Dụng để điện thoại thông minh làm con người trở nên xa cách

Theo cuộc khảo sát 5.000 người do Qualcomm và Time thực hiện vừa qua, 68 % người Mỹ mang điện thoại vào giường ngủ. 3/4 người Mỹ được khảo sát nói rằng việc liên tục kết nối rất có ích đối với công việc cũng như cuộc sống xã hội của họ. Ông Mai-cơn Xây-lo, tác giả của cuốn sách The Mobile Wave [Làn sóng thiết bị di động] CEO của Công ty MicroStrategy nói: “Tôi phải liếc vào điện thoại cả nghìn lần mỗi ngày”. Bởi nó khiến cho ông kết nối liên tục với bạn bè và đồng nghiệp, liên tục cập nhật thông tin.

Theo Hiệp hội viễn thông quốc tế, năm 2011 thế giới có gần sáu tỷ thuê bao điện thoại di động. Thế giới có bảy tỷ người, tuy một người có thể có nhiều thuê bao, nhưng rõ ràng công nghệ di động đang trải rộng và ngày càng thông minh hơn. Ông Xây-lo ước tính trong 5 năm tới, năm tỷ người sẽ dùng điện thoại di động thông minh, đưa mọi người tiếp cận với in-tơ-nét qua điện thoại và các ứng dụng khác một cách dễ dàng. Những chiếc điện thoại này chạy trên hệ điều hành Apple iOS và Google Android .

Với những ứng dụng mới, điện thoại thông minh có nhiều sức mạnh tiềm tàng hỗ trợ con người. Tháng 9 vừa qua, Google đã đưa cặp kính tích hợp điện thoại thông minh Google Glass lên sàn diễn trong tuần lễ thời trang Niu Óoc . Dựa trên những gì ống kính thu nhận được, sản phẩm sẽ hiển thị cho người dùng thông tin từ máy chủ về mọi thứ đang diễn ra chung quanh, bên cạnh việc đọc và gửi tin nhắn, phát nhạc, duyệt web, gửi thư, chụp ảnh, quay phim... hoạt động bằng công nghệ nhận diện giọng nói.

Việc mua bán và thanh toán cũng ngày càng trở nên đơn giản, dễ dàng với Google Wallet [ví điện tử của Google] vừa ra mắt vào tháng 5. Ứng dụng này cho phép người dùng điện thoại sử dụng chip NFC [công nghệ giao tiếp tầm ngắn] để thanh toán khi mua hàng. Như vậy, thay vì ví và các loại thẻ thanh toán người dùng điện thoại chỉ cần chạm nhẹ vào và thanh toán.

Trong lúc đó, với sự giúp đỡ của Pôn Kim, trưởng phòng công nghệ Đại học Stan-phớt, một số trường học ở vùng nông thôn châu Phi được sử dụng điện thoại thông minh như một nguồn thông tin học tập. Dự án Trường học bỏ túi này giúp các em học sinh nghèo ở những nước đang phát triển tiếp cận với sự hỗ trợ giáo dục qua điện thoại thông minh giá rẻ.

Giáo sư G.Oai-tơ-sai cùng nhóm nghiên cứu ở Đại học Ha-vớt lại dùng điện thoại hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những vùng xa xôi, hẻo lánh. Nhóm của ông dùng con chip giấy cỡ bằng đầu ngón tay, giá chỉ khoảng một xu Mỹ, xét nghiệm rất dễ dàng bằng cách nhỏ một giọt máu lên mẩu giấy đó, sau đó chụp ảnh kết quả và gửi tới phòng khám ở các thành phố lớn để đưa ra chẩn đoán về một số bệnh truyền nhiễm như HIV, sốt rét, lao, viêm gan...

Những thử nghiệm đang tiến hành cùng với điện thoại thông minh không phải bao giờ cũng mang lại hiệu quả tức thì. Nhưng cùng với thời gian, nhiều tiềm năng của điện thoại thông minh dần trở thành hiện thực khi điện thoại giá rẻ trở nên phổ biến.

