Rác thải hữu cơ xử lý

.

Với đặc tính dễ phân hủy và có thể xử lý đơn giản thành phân bón cho cây trồng của rác thải hữu cơ, hiện nay, Hội Nông dân xã Quốc Oai và Đạ Lây [huyện Đạ Tẻh] đã triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Bá Tiến [thôn Hà Tây, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh] tham gia mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” do Hội Nông dân xã triển khai

Tháng 4/2021, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân xã Quốc Oai thực hiện mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại thôn Hà Tây để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Là địa bàn sản xuất nông nghiệp nên rác thải hữu cơ sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp lớn, Hội Nông dân xã đã chọn 10 gia đình ở thôn Hà Tây để đầu tư 10 thùng ủ rác thải hữu cơ và 10 gói chế phẩm sinh học Trichoderma với tổng chi phí 5.000.000 đồng. Theo đó, rác hữu cơ được đưa vào thùng ủ bổ sung trấu và chế phẩm sinh học; sau 30 đến 40 ngày phân hủy thành phân bón hữu cơ có ích cho cây trồng. 

Ông Trần Văn Khoa là một trong 10 hộ được hỗ trợ để thực hiện mô hình cho biết: Trước đây, rác thải hữu cơ của gia đình để lâu bốc mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi thực hiện xử lý bằng chế phẩm sinh học không có mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường. Nước rỉ thu từ rác được hòa loãng đem tưới cho cây trồng, cây phát triển khỏe xanh tốt, tiết kiệm lớn chi phí mua phân bón. Thấy được tác dụng của mô hình, nhiều gia đình trong xã Quốc Oai đã tự mua thùng nhựa và chế phẩm sinh học để xử lý rác tại nhà. 

Từ hiệu quả mô hình ở xã Quốc Oai, tháng 7/2021, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân xã Đạ Lây triển khai mô hình này cho 10 hộ hội viên thôn Phú Bình. Các gia đình được hỗ trợ thùng nhựa ủ rác dung tích 160 lít, gói chế phẩm sinh học Trichoderma, hướng dẫn quy trình phân loại rác, xử lý rác hữu cơ bằng thùng ủ. Trong thời gian thực hiện mô hình, Hội Nông dân thường xuyên đến các hộ gia đình theo dõi, hướng dẫn cách xử lý rác đúng quy trình để mô hình đạt hiệu quả cao.

Mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” được triển khai tại 2 xã Quốc Oai và Đạ Lây trong thời gian qua đều mang lại hiệu quả thiết thực. Các gia đình thực hiện ủ, phân hủy rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã giảm khoảng 90% lượng rác hữu cơ phải chôn lấp và thu gom đưa đi xử lý, tận dụng làm phân bón vi sinh cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, an toàn, giảm chi phí mua phân đạm, phân lân. Việc triển khai hiệu quả mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” đã thu hút các cơ sở Hội và bà con nông dân trong huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục triển khai mô hình ra diện rộng, qua đó góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng nông thôn ngày càng sạch, đẹp, môi trường trong lành.

CAO THỦY

Đoàn Thanh niên huyện Châu Thành [tỉnh Long An] vừa triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải nhà bếp thành phân hữu cơ tại hộ gia đình. Đây là mô hình nhằm giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác, tái chế rác, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới [NTM] nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Cán bộ Đoàn hướng dẫn người dân ủ rác thải trong hố xử lý rác

Cuối tháng 3/2022, với sự hướng dẫn của Đoàn Thanh niên huyện Châu Thành, gia đình ông Trần Quang Kiếm [ấp Long Trường, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An] tiến hành làm hố xử lý rác nhà bếp thành phân hữu cơ. Được Đoàn Thanh niên hỗ trợ 1 nắp thùng đậy hố rác và một số túi men vi sinh, ông Kiếm đào hố bên cạnh nhà để làm hố xử lý rác. Theo hướng dẫn của cán bộ Huyện đoàn, ông Kiếm hoàn thành mẻ ủ vi sinh đầu tiên với rác thải nhà bếp của gia đình.

Ông Kiếm chia sẻ: “Trước đây, rác trong nhà bếp, tôi đổ ra gốc cây, có khi cũng để lẫn cả vào rác nylon. Giờ làm hố xử lý rồi, sau này tôi sẽ lấy phân hữu cơ ủ được để trồng cây. Tôi thấy ủ cũng dễ, vậy mà trước giờ tôi không biết”.

Hố xử lý rác hữu cơ hoạt động dựa trên sự phân hủy rác nhờ vào vi sinh, có chi phí thấp và dễ thực hiện. Mỗi gia đình muốn làm hố xử lý rác hữu cơ chỉ cần đào 1 hố sâu dưới đất và đậy nắp kín hoặc chuẩn bị một thùng phuy lớn có vòi lắp gần đáy thùng, 1 rổ nhựa chứa đầy đất hoặc mụn dừa để vào thùng và đậy nắp kín. Nước vi sinh được pha với tỷ lệ 1 men 5 đường cùng 1 lít nước, sau đó tưới lên đất. Mỗi lần cho rác hữu cơ vào hố, chủ nhà tưới một ít nước men vi sinh lên bề mặt lớp rác và đậy nắp kín. Sau khoảng 1 tháng, rác sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, tốt cho cây trồng.

Bí thư Huyện đoàn Châu Thành - Trần Mạnh Hùng cho biết, anh biết về việc ủ rác hữu cơ thông qua các video trên mạng xã hội. Thấy tại địa phương, rác hữu cơ thường bị bỏ đi vừa phí phạm, vừa ô nhiễm nên anh triển khai, thực hiện mô hình. “Mô hình này đầu tiên là góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lượng phân thu được sau khi ủ, các gia đình có thể dùng trồng rau, hoa cải thiện bữa ăn, tạo cảnh quan đẹp” - anh Hùng cho biết thêm.

Bước đầu, Huyện đoàn thí điểm mô hình tại xã Long Trì với 10 hộ gia đình. Theo đó, mỗi gia đình được hỗ trợ 1 nắp nhựa để làm nắp đậy hố xử lý rác và chế phẩm men vi sinh. Sau này, khi mô hình được nhân rộng, người dân có thể tự trang bị để làm hố xử lý rác cho gia đình. Bí thư Đoàn xã Long Trì - Lê Văn Thương cho biết, sắp tới, anh sẽ tổ chức họp lấy ý kiến các bí thư, trưởng ấp trong địa bàn xã về việc vận động nhân rộng mô hình.

Anh Thương nói: “Nếu nhận được sự đồng tình của bí thư, trưởng ấp, chúng tôi sẽ tiến hành họp dân để vận động. Mục tiêu hướng tới là mọi người thấy được lợi ích của mô hình và áp dụng làm tại nhà”.

Để lan tỏa mô hình đến đông đảo đoàn viên, thanh niên, người dân trong huyện, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành thực hiện đoạn video clip hướng dẫn cách làm hố xử lý rác hữu cơ tại nhà và gửi trực tiếp cho đoàn viên qua hệ thống Zalo nội bộ. Đoạn clip được đoàn viên, người dân đón nhận, chia sẻ rộng rãi.

Mô hình phân loại, xử lý rác nhà bếp thành phân hữu cơ tại hộ gia đình là một trong những hoạt động góp phần giúp các địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới./.

Quế Lâm

Chủ Đề