Học quân đội có giàu không

QĐNDTrong những năm đầu thập niên 1970, Quân đội Sài Gòn từng lan truyền câu nói: “Nhất Trí, nhì Quang, tam Lan, tứ Quảng” nhằm đồn thổi về mức độ giàu có của các viên tướng: Đỗ Cao Trí, Đặng Văn Quang, Lữ Lan và Đoàn Văn Quảng. Chưa rõ thực hư về số tài sản của các viên tướng trên, song qua lời kể của các sĩ quan chế độ cũ – từng học tập, cải tạo ở Trại cải huấn của ta – thì phần đông sĩ quan Quân đội Sài Gòn từ cấp đại đội trở lên đều có mức sống khá “sung túc” do biết “kiếm thêm” những khoản thu nhập từ các chức vụ của họ.

Gieo mộng “hưởng thụ” trong sĩ quan trẻ

Sĩ quan Quân đội Sài Gòn có hai loại ngạch là hiện dịch và trù bị. Sĩ quan hiện dịch là đối tượng lấy quân đội làm nghề nghiệp suốt đời, được thăng cấp nhanh và ưu tiên sắp xếp những vị trí quan trọng, đến tuổi giải ngũ được hưởng lương hưu. Còn sĩ quan trù bị là những đối tượng có lệnh Tổng động viên vào phục vụ quân đội trong thời hạn 4 năm. Sau 2 năm, sĩ quan ngạch trù bị được xét chuyển sang ngạch hiện dịch với điều kiện sức khỏe tốt và sau 6 tháng không vi phạm kỷ luật. Trên thực tế, sau 4 năm, chính quyền Sài Gòn không hề giải ngũ cho số sĩ quan trù bị mà chỉ xem xét trong những trường hợp đặc biệt.

Theo Luật “Tổng động viên” của chính quyền Sài Gòn, tuổi quân dịch của nam thanh niên là 18 và thành phần được xếp vào hàng ngũ sĩ quan là những thanh niên đã có bằng tú tài. Người có bằng tú tài nếu không tình nguyện vào học 4 năm tại Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt [ra trường được phong hàm Thiếu úy hiện dịch] thì sẽ bị gọi trình diện và vào học 8 tháng tại Trường bộ binh Thủ Đức [ra trường được phong hàm sĩ quan trù bị, cấp bậc Chuẩn úy]. Đa số sĩ quan hiện dịch xuất thân từ gia đình các quân nhân, cựu quân nhân hoặc công chức phục vụ trong chính quyền Sài Gòn, ngoài ra còn có những sĩ quan trước đây từng phục vụ trong chế độ thực dân của Pháp; số khác thuộc nhóm hạ sĩ quan được thăng lên sĩ quan. Ngạch sĩ quan trù bị lại bao gồm đủ các thành phần xã hội, trong đó có nhiều người xuất thân từ các gia đình công nhân và nông dân.

Trong bản tường trình viết trong Trại cải huấn ở Yên Bái [tháng 11-1976], Tướng Nguyễn Xuân Trang, người từng giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn, cho biết: “Trong các năm 1974-1975, sĩ quan Quân đội Sài Gòn có 40% là sĩ quan hiện dịch, còn lại thuộc ngạch trù bị. Sở dĩ tỷ lệ sĩ quan trù bị cao như vậy là vì số thanh niên thi hành Luật Tổng động viên và vào học tại Trường bộ binh Thủ Đức mỗi năm trung bình lên tới 5000 người, trong khi Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt hằng năm chỉ đào tạo khoảng 200 sĩ quan. Tỷ lệ sĩ quan hiện dịch trong hàng ngũ sĩ quan cấp tướng, tá cũng luôn cao hơn sĩ quan cấp úy”.

