Dám nghĩ dám làm trong cán bộ đoàn là gì

Bài viết làm rõ hơn đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và một số giải pháp nhằm tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay.

Quan điểm của Đảng ta về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ những năm đổi mới đất nước

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức [CBCC] có phẩm chất và năng lực lãnh đạo, quản lý ngang tầm nhiệm vụ. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng nêu rõ: “Đổi mới đội ngũ cán bộ có nghĩa là đánh giá, lựa chọn, bố trí lại, đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ có đủ những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực lãnh đạo, quản lý, ngang tầm nhiệm vụ”[1]. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới cán bộ và công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vững mạnh và đồng bộ, bao gồm cán bộ lãnh đạo chính trị, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kinh doanh, chuyên gia trên các lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thực hiện được sự chuyển tiếp vững vàng các thế hệ cán bộ”[2].

Nghị quyết số 03-NQ/HNTW Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững độc lập tự chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng xác định mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức, kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”[3]. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII khẳng định: “Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới”[4].

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII nêu rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”[5].

Yêu cầu của thực thi công vụ trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đòi hỏi mỗi CBCC phải thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, năng động trong thực thi công vụ; thể hiện sự chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, luôn có những hành động tích cực, làm việc một cách nhiệt huyết, luôn cố gắng làm mọi việc hết sức để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đổi mới, sáng tạo, năng động là phẩm chất cần thiết để CBCC vượt qua ràng buộc của hoàn cảnh, để đạt được mục đích và kết quả cao, tạo ra những thành tích vẻ vang, mang lại vinh dự cho bản thân, gia đình và xã hội. Phẩm chất đổi mới, sáng tạo, năng động của cán bộ, công chức thể hiện ở những điểm sau: luôn chủ động tìm kiếm cơ hội, không thụ động, ỷ lại; không ngừng tìm kiếm và đưa ra những cái mới, không ngừng phát triển các ý tưởng mới, tiên phong, độc đáo, táo bạo; dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử sức, dám đương đầu với khó khăn; quyết liệt trong hành động, dám chịu trách nhiệm về hoạt động của mình; luôn tìm cách thay đổi để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn; xử lý mọi vấn đề một cách dân chủ, cởi mở, vận dụng hợp lý các quy định, không nhất thiết phải theo lối mòn, vì quyền lợi chung.

Tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Bộ Chính trị yêu cầu tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã quy định một số cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung với các nguyên tắc cơ bản: 1] Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ; 2] Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH, cơ quan nhà nước cấp trên và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; 3] Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng; 4] Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định; 5] Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thế không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định.

Như vậy, với tinh thần chỉ đạo thực hiện khuyến khích, bảo vệ cán bộ, không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho CBCC trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn được coi như tấm khiên, lá chắn để bảo vệ, giúp CBCC phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Từ lý luận và thực tiễn hoạt động công vụ đã đặt ra những yêu cầu đối với CBCC như sau: thứ nhất, khuyến khích và bảo vệ CBCC năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ; thứ hai, khuyến khích CBCC có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực; thứ ba, yêu cầu đối với vai trò, trách nhiệm các cấp lãnh đạo, quản lý, đối với người đứng đầu. Đề xuất đổi mới, sáng tạo của CBCC phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; thứ tư, yêu cầu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy định còn chưa đồng bộ, đầy đủ, gây khó khăn cho CBCC trong thực thi công vụ. Tháo gỡ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong các văn bản luật và các văn bản dưới luật, nhằm đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp và thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, của CBCC.

Thực trạng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, công chức

Vào những năm 1977-1978, chúng ta còn nhớ chuyện “khoán chui” ở thành phố Hải Phòng; chủ trương “khoán hộ” ở tỉnh Vĩnh Phúc; chuyện tiền tệ hóa đồng lương thay vì tem phiếu ở tỉnh Long An; chuyện “xé rào, bung ra”, phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá ở Thành phố Hồ Chí Minh.v.v. Hầu hết những cá nhân liên quan ý tưởng trên đều bị kỷ luật vì những đổi mới, sáng tạo của mình, nhưng đến thời kỳ đổi mới thì Trung ương đã công nhận tư duy sáng tạo, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của họ. Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh; song những CBCC này bị xử lý, kỷ luật không phải vì sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu đổi mới, mà chính là vì động cơ vụ lợi cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm những điều CBCC không được làm, chứ không phải vì sáng tạo, đổi mới. Nhìn lại, những người đi trước đổi mới, sáng tạo, thậm chí vượt rào đều được ghi nhận một cách xứng đáng; sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm của họ đều hướng tới phục vụ mục đích chung của đất nước, không tham lam, tư lợi.

