Giới thiệu khai quát về sứ mệnh cao cả của nhà văn chân chính

Từ bao đời này văn học xuất hiện đã đem đến sứ mệnh cao cả là nâng đỡ, xoa dịu những nỗi đau của con người trong cuộc sống còn bề bộn, nhọc nhằn những lo âu. Làm sao ta có thể không thổn thức trước những câu thơ Kiều cháy bỏng nỗi xót thương của Nguyễn Du về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội cũ: “Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” hay ta không khỏi nghẹn ngào xúc động trước nhưng vần thơ cá tính, sắc sảo của Hồ Xuân Hương: “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan với nước non Chén rượu hương sưa say lại tỉnh Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn Xiên ngang mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”. Những vần thơ ấy là tiếng nói đanh thép của nữ sĩ họ Hồ tố cáo lên án xã hội chà đạp lên số phận của những người phụ nữ đương thời. Trong văn học Nga ta được gặp một Puskin say đắm, nhẹ nhàng với những vần thơ tình yêu chinh phục trái tim độc giả: “Cầu cho được người tình như tôi đã yêu em”. Có lẽ từ bao đời nay văn học đã thực hiện được thiên chức, sứ mệnh của nó là nâng đỡ, cứu rỗi thế giới. Chính vì thế mà Sêkhốp đã từng phát biểu: “Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” Nhân đạo là yêu thương, đồng cảm xót thương với những nỗi đau của con người. Đó có thể là nỗi đau xé ruột của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa phải chịu những tủi nhục, khốn cùng đã được đề cập trong ca dao: “Thân em như tấm lụa đào phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”, người nghệ sĩ đã tinh tế khi phát hiện ra sự cay đắng cùng với niềm hi vọng mong manh về số phận bất thường của người con gái khát khao được tự do, được phá vỡ những lề lối phong kiến xưa. Tinh tế hơn là nỗi nhớ da diết thẳm sâu của cô gái về một tình yêu được ấp ủ trong lòng: Khăn thương nhớ ai Khăn rơi xuống đất Khăn thương nhớ ai khăn vắt lên ai Khăn thương nhớ ai khăn chùi nước mắt” Mượn hình ảnh chiếc khăn là vật dụng quen thộc đối với cô gái nhà thơ đã diễn tả rất đắt nỗi nhớ nhung của cô gái đối với người yêu ở phương xa. Nhà văn phải là người tìm kiếm và phát hiện ra những vẻ đẹp tiềm tàng ở những vật tầm thường. Ta có thể không xúc động sao được trước hình ảnh chờ đợi mòn mỏi của Liên và An trong tác phẩm Hai đứa trẻ, những cô bé cậu bé ấy luôn khát khao chờ đợi một cái gì lóe sáng trong cuộc đời của mình, họ đặt hi vọng vào chuyến tàu đêm- một hình ảnh cuối cùng trong ngày, chuyến tàu ấy đem đến một thế giới khác hẳn cái thế giới mà hai chị em đang sống, khác xa với cái xã hội người với chị Tí, bà Thi điên đang tồn tại. Chuyến tàu ấy dường như là thế giới rực sáng xua tan đi bóng đêm u tối để thắp lên hi vọng cho hai chị em Liên, An. Nhà văn của Tự lực văn đoàn đã phát hiện ra vẻ đẹp sâu kín ấy trên một vũ trụ già- ở phố huyện vắng vẻ, cô quạnh. “Nhà văn phải là người cho máu” nói như vậy để khẳng định rằng nhà văn phải là người đi sâu, khai thác những biến động tế vi của tâm hồn, phải khơi dậy cho được khát vọng sống mãnh liệt của con người đó là khát vọng tự khẳng định mình tự xoa dịu những nỗi đau của chính bản thân mình. Trở về với dòng văn học trung đại làm sao ta có thể quên được hình ảnh nàng chinh phụ mòn mỏi chờ chồng trong những năm tháng cô lẻ: “Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước Ngồi rèm xưa rủ thác đòi phen Ngoài rèm thước chẳng mất tin Trong rèm dường đã có đèn biết chăng” Người con gái ấy đã sống những tháng ngày mòn mỏi đợi tin chồng trong chiến trận. Thơ ca chỉ có giá trị khi được cất lên từ trái tim rung cảm với cuộc sống mỗi ngày của người nghệ sĩ bởi “Thơ là tiếng lòng”, bởi “thơ chỉ trào ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy”, làm sao ta có thể quên hình ảnh Lorca – Gaxia với cây đàn tây ban cầm trên yên ngựa mỏi mòn đã không