Cách xử lý lan Mokara mới mua về

Tin tứcNgày: 14-07-2020 bởi: Nguyễn Thanh Vũ

XỬ LÝ LAN MỚI MUA VỀ NHƯ THẾ NÀO?

Sau khi mua lan từ bên ngoài về, mình chắc chắn rằng có rất nhiều người loay hoay không biết cách xử lý như thế nào? Sau đây EASYPLANT sẽ chia sẻ cách xử lý cây hoa lan khi mới mua cho mọi người tham khảo nhé.

Khi mới nhận được hàng chắc chắn đa phần bạn sẽ thấy cây không được tươi tốt cũng như đẹp như lúc xem live hoặc trên hình, vì thế có rất nhiều bạn sẽ vội vàng trồng vào chậu luôn hay vội vàng ghép lên giá thể vì sợ lan sẽ chết héo. Bạn đang mắc sai lầm rồi đó, cây trông như vậy chỉ là do thời gian và quá trình vận chuyển làm cho cây bị mất nước, dẫn đến cây khô héo, rễ bị gãy gập, chứ cây lan hoàn toàn ổn, không sao cả.

Muốn trồng hay ghép lan thìbạn phải trải qua các giai đoạn xử lý sau đã:

Bước 1: Phơi lan.

Lan vừa mua về, bạn cần treo lan vào chỗ râm mát vài hôm để lan quen với khí hậu vườn nhà thay vì trồng luôn lan vào chậu.

Bước 2: Xử lý rễ.

Bạn cần cắt bỏ rễ đã chết, rễ đen, nếu bộ rễ quá dài nên cắt ngắn. Sau đó phun nước rửa sạch cây rồi treo ngược nơi khô mát, tránh ánh nắng, cần treo vài ngày [phụ thuộc vào mùa nắng hay mưa thì treo khoảng 4 - 7 ngày]. Hàng ngày bạn cần phun sương giữ ẩm cho cây.

Bước 3: Ngâm nước phòng bệnh cho cây lan.

Để giúp loại bỏ hầu hết các mầm mống bệnh cho cây lan ta có thể sử dụng các loại thuốc thông dụng như physan 20sl để phòng thối nhũn và diệt khuẩn cho cây, việc này rất quan trọng, giúp cho cây có thể loại bỏ hầu hết các mầm mống gây hại cho cây, đặc biệt là ở mùa xuân, mùa mà cây đâm chồi nảy lộc, mùa mưa ẩm nhiều, lan rất dễ bị bệnh.

Sau khi ngâm, bạn cần treo ngược 2 đến 3 tiếng để lan ráo nước [ Bắt buộc phải treo ngược nhé, vì treo xuôi nước sẽ đọng ở các kẽ lá quá lâu sẽ là môi trường lý tưởng cho nấm và vi khuẩn phát triển đó].

Bước 4: Kích rễ cho lan.

Sau khi đã tiến hành xử lý hết toàn bộ những bộ rễ hư hại cũng như xử lý song các phần mầm bệnh, lúc này ta cần tiến hành kích thích rễ cho cây, giúp cây nhanh chóng ra bộ rễ mới hơn, bạn có thể sử dụng các loại thuốc kích rễ thường dùng hiện nay như vitamin B1.

Thuốc phải dùng đúng liều lượng được ghi trên vỏ chai thuốc và sau đó ngâm lan, cho ngậm cả thân và rễ vào trong nước, ta ngâm từ 2-3 tiếng rồi lại treo ngược lên và để nơi thông thoáng mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời và mưa [Lưu ý: không để ngập mầm non trong hỗ hợp nếu có].

Bước 5: Chăm sóc khi rễ lan bắt đầu nhú.

Sau khoảng thời gian ngâm thuốc kích rễ thì ta treo ngược cây lên và mỗi ngày phun xương 2 lần sáng - tối và tầm 2-3 ngày ta lại phun thêm thuốc kích rễ cho cây, giúp cây nhanh ra bộ rễ mới hơn.

Tùy thuộc vào cây khỏe hay cây yếu và từng loại giống lan khác nhau, nhanh thì tầm 3-4 ngày lâu thì 7-10 ngày cây sẽ bắt đầu ra bộ rễ mới, khi bộ rễ của cây nhú từ 1-2cm ta có thể tiến hành ghép vào gốc cây hoặc trồng vào chậu.

Một số chú ý khi trồng hoặc ghép lan:

1. Phải xử lý giá thể trước khi trồng.

2. Nếu bạn trồng lan vào chậu cần đặt phần gốc nhô cao, không nên để gốc ngập sâu trong giá thể vì dễ bị thối úng gốc và mắc nấm bệnh.

3. Nếu ghép vào thân cây, dớn, lũa nên lót 1 lớp xơ dừa mỏng hoặc dớn mềm ướt để ngăn chặn việc giá thể khô hút ngược nước từ rễ.

4. Đối với loại phong lan đơn thân, rễ gió tốt nhất để nhú rễ mới ghép.

5. Thời gian sau khi ghép đến khi cây nhú rễ và nảy mầm, vẫn cần treo cây vào chỗ râm mát, tránh để nắng mưa tiếp xúc trực tiếp.

Video liên quan

Chủ Đề