Hướng dẫn xử lý hành vi đánh bạc

Việc nhận thức và áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đánh bạc và Tội tổ chức đánh bạc hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, có những quy định mới như sử dụng mạng viễn thông, kết quả bóng đá cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất.

So với quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 321 Bộ luật Hình năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 [ BLHS năm 2015] đã có những điểm mới, đó là:

Nâng số tiền đánh bạc để truy cứu trách nhiệm hình sự với mức khởi điểm từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng đối với người phạm tội lần đầu; nâng mức phạt tù đối với người phạm tội từ 03 tháng đến 03 năm lên 06 tháng đến 03 năm [khoản 1 Điều 321]; nâng mức khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm lên từ 03 năm đến 07 năm; bổ sung tình tiết định khung tại điểm c khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015 : sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội và nâng mức hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồnglên10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
Đối với tội tổ chức đánh bạc
Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung một số tình tiết là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm, đó là: tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên; tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên; tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc [khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015]; sửa đổi tình tiết thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn tại điểm b khoản 2 Điều 249 BLHS năm 1999 bằng tình tiết thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên [điểm b khoản 2 Điều 322 BLHS năm 2015]; nâng mức phạt tiền tại khoản 1 Điều 249 BLHS năm 1999 từ 10.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng thành từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, sửa đổi hình phạt bổ sung tại khoản 3 Điều 249 BLHS năm 1999 từ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản bằng hình phạt bổ sung tại khoản 3 Điều 322 BLHS năm 2015 như sau: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015 đã bổ sung tình tiết để xác định khung hình phạt trong Tội đánh bạc, đó là: sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội và tình tiết: tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên; sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên; tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên; có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc [khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015] để làm cơ sở định tội danh đối với tội tổ chức đánh bạc.
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng để hiểu và áp dụng thống nhất như thế nào là sử dụng mạng viễn thông, như thế nào là tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên và như thế nào là kết quả bóng đá thì hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để áp dụng nên còn nhiều ý kiến trái ngược. Tác giả đưa ra một số tình huống cụ thể để bạn đọc cùng tham khảo nhằm đóng góp ý kiến để hoàn thiện pháp luật như sau:
Ví dụ 1: Vào lúc 2h ngày 03/7/2018, Công an huyện Z bắt quả tang một nhóm đối tượng có hành vi cá độ bóng đá ăn thua bằng tiền tại nhà đối tượng A, qua điều tra xác định được các đối tượng có hành vi như sau:
- Lê Thành C: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 5.000.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 6.000.000 đồng; trận Brazil Mexico ngày 02/7/2018 với số tiền là 2.000.000 đồng, thắng 1.000.000 đồng; trận Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018 với số tiền là 2.000.000 đồng.
- Đoàn Văn L: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 10.000.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 11.000.000 đồng; trận Brazil Mexico ngày 02/7/2018 với số tiền là 6.000.000 đồng, thắng 1.000.000 đồng; trận Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018 với số tiền là 7.000.000 đồng.
- Vũ Văn Đ: Tham gia cá cược với A trận Brazil Mexico ngày 02/7/2018 với số tiền là 5.000.000 đồng, thắng 2.700.000 đồng; trận Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018 với số tiền là 3.000.000 đồng.
- Trần Thanh H: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 1.500.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 4.000.000 đồng; trận Brazil Mexico ngày 02/7/2018 với số tiền là 4.500.000 đồng, thắng 4.500.000 đồng; trận Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018 với số tiền là 6.000.000 đồng.
- Lê Hoàng N: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 4.000.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 5.000.000đồng; trận Brazil Mexico ngày 02/7/2018 với số tiền là 3.000.000 đồng, thắng 1.000.000 đồng; trận Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018 với số tiền là 7.000.000 đồng;
- Nguyễn Minh D: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 2.500.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 4.500.000 đồng; trận Brazil Mexico ngày 02/7/2018 với số tiền là 3.000.000 đồng, thắng 1.500.000 đồng; trận Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018 với số tiền là 3.000.000 đồng.
