Đánh giá học sinh tát cô giáo vì bị thu điện thoại

Nam sinh tát cô giáo trong đoạn clip gây xôn xao dư luận những ngày qua là học sinh của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, Hà Nội.

Chiều nay 19/2, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT về kết quả xác minh clip 'nam sinh tát cô giáo trên bục giảng' gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Theo đó, sự việc xảy ra vào ngày 25/5/2020, trong tiết học môn Toán lớp 8 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình do cô giáo P.T.T giảng dạy.

Học sinh T.M.S có mượn tai nghe của nam sinh Đ.N.N.K và sử dụng trong giờ học. Dù được giáo viên nhắc nhở nhiều lần nhưng học sinh T.M.S vẫn tiếp tục sử dụng, nên cô giáo đã thu và nói “cô thu để đây, cuối giờ sẽ trả lại”.

Lúc này, nam sinh Đ.N.N.K đi từ cuối lớp lên rồi văng tục với cô giáo, tự ý lấy lại tai nghe trên bàn giáo viên, rồi quay ra tát cô giáo.

Sau khi sự việc xảy ra, cô T. đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và báo cáo Ban giám đốc trung tâm, đồng thời lập biên bản về sự việc.

Có dấu hiệu trầm cảm?

Ngày 26/5, Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình tổ chức họp hội đồng kỷ luật để giải quyết vụ việc, có sự tham dự của phụ huynh học sinh.

Tại cuộc họp, mẹ của học sinh Đ.N.N.K xin lỗi cô giáo và cho biết con có biểu hiện trầm cảm, hay mất ngủ, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động, rất sợ mất đồ của mình,... do đó đã dẫn đến hành động vi phạm kỷ luật nói trên.

Cô giáo chủ nhiệm cũng nhận xét hàng ngày trong lớp, học sinh này ít nói, ít giao tiếp với các bạn, có biểu hiện mệt mỏi, thiếu ngủ.

Sau khi xem xét ý kiến của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và quá trình học tập của nam sinh này, hội đồng kỷ luật xác định hành động của học sinh dù bộc phát do tâm lý bất ổn, tuy nhiên đã xúc phạm đến danh dự, thân thể giáo viên, ảnh hưởng xấu đến hoạt động giáo dục của trung tâm.

Do đó đã quyết định đưa ra hình thức kỷ luật buộc thôi học đối với học sinh này từ ngày 26/5/2020 đến hết năm học 2019-2020.

Sang năm học 2020-2021, phụ huynh học sinh Đ.N.N.K đã có đơn trình bày nguyện vọng, xin cho con được quay trở lại và học lại lớp 8 sau thời gian bị kỷ luật.

Xét hoàn cảnh và chia sẻ khó khăn với gia đình, để tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội được tiếp tục học tập và rèn luyện, Ban giám đốc Trung tâm giáo dục thương xuyên quận Ba Đình đã chấp thuận nguyện vọng này. Hiện, nam sinh này đang tiếp tục được học tập tại trung tâm.

Thanh Hùng

Giáo viên bị phụ huynh tát tai giữa cuộc họp

Cho rằng Trung tâm dạy môn năng khiếu Mun Art [quận Hải Châu, TP Đà Nẵng] "bỏ quên" con mình suốt 2 tiếng đồng hồ ở tiền sảnh, một phụ huynh lớn tiếng đe dọa, thậm chí hành hung giáo viên ngay tại cuộc họp giữa 2 bên.

Clip nam sinh tát cô giáo trên bục giảng là có thật

Clip nam sinh tát cô giáo ngay trên bục giảng xảy ra ở một trường học thuộc quận Ba Đình [Hà Nội] vào tháng 5/2020 nhưng bất ngờ bị đăng tải khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Suốt ngày hôm nay, mạng xã hội sục sôi vì clip ghi lại cảnh một nam sinh có lời lẽ xúc phạm cô giáo do bị tịch thu điện thoại. Không chỉ đòi cô trả lại bằng lời lẽ hỗn xược, cậu còn xông lên bục giảng, giật lại món đồ của mình và vung tay tát vào mặt cô trước sự chứng kiến của những người bạn khác.

Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có thông báo về việc xác minh clip trên, chưa rõ clip này ghi lại tình huống có thật hay được dàn dựng, nếu có thật thì câu chuyện xảy ra ở đâu. Tuy nhiên, điều diễn ra trong clip đánh mạnh vào cảm xúc của người xem. Là một giáo viên, tôi thấy mặt mình cũng bỏng rát, nhức nhối như thể cái tát của nam sinh kia giáng thẳng vào mình, nhục nhã và đau đớn.

Ảnh cắt từ clip được lan truyền trên mạng.

Nếu sự việc trong clip đó là thật, đó là cái tát không chỉ giáng vào ngành giáo dục, vào truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc mà còn cả vào giá trị đạo đức của Việt Nam nói chung. Ở một đất nước coi thầy là cha, “mồng một tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, sự xuất hiện của clip này trong những ngày đầu năm mới cho thấy đạo đức suy đồi đến cực điểm ở một bộ phận giới trẻ.

Còn nếu chuyện trong clip là giả, việc nghĩ đến và dựng lên một “hoạt cảnh” như vậy để lan truyền câu view cũng cho thấy một thực tế: Sự tôn nghiêm của nghề giáo, của những người thầy, đang bị xúc phạm. Sự dàn dựng phản cảm đó cũng cần bị lên án và xử lý.

Xem clip, tôi không biết nó là thật hay giả, bởi thực tế đã có những vụ giáo viên bị hành hung. Dường như xã hội hiện đại quy mọi thứ thành quan hệ cung cấp và sử dụng dịch vụ, khiến vị thế của giáo viên ngày càng giảm đi, truyền thống tôn sư trọng đạo cũng dường như đang bị phai nhạt. Điều đó không chỉ đáng buồn, đáng tủi cho giáo viên mà còn là điều nguy hiểm cho đạo đức và sự phát triển xã hội nói chung.

Rất cần sự xác minh của cơ quan chức năng về tính xác thực của clip này cũng như nguồn gốc của nó, bởi cho dù có thật hay dàn dựng thì vấn đề mà nó thể hiện cũng cần được xử lý, để đừng có thêm những cái tát vào nghề giáo như vậy.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Chủ Đề