Dùng từ không đúng phong cách

MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC LỖI DÙNG TỪ CHO HỌC SINH LỚP 6

Ngày đăng:12/05/2019 - 15:01

MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC LỖI DÙNG TỪ

CHO HỌC SINH LỚP 6

I. Một số lỗi dùng từ thường gặp

1. Lỗi lặp từ

a/ Biểu hiện:

- Lặp từ là việc lặp đi lặp lại một từ trong câu hay trong những câu liền kề nhau khiến cho đoạn văn trở nên nặng nề, câu văn lủng củng, nhàm chán.

- Lỗi này có thể phân thành 2 loại:

+ Lặp từ nguyên vẹn [lặp từ giống nhau cả về âm và nghĩa]

*Ví dụ:

a. Truyện dân gian có nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo nên em rất thích đọc truyện dân gian.

b. Trong số những truyền thuyết em thích thì em thích nhất truyền thuyết Thánh Gióng. [Bài làm của học sinh]

c. Mẹ em đã chăm sóc cho em lúc bị bệnh. Mẹ em mua thuốc cho em uống, mẹ em nấu cháo cho em ăn, mẹ em nấu nước nóng và lấy khăn lau mặt cho em, mẹ em lau nước nóng cho em rất nhiều. [Bài làm của học sinh]

+ Lặp từ đồng nghĩa

*Ví dụ:

a. Quá trình vượt núi cao cũng là quá trình con người trưởng thành, lớn lên.

b. Mẹ đã chăm sóc cho em và lo lắng trong những ngày em bị bệnh hoặc bị ốm. [Bài làm của học sinh]

b/ Nguyên nhân:

- Lỗi lặp từ xuất hiện rất nhiều trong các bài viết của học sinh. Vi phạm lỗi này làm cho câu văn đơn điệu, nặng nề, tạo ra những yếu tố thừa thãi không cần thiết, và có thể làm cho câu văn rối cấu trúc ngữ pháp, lủng củng về ý nghĩa.

- Nguyên nhân là do học sinh nghèo nàn về vốn từ, hiểu chưa chính xác nghĩa của từ dẫn đến việc dùng từ thiếu cân nhắc. Ngoài ra còn do khả năng diễn đạt của các em còn kém, thiếu sự liên kết chặt chẽ, mạch lạc.

c/ Cách sửa:

- Xem xét trong câu, từ ngữ nào bị dư thừa thì lược bỏ.

- Trong trường hợp câu có nhiều ngữ đoạn trùng lặp, rối rắm về ý nghĩa, chúng ta có thể thay đổi cách diễn đạt ở những chỗ cần thiết.

*Ví dụ: Truyện dân gian có nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo nên em rất thích đọc truyện dân gian.

*Cách sửa:

+ Cách 1: Em rất thích đọc truyện dân gian vì truyện có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo.

[Đảo cấu trúc câu + Bỏ cụm từ thừa Truyện dân gian]

+ Cách 2: Vì truyện dân gian có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo nên em rất thích đọc.

[Thêm quan hệ từ Vì vào trước câu + Bỏ cụm từ thừa Truyện dân gian]

d/ Biện pháp khắc phục lỗi lặp từ:

- Để học sinh dễ dàng nhận ra lỗi lặp từ, giáo viên cần cho học sinh phân biệt đâu là cách lặp có chủ ý [phép tu từ nhằm nhấn mạnh ý, tạo nhịp điệu cho câu văn] với cách dùng vô thức [lỗi lặp từ làm cho câu văn dài dòng, nặng nề, nhàm chán].

- Giáo viên đưa ra ví dụ về lặp từ có chủ ý và lỗi lặp từ để học sinh phát hiện và so sánh:

*Ví dụ:

a. Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre anh hùng lao động! Tre anh hùng chiến đấu. [Thép Mới]

b. Truyện dân gian có nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo nên em rất thích đọc truyện dân gian.

c. Em thấy mình ngày càng trưởng thànhlớn lên.