- Trần Xuân E: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 6.000.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 7.000.000 đồng.
- Kim Minh M: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 2.500.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 4.500.000 đồng.
- Lê Văn K: Tham gia cá cược với A trận Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018 với số tiền là 3.000.000 đồng; trận Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018 với số tiền là 2.500.000 đồng; trận Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018 với số tiền là 2.000.000 đồng;
- Lê Kim B: Có hành vi giúp cho A ghi tỷ lệ cá cược của những người chơi, và tổng hợp tiền cá độ bóng đá cho A [vì A và B là vợ chồng].
Như vậy, trận bóng đá giữa Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018, A cá cược với C là 5.000.000 đồng; với L là 10.000.000đồng; với E là 6.000.000 đồng. [tổng cộng là 21. 000.000 đồng]; trận bóng đá giữa Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018, A cá cược với C là 6.000.000 đồng; với L là 11.000.000 đồng; với M là 5.000.000 đồng; với E là 7.000.000 đồng [tổng cộng là 29.000.000 đồng]; trận bóng đá giữa Brazil Mexico ngày 02/7/2018, A cá cược với L là 6.000.000 đồng; với Đ, 5.000.000 đồng [tổng cộng là 11.000.000 đồng]. Trận bóng đá giữa Bỉ - Nhật Bản ngày 03/7/2018, A cá cược với H là 6.000.000đồng; với M là 7.000.000 đồng [tổng cộng là 11.000.000 đồng].
Qua nội dung vụ án nêu trên, hiện có hai ý kiến trái ngược về định tội danh đối với A như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, cần phải khởi tố A về Tội tổ chức đánh bạc theo điểm c khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, tổng số tiền các trận bóng đá giữa Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018, A cá cược với C, L, E là 21.000.000 đồng; trận bóng đá giữa Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018, A cá cược với C, L, M, E là 29.000.000 đồng [trên 20 triệu đồng]. Theo điểm c khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 quy định: tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên.và tại điểm b mục 5.1 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về tội đánh bạc [gọi tắt là Nghị quyết 01] quy định:tổng số tiền, hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có trị giá 20.000.000 đồng trở lên, có nghĩa là điều luật quy định trong một trận bóng đá được gọi là một lần mà A cá cược với các con bạc trên 20.000.000 đồng. Do vậy, trận bóng đá giữa Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018, A chơi với C, L, E là 21.000.000 đồng và trận bóng đá giữa Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018, A cá cược với C, L, M, E là 29.000.000 đồng nên cần phải khởi tố A vể Tội tổ chức đánh bạc.
Ý kiến thứ hai cho rằng, A chỉ phạm tội đánh bạc với tình tiết phạm tội nhiều lần vì cùng một lúc, cả hai trận nêu trên không có trận nào một người cá cược cùng lúc với A đủ 20.000.000 đồng trở lên. Do vậy, khởi tố A về Tội đánh bạc là có căn cứ.
Tác giả đồng ý với ý kiến thứ hai, bởi lẽ: Hành vi tổ chức đánh bạc là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa người khác tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào. Khi xác định hành vi tổ chức đánh bạc cần phải phân biệt với trường hợp phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015 và là yếu tố định khung hình phạt quy định tại một số điều luật. Hành vi tổ chức đánh bạc cũng tương tự như một số hành vi tổ chức phạm tội khác. Tuy nhiên, đối với Tội tổ chức đánh bạc thì người phạm tội phải tổ chức ít nhất từ hai người trở lên đánh bạc, vì việc đánh bạc phải có từ hai người trở lên mới đánh bạc được, không ai đánh bạc với chính mình. Bởi vì, hành vi tổ chức đánh bạc là hành vi tổ chức việc đánh bạc, người đánh bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc nhưng cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc, nhưng người tổ chức việc đánh bạc nếu đủ yếu tố cấu thành Tội tổ chức đánh bạc thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc. Nếu người có hành vi tổ chức ra việc đánh bạc để thỏa mãn việc đánh bạc của mình và cùng tham gia đánh bạc với những người mà mình tổ chức để đánh bạc thì người tổ chức đánh bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc.
