Luận điểm đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống là của ai

"Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống"

Ngày đăng: 20/09/2013 09:43
Mặc định Cỡ chữ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo cách mạng bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Theo Bác Hồ, con người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Nếu thiếu một đức thì không thành người. Những tư tưởng lớn của Bác Hồ về đạo đức, nằm trong những bài viết, bài nói ngắn gọn, hàm xúc theo phong cách rất phương Đông, gần gũi, dễ hiểu. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, được kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông và những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Có thể nói, với tư duy độc lập và sáng tạo, Bác Hồ của chúng ta đã xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực hiện một công việc kế thừa có chọn lọc, thâu tóm những giá trị đạo đức của quá khứ, đề xuất những tư tưởng, đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Mặt khác, hơn ai hết, Bác Hồ lại là người thực hiện trước tiên những điều mình đã nói, đã viết. Bác Hồ vừa là nhà đạo đức học lớn, vừa là tấm gương đạo đức trong sáng, tiêu biểu nhất. Ở Bác Hồ, một đặc trưng nổi bật, một nét rất riêng là luôn có sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, động cơ và hiệu quả, giữa lý luận và thực tiễn. Bởi vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ thông qua những tác phẩm của Người về đạo đức, mà quan trọng hơn phải thông qua chính thực tế được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, thông qua những cử chỉ, những việc làm được coi là mẫu mực đạo đức trong sáng mà Bác Hồ để lại cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" [1].

Khác với tác dụng điều chỉnh của luật pháp Nhà nước là bắt buộc, đạo đức chỉ có thể hình thành trên cơ sở tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng trong xã hội.

Để hình thành, củng cố và phát triển đạo đức cách mạng cho mỗi người, nhất là cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước, thì:

- Nói và làm phải đi đôi với nhau. Tác dụng nêu gương của cấp trên đối với cấp dưới, của cán bộ, Đảng viên đối với quần chúng là rất quan trọng. Các cụ ta có câu: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn".

- Xây và chống phải đi đôi với nhau, lấy xây làm chính. Lấy xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt để xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Lấy mặt tốt làm chính để phát huy, khắc phục mặt xấu.

- Nêu cao sức mạnh chiến đấu của tổ chức Đảng, sự nghiêm minh kỷ cương của bộ máy Nhà nước, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Khắc phục có hiệu quả hiện tượng "dĩ hòa vi quý", "đấu tranh tránh đâu", "ậm ừ từ từ mà tiến" đang là phổ biến hiện nay.

Thực sự làm cho tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, làm cho bộ máy Nhà nước kỷ cương, nghiêm minh, làm cho mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức thật sự gương mẫu về đạo đức cách mạng, đó là điều bảo đảm thành công cho sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trước yêu cầu đổi mới và hội nhập.

Bác Hồ đã từng nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" [2]. "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang" [3].

Nhấn mạnh đạo đức là gốc, Bác Hồ không coi nhẹ tài năng, vì phải có tài năng, có trí thức mới hoàn thành được nhiệm vụ. Năm 1959, nói chuyện với một lớp đào tạo giáo viên chính trị, Người nói: "Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào" [4].

Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trước hết mọi cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần tự rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chấp hành nghiêm túc Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tự giác gương mẫu giữ gìn phẩm chất đạo đức trong môi trường kinh tế mới. Có như vậy, thì tấm gương mới trong sáng được, mới hoàn thành được nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, mới xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và sự tín nhiệm của nhân dân.

Ghi chú:

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản lần thứ 2, NXB Chính trị Quốc gia, T.9, Tr.293.

[2] Sách đã dẫn, T.5, Tr.252.

[3], [4] Sách đã dẫn, T.9, Tr.283, 492.

Nguyễn Khắc Bộ - Tạp chí Tổ chức Nhà nước Số 4/2008

Về trang trước
Gửi email In trang

Luận điểm: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” là của ai?

Video liên quan

Chủ Đề