Phong cách nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung

Tóm tắt nội dung tài liệu

  1. Nguyễn Đỗ Cung Nguyễn Đỗ Cung là họa sĩ xuất sắc trong thế hệ họa sĩ tạo hình đầu tiên của nước ta. Gia đình ông có truyền thống Nho học, cha ông là cụ tú Nguyễn Đỗ Mục - một danh sĩ, học giả nổi tiếng vào thời chữ Quốc ngữ đang trong thời kì phát triển. Quê làng Thư Trai, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, sau đổi là làng Thư Trai, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây [nay thuộc huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội]. Ông đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 1929 - 1934. Ông rất ham mê sáng tác, sớm có danh trong khoảng năm 1935-1937 với nhiều tranh độc đáo in trên các báo ở Hà Nội như Phong Hóa, Ngày Nay; nhất là trên Trung Bắc Chủ Nhật, đến nay vẫn còn rất nhiều bộ sưu tập tranh ông. Năm 1940, ông đi Nhật tìm hiểu nghệ thuật sơn mài Nhật Bản. Ông nhiệt tình yêu nước, tham gia cách mạng, tích cực hoạt động. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Đỗ Cung là đại biểu Quốc hội khoá I, hoạt động trong Hội Văn hoá Cứu quốc, vẽ tranh cổ động, mẫu tiền giấy. Năm 1947, ông là chủ tịch Liên đoàn Văn hoá Kháng chiến của Liên khu V. Ngoài ra, ông còn là một nhà nghiên cứu uyên bác, đã viết nhiều chuyên khảo về mỹ thuật cổ đại Việt Nam. Ông nghiên cứu di sản văn hoá dân tộc qua kiến trúc cổ, tìm kiế m các trào lưu nghệ thuật phương Tây đầu thế kỉ 20, thể nghiệ m khuynh hướng lập thể với mong muốn tạo sắc thái mới cho hộ i hoạ. Năm 1962, được giao trọng trách thành lập Viện Bảo tàng Mỹ thuật và
  2. chỉ đạo xây dựng nhà Bảo tàng Mỹ thuật, đã bồi dưỡng nhiều cán bộ nghiên cứu mỹ thuật qua phương pháp khảo sát các di tích mỹ thuật Việt Nam. Từng trải qua các nhiệ m vụ: Ủy viên ban thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Việ n trưởng viện Mỹ thuật, Đại biểu Quốc hội khóa I. Ông được khen thưởng: Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba. Ngày 22-9 năm Đinh Tỵ [1977], ông mất tại Hà Nội, thọ 65 tuổi. Tác phẩ m Du kích tập bắn  Làm kíp lựu đạn  Bài ca Nam tiến [1947]  Khai hội  Học hỏi lẫn nhau [1960]  Công nhân cơ khí [1962]  Tan ca mời chị em đi họp thợ giỏi  Cổng thành Huế  Cổng làng [bột màu] 
  3. Từ Hải [khắc gỗ màu]  Du kích La Hai [bột màu]  Tiểu đội họp [bột màu]  Binh công xưởng [bột màu]  Nữ chiến sĩ Quãng Ngãi [bột màu]  Vẽ tranh bìa cho tập "Xuân thu nhã tập"  Nhận xét Nhận xét, đánh giá con người và sự nghiệp ông, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ viết: “Trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật, trong cái phức tạp và gian khổ của công tác cách mạng, Nguyễn Đỗ Cung là một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao. Vô tư, liêm khiết, vì mọi người. Nguyễn Đỗ Cung vẫn giữ được trên tranh và trong tâm hồn tính dân tộc đó”. Bàng Thục Bân - Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội: “Nguyễn Đỗ Cung vẫn không khỏi băn khoăn, day dứt trong việc chứng minh cho vị trí nền nghệ thuật cổ Việt Nam đang bị đánh giá sai lệch dưới con mắt của người Pháp. Ông không ngần ngại bút chiến với Badaxie - một học giả trường Viễn đông Bác Cổ - khi ông này có những nhận xét thiên kiến về người An Nam trong cuốn "Nghệ thuật An Nam" của mình. Những người bạn đồng tâm của Nguyễn Đỗ Cung trong ý muốn đề cao nền nghệ thuật nước nhà như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Giang,
  4. không khỏi xúc động khi đọc bài viết "Nhân đọc cuốn Nghệ thuật An Nam, Mỹ thuật Đại La hay mỹ thuật Lý, công bố trên báo Thanh Nghị năm 1938 của ông. Bằng những dẫn chứng cụ thể, chuẩn mực Nguyễn Đỗ Cung đã chứng minh niên đại chính xác nền nghệ thuật Lý thế kỷ 11 do chính các nghệ nhân Việt Nam sáng tạo chứ không phải là "nghệ thuật Đại La" được mang lại bởi sự đô hộ của viên thái thú Cao Biền vào thế kỷ 9 như Badaxie nhận định. Sau cuộc bút chiến ấy, đến cuộc đấu tranh công khai của Nguyễn Đỗ Cung và các họa sĩ Lưu Văn Sin, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Khang với giám đốc trường mỹ thuật là Giông-se, người thay thế cho Vícto Tác-đi-ơ khi ông này mất vào năm 1938. Ông Cung đã buộc Giông-se phải chịu thua bằng lý luận và thực tiễn khi Giông- se tuyên bố ý định "chỉ muốn đào tạo những thợ mỹ nghệ chứ không phải nghệ sĩ". [Trích Báo Nhân dân 20-6-1997]

