Chóng giặc ngoại xâm của nhà nước văn lang

Lễ hội không những là sợi dây thắt chặt sự đoàn kết trong mỗi cộng đồng về mặt dân tộc học, mà còn là biểu trưng của dân tộc đó về mặt văn hóa học. Đồng thời, là sự tập trung những tinh túy về bản lĩnh trí tuệ của dân tộc, giúp cho mỗi người trở về với truyền thống, cội nguồn. Lễ hội Đền Hùng là một trong những Lễ hội lớn nhất của dân tộc Việt Nam, phản ánh đầy đủ những giá trị nhân văn sâu sắc đó.

Quang cảnh buổi hành Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương [Ảnh: TTĐN]

Lễ hội Đền Hùng là dịp giỗ Tổ thiêng liêng1 - ngày văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam được tổ chức quy mô cấp quốc gia. Năm 2005, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính thức trở thành Quốc lễ. Hằng năm vào dịp cuối mùa Xuân, nhân dân cả nước nô nức hành hương hướng về đất Tổ, tưởng niệm các vua Hùng - dòng vua mở nước và dựng nghiệp, lập ra nhà nước Văn Lang cổ đại. Đây là một trong những ngày hội lớn nhất của dân tộc Việt Nam; một hình thức thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của “con Lạc, cháu Hồng” phản ánh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, được khắc sâu trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử, cũng như ở hiện tại và tương lai.

Thứ nhất, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống Lạc Hồng. Lịch sử thời đại Hùng Vương là những trang sử đầu tiên của lịch sử Việt Nam, “Nước Việt Nam ta về đời Hồng Bàng [2897 - 258, trước công nguyên] gọi là Văn Lang…”2; thời đại mang trong đó cả tương lai của dân tộc. Nói một cách khác, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: kiên cường, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm, đoàn kết dân tộc để dựng nước và giữ nước, cần cù lao động, giàu tính sáng tạo, sinh hoạt giản dị,… được khai hoa, kết trái trong các thời kỳ lịch sử sau này, nhưng đều có mầm mống nảy nở từ thời đại Hùng Vương. Đặc biệt, cũng trong thời đại Hùng Vương, tên nước Văn Lang ra đời và trở thành quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Cổ sử ghi rằng, Văn Lang là một đất nước có lãnh thổ xác định, trải dài trên lưu vực 4 con sông: sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Lam. Người Văn Lang thuộc dân tộc Lạc Việt, vốn là dân tộc định cư. Các tài liệu khảo cổ học và dân tộc học còn thống nhất cho rằng, làng xã là sự bắt đầu của nhà nước Văn Lang. Làng xã hình thành trong quá trình liên hiệp tự nguyện giữa những người nông dân lao động trên con đường chinh phục những vùng đất gieo trồng. Ở đấy, họ phải chiến thắng đồng lầy, hoang rậm và khai thác nguồn tài nguyên của biển cả; phải chiến đấu liên tục, bền bỉ và rất gan dạ để chống thiên tai, giặc ngoại xâm,… bảo đảm cuộc sống chung và sự an ninh có tính chất hàng ngày. Vì lẽ đó, từ rất sớm các làng xã, bộ lạc hợp thành nước Văn Lang. Đây cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa dân tộc định cư và di cư: người định cư gắn bó với quê hương hơn người di cư. Tình cảm yêu nước bắt đầu từ đó, từ lúc các bộ lạc Lạc Việt hợp thành nước Văn Lang. Xã hội nhà nước Văn Lang có nền văn hóa đồng thau rực rỡ, nền nông nghiệp và luyện kim phát triển. Cho dù chế độ xã hội Nhà nước Văn Lang đã phân chia giai cấp, nhưng sự phân chia ấy chưa thật sâu sắc, các vua Hùng rất quan tâm đến đời sống của nhân dân. Đó là những con người cần cù lao động, sinh hoạt giản dị, yêu nghệ thuật và có tài sáng tạo nghệ thuật. Trung tâm sinh hoạt nghệ thuật của nhân dân nước Văn Lang và nước Âu Lạc là làng xã. Những ngày hội trong làng là dịp để cho mọi người đua nhau biểu diễn tài nghệ ca hát, nhảy múa. Làng còn là trung tâm sáng tác các truyện thần thoại và truyện cổ tích có giá trị, truyền lại tới ngày nay. Trống đồng là một nhạc khí tiêu biểu và điển hình về nhiều mặt của thời đại Hùng Vương. Nhìn vào các hoa văn in trên mặt trống đồng mang tính nghệ thuật, vừa hiện thực vừa cách điệu, ta thấy như Tổ tiên còn bên cạnh, đang chèo đò, giã gạo, ca múa, chiến đấu.

