Cách làm nộm thịt trâu

Đầu bếp Nguyễn Khánh Phương, top 4 Vua đầu bếp Việt Nam 2014 chia sẻ với độc giả Zing.vn nhưng món ăn ngày Tết do cô chính tay thể hiện và trình bày.
Canh bóng thả, xôi hạt dẻ và nộm thịt trâu là 3 món vừa mới vừa cũ nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống trong mâm cỗ của người Việt. Trong ký ức của những người Hà Nội canh bóng là một món ăn không thể thiếu dịp Tết. Canh bóng có sự cầu kỳ trong chế biến, hấp dẫn trong trình bày và có một hương vị rất riêng. Món canh ngọt thanh còn giống như một chiếc chìa khóa mở cánh cửa ký ức của những Hà Nội xưa cũ, nhắc lại một thời bao cấp, chỉ khi nhân được tem phiếu mới mua được một túi hàng Tết, và trong đó bao giờ cũng có một miếng bóng. Ngoài ra, nộm và xôi cũng là các món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Việt mỗi dịp xuân về.

Cách làm một bát canh bóng cũng lắm công phu. Từ một miếng bóng bì lợn đã được nướng phồng, người đầu bếp ngâm nước gạo cho bóng mềm ra rồi tẩy mùi hôi bằng rượu và gừng. Sau khi tẩy sạch mùi, bóng được để ráo rồi phết lần lượt giò sống, trứng, rau củ thái sợi rồi cuộn lại cho chặt và đem hấp cách thủy. Nước dùng phải sử dụng xương gà và tôm khô, ninh trong vòng 1 giờ đồng hồ với lửa nhỏ để đạt được vị ngọt thanh không chút ngấy mỡ đặc trưng của món ăn. Các loại rau củ kèm theo có thể chọn tùy ý thích, nhưng thường là su hào, cà rốt, xúp lơ xanh trắng... Tất cả những củ quả này đều được chần qua trong nồi nước dùng để giữ nguyên được mầu sắc cũng như hương vị.

Nộm cũng là một món ăn quen thuộc trong mâm cỗ ngày xuân. Khi đã quá nhiều món chiên xào được bày ra thì nộm chính là một món chống ngán vô cùng hiệu quả khiến người ăn thêm ngon miệng. Cách làm: su hào, cà rốt thái sợi hơi to hơn bình thường để khi trộn không bị quá ỉu. Rau tía tô và một số loại rau gia vị thái rối trộn cùng. Hành tỏi băm nhỏ thơm phi lên, lạc rang trộn cùng nộm. Trộn tất cả cùng nước mắm, giấm, tỏi ớt. Thịt trâu trộn với dầu ăn, đem xào và trộn với nộm sau cùng.

Ngoài những món xôi quen thuộc như xôi gấc, xôi hoa cau... phổ biến trong ngày Tết, Khánh Phương muốn chia sẻ cho độc giả một món xôi đổi vị, đó là xôi hạt dẻ. Món này vừa lạ miệng, lại chế biến đơn giản. Cô đã nảy sinh ý tưởng trong một chuyến đi thăm Cao Bằng, địa phương nổi tiếng về món hạt dẻ vừa thơm vừa bùi và bổ dưỡng. Gạo nếp ngâm qua đêm đãi sạch, để ráo rồi đem đồ cùng với hạt dẻ đã sơ chế, bóc vỏ. Món xôi này có thể dùng như một món ăn chay ngay sau khi đồ có trộn thêm một chút đường. Nếu ai muốn ăn xôi mặn thì có thể ăn kèm với thịt chim bồ câu băm nhỏ cùng một chút hành khô.

Chủ Đề