Cách mạng hóa trong văn học là gì

Ði tìm nhân vật trung tâm trong văn học


Mặc dù cách khám phá về con người trong văn học hết sức phong phú và đa dạng nhưng dường như thời đại văn học nào cũng cố gắng khắc họa nên những nhân vật thể hiện rõ nhất chân dung tinh thần của thời đại mình. Ðó chính là loại nhân vật trung tâm trong văn học mà trước, nay chúng ta thường nói đến.

Nếu trong văn học trung đại, nhân vật nổi bật nhất trên sân khấu văn học là những bậc chính nhân quân tử: Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình [Nguyễn Ðình Chiểu] thì nhân vật trung tâm của văn học lãng mạn lại là những con người cô đơn, những cái tôi quá khổ trong mối quan hệ với thực tại.

Nếu như nhân vật chính trong văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng là những nạn nhân của xã hội như anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo... thì trong văn học cách mạng sau 1945, nhân vật trung tâm của văn học chính là những con người bình thường mà vĩ đại. Họ hiện lên với tư cách là chủ nhân của thời đại mới: Ngực dám đón những phong ba dữ dội/Chân đạp bùn không sợ các loài sên [Tố Hữu].

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra một trang sử mới đối với lịch sử dân tộc nói chung và đối với văn học - nghệ thuật nói riêng. Gắn liền với thời đại văn học mới là sự xuất hiện của một kiểu nhà văn mới, một nguồn cảm hứng sáng tạo mới và một hệ thi pháp nghệ thuật mới. Các nhà văn luôn ý thức một cách sâu sắc vị thế của mình trong lịch sử: Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu [Xuân Diệu] và luôn luôn nuôi dưỡng một khát vọng: Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát/Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta [Tố Hữu].

Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã khiến cho văn học cách mạng 1945 - 1975 tràn đầy cảm hứng sử thi và lãng mạn. Trong quầng sáng sử thi, nhân vật trung tâm của thời đại là những con người mang trong mình lý tưởng cao cả, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, luôn luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Ðó là Anh hùng Núp trong Ðất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, chị Sứ trong Hòn Ðất của Anh Ðức, chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi hay Khuê, Lữ trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu...

Hình ảnh người anh hùng cũng xuất hiện nhiều trong thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Ðiềm... Họ anh hùng bởi họ biết sống vì nghĩa lớn cho dù đó là gái hay trai, già hay trẻ, sinh ra ở nông thôn hay thành thị...

Khoảng cách giữa nhà văn và nhân vật là khoảng cách sử thi "tuyệt đối" và từ khoảng cách ấy, nhân vật hiện lên đẹp đẽ, quen thân mà kỳ vĩ.

Cuối những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khá nhiều nhà văn đã sử dụng bút pháp huyền thoại hóa để ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh. Rất nhiều nhân vật trong văn học giai đoạn 1945 - 1975 có nguyên mẫu từ ngoài đời.

Ðiều này xuất phát từ quan niệm nghệ thuật, rằng, trước hiện thực lớn lao, vĩ đại của dân tộc, công việc chủ yếu của người cầm bút chính là quá trình tìm tòi, phát hiện những "viên ngọc ẩn giấu" trong cuộc sống để người đọc chiêm ngưỡng và khám phá.

Văn học giai đoạn này để lại nhiều nhân vật khiến người đọc mê say. Nhiều người lính ra trận chuyền tay nhau từng trang tiểu thuyết Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu hoặc say mê những vần thơ được gửi từ chiến trường của nhiều nhà thơ chống Mỹ. Rất nhiều bài thơ kháng chiến đã được phổ nhạc và trở thành những bài hát gắn bó với nhiều thế hệ khác nhau.

Những nhân vật trung tâm của văn học một khi được thể hiện một cách chân thật và sâu sắc sẽ tái hiện được chân dung tinh thần của thời đại, đồng thời có tác dụng hết sức to lớn trong việc bồi dưỡng tinh thần và lẽ sống của con người.

Sau năm 1975, cuộc sống thời kỳ sau chiến tranh đặt ra những vấn đề mới và nhà văn cũng bắt đầu chuyển hướng quan tâm của mình đến những đề tài mới. Cảm hứng thế sự trở nên nổi bật.

Giờ đây, con người được miêu tả trong muôn vàn các mối quan hệ đan xen phức tạp. Cơ chế thị trường cũng như sự thay đổi các giá trị, nếp sống, thị hiếu thẩm mỹ... đã tác động đến ngòi bút của các nhà văn, buộc họ phải thay đổi cái nhìn về cuộc sống. Ðứng trước biển, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Cha và con và... của Nguyễn Khải, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường... đã miêu tả những đổi thay trong cuộc sống bằng cái nhìn khá khách quan và riết róng.

Trong mỗi một nhân vật không chỉ có một mặt tốt hay xấu mà nhiều khi cái tốt và cái xấu cùng song song tồn tại. Với cái nhìn đa dạng và mới mẻ, các nhà văn vừa quan tâm phần ý thức vừa chú ý đến chiều sâu vô thức của nhân vật.

