Cách review cv hiệu quả nhất

Tới đây chắc nhiều bạn cũng đã rất nóng lòng muốn nộp đơn vào consulting rồi. Vậy nên trong bài review này, mình sẽ kể về quá trình nộp đơn của mình và một số kinh nghiệm đúc rút ra được trong quá trình đó.

3 vòng tuyển dụng của Management Consulting

Nhìn chung tuyển dụng của Management Consulting có 3 vòng: CV – Online Test – Case Interview.

Trong bài viết này mình sẽ chỉ nói về phần đầu tiên – gửi CV.

Vòng CV theo mình nghĩ là… vòng khó nhất. Chỉ đơn giản đây là vòng mình có ít kiểm soát nhất so với các vòng còn lại. Online test và Case Interview, dù quả là khó thật nhưng nhìn chung đều là những bài test ‘tiêu chuẩn’, nếu bỏ ra công sức luyện thì cũng có thể làm chủ được. Trong khi đó vòng CV lại phụ thuộc vào bộ phận tuyển dụng có xem đến CV của bạn trong hàng ngàn CV gửi đến với những profile lung linh như nhau.

2 điều sẽ giúp các bạn có thể nổi bật được trong vòng CV

Tip 1: CV phải “nói” điều Consulting muốn nghe

Về mặt cốt lõi, Consulting là Problem-solving. Vậy nên dù bạn là ai, hãy chia sẻ về một vấn đề lớn mà bạn gặp phải, và bạn đã cấu trúc và giải quyết chúng ra sao. Bạn đã điều phối những nguồn lực mà bạn có để giải quyết vấn đề đó như thế nào.

Dưới đây là đoạn mô tả về một phần công việc của mình tại Nielsen, mà mình đã được hỏi, và có cơ hội trình bày khá nhiều trong các vòng phỏng vấn.

“Product manager: created and commercialized new research solution by applying machine learning in catchment analysis, achieved $200k and growing.”

Mình xin phép nhấn mạnh:

Problem-solving là điều-quan-trọng-nhất trong CV vào ngành. Nó không nhất thiết phải đến từ kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại công ty. Có rất nhiều Consultant được tuyển từ Fresh Graduate, tức chưa có kinh nghiệm làm việc full-time, từ những ngành tưởng chừng như rất không liên quan đến kinh doanh như Kỹ sư hàng không, Toán, Kỹ sư cơ khí, Y khoa. Tuy nhiên thử nghĩ thì mình thấy các bạn này có thể vào được, và tốt nghiệp được, hạng ưu, ở những top school, của những ngành khó nhằn nhất, thì chắc Management Consulting cũng không đến nỗi quá khó.

Ngoài ra, các kỹ năng sau sẽ là điểm cộng, cho tính tương đồng về công việc, nếu bạn có kinh nghiệm việc full-time.

  • Kinh nghiệm truyền đạt thông tin bằng slide Powerpoint
  • Kinh nghiệm thuyết trình và làm việc với các senior stakeholder là khách hàng bên ngoài hoặc trong công ty
  • Kinh nghiệm phân tích tài chính bằng Excel
  • Kinh nghiệm Project Management

Tip 2: Có referral chất lượng

Cũng giống như những ứng viên khát khao vào những công ty tư vấn chiến lược hàng đầu, các công ty tư vấn chiến lược cũng rất mong muốn tìm được những con người tốt nhất, vì cuối cùng, giá trị cốt lõi của ngành tư vấn chiến lược chính là những người tốt nhất giải quyết những vấn đề hóc búa nhất.

Cộng thêm với việc đơn nộp thì nhiều, mà nhân sự review thì hạn chế, Management Consulting thường yêu thích tuyển người từ những network đáng tin cậy, để có thể review một số ít CV hơn với chất lượng tốt hơn. Network đáng tin cậy mình muốn nhắc đến là:

  1. Các trường đại học hàng đầu: Havard, Stanford, Cambridge, London Business School, INSEAD,… Tất cả các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu đều có chương trình tuyển dụng ngay tại trường ở cả bậc đại học lẫn MBA.
  2. Trusted network: Ngày xưa chị recruiter của BCG có gửi một email quảng bá tuyển dụng cho group AmCham Alumni. Dù không trong AmCham, may sao có một bạn fwd mail vào trong group lớp đại học của mình. Thế là mình gửi CV/Cover Letter qua chị recruiter thông qua loop mail đó và có cơ hội được review CV. Ngoài ra theo mình biết SEO-V, AIESEC là một số network mà chị recruiter tại VN quảng bá thông tin đăng tuyển. Với niềm tin đây là những network có thành viên có chất lượng và hứng thú với Consulting.
  3. Staff referral: Điểm ra ở hàng thứ ba, chứ theo mình biết đây là kênh hiệu quả nhất để có được cơ hội review CV. Đơn giản là Consultant không dễ đưa bất kì CV nào cho HR, mà không ít nhất biết bạn ấy bên ngoài, và nhìn qua CV của bạn ấy. Đã vậy nhân viên trong công ty cũng sẽ giúp follow-up, hỏi xem tiến độ review dù đậu hay rớt, giúp ứng viên chủ động hơn, thay vì đôi khi phải chờ vài tháng trời trong im lặng không hồi đáp. Thực ra không chỉ Consulting, đây là chiến lược nộp đơn hiệu quả nhất cho mọi công ty, vì các công ty thực sự tin tưởng vào khả năng nhìn và tiến cử người của nhân viên của chính công ty mình.
  4. Apply trực tiếp: Dành cho 99.9% ứng viên, quả thật không phải ai cũng có thể áp dụng 3 cách trên, vậy nên lời khuyên duy nhất là chủ động – chủ động – chủ động. Ngoài chuyện nộp đơn trực tiếp trên hệ thống, gửi mail trực tiếp cho recruiter, bạn cũng có thể tăng cơ hội bằng việc tham gia các sự kiện / hội chợ mà các công ty management firm tham dự. Mang CV theo, dành thời gian nói chuyện với anh chị tuyển dụng, chuẩn bị elevator pitch vì sao họ nên lưu tâm đến bạn. Mình có dịp đi một hai sự kiện recruitment của công ty, và gặp rất nhiều bạn chủ động tìm hiểu và quảng bá bản thân hiệu quả.

Bài này đã dài rồi nên mình sẽ nói về 2 vòng sau của quá trình application ở bài viết tới nhé. See ya!

Chủ Đề