- Qua 3 ví dụ trên giáo viên giúp học sinh sẽ tìm ra cái hay của việc sử dụng những từ ngữ lặp lại với dụng ý của nhà văn Thép Mới đồng thời cũng nhận ra lỗi lặp từ mà học sinh mắc phải. Sau đó đưa ra phương pháp lược bỏ lỗi lặp từ để câu văn hay hơn.

- Tương tự như vậy, giáo viên đưa cho các em những lỗi mà chính các em và các bạn trong lớp mắc phải trong các bài viết, bài kiểm tra sau đó yêu cầu các em sửa lỗi. Tiếp theo là học sinh tự đưa ra những lỗi mà mình mắc phải để cả lớp cùng chữa.

- Việc làm này sẽ thực hiện thường xuyên ở các giờ trả bài tập làm văn, trả bài bài kiểm tra Văn bản và Tiếng Việt. Các em sẽ tự đọc lại bài của mình và tự chữa nếu mắc lỗi. Từ đó từ từ khắc phục lỗi lặp từ của các em.

2. Lẫn lộn các từ gần âm

a. Biểu hiện: Đây là hiện tượng dùng từ không phù hợp với nghĩa của câu do không nhớ chính xác hình thức ngữ âm của từ, làm cho câu sai về ý diễn đạt.

*Ví dụ:

a. Ngày mai, chúng em sẽ đi thăm quan Viện bảo tàng của tỉnh.

b. Cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh diễn ra rất ác nghiệt.

[Bài làm của học sinh].

c. Mẹ tức tốc đưa em đến bác sĩ và em đã say mê hai ngày trong bệnh viện.

[Bài làm của học sinh].

d. Đôi mắt của mẹ thăm quầng vì thức đêm. [Bài làm của học sinh]

b/ Nguyên nhân: Lỗi này rất phổ biến trong bài viết của học sinh. Kết quả khảo sát ở bài kiểm tra chất lượng đầu năm và bài viết số 1 thì lỗi không chỉ tồn tại ở học sinh trung - khá mà ngay cả ở những học sinh giỏi cũng mắc phải. Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh hiểu nghĩa của từ một cách lờ mờ, hay do nhầm lẫn nghĩa của từ này với nghĩa của từ khác, do phát âm sai

c/ Cách sửa:

- Trước hết, dựa vào văn cảnh của câu, chúng ta xác định rõ ràng, cụ thể nội dung mà câu biểu đạt.

- Trên cơ sở nội dung biểu đạt đã xác định được, xác định từ ngữ không phù hợp về nghĩa và chọn từ ngữ khác thay thế.

*Ví dụ:

a. Ngày mai, chúng em sẽ đi tham quan Viện bảo tàng của tỉnh.

b. Cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh diễn ra rất quyết liệt.

c. Mẹ tức tốc đưa em đến bác sĩ và em đã hôn mê hai ngày trong bệnh viện.

d. Đôi mắt của mẹ thâm quầng vì thức đêm.

d/ Biện pháp khắc phục lỗi lẫn lộn từ gần âm:

- Trong khi nói viết thì các em phải nhớ chính xác hình thức ngữ âm của từ mình dùng. Nhưng đa số thì các em chỉ nhớ mang máng từ này phát âm như thế này dẫn đến viết sai từ. Hoặc hiểu nghĩa của từ lờ mờ, nhầm lẫn nghĩa của từ này vời từ khác dẫn đến việc dùng từ không có ý nghĩa trong câu. Cũng có những trường hợp, học sinh tự thấy việc dùng từ như vậy là sai, là chưa phù hợp nhưng không biết sửa như thế nào cho đúng.

- Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên giáo viên cần học sinh cần cân nhắc kĩ lưỡng khi dùng từ ngữ. Để làm được điều này đòi hỏi các em phải tự trau dồi vốn từ ngữ của mình bằng nhiều cách khác nhau như: đọc nhiều truyện, sách báo, tra từ điển

- Giáo viên đưa ra ví dụ về lỗi lẫn lộn từ gần âm, sau đó cho học sinh tự phát hiện từ dùng sai, yêu cầu học sinh giải thích nghĩa của từ dùng sai và chỉ ra nguyên nhân của việc dùng từ sai.

*Ví dụ:

a. Có một số bạn còn bàng quang với lớp.

