Hạt hướng phủ có bao nhiêu giáo xứ?

Giáo xứ Hòa Đa ở giữa một vùng dân cư rộng lớn gần 12.000 người thuộc thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 20km về hướng đông đông nam. Nhà thờ Hòa Đa nằm cuối con đường khởi từ tỉnh lộ Thuận Hóa 7, qua cầu Phú Thứ, rẽ về hướng Đông, đi một cây số đường đất qua một cánh đồng [xem bản đồ].

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ phong trào truyền giáo của cha Eugène Allys [1893]

Dưới thời cha Eugène Allys [Lý] làm Quản xứ Phủ Cam kiêm Quản hạt Bên Thủy [1885-1908], có phong trào truyền giáo rất mạnh nhắm các vùng quê thuộc giáo hạt này. Cha Anphong Trần Bá Lữ [1845-1884-1913], phó xứ Phủ Cam lúc ấy, được giao phụ trách khu vực Diêm Tụ.

Sau 4 năm truyền giáo [1885-1889], thấy số người tòng giáo khả quan, Giáo phận đã chọn Diêm Tụ làm địa điểm trung tâm để rao giảng Tin Mừng.

Năm 1893, linh mục Antoine Stoeffler [cố Thể], chính xứ đầu tiên ở Diêm Tụ [1890-1908], cử phó xứ Micae Dương Đức Kỳ từ Diêm Tụ lên dạy dỗ và rửa tội cho hơn 10 gia đình tân tòng đầu tiên tại Hòa Đa. Đó là gia đình các ông Lê Văn Kiểng, Ma Văn Lang, Lê Định, Đỗ Lâu, Đỗ Dõng, Ma Văn Hiển …

Hai năm sau, Hòa Đa tiếp tục có thêm người được rửa tội, đó là gia đình các ông Lê Văn Lợi, Ma Văn Sô, ông Bộ Toản, Ma Văn Điếu, Ma Văn Phổ, Lê Văn Sách, Lê Văn Bị, Lê Bính, Lê Ngọc Gia, Lê Văn Duyên, Lê Văn Tịch… Hai năm kế tiếp, 1896-1897, thêm các gia đình Ma Đốc, Ma Văn Tụng, Lê Chuột, Đỗ Hiên, Ma Độ, Lê Khương, Nguyễn Quảng, Ma Chuột …

Lúc nầy số giáo dân đã khá đông, trên dưới 100 người [30 gia đình] gấp ba lần trong vòng 4 năm kể từ khi nhận lãnh đức tin.

Năm 1911, cha Anrê Nguyễn Hữu Tường phó xứ Diêm Tụ lên Hòa Đa [Đông] dựng một ngôi nhà thờ lợp tranh, cột kèo bằng gỗ và dời nhà thờ Hòa Đa Tây lên làm nhà xứ, nằm sau lưng nhà thờ, cũng bằng gỗ lợp tranh. Giáo họ được chính thức thành lập với tên gọi Hòa Đa và chọn Thánh Cả Giuse làm bổn mạng.

Năm 1915, cha Phaolô Trương Văn Vân [1847-1884-1930], người Phủ Cam, chánh xứ Ba Châu, trông coi xứ Hòa Đa. Cha có con ngựa trắng thật đẹp, chuyên cỡi mỗi lần về đó. Trong bao năm trời cha đã miệt mài xây dựng ngôi nhà thờ thuộc hàng vĩ đại trong vùng, gồm 5 gian, tường gạch, ngói âm dương, cột gỗ quý, xuyên kèo mít chạm công phu, đòn tay và rui kiền kiền, hiện đòn tay vẫn còn dùng tốt.

2- Chính thức trở thành giáo xứ với những bước thăng trầm [1929].

