Khi lười học phải làm sao

Mình nghe nhiều bậc cha mẹ than thở: Sao mà con tôi lười học quá! Chả chịu học gì cả! Chả tự giác học gì cả! Ba mẹ nhắc mới học. Các bậc cha mẹ khác thì thấy con mình học dốt, học dở: Con mình học thua bạn kém bè quá, các bạn trong lớp ai cũng 9, 10 điểm, con mình có 8 điểm, sợ con thiệt thòi với chúng bạn

Đúng ra, các em ở cấp 2, cấp 3 nên có thói quen tự học rồi nếu được rèn đúng cách ngay từ cấp 1. Và bây giờ, khi các em đã lớn, đã có suy nghĩ riêng của mình, thì cha mẹ có ép cũng chẳng có kết quả gì, đó là sự thật đau lòng. Các em hoặc không ngồi vào bàn học, hoặc trốn đi chơi, hoặc có ngồi vào bàn cũng chả làm bài,, chả học bài. Và cha mẹ thì lo lắng, căng thẳng, chép miệng, thở dài.
CÓ THẬT DO LỖI CỦA TRẺ KHÔNG?

Theo mình, lỗi của cha mẹ phần nhiều hơn.

# 1: Nếu các bậc cha mẹ đã đọc bài về kĩ năng tự học phần 1, 2, 3 sẽ thấy, muốn có thói quen khi lớn thì phải luyện từ nhỏ. Khi các em còn nhỏ, ba mẹ bận làm ăn, bận kiếm tiền, bận công việc và đủ các thứ bận, không dành thời gian cho con, không tập cho con học như một thói quen thì khi lớn lên, các em ấy không có thói quen tự học là điều dễ hiểu. Hoặc nếu có tập, có nhắc các em khi còn nhỏ mà các em vẫn cứ lười học dù mới học lớp 3, lớp 4, thì xin hãy đọc lại các bài viết trước của mình,, vì có khi cha mẹ chưa làm đúng cách.

# 2: Chưa chắc trẻ đã lười học. Mình đã nói trong bài số 2 về việc kiến thức đến từ đâu, sẽ thấy học ở trường chỉ là một phần nhỏ trong việc học của trẻ. Trẻ còn học ở cha mẹ,, học ở ông bà, học ở mấy cuốn sách trẻ đã đọc, học ở cách ăn nói, cách cư xử từ mọi người xung quanh. Các em vẫn lớn lên từng ngày, vẫn có thêm hiểu biết mỗi ngày và phát triển tư duy mỗi ngày. Và có khi việc học này mới quyết định thành công của các em trong tương lai, chứ không hẳn số điểm 9 điểm 10 trong cuốn sổ học bạ kia.

# 3: Có thật trẻ lười không? Bạn thử ngồi cộng xem bao nhiêu giờ mỗi tuần trẻ ngồi trong lớp học, từ lớp ở trường cho tới lớp học thêm, học thêm mỗi tối và học thêm cuối tuần? Mình thấy tình trạng này đâu chỉ ở mỗi thành phố lớn, mà còn về các vùng nông thôn rồi. Bạn cộng thử xem, coi chừng trẻ phải ngồi học nhiều hơn số giờ cha mẹ phải đi làm mỗi tuần đấy ạ. Và bạn thử đặt mình vào cương vị các em, bắt bạn ngồi ì trong cơ quan, không giao tiếp, ngồi nghe người khác [ sếp] giảng đạo và chép lại từng đó giờ, xem có thấy mình mệt mỏi không, hihi? Mình là người lớn còn thấy kinh khủng, chứ đừng nói các em đang tuổi mộng mơ bay nhảy. Và thưa rằng, ai cũng thích chơi ạ, người lớn cũng thích được đi chơi, không phải làm việc, đó cũng là một điều hết sức tự nhiên, không chỉ riêng của các con em mình.

# 4 Nếu cha mẹ chăm chăm so sánh điểm số của con mình với con người khác, thì xin thưa cha mẹ đang giúp con mình đi vào con đường thất bại chứ không phải là thành công đâu ạ. Chồng/ vợ bạn đi ra ngoài về và nói: trời ơi, trên cơ quan anh/em có cô kia// anh kia mới vào làm đẹp gái cực kì,, người đâu mà nhỏ nhẹ dễ thương khéo léo thế,,... Anh ấy ga lăng kinh khủng luôn, rồi chép miệng...chả như vợ/ chồng nhà này, tối ngày cằn nhằn/ cục cằn/ lười biếng. Nếu bạn nghe những lời như vậy, bạn cảm thấy thế nào hichic, chắc tự ái trong lòng lắm? Con mình cũng vậy thôi, tối ngày nghe la mắng rồi cằn nhằn rồi nào là sao mấy bạn trong lớp học tốt mà con học tệ vậy, nghe thôi là nản rồi ạ. Thêm nữa, cha mẹ chỉ chăm chăm nhìn vào điểm chưa được của con làm cho con có thái độ tiêu cực với mọi thứ, nhìn đâu cũng thấy lỗi lầm, không thấy chỗ nào là điểm mạnh của mình để mà phát huy. [ Xin hãy tìm bài không sợ thất bại để đọc thêm về vấn đề này]