Bất chấp những lợi ích tiềm tàng, điện thoại thông minh cũng có những ảnh hưởng tiêu cực khi con người trở nên quá lệ thuộc vào điện thoại. Nhiều người sử dụng thiết bị thông minh này phải thừa nhận không thể sống thiếu chúng một ngày. Nhiều thanh niên luôn để điện thoại bên cạnh lúc ngủ, thường xuyên lôi điện thoại ra kiểm tra ngay cả khi chúng không rung và mất quá nhiều thời gian trong ngày. Tuy vậy, có thể coi là một nghịch lý, bởi tuy kết nối liên tục với mọi người, nhưng dùng điện thoại thông minh thời gian dài có thể dẫn tới cảm giác xa cách và đơn độc. Một trong những biểu hiện đó là ngày càng có nhiều người thích nhắn tin hơn gọi điện. Một thống kê cho thấy, thanh niên Mỹ hiện nay trung bình một ngày nhắn 88 tin, trong đó chỉ thực hiện 17 cuộc gọi. Các nhà nghiên cứu lý giải, nhắn tin khiến người ta không quá gần cũng không quá xa. Thế giới bây giờ có rất nhiều người chỉ cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với những người khác trong chừng mực nhất định. Thậm chí trong những quán hàng hay lúc chờ đợi, thay vì bắt chuyện với người lạ, nhiều người lôi điện thoại ra tiêu khiển.

Còn có những nguy hại khác khi dùng điện thoại di động. Một thống kê của Bộ Giao thông Mỹ cho thấy, năm 2010 ở Mỹ có hơn 3.000 người chết trong các vụ tai nạn xe cộ do không tập trung lúc lái xe do sử dụng điện thoại và gửi tin nhắn. Từ lâu các chuyên gia cũng cảnh báo việc sử dụng điện thoại di động liên tục ảnh hưởng tới não người. Trong báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2011 có nhắc tới bức xạ từ sóng điện thoại khi đưa tới tai người có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư não.

Hãy nhớ dù thông minh tới cỡ nào điện thoại luôn chỉ là công cụ, nghĩa là con người sử dụng và kiểm soát chúng. Tuy vậy, trong xã hội hiện đại và bận rộn ngày nay, những tiện ích và ứng dụng của điện thoại thông minh khiến nhiều người bị choán ngợp và trở nên lệ thuộc vào chúng.

Sự phát triển và lan rộng của công nghệ số hiện nay đã làm thay đổi một số phương diện của cuộc sống, mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho con người. Ở Việt Nam, việc kết nối internét [in-tơ-nét], sở hữu một thiết bị thông minh như smartphone [điện thoại thông minh], máy tính bảng,... đã trở nên phổ biến với mỗi gia đình. Trẻ em cũng được tiếp cận với các thiết bị này từ rất sớm và sử dụng một cách thường xuyên. Tuy còn gặp một số rào cản nhất định, nhưng người cao tuổi cũng đã dần tiếp cận, sử dụng công nghệ số phục vụ cuộc sống. Và điều này gần như đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống rất nhiều người. Trên thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ số mang đến cho mỗi gia đình. Trước kia, khi in-tơ-nét và các thiết bị hiện đại chưa phát triển, thì các hình thức giải trí của con người rất hạn chế. Còn giờ đây, với các tiện ích giải trí phong phú, đa dạng, công nghệ số giúp thành viên gia đình giải tỏa các căng thẳng trong cuộc sống thường ngày, thư giãn sau thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Họ có thể thoải mái lựa chọn hình thức giải trí phù hợp như đọc tin tức, xem phim, nghe nhạc, chơi game, chuyện trò, chia sẻ với bạn bè, người thân trên các mạng xã hội. Ngoài chức năng giải trí, trẻ em cũng có thể qua các ứng dụng hay trò chơi hữu ích, mang tính giáo dục, học tập để rèn luyện khả năng tư duy, cũng như thu nhận thêm kiến thức. Còn người lớn, bên cạnh kiến thức thông thường khác, hoàn toàn có thể tìm kiếm các thông tin hữu ích trên in-tơ-nét về chăm sóc gia đình, con cái để vừa mở mang tri thức, nâng cao sự hiểu biết, vừa góp phần củng cố hạnh phúc… Ứng dụng đa dạng, mới mẻ của công nghệ số cũng giúp mọi thành viên gia đình có thể kết nối, liên lạc khi ở xa. Ngoài cách thức gọi điện liên lạc thông thường hay gửi tin nhắn, giờ đây, chỉ với một thiết bị thông minh kết nối in-tơ-nét, thành viên trong gia đình có thể chia sẻ các hình ảnh, đoạn video tự quay, trò chuyện qua mạng xã hội. Ngoài ra, ứng dụng video call còn giúp họ thực hiện cuộc gọi có thể nhìn thấy hình ảnh trực tiếp của nhau trên màn hình, như đang mặt đối mặt. Điều này khiến khoảng cách địa lý không còn là vấn đề lớn. Dù ở xa nhưng thành viên gia đình vẫn có thể liên lạc, kết nối thông tin thường xuyên để duy trì tình cảm, thắt chặt quan hệ,...