Năm 1929, cha Phaolô Trương Văn Vân chính thức về ở tại Hòa Đa, làm Quản xứ tiên khởi. Chức việc bấy giờ là các ông Tri Kiểng, Câu Định, Câu Lang. Cha còn canh 12 mẫu tư điền tại Cồn Trưa cho giáo xứ. Giáo dân lúc này đã khá đông: 40 gia đình, gần 200 người. Trong số đó có gia đình ông Huỳnh Vụ, người Di Loan, lấy vợ Hòa Đa. Nghe đâu ông đi chủng viện không thành, về Hòa Đa lấy vợ rồi phục vụ Chúa và Giáo hội tại đây cho đến đời cháu nội. Còn đời sống kinh tế Hòa Đa lúc bấy giờ thì nhất cả vùng, một mình nhà ông Tri Kiểng lúa gạo đủ cho mấy làng ăn cả năm, chưa kể nhà ông Câu Lang cũng xấp xỉ ông Kiểng. Từ ngày nhận lãnh đức tin, lần đầu tiên giáo xứ có cô Maria Ma Thị Mẹo, con ông Câu Lang, dâng mình vào Dòng Phaolô. Bà đã tận hiến trong nhà dòng cho đến mãn đời tại tỉnh Dòng Đà Nẵng cách đây ít năm.

Năm 1930-1935, cha Phêrô Lê Văn Đức [1880-1910-1937] về thay cha Vân hưu dưỡng. Cha đã đặt đúc tại Pháp một quả chuông nặng 70 kg có khắc hai phía hình nổi tượng Trái tim Chúa và Trái tim Mẹ, hai phía còn lại một bên khắc niên đại 1932 và bên kia hàng chữ Hòa Đa Hội. Ngày đưa chuông lên tháp gỗ cao 5 mét, cha và giáo xứ đều tề tựu. Lúc bấy giờ có ông Nghè Bút [Phạm Bá Bút], người Phủ Cam, “làm bọ” quả chuông này. Năm 2000, cha xứ Phêrô Nguyễn Hữu Giải đã xây lại tháp chuông cao hơn 12 mét, và quả chuông từ đời cha Đức vẫn còn ngân nga khắp vùng; tiếng chuông nghe còn rất hay.

Năm 1935-1937, Hòa Đa lại biến thành giáo họ, trực thuộc Lương Văn, nơi cha Phêrô Tống Văn Hộ [1884-1915-1968] đang làm Quản xứ.

Năm 1937-1942, được kiêm nhiệm bởi cha Phêrô Huỳnh Văn Thuận, Quản xứ Lương Văn [đồng thời lo ruộng đất Nhà Chung ở vùng này]. Ngài đã xây cho Hòa Đa nhà xứ 3 gian, tường gạch, lợp ngói liệt, xây lại giếng nước bằng gạch [trước bằng đá]; cả làng dùng giếng này cho đến hết thập niên 80. Lúc này giáo xứ do ông Câu Lang làm đầu, ông Ma Văn Hoài làm chức việc. Tại Hòa Đa, cha Thuận có một kho lẫm gọi là “nhà lậm” cất giữ lúa cho Nhà Chung.

Năm 1943-1944, cha Phaolô Trần Bá Úy, người Sơn Công, đến cai quản. Hòa Đa trở thành giáo xứ lại. Ngài qua đời tại Hòa Đa và được chôn cất ngay sân nhà thờ.  

Cung thánh nhà thờ Hòa Đa

Năm 1945-1948, cha Phaolô Nguyễn Văn Chính, gốc Ngọc Hồ, về Hòa Đa. Việc trước tiên là làm một mái hiên rộng và dài trước nhà. Cha dạy giáo lý và chữ quốc ngữ cho giáo dân từ già đến bé. Thanh thiếu niên nam nữ đến tuổi trưởng thành bắt buộc phải học xong lớp giáo lý bao đồng. Muốn qua lớp bao đồng phải thuộc kinh trong sách Nhật khóa Địa phận, từ các kinh Chúa nhật cho đến các kinh Thứ 7, kể cả các kinh cầu dài nhất. Kinh nghĩa [sách giáo lý xưa của Giáo phận Huế] gồm “10 phần 8 giái 3 nghĩa 12 điều”, cha đích thân dò từng người và từng kinh một. Vì vậy ít ai khỏi có “lằn roi” của cha. Nhờ vậy cho đến nay, những người còn lại trên 70 tuổi, các kinh dài ít khi đọc nay có dịp đọc lại, họ đều thuộc và đọc rất hay. Cha dạy dỗ Hòa Đa trong vòng 4 năm mà hầu hết đều thuộc lòng toàn bộ kinh, kể cả những người không biết chữ.