# Cha mẹ có thật lòng giúp trẻ học tốt lên hay chưa? Nếu bạn thấy con mình không chịu học, bạn làm gì? Tối ngày nhắc nhở : Con phải học bài đi chứ, không học sau này bán vé số nghe chưa? Có mỗi việc ăn với học thôi mà cũng không xong? Tốn bao tiền cho đầu tư cho học mà không được tích sự gì hết! Hoặc là ngay lập tức đi tìm thầy cô giỏi về kèm, cho trẻ đi học thêm ở nhiều lớp hơn nữa? Và nếu cha mẹ nghe thầy cô phàn nàn về việc học của con, về thái độ lười biếng không hợp tác của con mình, cha mẹ nói trăm sự nhờ thầy cô, bạn nghĩ có thay đổi được tình hình không ạ? Thực sự là khó nói lắm, vì thầy cô dạy bao nhiêu là lớp, thời gian có hạn, lại còn phải lo sổ sách, lo thi đua, lo cho chồng cho con ở nhà.
Nếu các bậc cha mẹ đã áp dụng những cách trên mà con bạn chăm học hơn, thích học hơn và hứng thú học hơn thì không cần đọc tiếp phần phía dưới,, hihi.

LÀM SAO ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH HÌNH?
Nếu bạn có con đang trong tình trạng lười học và không thích học, độ tuổi còn nhỏ và nói các em còn nghe lời, xin hãy đọc lại phần 1 và thử các biện pháp trong đó. Nếu áp dụng sau 3 tháng mà không có tác dụng, xin hãy nhắn tin cho mình để được tư vấn thêm. Mình sẵn sàng dành thời gian để giúp các bạn.
Nếu các bạn có con cá tính, không chịu học, nói không nghe và đã tìm đủ mọi cách mà việc học của các em không khá lên, hãy thử các biện pháp dưới đây xem sao:

# ngừng than vãn và ngừng thúc giục con việc học: Cha mẹ nên ngừng toàn bộ những lời nói đề cập tới việc học của con hay hỏi han điểm số, hay giục giã con đi học bài đi này nọ. Hãy mặc kệ các em! Hãy để chuyện học cho các em tự lo. Cùng lúc đó cần tiến hành cấp thiết các biện pháp phía dưới.

# tạo thêm không gian để cha mẹ gần gũi với con cái. Rà soát lại các lớp học thêm, hỏi trẻ nếu cho con chọn, con sẽ nghỉ lớp học thêm nào, vì sao, con có bảo đảm việc học ở môn học ấy không, và cho trẻ nghỉ bớt. Cố gắng có thật nhiều bữa ăn gia đình càng tốt,, cuối tuần nên có các buổi đi chơi và cha mẹ dành thời gian cho con cái thật sự, không dùng điện thoại, nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau một cách thật sự để hiểu con mình đang nghĩ gì, đang muốn gì, thay vì suốt ngày giục giã cáu gắt cháu về chuyện học. Sau mỗi buổi đi học về, nên hỏi han về cảm giác của các em, mệt mỏi hay vui hay buồn, lắng nghe cảm giác, ý muốn, tâm tư của con một cách thật sự, bằng sự quan tâm thực sự chứ không phải bằng ý muốn của cha mẹ là muốn con được vô trường chọn lớp chuyên này kia.. Cha mẹ hỏi con rồi kể chuyện vui của chính mình, về cảm giác của chính mìnhh, chuyện mình đã học được từ người này người kia thế nào chứ không nên chuyện bực bội than vãn hay nói xấu đồng nghiệp. Trẻ sẽ không học được gì từ các cuộc nói chuyện đấy.

# tập khen con nhiều hơn. Đừng khen con một cách sáo rỗng kiểu con giỏi quá, con thông minh quá này nọ. Cố gắng nhìn vào sự thay đổi của con trong sinh hoạt hàng ngày và nói ái chà, con tiến bộ quá, giúp đỡ cha mẹ thế này thế kia. Cám ơn con nhiều hơn vì con đã làm được cái này cái kia cho gia đình. Trân trọng từng hành động nhỏ của con.

# hướng cho trẻ có chọn lựa và ước mơ trong tương lai: Trong các cuộc trò chuyện từ bữa cơm hàng ngày, cha mẹ cùng nói nhiều tới tương lai, nhà mình sẽ dự tính gì, mơ ước của mẹ là gì của ba là gì trong 5 năm 10 năm tới, con thì sao? Con có dự tính gì không? Cuộc trò chuyện về chủ đề này nên diễn ra hàng tuần, hàng tháng. Có thể lúc đầu trẻ không muốn nói hoặc nói những cái viển vông, nhưng do nói nhiều quá sẽ tác động đến nhận thức của trẻ, và các em sẽ bắt đầu suy nghĩ và định hình cho cuộc sống nghề nghiệp tương lai của mình,, từ đó sẽ có những thay đổi nhất định đối với việc học.

