Dấu hiệu nhân diện pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 [sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015], cụ thể tại khoản 2, Điều 2 BLHS năm 2015 khẳng định “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”. Chế định mới này đã cụ thể hóa được chủ trương đường lối của Đảng cũng như của nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn sự phức tạp liên quan đến kinh tế; môi trường; trật tự, an toàn công cộng thông qua chủ thể là các pháp nhân thương mại. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số điều kiện để pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 75 BLHS 2015  

Một số điểm lưu ý đối với điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại :

1. Pháp nhân thương mại:

Để áp dụng đúng tinh thần Chương XXIX : Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân của BLTTHS 2015 cần phải hiểu rõ Pháp nhân, Pháp nhân thương mại được quy định như thế nào. BLHS 2015 cũng như BLTTHS 2015 không định nghĩa hay giải thích như thế nào là pháp nhân và như thế nào là pháp nhân thương mại. Nhưng Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 [BLDS 2015] có quy định cụ thể về pháp nhân tại Điều 74, tuy nhiên Điều 74 không định nghĩa như thế nào là pháp nhân mà chỉ nêu điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân, gồm 4 điều kiện sau :

“a] Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b] Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c] Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d] Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Như vậy tổ chức có đủ 4 điều kiện trên mới được công nhận là pháp nhân. Tuy nhiên chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại chứ không phải là pháp nhân, để giải quyết vấn đề này thì tại Điều 75 BLDS 2015 quy định “Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Khoản 1, Điều 75 BLDS 2015 chính là định nghĩa như thế nào là pháp nhân thương mại; khoản 2, liệt kê và phân loại pháp nhân thương mại bao gồm những tổ chức nào; khoản 3 là quy định những văn bản pháp luật điều chỉnh chế định pháp nhân thương mại.

Như vậy, thông qua bộ luật dân sự có thể rút ra được một khái niệm chung của pháp nhân thương mại – chủ thể chịu trách nhiệm hình sự như sau:

Là tổ chức được thành lập theo bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật dân sự 2015, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập, với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Chiếu theo quy định trên thì Các công ty trách nhiệm hữu hạn [TNHH], công ty cổ phần, công ty hợp danh,… được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận thì được xem là pháp nhân thương mại. Tuy nhiên đây là định nghĩa dựa trên sự tổng hợp điều luật trong BLDS 2015. Tại khoản 1 Điều 4 BLDS 2015 quy định “bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự” vậy việc sử dụng định nghĩa của BLDS 2015 để dẫn chiếu xác định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự 2015 thiết nghĩ cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

2. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại có nhiều đặc điểm khác với cá nhân. Bản thân pháp nhân không thể tự mình trực tiếp thực hiện được tội phạm mà phải thông qua hành vi của các thành viên hoạt động trong pháp nhân. Vậy hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại phải thỏa mãn những điều kiện cần và đủ như thế nào mới phải chịu trách nhiệm hình sự, được quy định tại Điều 75 BLHS 2015 như sau:

a] Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Pháp nhân là một tổ chức, tập hợp của nhiều người hoạt động thông qua hành vi của cá nhân, vậy những cá nhân có khả năng thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân thương mại bao gồm những ai? theo quy định của BLDS 2015, Luật doanh nghiệp năm 2014 những cá nhân có thể thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân thương mại gồm: người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo ủy quyền thực hiện các hành vi nhân danh pháp nhân theo quy định tại Điều lệ pháp nhân.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân [cần phân biệt rõ người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo tinh thần của Bộ luật dân sự 2015 và Luật doanh nghiệp 2014 là dựa trên cở sở pháp luật dân sự, còn người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng hình sự được đặt ra sau khi pháp nhân thương mại bị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, việc 2 người đại diện theo pháp luật của pháp nhân này có những điểm tương đồng hay khác nhau như nào sẽ được phân tích ở bài sau] :

*** BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 

Điều 137. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân

1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

a] Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

b] Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

c] Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này. Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

*** LUẬT DOANH NGHIỆP 2014

Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

[Các công ty trách nhiệm hữu hạn [TNHH], công ty cổ phần, công ty hợp danh,… gọi tắt là doanh nghiệp được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận thì được xem là pháp nhân thương mại vậy nên tác giả dẫn chiếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp]

Xét theo quy định về người đại diện theo pháp luật của BLDS 2015 và Luật doanh nghiệp 2014 thì có thể rút ra nhận xét rằng người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hay của doanh nghiệp đều có thể bằng hành vi của mình xác lập và thực hiện các hành vi nhân danh pháp nhân.

+ Người quản lý doanh nghiệp

Khoản 18, Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định “18. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.” Cũng như theo nội dung của Điều luật trên, người quản lý doanh nghiệp cũng là một cá nhân giữ chức danh quản lý có thể tự mình thực hiện các hành vi nhân danh công ty có tư cách pháp nhân thương mại.

+ Người đại diện theo ủy quyền thực hiện các hành vi nhân danh pháp nhân theo quy định tại Điều lệ pháp nhân.

Người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân được quy định tại khoản 1, Điều 138 BLDS 2015 như sau “Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”. Như vậy ngoài trừ người đại diện theo pháp luật và người quản lý doanh nghiệp thì pháp nhân còn có thể ủy quyền cho một cá nhân khác nhân danh pháp nhân thực hiện các hành vi mà từ đó phát sinh các hậu quả pháp lý đối với pháp nhân .