Đến cuối năm 1948, cha phải về Nhà Chung vì tai bị điếc.

Năm 1949-1952, cha Lôrensô Trương Văn Vệ, cũng gốc Ngọc Hồ, đến kế nhiệm. Sau đó thì ngài về quê hương làm quản xứ.

Giáo dân Hòa Đa lúc này còn lại đếm trên đầu ngón tay, đa số lánh cư lên Phủ Cam, một số ở luôn đến bây giờ. Trong số này có một nữ tu Dòng Phaolô hiện phục vụ tại Kontum, một nữ tu Mến Thánh Giá hiện phục vụ tại Dòng ở Phủ Cam, một tu sĩ Thánh Tâm. Ngoài ra còn có năm ba người đi tu nhưng không đạt, vài ba năm lại về. Dù vậy, những người này giúp giáo xứ rất nhiều trong việc đạo đức và giáo dục.

Năm 1953-1970. Từ 1953 đến 1956, Hòa Đa lại thuộc Lương Văn do cha Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc làm Quản xứ; từ 1957 đến 1964 thuộc về Diêm Tụ với cha Matthia Nguyễn Văn Triêm rồi cha Phêrô Nguyễn Đình Chế; và từ 1965 đến 1970 thuộc lại Lương Văn với cha Anrê Nguyễn Văn Cần rồi cha Phêrô Mai Xuân Hiến.

Năm 1971, cha Tôma Lê Văn Cầu, người Trí Bưu, trước ở Diêm Tụ, nay tình nguyện về Hòa Đa, một vùng bao la bị tàn phá bởi chiến tranh mà chỉ có một nhà thờ đơn độc, không quản xứ suốt 18 năm ròng rã. Cha về Hòa Đa có 2 năm, giáo xứ như được hồi sinh. Đời cha Chính khởi sắc một thời, nay cha Cầu khơi dậy lại. Dù chiến tranh dữ dội, giáo dân tản mác, cha vẫn xông pha đến, còn xin được Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng về cộng tác phục vụ. Đầu tiên là chị Angèle, chị Cécile, rồi chị Lợi, chị Liễu, chị Siêu.

Sau khi xin được các nữ tu về Hòa Đa lập sở, cha Tôma đã làm hai dãy trường học gồm 6 lớp, vách ván lợp tôn. Có trường, cha xin được 2 đại chủng sinh về giúp xứ và dạy chữ. Lần lượt các thầy sau đây về phục vụ: thầy Hải, thầy Công, thầy Huy, thầy Quý và thầy Trọng. Cha còn nhờ giáo viên tình nguyện về giúp con em trong cái vùng không trường học này. Trong số đó có hai vợ chồng Phạm Cảnh Công – Lê Thị Mầu, đã hy sinh tình nguyện dạy học miễn phí từ khi trường thành lập cho đến năm 1975.

Đặc biệt cha Tôma có một phương tiện độc đáo để cứu tế nạn nhân chiến tranh khắp vùng từ Viễn Trình đến Ba Lăng [nhất là trong vụ Mùa hè Đỏ lửa 1972]. Một xe Jepp cũ 4 bánh với dòng chữ “Cô nhi viện Li-băng Hòa Đa” hoạt động bất cứ giờ khắc hay tình huống nào. Hầu hết những người hoạn nạn, cô đơn hay bị bắt bớ đều biết đến cha và nhớ cha mãi. Người dân vùng cát Phú Đa bấy giờ mới thấy tận mắt và biết thế nào là linh mục Công giáo!

