Nguyên tắc hiệp thương dân chủ là như thế nào

Theo từ điển tiếng Việt, hiệp thương có nghĩa là họp, thương lượng những vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan chung đến các bên. Do đó, hiệp thương dân chủ được hiểu là những cuộc họp, thương lượng, thỏa thuận có liên quan chung đến các bên một cách dân chủ. Thuật ngữ hiệp thương dân chủ lần đầu tiên được chính thức sử dụng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khi nói về phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Trong bầu cử, hội nghị hiệp thương là việc ủy ban MTTQ các cấp [bao gồm ban thường trực ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu là ủy viên ủy ban MTTQ] thảo luận để thỏa thuận, thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thường trực HĐND ở mỗi cấp; lập danh sách sơ bộ và danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Có thể nói khái quát, mục tiêu quan trọng nhất của hiệp thương là sàng lọc, lựa chọn, không để lọt vào danh sách chính thức người ứng cử không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Theo các quy định của Hiến pháp và các luật, quy định về bầu cử không có phân biệt đối xử giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Tất cả mọi người đủ tiêu chuẩn, nộp đủ hồ sơ theo quy định và vượt qua các vòng hiệp thương do ủy ban MTTQ tổ chức là vào danh sách chính thức những người ứng cử. Ủy ban MTTQ được pháp luật trao nhiệm vụ đại diện các tầng lớp nhân dân, thay mặt nhân dân xem xét người nào đủ điều kiện ứng cử, người nào không đủ điều kiện ứng cử. Trong số những người ứng cử thông qua quá trình hiệp thương, ủy ban MTTQ sẽ lựa chọn một số người nhất định theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm số dư ở mỗi đơn vị bầu cử chứ không phải ai đủ điều kiện ứng cử cũng đều được đưa vào danh sách chính thức người ứng cử.

Theo quy định của pháp luật về bầu cử, để đưa được người nào đó vào danh sách chính thức người ứng cử thì ủy ban MTTQ phải tổ chức hiệp thương. Quy trình hiệp thương đã được quy định cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Theo đó, các trường hợp cụ thể nếu hội nghị hiệp thương không thỏa thuận, thống nhất được thì phải tiến hành biểu quyết. Đã là biểu quyết thì cơ hội ngang nhau, người nào đạt được nhiều tín nhiệm hơn thì người đó được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử. Thực tế cho thấy, các kỳ bầu cử trước cũng có những người tự ứng cử, đạt tín nhiệm cao trong các bước hiệp thương và đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Điều cần lưu ý là tất cả mọi hoạt động bầu cử đều được ủy ban MTTQ cùng các tổ chức thành viên và các cơ quan có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, nếu có biểu hiện không dân chủ, không công bằng thì đã có vi phạm pháp luật về bầu cử, bị yêu cầu đình chỉ và xử lý kịp thời.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, MTTQ là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là bộ phận trong hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Chức năng bao trùm nhất, quan trọng nhất của MTTQ là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước. MTTQ có nhiệm vụ vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, tham gia giám sát và phản biện xã hội. Về hệ thống tổ chức hiện nay, MTTQ được tổ chức ở 4 cấp, từ trung ương tới cấp xã; dưới cấp xã còn có ban công tác mặt trận ở các khu dân cư. Xuất phát từ vị trí, vai trò, tính chất và tổ chức của MTTQ nên MTTQ đủ điều kiện để thay mặt nhân dân hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Có thể khẳng định, ở Việt Nam, không một tổ chức nào có đầy đủ điều kiện để thay mặt nhân dân làm tốt việc hiệp thương dân chủ hơn là MTTQ, đặc biệt trong công tác bầu cử.

Lương Thế Lộc

[Ủy ban MTTQ tỉnh]

Video liên quan

Chủ Đề