Tại điểm c khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 quy định tội tổ chức đánh bạc như sau: sổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, theo điểm c khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 quy định, tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên. Có nghĩa là giữa hành vi đánh bạc [cá độ bóng đá] với hành vi đánh bài thì có sự khác biệt lớn, trong đánh bài thì mỗi lần [canh bạc] đều có người thắng và nó nằm gọn trong số tiền đặt ra trên chiếu bạc hoặc số tiền thu được ở nơi khác nếu chứng minh được số tiền đó dùng để đánh bạc, còn trong cá độ bóng đá thì số tiền của chủ cá độ và từng người tham gia cá độ không đưa ra cùng một lúc. Do vậy, cần phải hiểu rằng tổng số tiền mỗi người chơi trong một trận bóng đá phải từ 20.000.000 đồng trở lên thì mới gọi là trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
Quay trở lại tình huống trên cho thấy: Tổng số tiền các trận bóng đá giữa Tây Ban Nha Nga ngày 01/7/2018, A cá cược với C, L, E là 21.000.000 đồng; trận bóng đá giữa Croatia Đan Mạch ngày 02/7/2018, A cá cược với C, L, M, E là 29.000.000 đồng. Đây là trường hợp nhiều người chơi cùng một trận chứ không phải là tổng số tiền trong cùng một lần. Cùng một lần phải được hiểu là phải có một người chơi đủ 20.000.000 đồng; hoặc cùng một lúc trên 10 người hoặc có hai chiếu bạc, hoặc A phải có hành vi như: Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoạiđể trợ giúp cho việc đánh bạc hoặc có phân công người ghi cá độ để tổng hợp giao lại cho A thì mới thỏa mản dấu hiệu của Tội tổ chức đánh bạc. Còn ở tình huống này, A chỉ rủ rê các con bạc cùng tham gia đánh bạc với A và số người chơi chưa đủ 10 người, số tiền một người chơi trong một trận bóng đá chưa đủ 20.000.000 đồng. Đây là trường hợp cùng một lúc nhiều người chơi trong một trận bóng đá trên 20.000.000 đồng. Như vậy, hành vi đánh bạc của A chỉ cấu thành Tội đánh bạc.
Ví dụ 2: Trận bóng đá giữa đội tuyển Anh và Thụy Điển ngày 07/07/2018, Nguyễn Văn A cá cược với Trần Văn B với nội dung: A bắt hiệp 1 tỷ số đội tuyển Anh thắng Thụy Điển tỷ số 1-0 với số tiền là 3.000.000 đồng. Kết quả hiệp 1 đội tuyển Anh thắng Thụy Điển với tỷ số 1-0. Sau khi đã kết thúc hiệp 1 chuẩn bị qua hiệp 2 thì A và B bị Công an bắt quả tang.
Qua vụ án nêu trên, hiện nay đang có hai ý kiến khác nhau về định tội danh đối với Trần Văn B đó là:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, hành vi cá độ bóng đá của Trần Văn B đã đủ yếu tố cấu thành Tội đánh bạc, vì giữa A và B cá cược đội tuyển Anh và Thụy Điển ở hiệp 1, nếu đội tuyển Anh thắng trước 1-0 thì Nguyễn Văn A thắng cược. Kết quả hiệp 1 đội tuyển Anh thắng Thụy Điển 1-0, nên số tiền B đánh bạc là 6.000.000 đồng. Bởi vì, tại điểm b mục 5.2 Điều 1 Nghị quyết 01 quy định: .Kết quả bóng đá., ta có thể hiểu kết quả bóng đá trong trường hợp này có nghĩa là giữa A và B cá cược giữa đội tuyển Anh và Thụy Điển ở hiệp 1. Kết quả ở hiệp 1 đội tuyển Anh thắng Thụy Điển 1-0 và bắt đầu đến hiệp 2 mới bị phát hiện, ngăn chặn là đã có kết quả bóng đá ở hiệp 1 chứ không cần thiết phải chờ kết thúc trận đấu. Như vậy, đã đủ định lượng để khởi tố B về Tội đánh bạc.