Với quan niệm: Trở thành sĩ quan hiện dịch sẽ được hưởng một chế độ lương bổng ưu đãi và nhất là sau này được ưu tiên đảm nhận những chức vụ quan trọng nên đa phần sĩ quan trù bị luôn cố gắng “thể hiện” mình để sớm trở thành sĩ quan hiện dịch. Nắm bắt được động cơ tiến thân của số sĩ quan trẻ, chính quyền Sài Gòn đã tung ra “miếng mồi” hưởng thụ nhằm mua chuộc, động viên họ “chiến đấu tốt” để “chức vụ càng cao, quyền lợi càng tăng”. Chẳng hạn, số sĩ quan là Chỉ huy các đơn vị hoặc giữ chức vụ từ Trưởng phòng trở lên đều có tiêu chuẩn xe riêng; một số người còn được cấp hoặc mua nhà trả góp. Sĩ quan nắm chức Đại đội trưởng sẽ được tiêu chuẩn một binh sĩ cận vệ và giúp việc; chức Tiểu đoàn trưởng có từ 2-3 binh sĩ giúp việc; lên tới cấp tướng thì có tiêu chuẩn một sĩ quan Chánh Văn phòng, một sĩ quan tùy viên và 3 binh sĩ giúp việc. Sĩ quan cấp tướng khi về hưu còn được hưởng tiêu chuẩn 1 sĩ quan và 3 binh sĩ phục vụ. Với chính sách kết hợp giữa quân sự và dân sự, sĩ quan cấp tá còn được chuyển sang giữ các chức vụ hành chính như: Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Đô trưởng, Tổng giám đốc, Đổng lý văn phòng… hoặc ra ứng cử các ghế dân biểu, nghị sĩ.

Muôn kiểu “làm giàu” của các tướng, tá

Tướng Lê Minh Đảo, từng giữ chức Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 18, đã viết trong bản tường trình trong thời gian học tập ở Trại cải huấn của ta: “Khi Ngô Đình Diệm nắm quyền, lương của quân nhân được trả tương đối cao so với vật giá bên ngoài, do đó gia đình quân nhân có được một cuộc sống ổn định. Thời ấy, Quân đội Sài Gòn đã cấm sĩ quan và gia đình kiếm việc làm thêm để mưu sinh. Nhưng đến thời Nguyễn Văn Thiệu và những năm sau đó, do lạm phát, vật giá leo thang nên đồng lương của sĩ quan không đủ sống, Quân đội lại cho phép quân nhân có thể kiếm việc làm ngoài giờ, đó cũng chính là nguyên nhân phát sinh những thủ đoạn kiếm tiền của sĩ quan và gia đình họ”. Viên tướng một sao này đã tự chia ra những kiểu kiếm tiền của đội ngũ sĩ quan cùng thời là những kiểu kiếm tiền “lương thiện” và “không lương thiện”. Theo đó, khá đông sĩ quan ở các đơn vị đồn trú trong đô thị thường tìm việc làm thêm vào ban đêm để kiếm sống như: Dạy học, lái taxi, chạy xe máy chở khách… còn một số bà vợ của các sĩ quan thì chọn cách buôn bán hoặc hùn vốn làm ăn tùy theo cơ hội. Ngoài ra, có không ít sĩ quan [thường từ cấp úy đến cấp thiếu tá] là những người không nắm chức vụ quan trọng, vợ con không kiếm được công ăn việc làm nên đời sống gia đình cũng không mấy dư giả. Tuy vậy, số này vẫn phải tỏ ra là những gia đình sĩ quan có cuộc sống sung túc và chính Lê Minh Đảo đã từng chua chát gọi họ là những thành phần “bần hàn mạ vàng”.

Tướng Đỗ Cao Trí – nhân vật được đồn thổi là giàu có nhất trong số các tướng lĩnh Quân đội Sài Gòn đầu thập niên 1970.

Với kiểu kiếm tiền mà Lê Minh Đảo cho là “bất lương”, số này thường rơi vào những sĩ quan đảm nhiệm các chức vụ hậu cần và phụ trách hành chính. Những chức vụ ấy đã tạo điều kiện để các sĩ quan – không hẳn ở cấp bậc và chức vụ cao – có thể cấu kết để tham nhũng. Đôi khi một sĩ quan cấp úy hoặc một hạ sĩ quan vẫn có cơ hội làm giàu bất chính, thậm chí giàu hơn hẳn một đại tá hoặc một viên tướng trong Quân đội Sài Gòn.

Trong tài liệu tham khảo “Về cơ sở kinh tế của sĩ quan Quân đội Sài Gòn” do Cục Địch vận [Tổng cục Chính trị] khảo sát năm 1973, các cán bộ địch vận đã tiến hành nghiên cứu đời sống kinh tế của 154 sĩ quan [trong đó có 10 sĩ quan cấp tướng, 135 sĩ quan từ đại úy đến đại tá, 9 sĩ quan từ chuẩn úy đến trung úy] thuộc các chức vụ từ trung đội trưởng đến các chức danh dân sự do sĩ quan đảm nhiệm như: Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Nghị sĩ, cán bộ bình định… Tài liệu nghiên cứu cho thấy, tất cả trong số này đều dựa vào chức, quyền để kiếm tiền và có tới… 21 biện pháp để sĩ quan Quân đội Sài Gòn “làm giàu” thông qua những khoản thu nhập bất chính.

