Chinh phụ và chinh phụ là gì

I. Tiểu dẫn

- Đặng Trần Côn sống vào khoảng đầu thế kỉ XVIII, là người hiếu học, tài ba. Quê ở làng Nhân Mục [làng Mọc], huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

- Ngoài tác phẩm Chinh phụ ngâm, ông còn làm thơ chữ Hán và viết một số bài phú chữ Hán.

- Đầu đời Lê Hiển Tông, xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân quanh Thăng Long, triều đình cất quân đánh dẹp nên nhiều trai tráng phải ra trận. Cảm động trước nỗi khổ đau mất mát của những người vợ trong chiến tranh, ông đã sáng tác Chinh phụ ngâm gồm 476 câu thơ theo thể trường đoản cú.

- Dịch giả Đoàn Thị Điểm [1705 - 1748], hiệu Hồng Hà nữ sĩ, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc [nay thuộc Hưng Yên].

- Bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm viết theo thể thơ song thất lục bát [4 câu một khổ], kết hợp vần chân và vần lưng, vần trắc với vần bằng.

- Bản dịch Chinh phụ ngâm đánh dấu đỉnh cao về ngôn ngữ văn học tiếng Việt. Tác phẩm có giá trị tố cáo chiến tranh, bênh vực quyền hạnh phúc của người phụ nữ.

- Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ tố cáo chiến tranh phong kiến qua việc miêu tả thế giới nội tâm; nỗi lòng người chinh phụ trong cảnh lẻ loi, cô đơn, đồng thời thể hiện khát vọng mãnh liệt được sống trong tình yêu và hạnh phúc.

- Đoạn trích miêu tả tâm trạng đau khổ, sầu muộn của con người. Lời than trực tiếp của nhân vật trữ tình với cách dùng ngôn ngữ, các biện pháp tu từ, nhất là những từ láy và phép điệp ngữ liên hoàn đã tạo nên giọng điệu bi thiết của đoạn trích. Là lối tả cảnh ngụ tình sâu sắc...

II. Văn bản [SGK]

1. Các yếu tố ngoại cảnh có tương quan với tâm trạng người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố.

- Hai khổ thơ đầu vẽ lên hình ảnh người chinh phụ lẻ loi ở mọi nơi, mọi lúc: Lẻ loi trong căn phòng vắng, lẻ loi khi bước ra ngoài, lẻ loi ban ngày và lẻ loi, cô độc hơn trong cảnh đêm khuya.

- Người chinh phụ hết đứng lại ngồi, dạo quanh hiên vắng, gieo từng bước nặng nề, tấm rèm thưa hết buông xuống [rủ] lại cuộn lên [thác] nhiều lần, đặc biệt hình ảnh đối bóng với ngọn đèn trong căn phòng vắng đã tả cảnh lẻ loi, đơn chiếc. Hai khổ thơ kết thúc bằng một câu cảm thán với hai hình ảnh hoa đèn' và bóng người.

Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

2. Những dấu hiệu cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ.

- Ở khổ thơ thứ ba, tác giả xếp hai cảnh lẻ loi: Ban đêm [Gà eo óc gáy sương năm trống] và ban ngày [Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên] cạnh nhau gợi cảnh lẻ loi, nỗi thất vọng triền miên, dằng dặc. Điều đó được tô đậm bằng hai hình ảnh so sánh Khắc chờ đằng đẵng như niên và Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa. Một so sánh với chiều dài thời gian và một so sánh với chiều rộng không gian. Hai từ láy đằng đẵng, dằng dặc càng như kéo dài, mở rộng nỗi cô đơn sầu muộn đến muôn trùng.

- Khổ thơ thứ tư diễn tả những gắng gượng của người chinh phụ mong thoát khỏi vòng vây cô đơn nhưng không thoát nổi [gượng đốt hương, gượng soi gương, gượng gảy khúc sắt cầm], nước mắt cứ đầm đìa. Những chữ gượng thật nặng nề, thật xót xa.

- Sang khổ thơ thứ năm và khổ thơ thứ sáu, tác giả đặt nhân vật trữ tình trong không gian có ý nghĩa phóng dụ gió đông, non yên, đường lên bằng trời... Tứ thơ toát ra khỏi căn phòng nhỏ hẹp, vươn ra không gian bát ngát, thăm thẳm. Thần sắc đoạn thơ tập trung ở những từ láy đằng đẵng, thăm thẳm, đau đáu, thiết tha, nỗi nhớ vì thế có chiều dài, độ cao, độ sâu, có mệt mỏi héo mòn, có vời vợi mênh mang, có lo lắng day dứt và có chà xát, cắt cứa đau đớn. Đoạn thơ diễn tả trực tiếp nội tâm nhân vật trữ tình. Cách điệp vần, điệp liên hoàn cộng hưởng với không gian và tâm trạng tạo âm hưởng lan tỏa triền miên, không dứt, nỗi buồn như ôm trùm cả vũ trụ khôn cùng...