nguôi khát khao xây dựng một nền thơ ca cách tân của dân tộc, chàng trai ấy đã chịu biết bao khổ cực, đắng cay luôn phải đối mặt với cái chết để có thể thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình. Âm thanh tiếng đan lila-lila cứ vang vọng mãi trong tâm trí của độc giả khi bài thơ kết thúc khẳng định vị trí bất tử của người nghệ sĩ dám hi sinh bản thân mình để cách tân một nền văn học đã già cỗi, khô cằn. Phải đam mê mãnh liệt với nghệ thuật, lo lắng cho nền văn học nước nhà thì nhà thơ mới có thể có những vần thơ nóng bỏng đến như vậy. Con mắt tinh đời của Thanh Thảo đã nhìn trúng nỗi khát khao được cống hiến vì nghệ thuật của Lorca. Một nhà nghệ sĩ chân chính phải thấu hiểu được lẽ đời, thấu hiểu được tâm trạng của con người nắm bắt những rung động thẩm mĩ của con người với cuộc đời, với vạn vật. Làm sao ta có thể quên được hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa ẩn mờ trong sương sớm nhưng đầy bụi bặm cuộc đời mà Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo nên, đằng sau vẻ đẹp của chiếc thuyền ấy là hình ảnh người phụ nữ khốn cùng lo lắng cho gia đình – người đàn bà ấy chấp nhận những trận đòn của người chồng chỉ vì những đứa con, chị đâu biết rằng sự nhẫn nhục ở chị gợi cho người đọc niềm xót thương khôn nguôi. Tác phẩm là lời tuyên bố về nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu nghệ thuật không nên tách rời cuộc sống mà nó phải gắn chặt với cuộc đời, khơi gợi trong người đọc một cái nhìn sâu sắc, tinh tế. Hơn thế nữa nếu Nguyễn Minh Châu không đi sâu khám phá hiện thực thì làm sao người đọc có thể nhìn kĩ một cách rõ nét những biến động trong đời sống con người. Làm sao người ta có thể cảm thông và thấu hiểu cho một người đàn bà nhẫn nhịn vì chồng, con hay oán giận người chồng vũ phu không yêu thương người vợ của mình. Nam Cao từng nói: Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối nghệ thuật chỉ có thể là tiếng that đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than. Bởi thế trong những sáng tạo của mình, Nam Cao đã khai thác sâu nội tâm của từng nhân vật, ngòi bút của tác giả như một con dao phẫu thuật lách sâu vào từng ngõ ngách của tâm tư nhân vật: Một lão Hạc vì quá thương con mà phải bán chó, phải nhịn văn để chờ con về, đằng sau sự nhẫn nhịn tủi cực ấy là tình yêu bao la tha thiết của người cha không nỡ để con mình phải chịu thiệt thòi. Và khi đọc nhưng trang văn viết về Chí Phèo, người đọc sửng sốt như phát hiện ra đây mới thực sự là cuộc đời bần cùng nhất, đói khổ nhất của người nông dân trước cách mạng tháng tám, họ không chỉ mất đất, mất ruộng, mất nhà của mà còn bị hủy hoại cả nhân hình lẫn nhân tính, đằng sau những vết cắt chằng chịt kia của Chí Phèo là khao khát được yêu thương được chăm sóc, Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn nhưng thị là người duy nhất tách ra khỏi làng Vũ Đại để đến bên Chí Phèo, chăm sóc Chí Phèo. Nhân loại cần một lòng tốt bình thường và ở Thị Nở đã mang lòng tốt ấy đến cho Chí Phèo, khơi dậy thẳm sâu trong tâm hồn Chí Phèo khao khát có được một tổ ấm, khao khát được công nhận, khao khát được yêu thương. Nam Cao đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của một nhà văn khi ông dấn thân vào việc tìm hiểu, khám phá những điều chưa ai thấy, những điều bình dị thậm chí tầm thường. Nam Cao xứng đáng là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy. Nhà văn là người luôn mở hồn mình ra để đón lấy những vang động của đời, ta không khỏi say mê những vần thơ thép của chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết về những điều chân thực trong nhà ngục ở Quảng Đông Trung Quốc, những vần thơ ấy sáng chói một niềm tin mãnh liệt, khát khao cháy bỏng về độc lập, tự do cho dân tộc, đôi mắt sắc sảo và trí tuệ tinh anh ấy đã nhìn thấy những cảnh tượng không thể nào chấp nhận được: “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh Chong đèn huyện trưởng bàn công việc Trời đất Lai Tân vẫn Thái Bình” Trong nhà lao cùng cực và nhiều gian khổ tủi nhục ấy, Bác vẫn tỏa sáng một niềm tin bất diệt về ngày nước nhà được độc lập tự do, dân tộc được giải phóng, trái tim của người luôn hướng về đất nước, hướng về dân tộc: “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh Vần thơ của Bác vần thơ thép Mà vẫn mênh mông bát ngát tình” Chất thép hòa quyện với chất trữ tình trong thơ đã khiến cho thơ ca của Hồ Chí Minh vang vọng mãi trong lòng người đọc, những vần thơ ấy được đúc kết từ hiện thực đau khổ còn nhiều bất công, nhiều tủi nhục. Tập thơ Nhật ký trong tù xứng đáng là viên ngọc quý trên thi đàn, tập thơ ấy đã khẳng định tài năng, nhân cách cao đẹp hiếm có của một người chiến sĩ cách mạng, một nhà thơ- một thi nhân. Điều còn lại của nhà văn chính là giọng nói riêng của mình, nhưng giọng nói ấy phải tạo được ấn tượng, sự đồng điệu trong tâm hồn của bạn đọc, nhà văn phải thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu tâm tư của con người, nắm bắt được những bí mật của con người để có thể dâng cho đời những trang văn đầy ám ảnh. Nói cách khác nhà văn phải tạo được dấu ấn trong lòng độc giả qua giọng điệu, qua ngôn ngữ muốn vậy mỗi nhà văn phảI không ngừng trau dồi học hỏi kinh nghiệm sống và viết, và phải là nhà nhân đạo, yêu thương con người, sẻ chia cho con người những vui buồn trong cuộc sống. Đọc thơ Xuân Diệu người đọc không bao giờ quên được cảm hứng sống dạt dào như lời thúc giục, kêu gọi con người phải yêu cuộc sống phải yêu đời để có thể sống từng giờ từng phút chất lượng, bởi có yêu mến cuộc đời thì con người mới tận hiến hết khả năng và trí lực của mình cho đời và cho người, những lời thơ thúc giục như vang vọng bên tai chúng ta: “Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi Của ong bướm này đây tuần tháng mật Này đây hoa của đồng nội xanh rì Này đây lá của cành tơ phơ phất Và này đây ánh sáng chớp hàng mi Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Ước muốn được tắt nắng buộc gió của tác giả thể hiện lòng yêu đời yêu người tha thiết mãnh liệt thơ Xuân Diệu thấm đẫm nguồn sống dạt dào là bình chứa muôn hương của cuộc đời, lúc nào cũng nồng nàn, tha thiết, nguồn sống ấy tưởng như chưa bao giờ vơi cạn để khỏa lấp tình yêu thiên nhiên yêu cuộc đời của thi nhân. Đọc thơ Xuân Diệu người đọc như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, nguồn sống dạt dào chưa từng có để có thể bước qua những khó khăn những chông gai của cuộc sống, thật kì diệu biết bao, nhà thơ ấy đã làm được điều mà không phải người nghệ sĩ nào có thể là được, xây dựng được. Thi nhân đã góp một tiếng nói chân thực, say sưa của mình vào cuộc đời để khơi dậy nguồn sống nồng nàn, mãnh liệt của con người, cho đến bây giờ khi đọc lại những vần thơ của ông người ta không khỏi ngạc nhiên, bỡ ngỡ vì những vần thơ Tây quá, dào dạt quá, ngồn ngộn tình yêu cuộc đời. Và biết đến bao giờ chúng ta mới có thể gặp lại được một nhà thơ, một hồn thơ như thế trong văn học. Doxtoi epxki đã từng nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, thật vậy văn học đã đến với cuộc đời này để nâng niu, nâng đỡ giá trị con người khiến con người sống thiện hơn lành hơn, đồng cảm và gần gũi nhau hơn, tôi cứ tưởng tượng rằng nếu như một ngày kia văn học bị phá hủy, bị đập vỡ thì con người sẽ sống như thế nào, đối xử với nhau ra sao. Và nhà văn những nhà nhân đạo sẽ phải đối mặt với hiện thực này như thế nào. Một nhà văn muốn tạo nên sự bất tử cho tác phảm của mình thì bản thân nhà văn ấy phải là nhà nhân đạo, bản thân tác phẩm văn học ấy phải là tiếng kêu đứt ruột, xé lòng của con người với cuộc đời. Shê khốp đã đúng khi nhân định rằng: “Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tủy”.

Video liên quan

Chủ Đề