Vậy những hành vi được thực hiện thông qua những đối tượng đã nêu ở trên được coi là nhân danh pháp nhân thương mại, việc thể hiện hành vi có thể bằng hành động hoặc không hành động, nếu hành động thì thông qua văn bản, lời nói [Công văn, quyết định, v.v…] còn không hành động là biết nhưng mặc nhiên để hậu quả xảy ra.

b] Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại

Đây là điều kiện cần để xem xét việc chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Điều kiện trên quy định nhằm phân biệt hành vi phục vụ lợi ích chung và hành vi phục vụ lợi ích cá nhân. Pháp nhân là tổ chức độc lập về tài chính, là thực thể riêng biệt với các cá nhân tạo lập nên nó vậy nên cần phải hiểu rõ, hành vi phạm tội dù bởi bất kỳ cá nhân nào nhân danh pháp nhân nhưng chủ thể được hưởng lợi ích [là tiền, tài sản, động sản, BĐS, v.v…] phải là pháp nhân, nếu lợi ích thuộc về cá nhân thì việc chịu trách nhiệm hình sự sẽ là cá nhân chứ không phải là pháp nhân thương mại đó.

Tại đây xảy ra 1 trường hợp, công ty TNHH 1 thành viên thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của các tội theo quy định tại Điều 76 BLHS 2015, vậy trong trường hợp này công ty TNHH 1 thành viên có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Theo ý kiến của tác giả, công ty TNHH 1 thành viên trong trường hợp này không phải là pháp nhân thương mại phạm tội mà là cá nhân phạm tội bởi :

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Đây là điều kiện để 1 tổ chức được coi là pháp nhân thương mại, Công ty TNHH 1 thành viên thỏa mãn điều kiện này nên được coi là pháp nhân thương mại, nhưng Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại thì công ty TNHH 1 thành viên lại không đáp ứng được, bởi: lợi nhuận, hay lợi ích đạt được từ hành vi phạm tội sẽ được chia cho thành viên, mà công ty TNHH thì chỉ có 1 thành viên, vậy vô hình chung đây sẽ là lợi ích của cá nhân [Chủ sở hữu Công ty TNHH 1 thành viên] chứ không còn là lợi ích của pháp nhân nữa.

c] Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

Đây là điều kiện mà nếu xét trên cả 2 mặt nội dung và thực tiễn sẽ nhận thấy có nhiều sự khiên cưỡng, cụ thể như sau:

Về mặt nội dung: Điều kiện trên được hiểu, pháp nhân thương mại có sự chỉ đạo và điều hành, vậy pháp nhân thương mại phải có ý chí. Tuy nhiên pháp nhân là tổ chức, ý chí của pháp nhân là ý chí của tập hợp những chủ thể tạo lập nên nó. Sự thống nhất về mặt ý chí của các chủ thể sẽ đưa ra phương hướng, hoạt động đối với pháp nhân, vậy ý chí chung này được coi là ý chí của pháp nhân thương mại.

Về mặt thực tiễn: Việc thể hiện ý chí của pháp nhân được quy định thực tế như nào. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, BLDS 2015 thì pháp nhân có Điều lệ. Điều lệ của pháp nhân quy định việc vận hành, hoạt động, tài sản, các thành viên v.v… của pháp nhân, vậy Điều lệ này được coi là ý chí chung, do đây là sự thể hiện ý chí của pháp nhân bởi văn bản này được sự thống nhất của tất cả các thành viên, có chữ ký đồng thuận của tất cả các thành viên. Ý chí của pháp nhân ngoài thể hiện bằng Điều lệ pháp nhân thì ý chí của pháp nhân còn thể hiện qua các biên bản họp, Quyết định, Nghị quyết của tập hợp các thành viên pháp nhân. Những văn bản trên cũng được coi là sự thể hiện về mặt ý chí của pháp nhân.

Vậy hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại chính là dựa trên nội dung của những văn bản đã đề cập ở trên. Tuy nhiên việc thể hiện bằng hình thức là văn bản hay bản ghi âm cuộc họp để chứng minh có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp thuận của pháp nhân thương mại thì thủ tục tố tụng hình sự chưa quy định chi tiết trình tự thu thập như thế nào, đây là khó khăn mà các nhà thực thi pháp luật sẽ có thể gặp trong thời gian tới.

Có một tình huống đặt ra trong trường hợp này như sau: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp [doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện là pháp nhân thương mại] chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận hành vi phạm tội của người quản lý doanh nghiệp thì pháp nhân thương mại có phải chịu trách nhiệm hình sự không nếu lợi ích từ hành vi phạm tội đó thuộc về pháp nhân. Theo ý kiến của tác giả pháp nhân thương mại chỉ phạm tội trong trường hợp ý kiến chỉ đạo, chấp thuận của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đã được pháp nhân thông qua, đồng ý trong cuộc họp có biên bản, hoặc nghị quyết, quyết định. Không thể loại trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chỉ đạo việc thực hiện hành vi phạm tội bằng chính ý chí của bản thân mình mà chưa được tập thể thành viên pháp nhân thông qua điều này sẽ dẫn đến bất lợi đối với pháp nhân thương mại.

d] Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 và khoản 3 của Bộ luật hình sự 2015

Đây là điều kiện của mọi chủ thể chịu trách nhiệm hình sự, không chỉ riêng cá nhân phạm tội mà còn cả pháp nhân thương mại phạm tội.

Việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân được xác định thông qua việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS được quy định tại Điều 27 BLHS nhưng chỉ trong phạm vi 33 tội danh được quy định tại Điều 76 BLHS 2015.

Trên đây là một số ý kiến của tác giả về quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội, đưa ra để mọi người có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn về chế định này, rất mong nhận được sự góp ý từ phía người đọc.

                                                                                                                                         Nguyễn Như Ý

                                                                                                                            Viện KSND huyện Anh Sơn 

                                                                                                         Theo Trang tin của VKSND tỉnh Nghệ An [ngày 27/8/2018]

Video liên quan

Chủ Đề