Không bằng lòng với kiểu phản ánh hiện thực đơn giản, nhiều cây bút đã nỗ lực khai thác chiều sâu bí ẩn của con người, phân tích và "giải phẫu" nhân vật bằng nhiều cách thức, nhiều giọng điệu khác nhau. Trong nhiều tác phẩm văn xuôi, tính ẩn dụ được chú trọng. Chính điều này đã khiến cho tác phẩm trở nên đa nghĩa và văn bản nghệ thuật trở thành một cấu trúc đối thoại cao. Theo đó, nhà văn đang thực hiện cuộc trò chuyện với độc giả qua văn bản nghệ thuật do chính họ tạo nên.

Tuy nhiên, đúng như nhiều người nhận xét, văn học sau 1975 chưa tạo nên được những nhân vật tiêu biểu cho thời đại hôm nay. Không ít người tỏ ra lo lắng trước một thực tế: văn học đang nghiêng quá nhiều về nỗi buồn mà quá hiếm niềm vui.

Nhà văn Nguyễn Ðình Thi có lần lưu ý, nếu không khéo văn học lại rơi vào một kiểu "minh họa" mới. Nếu trước đây, một số nhà văn chạy theo lối minh họa "tô hồng" thì nay một số nhà văn lại rơi vào tình trạng minh họa những mặt tiêu cực của đời sống.

Thực ra, với tư cách là một sản phẩm tinh thần, văn học có quyền nói về nỗi buồn, thậm chí cả niềm thất vọng của nhà văn trước thế thái nhân tình. Ðó là những nỗi buồn cao cả, những nỗi buồn có khả năng tạo nên sự "thanh lọc" nếu người cầm bút mang trong mình tấm lòng "cảm tới nghìn đời".

Nhưng như thế rõ ràng chưa đủ. Văn học còn phải biết khơi dậy ở con người niềm tin, tình yêu cuộc sống bằng những nhân vật mang trong mình những khát vọng lớn, có ý thức vươn tới cái toàn thiện, toàn mỹ. Ðây không hề là một vấn đề xưa cũ mà là một yêu cầu quan trọng của cuộc sống.

Ðến nay chắc không còn mấy ai nghĩ một cách đơn giản rằng, hiện thực trong tác phẩm văn học nhất thiết phải giống như hiện thực ngoài đời. Nhưng cũng sẽ rơi vào cực đoan nếu chúng ta không thừa nhận một thực tế, văn chương phải thể hiện được những âm vọng khác nhau của đời sống. Nghĩa là, dù viết về đề tài nào, dù tái hiện hiện thực bằng bút pháp nào, dù hình thức biểu hiện có mới mẻ đến đâu thì rốt cuộc văn chương vẫn phải quay về chuyện đời, chuyện người.

Những kiệt tác văn học xưa nay bao giờ cũng là những tác phẩm thể hiện một cách sâu sắc nhất thân phận con người. Thậm chí, ngay cả khi phải sống trong tuyệt vọng, con người vẫn phải biết hy vọng. Hy vọng ấy sẽ làm cho con người biết tin yêu vào cuộc sống bằng một niềm tin sâu sắc.

Nhân vật văn học là con đẻ tinh thần của nghệ sĩ, nhưng mặt khác, nó còn là sản phẩm tinh thần của thời đại. Không thể phủ nhận rằng, văn học Việt Nam vài ba thập niên qua đã cố gắng vươn tới một mặt bằng nghệ thuật mới, nhưng rõ ràng chúng ta chưa có được những tác phẩm đỉnh cao, khiến người đọc thật sự "tâm phục, khẩu phục" trước tài nghệ của nhà văn. Tâm lý sốt ruột về những đỉnh cao văn học không chỉ xuất hiện ở giới sáng tác mà còn xuất hiện ở người thưởng thức.

Nguyên nhân có nhiều nhưng tôi nghĩ, việc văn học Việt Nam hiện nay chưa tạo nên được những kết tinh nghệ thuật thật sự tầm cỡ xứng đáng với công cuộc đổi mới của đất nước cũng bởi chúng ta chưa tạo nên được những nhân vật có khả năng xuyên qua sự đãi lọc khắc nghiệt của thời gian như L.Tolstoi đã làm được trong Chiến tranh và hòa bình, Dostoievski đã làm được trong Tội ác và hình phạt, V.Hugo với Những người khốn khổ...

Nói khác đi, người đọc vẫn chưa nhìn thấy những nhân vật trung tâm trong văn học. Ðó phải là những con người biết hướng tới những lý tưởng cao cả, có đời sống nội tâm phong phú, chứa trong đó những "vui buồn thời đại" và nhất là thể hiện được sự đi lên của đất nước.

Tất nhiên, việc tạo nên những nhân vật trung tâm mang tính tư tưởng và nghệ thuật cao không đồng nghĩa với việc nhà văn đưa ra những tiêu chí đạo đức và cố công nặn ra những nhân vật nhằm đáp ứng cho những tiêu chí chủ quan của mình.

Nhân vật trung tâm của văn học chỉ có thể xuất phát từ quan niệm sâu sắc của nhà văn về con người, khả năng thấu thị thế giới của họ. Ðó là những nhân vật có khả năng khái quát một cách sâu nhất trạng thái tinh thần của thời đại mình. Chỉ một khi tạo nên những nhân vật như thế, nhà văn mới thật sự chinh phục được độc giả.

NGUYỄN ÐĂNG ÐIỆP

Video liên quan

Chủ Đề