Năm 1973, cha Tôma tình nguyện ra Quảng Trị, giao Hòa Đa cho cha Micae Trần Minh Huy. Sau ngày được truyền chức, cha dâng Thánh lễ mở tay tại Hòa Đa rồi thay cha Tôma làm Quản xứ. Năm 1974, cha Huy chuyển về Quản xứ Dưỡng Mong, Diêm Tụ và Hà Trung.

Năm 1974, cha Lu-y Nguyễn Văn Bính đến thay. Cuộc sống khó nghèo của ngài lên đến mức độ khắc khổ: không cần người giúp đỡ, tự tay nấu ăn với lò dầu đơn giản, trong khi âm thầm đem tiền gạo nuôi những ai đói nghèo. Vài chú giúp lễ ở lại với ngài cũng thế, cha con luân phiên nhau lo chuyện bếp núc. Tết năm 1974, giáo hữu dâng cha nhiều quà, cha khoản đãi tất cả, chỉ để lại bánh tét, và ăn bằng hết mới chịu nấu cơm lại! Trong 2 năm cha đã củng cố giáo hữu lớn mạnh đức tin qua tấm gương đạo đức của mình. Cha đã lập nên tổ phục vụ nông dân trong hai thôn Đông Tây, còn giúp một chiếc máy cày cỡ trung cho họ. Tháng 4-1975, cha Lu-y lên đại chủng viện Huế ở Kim Long; cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải từ tiểu chủng viện Hoan Thiện [bị nhà nước quốc hữu hóa] về Hòa Đa tạm làm mục vụ. Cha đã xin được của nhà nguyện trường La San Bình Linh [lúc đó bị chính quyền quản lý rồi] 30 bộ ghế và bàn quỳ cho nhà thờ giáo xứ, hiện còn sử dụng.

Cuối năm 1975, cha Giacôbê Trần Văn Thời làm Quản xứ Lương Văn kiêm Hòa Đa cho đến năm 1980 mới chính thức là cha sở Hòa Đa và ở tại nơi này. Ngài đã xả thân phục vụ tận tụy. Để kỷ niệm 100 năm giáo xứ lãnh nhận đức tin [1893-1993], ngài đã trùng tu ngôi thánh đường, xây đài Đức Mẹ, nhà hội quán, mở đất thánh mới, làm 3 giếng nước công cộng trong xứ, đổ đất đỏ Biên Hòa trên đoạn đường từ chợ Hòa Tây đến cuối làng dài hơn một cây số, đại tu các nhà xứ Hòa Đa, Phú Lương, Lương Văn, xây dựng và khánh thành nhà thờ Tô Đà.

Những năm cuối đời, ngài đã phục vụ 3 giáo xứ Hòa Đa, Phú Lương, Lương Văn cùng 2 giáo họ Tô Đà và Phú Bài. Khi phát hiện bị mắc bệnh ung thư gan, ngài giã biệt con cái bằng câu nói hóm hỉnh: “Mấy năm nay cha không hề nghỉ phép, nay Đức Cha bảo đi nghỉ đây”. Ngày 18-9-1994, cha an nghỉ trong Chúa.

Năm 1994, Hòa Đa được cha hạt trưởng Micae Trần Minh Huy ở Diêm Tụ kiêm nhiệm cho đến khi chuẩn bị du học Pháp năm 1995, trao quyền hạt trưởng và các nơi kiêm nhiệm cho cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải đang Quản xứ Lương Văn.

Năm 1995, Hòa Đa được cha Giải kiêm nhiệm. Ngài đã củng cố Hội đồng Giáo xứ, duy trì hội Legio Mariae, lập hội bác ái Vinh Sơn, dạy giáo lý cho mọi giới trong xứ, tặng mỗi nhà một sách Tân Ước, dâng 4 Thánh lễ mỗi tuần vào thứ 4, thứ 6, thứ 7 và Chúa nhật, hoàn tất ngôi nhà xứ xây từ năm 1997. Tháng 12-2000, cha đã rửa tội 30 tân tòng và rồi chuẩn bị cho một lớp dự tòng gần 20 người.