Thứ hai, biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng. Theo truyền thuyết, người Việt Nam có cha là Lạc Long Quân và mẹ là Âu Cơ. Mẹ Âu Cơ được coi là Tổ Mẫu của cộng đồng người Việt Nam. Mẹ sinh một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con. Khi các con lớn lên, người cha đưa 50 người con xuống biển; người mẹ đưa 50 người con lên núi, hình thành dân tộc, lập nên quốc gia, với lời tâm huyết dặn dò muôn đời con cháu phải thương yêu đùm bọc nhau như ruột thịt thì mới tồn tại mãi mãi trong danh dự. Người Việt gọi nhau là đồng bào với ý nghĩa đất nước chẳng những là ngôi nhà chung mà còn là cái nôi chung của tất cả cộng đồng người Việt. Thực tế, trong xã hội thời đại Hùng Vương, số phận cá nhân gắn với số phận tập thể bởi hoàn cảnh địa lý tự nhiên của đất nước tuy có nhiều thuận lợi, như: đất đai phì nhiêu, lúa nước và dâu tằm được trồng từ rất sớm, sông lạch, ao hồ lắm tôm cá, rừng lắm gỗ quý, dưới đất có nhiều kim loại,… nhưng cũng có rất nhiều khó khăn bởi thiên tai, địch họa. Trước hoàn cảnh điều kiện địa lý tự nhiên của đất nước có nhiều thử thách như vậy đòi hỏi người dân Văn Lang, Âu Lạc phải hiệp đồng, đoàn kết để đắp đê phòng lụt, trị thủy, cùng nhau chống ngoại xâm.

Thực tiễn lịch sử đã chỉ rõ, chính nhờ ý thức đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, nên khi quân Tần phát động chiến tranh xâm lược trong thế kỷ thứ III [Tr.CN], người Việt đã dũng cảm đứng lên đánh bại kẻ thù. Đó chỉ là một minh chứng cụ thể về tinh thần cố kết cộng đồng người Việt cổ, mà không phải nước cổ đại nào thời kỳ đó cũng được như đất nước Văn Lang: sinh tồn bền vững lâu dài, cương vực ổn định, hình thành bằng sự hợp nhất tự nguyện của các tập đoàn ở gần bên nhau. Sự cố kết cộng đồng, niềm tự hào về nòi giống Lạc Hồng đã thúc giục người Việt chiến đấu bảo vệ cái “nôi chung” là đất nước. Trong khi đó, nhiều nước cổ đại khác có đời sống ngắn ngủi, cương vực thay đổi lớn tùy may rủi của chiến sự, chiến tranh thôn tính là nguồn gốc chính của sự hình thành, phần lớn hay hầu hết các nước đó. Đây cũng chính là lời nhắn nhủ của tiền nhân đối với các thế hệ Việt Nam mai sau“dựng nước đi đôi với giữ nước”.

Thứ ba, tiếp thu tư tưởng tiến bộ của Tổ tiên. Ngay từ các triều đại phong kiến kế tiếp thời đại Hùng Vương cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi gian nguy, dựng nước luôn gắn liền với giữ nước. Đó là yếu tố căn bản để các thế hệ người Việt Nam giữ cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn. Thực tiễn đã chứng minh, công cuộc dựng nước đi đôi với giữ nước trở thành quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta với những cột mốc lịch sử. Trong thời cổ đại [trước thế kỷ X], là quá trình dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương - An Dương Vương và hơn 1.000 năm đấu tranh chống Bắc thuộc. Thời trung đại, bắt đầu từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, tức là thời đại phong kiến với bao thành quả dựng nước, giữ nước trong quá trình hình thành và phát triển của nó. Thời cận đại, bắt đầu từ khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, với quá trình gần 100 năm đấu tranh giải phóng dân tộc trong hoàn cảnh xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Thời hiện đại, tức thời đại Hồ Chí Minh, mở đầu bằng Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 cùng bao chiến thắng vẻ vang trong 30 năm chiến tranh cách mạng, cũng như những thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong, khi Người đến thăm Đền Hùng [năm 1954] “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”3. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đứng trước nhiều vận hội thời cơ và thách thức đan xen. Mặc dù, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, dễ gây mất ổn định. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, tranh giành sự ảnh hưởng; chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền diễn ra gay gắt; xung đột vũ trang, khủng bố, tấn công mạng và những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trên Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị và chủ quyền đất nước. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, cuộc sống bình yên của nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng ta xác định: “Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là quy luật phát triển của cách mạng nước ta”4; “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”5.

Thực hiện đường lối chiến lược “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, các cấp ủy đảng, chính quyền đã và đang tích cực thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm cho mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Đồng thời, có cơ chế, biện pháp cụ thể, phù hợp để nhân dân bày tỏ chứng kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam trong và ngoài nước tạo sức mạnh tổng hợp, dưới sự lãnh đạo của Đảng phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

HÀ THÀNH _________

1 - Nghi lễ truyền thống giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10-3 [âm lịch] hằng năm.

2- Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, H. 2005, tr.11.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 59.

4 - ĐCSVN - Ban Chấp hành Trung ương - Ban Chỉ đạo tổng kết - Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới [1986 - 2016], Nxb CTQG, H. 2015, tr. 179.

Chủ Đề