Tuy nhiên, bên các tác động tích cực, sự phát triển và sức lan tỏa mạnh mẽ của nó, thì công nghệ số cũng có những ảnh hưởng xấu, trở thành một tác nhân vô hình phá vỡ sự liên kết gia đình. Công nghệ có khả năng làm con người gần nhau hơn, nhưng lại tạo nên sự xa cách giữa chính các thành viên trong một gia đình. Trước kia, giờ cơm tối là lúc gia đình quây quần, bố mẹ hỏi han chuyện học hành của con cái, kể cho nhau chuyện buồn vui trong ngày để cùng chia sẻ, tham khảo ý kiến. Còn giờ đây, khi smartphone gần như trở thành vật bất ly thân, sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi, gia đình vẫn quây quần bên bữa cơm, nhưng có người vừa ăn lại vừa dán mắt vào màn hình. Bữa ăn kết thúc, mỗi thành viên tiếp tục dùng thiết bị công nghệ để phục vụ nhu cầu riêng. Con cái thì trở về phòng. Bố mẹ tuy ngồi cạnh nhau nhưng cũng mỗi người một chiếc smartphone. Các cuộc trò chuyện vì vậy ít dần đi, sự lắng nghe, chia sẻ để hiểu nhau hơn cũng trở nên thưa thớt. Họ ít còn tâm sự với nhau về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Và khi mỗi thành viên chìm đắm trong không gian riêng để kết nối với thế giới chứ không kết nối lẫn nhau, thì hạnh phúc gia đình có nguy cơ suy giảm.

Có thể nói, với nhiều gia đình, nhất là ở đô thị, việc quá phụ thuộc và lạm dụng thiết bị công nghệ đã chi phối cuộc sống mỗi người, khiến thời gian dành cho gia đình ngày một ít đi. Điều này đồng nghĩa với tình trạng giao tiếp ít hơn, dần dà thành viên ít hiểu nhau hơn, có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Rồi nữa là trách nhiệm của mỗi người với công việc chung của gia đình bị lơ là, không hiểu nhau dẫn đến nghi ngờ, bất hòa, cãi vã... Vì công nghệ mà một số ông bố, bà mẹ tỏ ra thờ ơ, ít gần gũi với con cái hơn. Có khi họ chỉ mở phim hoạt hình, ca nhạc hoặc trò chơi cho con còn bé ngồi một mình, sau đó lại quay trở về với thế giới riêng. Trẻ em vì vậy sẽ không được trò chuyện, chia sẻ nhiều với bố mẹ, dẫn đến thiếu thốn tình cảm gia đình và sự quan tâm chăm sóc. Trẻ em ở độ tuổi lớn hơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sự thiếu quản lý của bố mẹ, rồi để mặc các em thỏa sức tự do với mọi thứ trên in-tơ-nét, vốn ẩn chứa nhiều thông tin độc hại. Như vậy, trẻ em rất dễ hư hỏng, phát triển lệch lạc về tư duy, nhận thức, ảnh hưởng đến tương lai sau này. Lạm dụng công nghệ cũng ảnh hưởng đến cả thể chất, tinh thần, lối sống và thói quen sinh hoạt của thành viên trong gia đình. Thời gian dành sử dụng các thiết bị này chiếm hết thời gian dành cho các hoạt động vui chơi bạn bè, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội, thăm hỏi họ hàng... Bên cạnh đó, về lâu dài, ánh sáng từ thiết bị số cũng có thể làm suy giảm thị lực khi người sử dụng dùng trong bóng tối.