Về phương diện văn hóa giáo dục, cha Phêrô đóng được 24 bộ bàn ghế học sinh, cho các cháu dự tu đến nhà xứ ôn học và nghỉ đêm, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, mở các lớp tình thương, xin gia đình La San Việt Nam tài trợ cho thôn Hòa Đông xây dựng 2 lớp tiểu học, xin tòa Tổng Giám mục tài trợ cho thôn Hòa Đông một lớp mẫu giáo và một nhà chơi cho trẻ, cho các thôn Lương Viện, Nam Châu và Hòa Tây mỗi nơi một lớp mẫu giáo.

Năm 2004 [ngày 12 tháng 5], Hòa Đa được cha Gioakim Nguyễn Văn Hùng, Quản xứ Lương Văn kiêm nhiệm. Nhìn thấy khuôn viên nhà thờ quá âm u vì cây cối bao quanh, việc đầu tiên cha làm là xây tường thành thay bờ tre để khuôn viên được thoáng, lắp hệ thống âm thanh trong nhà thờ. Năm 2010, xây dựng nhà hội quán. Ngày 1-5-2013, ngài đã tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm giáo xứ Hòa Đa lãnh nhận đức tin do Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể chủ sự và khoảng 25 linh mục Giáo phận đồng tế rất trọng thể, đem lại niềm phấn khởi lớn cho giáo dân. Trong niềm phấn khởi đó, giáo dân tự động đóng góp tiền và công xây dựng lại căn bếp của nhà xứ để chuẩn bị cho Hòa Đa có cha sở mới. Cha Gioakim cũng tiếp tục công trình của cha Phêrô là củng cố giáo xứ.

Năm 2017 [ngày 17 tháng 11], cha Phaolô Ngô Thanh Sơn về cai quản, Hòa Đa trở thành giáo xứ biệt lập lại. Tiếp tục công trình các vị tiền nhiệm, cha chăm lo cho giáo dân về mặt tinh thần cũng như tiếp tục xây dựng giáo xứ về mặt cơ sở, dù sức khỏe không được khả quan cho lắm. Tháng 05-2019, cha Sơn xin nghỉ mục vụ vì bệnh, về hưu dưỡng tại Nhà chung, dù chỉ mới 67 tuổi.

Năm 2019 [ngày 22 tháng 05], cha Micae Hy Lê Ngọc Bửu kế nhiệm. Đây là lần đầu tiên ngài đi làm mục vụ giáo xứ, sau 22 năm làm linh mục tại gia [ngài chịu chức ngày 20-08-1997]

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

– Phêrô Huỳnh Trọng [1970-2002-].

– Matthêu Mai Nguyên Vũ Thạch [1972-2004-].

– Phaolô Nguyễn Ngọc Vịnh [1976-2010-].

– Matthêu Lê Văn Dũng [1955-2010-] Dòng Thánh Tâm.

– Anrê Lê Minh Phú [1978-2012-].

– Têphanô Ma Thanh Long [1981-2018-].

2- Nữ tu:

– Ma Thị Mẹo, Dòng Phaolô [+]

– Lê Thị Vy, Dòng Phaolô;

– Ma Thị Hường, Dòng MTG Huế;

– Lê Thị Diệp, Dòng MTG Huế.

– Lucia Ma Thị Liên, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế

3- Giáo dân:

– Năm 2013:    257 người.

– Năm 2019:    240 người.

Giáo xứ hiện có các hội đoàn: hội Vinh Sơn, hội Hiếu đạo, Thiếu nhi Thánh Thể, Cha gia đình, Mẹ gia đình và Ca đoàn. Giáo xứ tuy nhỏ nhưng có đến 4 ca đoàn thay phiên nhau hát trong 4 Chúa nhật mỗi tháng: của giáo xứ, của Cha gia đình, của Mẹ gia đình và của thiếu nhi.