Page 2

YOMEDIA

Nguyễn Đỗ Cung là họa sĩ xuất sắc trong thế hệ họa sĩ tạo hình đầu tiên của nước ta. Gia đình ông có truyền thống Nho học, cha ông là cụ tú Nguyễn Đỗ Mục - một danh sĩ, học giả nổi tiếng vào thời chữ Quốc ngữ đang trong thời kì phát triển. Quê làng Thư Trai, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, sau đổi là làng Thư Trai, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây [nay thuộc huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội]. Ông đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 1929...

08-09-2012 173 8

Download

Giấy phép Mạng Xã Hội số: 670/GP-BTTTT cấp ngày 30/11/2015 Copyright © 2009-2019 TaiLieu.VN. All rights reserved.

Danh họa Nguyễn Đỗ Cung là một trong số những họa sỹ, tiêu biểu của nền Mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Sinh thời, dù ở bất cứ cương vị hay điều kiện công tác nào, từ quản lý, nghiên cứu, sáng tác, Nguyễn Đỗ Cung đều để lại những dấu ấn quan trọng. Riêng đối với Mỹ thuật khu vực miền Nam Trung Bộ [MNTB], danh họa Nguyễn Đỗ Cung cũng đã để lại những dấu ấn sâu đậm, độc đáo…

Danh họa Nguyễn Đỗ Cung là một trong số những họa sỹ,
tiêu biểu của nền Mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Sinh thời, dù ở bất cứ cương vị hay điều kiện công tác nào, từ quản lý, nghiên cứu, sáng tác, Nguyễn Đỗ Cung đều để lại những dấu ấn quan trọng. Riêng đối với Mỹ thuật khu vực miền Nam Trung Bộ [MNTB], danh họa Nguyễn Đỗ Cung cũng đã để lại những dấu ấn sâu đậm, độc đáo…

Chân dung danh họa Nguyễn Đỗ Cung

Người khai sinh một lớp Hội họa độc đáo
Đó là lớp Hội họa mang tên Nguyễn Đỗ Cung [còn gọi là Lớp Hội họa Kháng chiến Liên khu V]. Theo chúng tôi, đây là một lớp Hội họa độc đáo, bởi không chỉ vì “hoàn cảnh khai sinh”, mà cả hình thức, nội dung, tính chất, chương trình của lớp học cũng có những nét độc đáo…
Số là, sau kỳ họp Quốc hội Khóa I [1946], cùng với một số văn nghệ sỹ, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã lên đường đi Nam Tiến. Năm 1947, ông có mặt tại vùng tự do Liên khu V, thuộc địa bàn huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. rụ sở Ủy ban Kháng chiến Liên khu V khi đó đóng tại đình Thế Thạnh [sau năm 1975 trở thành trụ sở HTX Nông nghiệp Ân Thạnh]. Và, lớp Hội họa Nguyễn Đỗ Cung đã được “khai giảng” tại Sở TT-TT Liên khu V ở thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân [chứ không phải huyện Hoài Nhơn hay ở Tuy Hòa, Quảng Ngãi như một số sách, báo đã viết].
Theo hồi ức của nhiều họa sỹ từng là học viên lớp Hội họa Nguyễn Đỗ Cung, tháng 1.1948, thực hiện chủ trương của Thường vụ Liên Khu ủy V, Sở TT-TT MNTB đã triển khai việc tổ chức Lớp HHKC Liên khu V. Đối tượng học viên là cán bộ của Ty TT các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Khánh Hòa và đơn vị quân đội. Đầu tháng 3.1948, lớp học chính thức “khai giảng”. Lớp học do họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung trực tiếp phụ trách [không có các họa sỹ Văn Giáo, Sỹ Ngọc như Địa chí Quảng Ngãi viết], với sự tham dự của 9 học viên. Ngày 10.3.1948, tất cả 10 thầy trò cùng lên đường ra Đồng Ké [Nghĩa Lâm - Tư Nghĩa - Quảng Ngãi] bắt đầu chương trình học tập…