- Từ dùng sai: bàng quang

- Cách sửa: thay từ bàng quang bằng từ bàng quan

+ bàng quang: là một bộ phận của cơ thể.

+ bàng quan: đứng ngoài cuộc mà nhìn, coi là không có quan hệ đến mình.

- Nguyên nhân mắc lỗi: do không nhớ chính xác hình thức ngữ âm của từ.

b. Vùng này còn khá nhiều thủ tục như: ma chay, cưới xin đều bàn linh đình; ốm không đi bệnh viện mà ở nhà cúng bái,

- Từ dùng sai: thủ tục

- Cách sửa: thay từ thủ tục bàng từ hủ tục

+ thủ tục: những việc phải làm theo quy định

+ hủ tục: những phong tục đã lạc hậu, lỗi thời.

- Nguyên nhân mắc lỗi: do không nhớ chính xác hình thức ngữ âm của từ.

- Thông qua những bài tập như vậy sẽ rèn luyện cho học sinh thói quen dùng từ phải cân nhắc, tự giải thích nghĩa của từ theo ý hiểu của mình. Tuy nhiên đây là điều rất khó vì vốn hiểu biết về nghĩa của từ của học sinh rất hạn chế. Vì vậy đây là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự cố gắng nỗ lực của mỗi học sinh.

3. Lỗi dùng từ không đúng nghĩa

a/ Biểu hiện: đây là việc dùng từ sai hoàn toàn về nghĩa hoặc không đúng sắc thái, không đúng hình thức ngữ âm của từ, làm cho lời văn diễn đạt không chính xác, không đúng với ý định diễn đạt, gây khó hiểu.

*Ví dụ:

a. Mặc dù còn một số yếu điểm, nhưng so vơi năm học cũ, lớp 6B đã tiến bộ vượt bậc.

b. Vua Hùng bâng khuâng không biết nên nhận lời ai, từ chối ai. [Bài làm học sinh]

c. Một hôm khi em đang ngồi học trên lớp em cảm thấy mệt mỏi đầu đau như đinh đóng cột. [Bài làm của học sinh]

b. Nguyên nhân

- Do chưa hiểu hết nghĩa của từ hoặc hiểu sai lệch nghĩa của từ.

- Do một số từ học sinh hay bị nhằm lẫn là cùng nghĩa.

- Do trình độ nhận thức còn hạn chế, viết mà không biết mình đang viết gì.

c. Cách sửa: Căn cứ vào nội dung, ý nghĩa mà câu văn muốn biểu đạt để chọn từ thích hợp thay thế từ sai.

*Ví dụ:

a. Mặc dù còn một số nhược điểm, nhưng so với năm học cũ, lớp 6B đã tiến bộ vượt bậc.

b. Vua Hùng băn khoăn không biết nên nhận lời ai, từ chối ai.

c. Một hôm khi đang ngồi học trên lớp, em cảm thấy mệt mỏi đầu đau như búa bổ.

d. Biện pháp khắc phục lỗi dùng từ không đúng nghĩa

- Từ Tiếng Việt có thể biểu hiện một nghĩa hoặc nhiều nghĩa, từ được dùng phải biểu hiện được chính xác nội dung cần thể hiện. Vì vậy, khi dùng từ đặt câu, viết đoạn học sinh thường hay mắc lỗi này vì các em không biết nghĩa, hiểu sai nghĩa hoặc hiểu chưa trọn vẹn nghĩa của từ mà mình dùng trong hoàn cảnh cụ thể.

- Do đó để giúp học sinh sửa lỗi này, giáo viên phải thường nhắc học sinh phải tự trau dồi vốn từ ngữ của mình. Các em phải nhớ và hiểu nghĩa của từ, khi dùng từ phải xem xét mối quan hệ của từ trong câu, trong từng hoàn cảnh cụ thể.

- Mặt khác, giáo viên cũng nhắc nhở các em cần phải nhận thức được: Khi không hiểu hoặc chưa rõ nghĩa của từ ngữ thì không được dùng. Cần có thói quen tra từ điển hoặc hỏi người khác về nghĩa những từ mình chưa rõ.