Kết quả đạt được của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, song cũng làm nảy sinh thực trạng là không ít CBCC sợ trách nhiệm, giữ mình, ngại nói, ngại làm, ngại đổi mới. Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là hiện tượng khá phổ biến đang diễn ra hiện nay. Không ít cơ quan phải tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến nhiều lần trong cùng vụ việc hoặc cái gì cũng xin ý kiến cấp trên chỉ đạo làm đảo lộn trật tự hành chính về thẩm quyền. Việc này bắt nguồn từ việc “sợ trách nhiệm, sợ sai sót”, thụ động trong công việc.

Một vấn đề khác cũng cần xem xét, đó là hệ thống các văn bản, các quy định còn chưa đồng bộ, đầy đủ, gây khó khăn cho CBCC trong thực thi công vụ. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản luật và các văn bản dưới luật dẫn đến nhiều khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp và thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Điển hình nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm… Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] đã đề cập đến 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, tiêu biểu như giữa các văn bản luật: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở…[6]. Sự cồng kềnh, bất cập và mâu thuẫn, chồng chéo làm giảm tính minh bạch của pháp luật, khiến cho pháp luật trở nên phức tạp, khó hiểu và khó áp dụng, hiệu lực và hiệu quả thấp. Sự xung đột, chồng chéo gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các đối tượng phải tuân thủ pháp luật, như lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh. Đồng thời, các xung đột, chồng chéo này cũng là những cản trở đối với việc thực hiện pháp luật, làm giảm niềm tin vào pháp luật, tạo cơ hội phát sinh các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng nhất là trong thực hiện các công trình, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV [tháng 10/2022] một số đại biểu Quốc hội nhận định, hạn chế về việc CBCC đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân. Cụ thể, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội nhận thấy có ba nhóm cán bộ thực thi công vụ: cán bộ còn hạn chế về năng lực có tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ; cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế nên có chuyện nghe ngóng, né tránh; cán bộ không muốn làm, không dám làm vì có thể chính sách, pháp luật chưa đủ nên trước làm có thể đã không đúng. Hoặc làm xong rồi không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào nên nếu bây giờ vẫn làm đúng như vậy thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề[7].

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên có một bộ phận cán bộ muốn “an toàn”, không dám làm, làm thì sợ sai. Có thể tồn tại hai vấn đề ở đây: một là, CBCC sợ sai, nên né tránh, trốn tránh trách nhiệm thực thi công vụ; hai là, CBCC thủ thân, muốn an toàn, với tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa án”, nên thực thi cầm chừng, an toàn, ngó trước nhòm sau, thận trọng áp dụng pháp luật. Bởi vậy, việc ban hành các văn bản quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đảm bảo tính cấp thiết và có tính thực tiễn cao. Trong thực thi công vụ, cần có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắc để tạo niềm tin trong đội ngũ CBCC vượt qua tâm lý e ngại, sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, công chức

Hướng tới mục tiêu xây dựng nền công vụ văn minh hiện đại, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả và thực tài trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước, về hoạt động công vụ, hướng tới chuyên nghiệp, không thiên vị, phục vụ Nhân dân. Bổ sung quy định, quy chế tăng cường chế tài trong xử lý các vi phạm trong thực thi công vụ, như thực hiện chưa đúng quy trình làm việc, lợi dụng quy trình làm việc nhằm làm lợi cho bản thân CBCC, vi phạm thái độ phục vụ, cách ứng xử, giao tiếp trong thực thi công vụ, vi phạm trong sử dụng thời gian làm việc, hành vi sách nhiễu, vi phạm về đạo đức công vụ. Bổ sung, hoàn thiện quy định, các tiêu chuẩn, khuôn mẫu trong thực thi công vụ, hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức công vụ. Đây là sự cụ thể hóa, đảm bảo sự chuẩn mực từ các giá trị cốt lõi của công vụ.