Giấy chứng nhận mãn khóa Lớp HHKC
Liên khu V. [Tư liệu do gia đình họa sỹ Vũ Trung Lương cung cấp].


Có thể nói, bấy giờ Lớp HHKC Nguyễn Đỗ Cung là một mô hình đào tạo mới lạ. Theo đó, lớp học không có cơ sở cố định, thường xuyên phải di chuyển, không có giáo trình, giáo án bài bản… Đồng thời, toàn bộ dụng cụ học tập, bảng vẽ, hộp đựng màu, giá vẽ, bút vẽ… học viên phải tự làm. Dụng cụ để thầy giảng bài là phấn và than. Riêng giấy vẽ và bột màu, học viên phải liên hệ và xin các cơ quan. Vì vậy, mỗi khi lớp tập kết ở địa phương nào thì thầy trò lại liên hệ với nhân dân để bố trí chỗ ở và nhờ nấu ăn giúp. Đồng thời, tùy theo từng địa bàn, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung sẽ đề ra nội dung chượng trình và phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Tại mỗi địa bàn, học viên được thầy Cung giảng giải về cả lý thuyết và thực hành, thông qua thực tế lao động, sản xuất, chiến đấu…Chính trên tập san Tháng Tám [của Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến MNTB], họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã từng nói rõ về quan điểm dạy vẽ của mình trong giai đoạn này: “Chương trình cũng lựa lọc lại rút đi hết sức ngắn và chặt chẽ, không để phí phạm sức lực và thời giờ của học sinh. Phương pháp mới căn cứ trên nhận thức tả chân. Đó là quan niệm nghệ thuật của tất cả các thời đại tiến bộ, nghệ thuật của những người hoạt động không vẩn vơ mộng mị như trước đó, lại còn là nghệ thuật cần thiết cho sự đi tới của một xã hội lành mạnh”.
Với phương pháp mới nói trên, cùng với việc truyền đạt, hướng dẫn các học viên tập vẽ, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung còn đưa họ đi thực tế tại các đơn vị quân đội, các công binh xưởng, cơ sở nông nghiệp để ký họa, vẽ tranh và rút kinh nghiệm tại chỗ. Không chỉ có vậy, bên cạnh kỹ thuật sử dụng bút chì, phương pháp ký họa, các học viên còn được thầy Nguyễn Đỗ Cung hướng dẫn về bố cục, phương pháp sử dụng chất liệu bột màu, kỹ thuật khắc gỗ và một số nội dung cơ bản của giải phẫu học, luật viễn cận, quy luật về màu sắc, ánh sáng… Ngoài ra, học viên còn được giới thiệu khái quát về lịch sử hội họa và các trường phái hội họa cận, hiện đại… Điều đáng nói, sau mỗi đợt “thâm nhập thực tế”, ký họa, vẽ tranh, các học viên của lớp lại tổ chức triển lãm để phục vụ công tác tuyên truyền, vừa để lấy ý kiến của quần chúng. Tiêu biểu trong số này là 2 cuộc triển lãm tranh, ký họa của các học viên lớp học tại Đức Phổ - Quảng Ngãi [tháng 5.1948] và Bình Dương - Phù Mỹ - Bình Định [tháng 6.1948…

Tranh Du kích La Hai [bột màu 40x50] -

một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung trong thời gian hoạt động ở MNTB.