Ý kiến thứ hai cho rằng, do chưa kết thúc trận đấu thì giữa A và B cá độ bóng đá đã bị phát hiện, ngăn chặn. Như vậy, số tiền đánh bạc giữa A và B chỉ có 3.000.000 đồng, không đủ định lượng để khởi tố B về Tội dánh bạc.
Tác giả đồng ý với ý kiến thứ hai với lý do sau: Theo hướng dẫn tại điểm b mục 5.1 Điều 1 của Nghị quyết số 01 quy định: trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của người chơi số đề , cá độ. Như vậy, theo hướng dẫn của Nghị quyết 01 nói trên, Kết quả ở đây chúng ta cần phải hiểu là kết thúc trận đấu bóng đá chứ không phải hết hiệp 1. Do vậy, giữa A và B cá cược hiệp 1 tỷ số là đội tuyển Anh thắng Thụy Điển 1-0 thì A thắng. Như vậy, số tiền B dùng đánh bạc là 3.000.000 đồng. Vì chưa kết thúc trận đấu thì A và B đã phát hiện, ngăn chặn. Do vậy, trong trường hợp này tuy là A thắng nhưng do bị phát hiện, ngăn chặn trước khi kết thúc trận đấu nên số tiền giữa A và B đánh bạc chỉ là 3.000.000đồng. Như vậy, chưa đủ định lượng để khởi tố B về Tội đánh bạc.
Ví dụ 3: Ngày 20/05/2018 Nguyễn Văn A điện thoại và nhắn tin rủ 8 người đến nhà A đánh bạc, hình thức chơi tài xỉu. Khi A cùng 8 người đang đánh bạc thì bi phát hiện và bắt quả tang. Thu giữ tại chiếu bạc số tiền đánh bạc là 10.000.000đồng.
Ví dụ 4: Ngày 07/07/2018 Nguyễn Văn A dùng điện thoại nhắn tin ghi số đề với 4 người, tổng số tiền là 7.000.000 đồng và nhắn tin cá độ bóng đá với 05 người, tổng số tiền là 12.000.000 đồng. A thỏa thuận với các con bạc sau khi có kết quả thì đến nhà A thanh toán tiền thắng, thua. Sau đó, A bị phát hiện và thu giữ điện thoại của A và của những người chơi số đề và cá độ bóng đá với A. Kiểm tra tin nhắn trong điện thoại của A và của những người chơi số đề và cá độ bóng đá đều có nội dung phù hợp với với tin nhắn của A.
Qua hai ví dụ nêu trên, hiện nay đang có hai ý kiến không thống nhất, đó là:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, cần phải khởi tố A về Tội đánh bạc với tình tiết định khung theo điểm c khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015, đó là sử dụng mạng viễn thông để đánh bạc. Ý kiến này cho rằng A đã sử dụng điện thoại để gọi và nhắn tin cho các con bạc đến nhà A để đánh bạc. A cũng sử dụng điện thoại để nhắn tin chơi số đề và cá độ bóng đá với các con bạc. Do vậy, hành vi phạm tội của A đã thỏa mãn dấu hiệu tình tiết định khung đó là, sử dụng mạng viễn thông để đánh bạc. Bởi vì, theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì: Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỷ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện tử hoặc công nghệ tương tự.
