Nguyên nhân thực phẩm nhiễm salmonella

          Salmonella thuộc họ vi khuẩn đường ruột, là trực khuẩn Gram âm, có nhiều lông ở xung quanh nên có khả năng di động. Salmonella nhạy cảm với nhiệt độ, thời gian đun nấu có thể phá hủy được vi khuẩn ở 600C trong vòng 45 phút, 700C trong vòng 2 phút và 850C trong 1 giây. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong các thực phẩm khô như sữa bột và có thể tồn tại thời gian dài ở thực phẩm đóng băng như các loại thịt gia cầm.

          Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu trên thế giới. Theo báo cáo hàng năm của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu [EFSA] và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu [ECDC], trong năm 2018 thì gần 1/3 số vụ ngộ độc thực phẩm tại các quốc gia Châu Âu do Salmonella gây ra.

          Các nguồn lây nhiễm Salmonella trong thực phẩm:

          - Do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt: động vật bị bệnh, vi khuẩn Salmonela có ở trong máu, thịt và đặc biệt ở trong các phủ tạng như gan, lá lách, ruột. Trong gia cầm bị bệnh, Salmonela có thể tồn tại ở buồng trứng nên ngay sau khi gia cầm đẻ trứng đã nhiễm Salmonela. Một số loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonela có thể xâm nhập qua vỏ trứng vào bên trong.

          - Do thực phẩm bị nhiễm Salmonela trong và sau khi bị giết thịt: Thịt có thể bị nhiễm Salmonela do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột,... Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.

          - Thực phẩm nguội ăn ngay: thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonela.

          Triệu chứng lâm sàng ngộ độc thực phẩm do Salmonela

          - Thời gian ủ bệnh: thường từ 12-24 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày.

          - Triệu chứng ngộ độc: Đầu tiên là bệnh nhân thấy buồn nôn, nhức đầu, choáng ván, khó chịu, sốt, đau bụng, sau đó xuất hiện nôn mửa và đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước, đôi khi có máu.

          Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonela

          - Kiểm soát từ trang trại, hộ chăn nuôi: Việc kiểm soát Salmonela trong thực phẩm phải bắt đầu từ trang trại, hộ chăn nuôi thông qua kiểm tra, giám sát các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: trứng, thịt gia cầm, thịt gia súc và các sản phẩm tươi sống. Salmonela có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách xử lý nhiệt và tránh nhiễm chéo; thực hành vệ sinh tốt.

          - Đối với gia sức và gia cầm: Phải được kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonela. Quá trình giết mổ phải bảo đảm vệ sinh và ngăn cách các khu vực, tránh sự lây lan của vi khuẩn nhất là lây nhiễm chéo.

          - Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống: vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonela đơn giản và hiệu quả.

          - Không ăn thực phẩm tái, gỏi: khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Bên cạnh đó, còn có khả năng nhiễm Salmonella từ bàn tay người chế biến thực phẩm.

          - Đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất: đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt, các thực phẩm phải đun sôi ít nhất 5 phút. Thực phẩm còn lại sau bữa ăn trước, thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh phải được đun lại trước khi ăn.

Dương Hải Vân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella

Salmonella là một loại vi khuẩn sống trong phủ tạng của gia cầm, gia súc và tràn vào thịt khi những con vật này bị mổ. Chúng cũng có mặt ở phân và dễ dàng "đột nhập" vào trứng gia cầm qua những lỗ nhỏ li ti ở vỏ.

Salmonella là một trong những thủ phạm chính gây ngộ độc thực phẩm vào mùa hè. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Những thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella

Bất cứ nguồn thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, trứng và hải sản và một số loại trái cây, rau quả đều có thể bị nhiễm Salmonella. Do vậy, mọi người nên tránh ăn những loại thịt gia súc, gia cầm hay trứng sống hay chưa được nấu chín, hay các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng. Danh sách các thực phẩm có khả năng nhiễm Salmonella cũng bao gồm những loại được chế biến tại gia đình như sốt mayonnaise, bánh quy và kem.

Liệu việc rửa sạch và quá trình chế biến thức ăn có thể hỗ trợ được gì hay không?

Quá trình nấu thức ăn chín kỹ có thể tiêu diệt Salmonella. Mặc dù việc rửa rau quả là hết sức cần thiết trước khi chế biến, nhưng hầu như quá trình này không thể loại bỏ được vi khuẩn Salmonella, nhất là trong giai đoạn có dịch bệnh – do vậy, bạn nên vứt bỏ những thực phẩm mà thấy nghi ngờ về độ an toàn. Ngoài ra, khi các chuyên gia cảnh báo mọi người không nên ăn những thực phẩm nhất định trong mùa dịch thì có nghĩa là thực phẩm đó bạn không nên ăn ngay cả khi đã được nấu chín.

Những quy tắc về an toàn thực phẩm

Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ [FDA] khuyến cáo mọi người dân nên tuân theo những quy tắc thực hành sau đây để phòng ngộ độc thực phẩm:

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước trước và sau khi chế biến thức ăn.
  • Rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước đang chảy, không rửa trong bồn hay chậu.
  • Sử dụng thớt và các dụng cụ nhà bếp riêng để chế biến thực phẩm sống và chín.

Nguồn nhiễm Salmonella không từ thực phẩm

Những vật nuôi trong nhà có thể chứa vi khuẩn Salmonella trong ruột, do vậy phân của những động vật này có thể là nguồn lây nhiễm như rùa, rắn và những loài bò sát khác, gà và chim. Cần luôn luôn rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với những động vật này hay chất thải của chúng.

Dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella

Các triệu chứng của nhiễm vi khuẩn Salmonella bao gồm đau bụng, tiêu chảy và sốt thường khởi phát từ 12-72 giờ sau ăn. Phần lớn bệnh nhân chỉ cần bù nước và tự hồi phục trong vòng 4-7 ngày mà không cần thiết phải can thiệp y khoa. Những người bị tiêu chảy nặng sẽ cần phải truyền dịch đường tĩnh mạch. Việc sử dụng kháng sinh đối với người khỏe mạnh không phải lúc nào cũng cần thiết trừ khi vi khuẩn từ ruột phát tán ra các cơ quan khác. Những trường hợp ngộ độc nặng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu.

Biện pháp phòng tránh ngộ độc do Salmonella

Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu có điều kiện, nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh. Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ. Người đang bị một bệnh nhiễm khuẩn không nên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm [chuẩn bị, chế biến, nấu nướng].

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bệnh từ thực phẩm: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Chủ Đề