“Bà đỡ “ của những nghệ sỹ tài hoa


Lớp HHKC Nguyễn Đỗ Cung ở Liên khu V có tất cả 9 học viên, gồm: Phạm Hổ [bấy giờ là cán bộ của Ty TT Bình Định]; Lê Sanh [cán bộ của Ty TT Phú Yên]; Hồ Quảng [cán bộ của Ty TT Khánh Hòa]; Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Thế Vinh [cán bộ của Ty TT Quảng Ngãi]; Hoàng Mạnh, Nguyễn Huynh [cán bộ của Ty TT Quảng Nam - Đà Nẵng]; Trương Qua [cán bộ Phòng Chính trị khu VI]; Vũ Trung Lương [cán bộ Trung đoàn 120].
Như trên đã đề cập, lớp học chỉ diễn ra trong thời gian khoảng 4 tháng [từ tháng 3 đến tháng 6.1948. Không phải là 2 năm như Địa Chí Quảng Ngãi viết], song đây thực sự là một lớp hội họa độc đáo của nền mỹ thuật cách mạng VN. Điều đáng ghi nhận là bên cạnh những kiến thức cơ bản về mỹ thuật và hội họa nói riêng, về kỹ năng sử dụng chất liệu, các học viên còn được họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung trang bị về quan điểm, đường lối mỹ thuật phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để các học viên tiếp tục rèn luyện và trưởng thành… Chính vì vậy, từ “nền tảng” của lớp học, hầu hết các học viên sau đó không chỉ thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, mà còn trưởng thành, phát triển. Không chỉ có vậy, theo hồi ức của một số họa sỹ, sau năm 1954, trong quá trình học tập, công tác ở miền Bắc, nhiều người vẫn được họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung tạo điều kiện giúp đỡ… Đặc biệt, nhiều học viên của lớp đã trở thành những nghệ sỹ có tên tuổi của đất nước. Nói cách khác, vai trò của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đối với Lớp HHKC Liên khu V giống như “bà đỡ” của những nghệ sỹ tài hoa…

Phòng triển lãm của Lớp HHKC Liên khu V tổ chức tại Bình Dương [nay là thị trấn Bình Dương - Bình Định] vào tháng 6.1948.

Họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung là người đứng hàng trước, thứ 2 từ phải sang. [Tư liệu do gia đình họa sỹ Vũ Trung Lương cung cấp].


Thật vậy, ngoài 2 họa sỹ Lê Sanh và Nguyễn Huynh do hoàn cảnh chiến tranh nên mất liên lạc, các học viên còn lại của Lớp HHKC Nguyễn Đỗ Cung sau đó đều trưởng thành, phát triển và trở thành những cán bộ “cốt cán” của nền Mỹ thuật VN và là những nghệ sỹ nổi tiếng. Đó là các họa sỹ, nghệ sỹ: Đường Ngọc Cảnh [1925-2001; quê quán: Nghĩa Lộ - Tư Nghĩa - Quảng Ngãi; nguyên Chủ nhiệm Khoa Đồ họa Trường Đại học MT Công nghiệp]; Vũ Trung Lương [1925-2013, quê quán: Phước Long - Tuy Phước - Bình Định; nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế; Viện trưởng Viện Mỹ thuật]; Nguyễn Thế Vinh [1926-1997, quê quán: Phổ Minh - Đức Phổ - Quảng Ngãi; nguyên Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật]; Phạm Hổ [1926-2007, quê quán: Thanh Liêm - An Nhơn - Bình Định; nguyên là sáng lập viên Hội Nhà Văn VN, Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi - Hôi Nhà văn VN; Phó TBT báo Văn Nghệ]; Trương Qua [sinh năm 1927, quê quán: Khánh Hòa; nguyên Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam]; Hồ Quảng [Sinh năm 1929, quê quán: Quảng Trị; nguyên Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình VN]…