Để có được cuộc sống sung túc, các tướng, tá trong Quân đội Sài Gòn còn lợi dụng những mối quan hệ thông qua phe cánh hoặc người thân ở trong và ngoài nước. Có người lợi dụng mối quan hệ với giới tư sản trong nước và tư sản Hoa Kiều; có người dựa vào những phi vụ làm ăn với Mỹ và các nước đồng minh; số khác đứng sau để vợ dựa thế chồng đi buôn… “Kín đáo” hơn, một số sĩ quan chọn cách “bật đèn xanh” hoặc dựa vào đàn em để làm tiền. Đỗ Cao Trí và Lữ Lan – hai trong số bốn viên tướng từng bị đồn thổi trong dư luận: “Nhất Trí, nhì Quang, tam Lan, tứ Quảng” – đã chọn cách này. Lúc còn nắm chức Tư lệnh Quân đoàn 3, Đỗ Cao Trí đã từng đưa tướng Đào Duy Ân vào ghế Phó tư lệnh Quân đoàn và gạt Đỗ Kế Giai khỏi vị trí Tư lệnh Sư đoàn 18 của Quân đoàn 3 bởi Giai là người cạnh tranh trực tiếp với Trí trong việc buôn bán gỗ và da trên địa bàn Vùng 3 chiến thuật. Khi là Tư lệnh Quân đoàn 2, Lữ Lan lại dựa vào “đệ tử” của mình là Đại tá Nguyễn Mộng Hùng [Tỉnh trưởng Bình Định] đứng ra nhận tiền hối lộ từ chỉ huy các đơn vị trên địa bàn Vùng 2 Chiến thuật. Lữ Lan đã thu được hàng chục triệu đồng từ những vụ chia chác để dàn xếp, hình thành phe cánh hơn 10 sĩ quan thân tín. Ngoài ra, trong Quân đội Sài Gòn còn có những viên tướng mang biệt danh gắn với những phi vụ buôn bán như “vua gỗ” Võ Văn Cảnh, “vua quế” Nguyễn Văn Toàn. Khi đang là Tư lệnh Sư đoàn 23, Cảnh từng giàu lên bằng việc bắt lính khai thác gỗ về bán, còn Nguyễn Văn Toàn lại lợi dụng công sức của binh sĩ Sư đoàn 2 để khai thác, buôn bán quế khi viên tướng này đang nắm chức Tư lệnh Sư đoàn 2…

Bản ghi lời kể của các sĩ quan Quân đội Sài Gòn trong thời gian ở Trại cải huấn, năm 1975. Ảnh tư liệu.

Qua số liệu ngẫu nhiên thu thập từ 154 sĩ quan, phần lớn trong số này đều trở nên giàu có bằng cách vừa kết hợp kinh doanh tại gia đình, vừa dựa vào chiến tranh để tham nhũng quỹ viện trợ, phương tiện máy móc của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đồng thời kết hợp tổ chức các vụ buôn bán, áp phe, cắt xén tiêu chuẩn và bắt binh sĩ lao động kiếm tiền. Tư liệu cũng thống kê, trong số 154 sĩ quan có tới 70% trong số này có xe hơi; 83% có biệt thự, nhà riêng và đại đa số đều có tiện nghi sinh hoạt sang trọng, trong đó các chức vụ thấp nhất từ Đại đội trưởng trở lên đều có một đời sống sung túc… Tuy vậy, theo bản tường trình của tướng Văn Thành Cao, từng giữ chức Tổng cục phó Tổng cục Chiến tranh chính trị, từ sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, tư tưởng sĩ quan và binh lính Quân đội Sài Gòn đã bắt đầu rệu rã do các cấp chỉ huy bắt đầu chuẩn bị tiền bạc và thu xếp các phương án để rời khỏi miền Nam, phần lớn trong số này đã xác định “không sớm thì muộn, miền Nam sẽ nhanh chóng rơi vào tay cộng sản”.

Thực tế đã chứng minh sự “lo xa” của số đông tướng, tá Quân đội Sài Gòn là sự thật và những kiểu “làm giàu” của họ đã không có cơ hội được “phát huy” sau sự kiện 30-4-1975…

Bùi Quang Huy
qdnd.vn

Chủ Đề