- Hai câu cuối đoạn miêu tả cảnh cành cây ướt đẫm sương đêm, tiếng côn trùng rên rỉ phun lên từ ruột đất. Người chinh phụ lọt thỏm vào đêm. Cảnh sương tuyết gió mưa buốt giá đồng hành với nỗi buốt giá lạnh lẽo của lòng người.

3. Vì sao người chinh phụ đau khổ?

- Đoạn trích diễn tả nỗi đau khổ mọi nơi, mọi lúc của người chinh phụ, đau khổ trải ra trong không gian và dằng dặc theo thời gian. Nàng nhìn đâu cũng chỉ thấy tình cảnh lẻ loi, nỗi lạnh lẽo buốt giá từ cõi lòng trùm lên ngoại cảnh, len lỏi vào các sự vật... khiến nàng thốt lên những lời sầu tủi bi thiết.

- Nguyên nhân dẫn tới nỗi đau khổ của người chinh phụ là do chồng nàng đi chinh chiến đã mấy mùa xuân bặt vô âm tín. Ngượi chinh phụ đã phải chờ đợi... chờ đợi... và chờ đợi đến héo mòn tuổi xuân, tưởng có lúc tuyệt vọng hoàn toàn. Người chinh phụ càng khao khát đoàn tụ, khao khát cuộc sống vợ chồng bao nhiêu lại càng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng bấy nhiêu.

- Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nỗi đau khổ của người chinh phụ chính là cuộc chiến tranh phi nghĩa mà vì nó vợ chồng phải xa nhau, bao gia đình tan nát, bao tổ ấm trở nên lạnh lẽo. Bi kịch của người chinh phụ có ý nghĩa tố cáo mạnh mẽ chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đồng thời toát lên tiếng nói nhân đạo lớn lao của tác phẩm.

4. Xác định những câu thơ là lời nói của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó.

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

Lòng này gửi gió đông có tiện

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Việc đưa những lời trực tiếp đó làm cho lời văn trở nên sinh động hơn và góp phần làm nổi bật bi kịch tinh thần của người chinh phụ.

5. Nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát, so sánh với các thể thơ mà anh [chị] biết.

- Thể thơ song thất lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc ta. Bản thân cách cấu tạo câu thơ và vần luật của nó cũng đã tạo nên một thứ nhạc điệu lên bổng xuống trầm linh hoạt, có khả năng diễn tả tài tình những cung bậc khác nhau của tâm trạng con người, Phan Huy Thực cũng đã dịch Tì bà hành của Bạch Cư Dị sang thể thơ này. Nguyễn Du dùng thể thơ này để khóc cho thập loại chúng sinh trong Văn chiêu hồn...

- Chinh phụ ngâm là khúc ngâm dài, diễn tả mọi cung bậc của nỗi buồn triền miên ở người chinh phụ. Nguyên tác của Đặng Trần Côn được viết bằng chữ Hán, theo thể đoản trường cú [câu ngắn, câu dài xen nhau]. Dịch giả Đoàn Thị Điểm đã dịch tác phẩm của Đặng Trần Côn sang bản chữ Nôm với thể thơ song thất lục bát.

- Nếu khúc ngâm được viết bằng thể thơ khác thì chắc chắn hiệu quả biểu đạt sẽ không bằng thể song thất lục bát. Gần với thể thơ này là thể thơ lục bát, Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng thể thơ này vì đó là một tiểu thuyết bằng thơ. Chinh phụ ngâm là một khúc ngâm có tính độc diễn tâm trạng. Nếu sử dụng thể thơ lục bát sẽ không tránh khỏi giọng đều đều bằng phẳng. Thể song thất lục bát đã khắc phục được điều đó.

- Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ngoài nhạc điệu vốn có của thể thơ song thất lục bát, giọng sầu thương bi thiết còn được tạo nên bởi cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh có giá trị gợi tả nỗi buồn, tình cảnh lẻ loi; các từ láy cùng với biện pháp điệp từ ngữ.

Bài tập

Bạn chưa đăng nhập !

Vui lòng đăng nhập trước khi thực hiện thao tác này.

Video liên quan

Chủ Đề