Để lại những tác phẩm mang đậm “dấu ấn Nam Trung bộ”
Thời gian hoạt động, công tác của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung tại khu vực MNTB chỉ hơn 2 năm rưỡi [cuối tháng 11.1946 đến tháng 7.1948] song ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Thậm chí, có thể nói, đây là một trong những giai đoạn quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Thật vậy, bên cạnh vai trò lãnh đạo văn hóa, văn nghệ ở Liên khu V, tổ chức Lớp HHKC Liên khu V, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung còn trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, như: Vẽ giấy bạc, tín phiếu, vẽ tranh bướm tuyên truyền, tranh cổ động, chân dung và hoạt động của cán bộ, chiến sỹ các đơn vị quân đội; tổ chức xuất bản tập san Văn hóa Kháng chiến… Điều đáng nói, đây chính là “giai đoạn lột xác” với quyết tâm “đổi mới nghệ thuật” của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung. Qua bài Nghệ sỹ và chiến sỹ [đăng trên Báo Sự thật số 98-99, ngày 19.8 và 2.9/1948], họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã khẳng định: “Nhà nghệ sỹ sáng tác để phụng sự kháng chiến không phải hy sinh về nghệ thuật. Nghệ sỹ bao giờ cũng sáng tác trong tha thiết và sống trong triển vọng, mà triển vọng tha thiết nhất của nhà nghệ sỹ VN lúc này là độc lập và dân chủ, với một con đường đi duy nhất là kháng chiến. Trong lúc này, nhà nghệ sỹ chân chính chỉ có thể sống được dồi dào và sáng tác được tác phẩm bất hủ, đầy sinh lực trong nguồn cảm xúc lớn lao chung của toàn thể dân tộc…”. Với quan điểm đó, trong thời gian hoạt động, công tác ở MNTB, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã không quản khó khăn, gian khổ, nhiệt tình lao vào thực tế của cuộc kháng chiến, nhất là các đơn vị quân đội, dân quân, công binh xưởng để ký họa, ghi chép, sáng tác… Vì vậy, những bức tranh, ký họa của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã được ghi nhận và đánh giá cao. Theo đó, đồng chí Phạm Văn Đồng [bấy giờ là đại diện của Đảng và Chính phủ tại MNTB] đã đánh giá: “Trên mặt trận văn hóa, họa sỹ Đỗ Cung và Văn Giáo là những chiến sỹ tiên phong”. Và, chính trong giai đoạn này họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó ông được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến MNTB. Không chỉ có vậy, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã để lại cho đời và để lại cho nền Mỹ thuật Cách mạng VN những tác phẩm hội họa đặc sắc, mang đậm “dấu ấn Nam Trung bộ”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian hoạt động ở MNTB, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và bận nhiều công tác, song họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã vẽ khoảng 40 bức tranh và ký họa. Tiêu biểu trong số này là các tác phẩm: Du kích La Hai; Họp tiểu đội; Vệ quốc quân; Khai hội; Làm kíp lựu đạn; Bồng Sơn chiến đấu…

Nguyễn Đỗ Cung, Du kích tập bắn, bột màu, 39x52cm,1947

Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Liên khu V và là nơi “khai giảng” lớp Hội họa Nguyễn Đỗ Cung.

Nay là trụ sở HTX Nông nghiệp xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân - Bình Định].


Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 35 bức tranh, ký họa của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung còn lưu giữ thì có 7 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN và 28 tác phẩm do gia đình của họa sỹ lưu giữ. Đáng lưu ý, cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp Mỹ thuật của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung có 72 tác phẩm hội họa và ký họa còn được lưu giữ thì trong đó có trên 1/2 số tác phẩm được “khai sinh” từ vùng đất MNTB. Đồng thời, trong số 17 tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, có hơn 2/3 tác phẩm được ông vẽ trong thời gian hoạt động tại địa bàn MNTB. Đặc biệt, trong số này có hàng chục tác phẩm họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tại địa bàn tỉnh Bình Định, như: Anh bộ đội Trung Lương; Cảnh phá hoại ở Bồng Sơn [Hoài Nhơn]; Bồng Sơn chiến đấu; Bưu điện Bình Định; Cảnh phá hoại ở Phú Phong; Mặt trận An Khê; Cảnh nông thôn Trung Lương…
Hơn 65 năm đã trôi qua, song hình ảnh, dư âm về những hoạt động, công tác của danh họa Nguyễn Đỗ Cung và các học viên Lớp HHKC Liên khu V như vẫn còn sống động. Tiếc rằng “bụi thời gian” của 2/3 thế kỷ đã phần nào che lấp và xóa mờ những hình ảnh, tư liệu lịch sử… Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu hơn về một giai đoạn lịch sử Mỹ thuật tuy không dài, song thật sự sôi động, ý nghĩa và đã để lại những “dấu ấn” độc đáo, sâu đậm…


V.H

[Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 11/2013]

Video liên quan

Chủ Đề