- Lỗi này thừng gặp trong các bài viết, bài kiểm tra của học sinh. Khi chấm bài giáo viên nên gạch chân cụ thể từng lỗi và trực tiếp chữa lỗi cho học sinh ngay trong bài viết đồng thời hướng dẫn các em nhận biết những từ sai và tự chữa trong các bài tiếp theo hoặc đổi bài để sửa cho nhau.

*Ví dụ: Trong bài viết số 1 học sinh viết: Vua Hùng bâng khuâng không biết nên nhận lời ai, từ chối ai. Khi sửa bài giáo viên chỉ ra lỗi dùng từ và cho học sinh hiểu nghĩa của từ bâng khuâng để từ đó học sinh hiểu khi nào dung băn khoăn khi nào dùng bâng khuâng trong từng trường hợp cụ thể.

II. Biện pháp thực hiện:

Từ việc phát hiện những lỗi dùng từ của học sinh, tôi xin đề ra một số biện pháp khắc phục như sau:

- Giáo viên luôn nhắc nhở học sinh có ý thức trong việc dùng từ, diễn đạt.

- Hướng dẫn học sinh nắm rõ nghĩa của từ bằng cách yêu cầu các em tra từ điển ngay các từ chưa hiểu nghĩa hay còn mập mờ về nghĩa. Tra từ điển thường xuyên để hiểu thêm nghĩa của các từ khác.

- Khi giáo viên chấm bài kiểm tra thì gạch chân những lỗi dùng từ, đặt câu, học sinh tự sửa sau đó kiểm tra lại.

- Luyện tập cách dùng từ, đặt câu, diễn đạt cho học sinh bằng cách tích hợp yêu cầu viết đoạn trong các bài kiểm tra văn bản và Tiếng Việt.

- Khi soạn đáp án và biểu điểm cho các bài viết tập làm văn, bài kiểm tra văn bản và Tiếng Việt, giáo viên nên có yêu cầu viết đúng chính tả, không mắc lỗi dùng từ nếu sai nhiều lỗi dùng từ sẽ bị trừ điểm. Với yêu cầu này học sinh sẽ chú ý hơn về cách dùng từ trong bài làm của mình.

- Rèn viết chính tả trên lớp, hoặc giao bài tập chữa lỗi, đặt câu, viết đoạn cho học sinh làm ở nhà, sau đó giáo viên kiểm tra.

- Những tiết trả bài viết, trả bài kiểm tra thì chỉ ra cụ thể từng chổ dùng từ sai cho học sinh sau đó hướng dẫn cụ thể cho các em nắm chắc cách sửa ở từng trường hợp mắc lỗi:

+ Đối với lỗi lặp từ ở câu hoặc đoạn thì phải bỏ bớt các từ lặp không cần thiết.

+ Đối với lỗi lẫn lộn các từ gần âm phải xác định rõ hình thức ngữ âm của từ, nghĩa của từ thông qua việc tra từ điển để sử dụng từ đúng.

+ Đối với lỗi dùng từ không đúng nghĩa thì các em phải nhớ và hiểu nghĩa của từ, khi dùng từ phải xem xét mối quan hệ của từ trong câu, trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Với nội dung của bài viết này, khi giảng dạy giáo viên có thể áp dụng cho tất cả các khối lớp 6, 7, 8, 9 trong các tiết trả bài viết, trả bài kiểm tra.

III. KẾT LUẬN

Trên đây là ý tưởng và suy nghĩ của cá nhân tôi trong việc giúp học sinh khắc phục một số lỗi dùng từ trong quá trình học tập môn Ngữ văn. Mong rằng qua những việc làm trên sẽ giúp các em hạn chế mắc các lỗi dùng từ, để từ đó các em có ý thức dùng từ chính xác hơn, diễn đạt hay hơn, kích thích được lòng say mê và yêu thích môn Ngữ văn ở các em.

Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn nghiên cứu không tránh khỏi những hạn chế. Mong quí thầy, cô góp ý bổ sung để tôi rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người viết: Đỗ Thị Hồng Châu

  • Chia sẻ:
  • |
  • In bài viết
Nguồn: Bài viết

Video liên quan

Chủ Đề