Tại khoản 10, 11,12,13 Điều 3 Luật Viễn thông năm 2009 quy định:
Mạng viễn thônglà tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông; mạng viễn thông công cộnglà mạng viễn thông do doanh nghiệp viễn thông thiết lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông cho công chúng nhằm mục đích sinh lợi; mạng viễn thông dùng riênglà mạng viễn thông do tổ chức hoạt động tại Việt Nam thiết lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông cho các thành viên của mạng không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng; mạng nội bộlà mạng viễn thông do tổ chức, cá nhân thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được quyền sử dụng hợp pháp để phục vụ liên lạc nội bộ không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng..
Tại Điều 9 Nghị định số 25/NĐ/CP ngày 06/04/2011 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật viễn thông năm 2009 quy định sử dụng các loại dịch vụ viễn thông thì dịch vụ thoại và dịch vụ tin nhắn là sử dụng mạng viễn thông. Như vậy, A đã sử dụng mạng viễn thông để đánh bạc
Ý kiến thứ hai cho rằng, A phạm Tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015. Bởi vì, việc A dùng điện thoại đây chỉ là công cụ để sử dụng vào việc đánh bạc chứ không thuộc trường hợp sử dụng mạng viễn thông để đánh bạc.
Tác giả đồng ý với ý kiến thứ hai: Bởi lẽ, sử dụng mạng viễn thông vào đánh bạc đây là quy định mới so với BLHS năm 1999, nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng sử dụng mạng viễn thông để đánh bạc có nghĩa là phải lập các trang website để đánh bạc qua mạng hoặc vào các trang website để rủ rê, lối kế các con bạc đánh bạc qua mạng internet. Cụ thể, A phải lập trang website và dùng thẻ nạp tiền và thực hiện việc chuyển tiền ảo thành tiền thật hoặc vào các trang website để rủ rê các con bạc đánh bạc trên mạng internet và phải mở tài khoản để thanh toán tiền đánh bạc thắng thua qua mạng internet. Nhưng ở ví dụ số 3, A chỉ sử dụng điện thoại với mục đích gọi và nhắn tin để thông tin liên lạc, rủ rê các con bạc đến nhà A để đánh bạc. Còn ở ví dụ 4, mục đích của A là dùng điện thoại nhắn tin để chơi số đề và cá độ bóng đá với các con bạc nhằm làm căn cứ để tính tiền thắng thua với người chơi đánh bạc, mà không phải là hành vi sử dụng mạng viễn thông để đánh bạc. Do vậy, chỉ đủ cơ sở để khởi tố A theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trước yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ và việc lợi dụng những thành tựu của nền khoa học này vào việc thực hiện hành vi phạm tội ngày càng đa dạng, phong phú, cũng như yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay. Đặc biệt là từ ngày 01/01/2019 Luật an ninh mạng có hiệu lực thi hành, theo ý kiến của tác giả thì những trường hợp sau đây được coi là tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên là: Tiền thu giữ tại chiếu bạc, tiền mà một người ghi đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa trong một lô đề, một trận bóng đá, một kỳ đua ngựa; kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa được hiểu là: kết thúc một trận bóng đá; kết thúc một kỳ đua ngựa; sử dụng mạng viễn thông để đánh bạc được hiểu là: lập trang website, dùng thẻ nạp tiền và thực hiện việc chuyển tiền ảo thành tiền thật hoặc vào các trang website để rủ rê các con bạc đánh bạc trên mạng internet và mở tài khoản để thanh toán tiền đánh bạc thắng thua qua mạng internet. Thiết nghỉ, liên ngành tư pháp trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết như thế nào là sử dụng mạng viễn thông, như thế nào là tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần trị giá 20.000.000đồng trở lên và như thế nào là kết quả bóng đá. Để từ đó có cánh hiểu và vận dụng thống nhất trên thực tế.

Tác giả bài viết: Lê Văn Quang - Viện KSND huyện Lộc Ninh
Nguồn tin: Tạp chí Kiểm sát số 24/2019

Video liên quan

Chủ Đề