# bắt buộc phải tập lại thói quen đọc sách cho cả nhà. Cha mẹ nên cùng đi mua sách, cố gắng cùng nhau đọc và thảo luận, nhất là kể cả tiểu thuyết tình yêu cũng được, rồi sau đó đọc dần dần các cuốn sách có ý nghĩa hơn như là sách làm người hay sách về kĩ năng bán hàng, kĩ năng kinh doanh. Vì chỉ có sách mới giúp trẻ có được kĩ năng tốt và lâu dài. Chỉ có sách mới giúp trẻ có những kĩ năng tuyệt vời và thành công trong tương lai. Bắt đầu từ những cuốn trẻ thích, cả nhà cùng đọc,, cùng thảo luận và cùng chia sẻ. Nếu việc đọc sách quá khó khăn, hãy mời con cùng nghe sách mỗi ngày 15 phút, nửa tiếng và nói đây là việc bắt buộc, việc con hãy làm vì cha mẹ. Cha mẹ không bắt con phải học thuộc bài trên trường nữa, thì con hãy làm việc này nhé, chỉ 15 phút mỗi ngày thôi. Bạn có thể kiếm được rất nhiều sách hay trên youtube.

# Cùng các em ghi danh vào các lớp học kĩ năng mà các em thích vào cuối tuần. Nên tạo điều kiện cho trẻ làm việc mà trẻ thích, vì biết đâu sẽ là một bước ngoặt trong thành công sau này của các em. Và kĩ năng của các em sẽ phát triển rất nhanh khi các em học và làm những việc các em thích. Các kĩ năng này cha mẹ sẽ không thấy ngay nhưng nó luôn ở đó, và sẽ giúp tạo nên con người của các em sau này khi trưởng thành.

Các bậc cha mẹ thử làm các biện pháp trên trong vài tháng, để có sự gắn kết trở lại giữa cha mẹ và con, rồi mới quay lại nói tới việc học của con bằng những câu nói khuyến khích trẻ tự chịu trách nhiệm về bản thân, về việc học của mình thay vì nói học để được vào trường này trường kia, hay học để cha mẹ nở mày nở mắt.
Cha mẹ nên nói Cha mẹ chả có gì cho con ngoài việc nuôi cho con đi học, sau này có nghề có nghiệp để tự nuôi thân, nếu con chịu khó học hành thì con được lợi, còn nếu không thì thôi, chứ cha mẹ cũng chả giúp được gì cho con hơn. Mình nói để con thấy việc học là lựa chọn của con, thái độ học là lựa chọn của con, chứ không phải vì ai hết.

ĐỐI VỚI CÁC EM ĐANG HỌC LỚP 12 VÀ LƯỜI HỌC, THÀNH TÍCH HỌC TẬP KÉM: Mình nghĩ con đường thành công cho các em sẽ là học một nghề nào đó mà các em thích + học thật giỏi tiếng Anh trong khi học nghề đó. Mình dám bảo đảm đó là công thức thành công. Hiện giờ trong xã hội Việt Nam đi đâu cũng nhan nhản quản trị kinh doanh với kinh tế này nọ nhưng rất thiếu thợ giỏi có tay nghề cao và giỏi ngoại ngữ. Chỉ cần học nghề giỏi, cho dù nghề làm tóc nghề trang điểm đi chăng nữa và học giỏi tiếng Anh, các em sẽ được học từ các chuyên gia nước ngoài, ở đâu ạ? ở Youtube ấy, cực nhiều video clip dạy luôn,, nhưng toàn bằng tiếng Anh. Và vừa có nghề,, vừa có ngoai ngữ, các em sẽ khác biệt,, sẽ nổi bật và cạnh tranh cao hơn so với các bạn khác có cùng kĩ năng, từ đó cơ hôi nghề nghiệp chắc chắn sẽ cao hơn. Các em 18 tuổi rồi, đã biết suy nghĩ nhưng có khi còn thiếu định hướng. Cha mẹ toàn ép con thi vào các trường đại học mà các em thi không nổi, thì cũng không phải là hết hi vọng. Chỗ nào cũng sẽ có đường cho các em đi cả, miễn sao các em thích và chịu học hỏi.

Hi vọng cha mẹ đủ dũng cảm để buông tay con và để con tự đi trên con đường học vấn của mình. Và mong cha mẹ mở rộng tư duy, học ở trường không phải là con đường học duy nhất, càng không phải là con đường duy nhất đến với thành công đâu ạ!

Video liên quan

Chủ Đề