Đài Đức Mẹ, xây dựng năm 2018

——————————————————————-

Hòa Đa là tên gọi chung cho vùng có hai thôn: Hòa Đa Đông và Hòa Đa Tây [có khi gọi tắt là Hòa Đông và Hòa Tây]. Giáo xứ Hòa Đa hiện nay chủ yếu nằm tại thôn Hòa Đa Đông.

Theo cha ông truyền lại: vì Hòa Đa Tây chỉ có vài ba gia đình trước thuộc xứ Ba Châu [thôn Vĩnh Lưu] nên đã sát nhập với Hòa Đa Đông lập nên xứ Hòa Đa. Được biết các gia đình Hòa Đa Tây theo đạo đầu tiên là các ông Lê Hữu Khờ, Lê Khắc Văn… Con cháu ông Khờ một số giữ đạo đến bây giờ, tiếc là đi ở nơi khác không còn tại làng; nhưng con ông Lê Khắc Văn là Lê Khắc Thành và Lê Khắc Láo thì bỏ đạo. Đến năm 1960-1961, thời cha Bửu Đồng chính xứ Sư Lỗ, ông Lê Khắc Lơ [con đầu của ông Lê Khắc Láo] cùng vợ và hai con trở lại. Lễ nhận lãnh bí tích khai tâm tại Sư Lỗ lúc ấy rất long trọng, cùng với khoảng 200 tân tòng từ Lương Viện, Hòa Đa Tây, Khê Xá. Người cháu nội, con em ruột ông Lơ cũng được ơn trở lại. Kể từ năm 1992, miền đất Hòa Đa Tây có một căn hộ hai vợ chồng trẻ và 8 người con, hằng đêm có tiếng kinh cầu, lẻ loi, đơn độc nhưng vang vọng đến mọi người. “Nhà anh Tá mấy lâu nay mần chi mà tối nào cũng hương đèn Amen Amen vậy?”, bà con lương trong xóm hỏi. Đến năm 2000, Hòa Đa Tây có 9 gia đình, 43 giáo dân là một trong 3 xóm của Giáo xứ Hòa Đa.

Ba Châu [thôn Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, huyện Phú Vang], quê hương của Đức Giám mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, là một giáo xứ có truyền thống lâu đời, tiền thân của giáo xứ Lương Văn, nhưng vì trải qua nhiều chiến cuộc nên giáo dân ở đây phải sơ tán khắp nơi, đến nay chỉ còn dấu vết của nền và móng nhà thờ.

Đến năm 1956, cha Trần Bá Hạnh và mấy người cháu ở Sơn Công về cùng giáo xứ cải táng ra đất thánh. Hòa Đa có được điều hiếm có này: một cha xứ đã đến và ở lại mãi mãi với giáo xứ. Trong suốt 18 năm sau này [1953-1971], Hòa Đa mồ côi [vì chẳng có quản xứ sở tại], Nhà tạm không còn Thánh Thể, có người đã chỉ ngôi mộ trước nhà thờ [rồi tại đất thánh]: “Cha đó, răng mồ côi được?” Chúa không cho cha làm phép lạ nào, nhưng với niềm tin của giáo hữu, cha đã cầu bầu che chở cho giáo xứ trong bao năm bom đạn khốc liệt. Nhà thờ cũng như mọi người đến ẩn náu, chưa có một viên ngói hay cá nhân nào gặp tai vạ chiến tranh. Trong 18 năm không có một lời nhắc nhủ của chủ chăn trực tiếp, nhưng chưa hôm nào nhà thờ vắng tiếng kinh nguyện. Những khi bom đạn tơi bời, kinh nguyện tại nhà thờ lại càng dài giờ hơn nữa. Nay nhìn lại thấy cả một điều lạ!

Từ khi thành lập [1971] cho đến bây giờ, các nữ tu vẫn luôn hiện diện để phục vụ giáo xứ. Các chị trưởng sở lần lượt như sau: chị Hồ Thị Thúy Liễu [1975], chị Lê Thị Triều [1977], chị Nguyễn Thị Ba [1996], chị Hoa [2005] và chị Bích [2008].

———————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Chủ Đề