Ấy vậy mà, nếu không đi học chăm chỉ, và làm bài tập thường xuyên, thì vẫn rớt như thường.

Nhiều trường còn kiểm tra số tiết vắng mặt của học sinh bằng cách trực tiếp điểm danh. Thế nên, chuyện trốn tiết, hay không lên lớp nghe giảng cũng thành vấn đề lớn bạn ạ. Chưa nói đến, nếu không đủ số tiết học theo yêu cầu, còn không được thi nữa đó.

Có người đi du học, rồi trở về rất nhanh. Chỉ 3-4 năm cho một khóa học đại học, do họ chăm chỉ, cần mẫn. Nhưng cũng có những người 3-4 năm trở về vẫn chẳng có gì trong tay bởi cái suy nghĩ không học cũng đậu.

Là trách nhiệm đè nặng

Đi du học, tiêu tốn nhiều tiền của bố mẹ nên trách nhiệm với bản thân teen nặng nề hơn nhiều lần so với người khác. Có những gia đình, để con đi du học [dù có học bổng], bố mẹ vẫn phải bán nhà, bán đất, ở thuê, ở mướn cho con có tiền làm hành trang lên đường.

Những gia đình khá giả hơn cũng chẳng mấy nhẹ nhõm. Những khoản tiền chi phí cho con đi học, tiền nhà, tiền ăn, tiền học của một mình teen, đôi khi còn nhiều hơn tiền sinh hoạt của cả gia đình trong một tháng. Lại có những gia đình, cố bươn trải cho con đi học, đến khi con đang học thì túng thiếu, không có tiền để gửi qua mà chẳng biết làm sao.

Thông thường, mỗi lần những teen đi du học về thăm nhà sau kì nghỉ lễ, mọi người đều nhắn nhủ, tin tưởng, chờ mong rất nhiều. Thậm chí, ngay cả ông bà đã già, khi thấy cháu về cũng mừng vui, cố vét chút tiền cho cháu, tạo động lực cho cháu đi học.

Nếu học giỏi thì teen sẽ trở thành niềm tự hào của gia đình. Ngược lại, thì những lời nói kiểu: "Ôi dào, thằng ấy chẳng ra gì đâu. Bố mẹ vét hết tiền cho nó đi học mà nó chỉ lo chơi, đi bao nhiêu năm có về được đâu" cũng là thường thấy.

Là những ngày tháng không có gia đình bên cạnh

Ngày còn ở nhà, nhiều teen chỉ mong sớm được đi nước ngoài để ngày ngày không phải nghe ai ca cẩm, muốn làm gì thì làm. Thế nhưng khi thật sự trở thành du học sinh thì suy nghĩ ấy hoàn toàn thay đổi. Chẳng lạ gì khi thấy những cô bạn, cậu bạn, hằng ngày gọi điện thoại về cho gia đình khóc vì cô đơn. Bữa cơm nào cũng chỉ lủi thủi một mình.

Nhất là những khi trái gió trở trời, ốm đau nơi xứ lạ. Cảm giác không có ai bên cạnh, chẳng ai biết mình đang đau ốm để an ủi, động viên cũng rất đáng sợ. Sẽ chẳng còn những tô cháo nóng, những viên thuốc của mẹ, chẳng còn tiếng hỏi han của ba và cũng chẳng có tiếng cười nói, qua lại của mấy đứa em trong nhà.

Lại đến khi gia đình, bố mẹ ốm đau, muốn chạy về thăm bố mẹ. Muốn chăm sóc mấy đứa em, mong muốn có những giờ phút cả gia đình quây quần bên nhau cũng thật khó. Bạn bè vẫn là bạn bè, sau cuộc vui thì ai về nhà nấy. Dù bạn có tốt thì cũng không thể lo cho ta như gia đình. Và bạn cũng còn đi học, chẳng ai có thể vì mình mà đi làm kiếm từng đồng cho ta ăn học.

Thay lời kết

Ai cũng nghĩ, đi du học là sung sướng. Nhưng phải "ở trong chăn, mới biết chăn có rận", mới thông cảm và hiểu hết nỗi khổ của du học sinh. Nếu đang có ý định đi du học ở một quốc gia nào đó, bạn hãy tham khảo ý kiến nhiều người, nhất là gia đình mình. Khi đã quyết định du học thì ý chí và nghị lực học là điều quan trọng hàng đầu đó bạn ạ.

Theo PLXH

Chủ Đề