Khi công nghệ chưa phát triển, trẻ em thường giải trí với nhiều hoạt động thể chất như đá bóng, chạy nhảy, leo trèo,... các món đồ chơi, trò chơi sáng tạo như vẽ tranh, nặn đất sét, ghép hình... Còn giờ đây, những thứ đó được thay thế bằng thiết bị số với rất nhiều trò giải trí hấp dẫn, đa dạng, bắt mắt. Smartphone, máy tính bảng khiến trẻ chỉ ngồi yên một chỗ và dán mắt vào màn hình, không còn thời gian dành cho vận động thể chất cùng các hoạt động khác; làm cho các em thiếu sự nhanh nhẹn và hoạt bát, tăng nguy cơ béo phì, suy giảm thị lực, có thể dẫn tới các bệnh tật khác. Thị giác, vận động của giác quan, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo đang trong thời kỳ mới chớm nở là các yếu tố chỉ có thể được kích thích, rèn giũa, phát triển trong thế giới thực muôn màu, đầy sinh động, chứ không phải trong thế giới ảo. Trẻ có thể học hỏi được nhiều điều ở thế giới thực qua các giác quan, còn trong thế giới ảo, mọi thứ chỉ hạn chế ở hình ảnh, âm thanh phát ra từ thiết bị. Nếu lệ thuộc vào công nghệ từ quá sớm, trẻ sẽ không học được những điều cơ bản, như cách hòa nhập vào thế giới chung quanh, với thiên nhiên và con người... Khi trí não chưa phát triển, trẻ sẽ dễ bị rối trí, lầm lẫn giữa thế giới thực với thế giới ảo. Trẻ vẫn sẽ lớn lên, nhưng lại trở thành “đứa trẻ công nghệ” chứ không phải một trẻ bình thường. Quá mải mê vào công nghệ, chìm đắm vào các thiết bị mà không tiếp xúc, giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ, không chơi với bạn bè cùng lứa tuổi còn hạn chế khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội khác, ít giao tiếp, ít trò chuyện, dẫn đến xu hướng sống khép mình lại, không mở lòng với mọi người và thế giới chung quanh, làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh tự kỷ.

Công nghệ số phát triển mang tới nhiều tiện ích cho cuộc sống con người, kèm theo đó là những tác hại khó lường từ người sử dụng. Xét cho cùng, công nghệ số cũng chỉ là công cụ phục vụ cuộc sống con người. Việc nó gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực là tùy vào cách sử dụng của mỗi người. Do đó, cần phải hiểu rõ thực trạng, nhận thức đúng lợi ích, nguy cơ, tác hại của công nghệ số, để trang bị kiến thức phù hợp, từ đó định hướng, cũng như tìm ra cách thức sử dụng hiệu quả. Sử dụng thiết bị thông minh một cách thông minh sẽ không chỉ giảm các tác hại, mà còn phát huy được mặt tốt, giúp quan hệ giữa các thành viên thêm gắn kết, hạnh phúc gia đình được bảo đảm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Video liên quan

Chủ Đề