Hai là, nâng cao nhận thức về trách nhiệm công vụ, phát huy vai trò tích cực của đội ngũ CBCC trong tự rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ và đạo đức công vụ cho CBCC, tuyên truyền thực hiện các giá trị cơ bản của công vụ, chú trọng giáo dục lòng tự trọng của CBCC, ý thức dân tộc... để cảm thấy tự hào, vinh dự khi làm việc tốt phục vụ công dân, tổ chức, có đóng góp cho đơn vị, quê hương, đất nước, cho sự nghiệp chung; cảm thấy hổ thẹn khi làm việc xấu, lợi dụng vị trí, quyền hạn để kiếm chác làm lợi cá nhân, cảm thấy nhục nhã khi làm tổn thất, làm hại cho tổ chức, quê hương, đất nước. Tuyên truyền giáo dục ý thức thực thi các giá trị công vụ gắn với tăng cường kỷ luật, chế tài theo hướng tăng xử phạt về vật chất và tinh thần với các hành vi vi phạm; công tác khen thưởng phải hiệu quả, đúng ý nghĩa và giá trị.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy tắc đạo đức công vụ, thực hiện các giá trị công vụ, giao trách nhiệm cho bộ phận tổ chức cán bộ, hay nhóm kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ thực hiện. Cần quy định rõ vi phạm và hình thức xử lý để thực hiện, có như vậy mới hiệu quả và thực hiện mới nghiêm minh.

Bốn là, quy định đối với trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của CBCC. Động viên, khuyến khích CBCC có những đề xuất đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, những đề xuất đổi mới, sáng tạo của CBCC cần đảm bảo có những bước cơ bản để thực hiện như: đề xuất đổi mới, sáng tạo được thông qua, báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho triển khai thực hiện hoặc thực hiện thí điểm; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo, thực hiện đánh giá, sơ kết, tổng kết; thực hiện tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả. Có thể thể chế hóa, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo có hiệu quả.

Để xây dựng, phát triển các giá trị cơ bản của công vụ như liêm chính, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, trung thực, khách quan, hiệu quả và phục vụ, CBCC phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Sau tám mươi năm bị áp bức, bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm chúng ta ngại, chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc chắn chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”[8].

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: những ai có tư tưởng ấy thì đứng sang một bên để người khác làm!”[9]. Quan điểm của Tổng Bí thư cũng là sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc../.

-----

Ghi chú:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI, Nxb Sự thật, H.1987, tr.132.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VII, Nxb Sự thật, H.1991, tr.98.

[3] Bản CD-ROM, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 65, tr.344.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.180.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.178-179.

[6] Xem: //noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202202/nhung-han-che-chu-yeu-va-giai-phap-khac-phuc-nham-nang-cao-chat-luong-xay-dung-phap-luat-o-nuoc-ta-hien-nay-310649/.

[7] Xem: //dangcongsan.vn/noi-hay-dung/coi-bo-tam-ly-so-sai-cho-can-bo-623193.html.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.6.

[9] Xem: //baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong.

Dám nghĩ dám làm là gì lớp 5?

- Dám nghĩ dám làm: táo bạo, mạnh dạn có nhiều ý kiến và dám thực hiện dự định của mình. - Muôn người như một: mọi người đoàn kết, thống nhất một lòng. - Trọng nghĩa khinh tài: coi trọng nhân nghĩa, đạo lý, xem thường tiền bạc.

Thế nào là cán bộ năng động sáng tạo dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm?

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực ...

Dám nghĩ dám làm gọi là gì?

Dám nghĩ, dám làm là phẩm chất cao quý của con người, biểu hiện ở việc tự mình đưa ra quan điểm, chính kiến riêng một cách đúng đắn, dám đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình, không phụ thuộc vào bất kì ai, không ngại khó, ngại khổ để thực hiện những ước mơ, dự định đặt ra.

Chủ Đề