Rớt bao nhiêu môn thì bị ở lại lớp

Chị Như Hoa [ngụ quận Bình Tân, TPHCM] cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh nên suốt hai năm mẫu giáo lớp Chồi và Lá, con chị đa phần ở nhà. Đến khi vào lớp 1, bé cũng mất hơn một học kỳ học online nên gần như không tiếp thu được gì. Chị cho hay, học online có thể hiệu quả với những học sinh lớp trên, chứ ở lớp 1, các em chưa biết đọc biết viết, nếu không có cô giáo ở bên cạnh trực tiếp rèn từng nét chữ, con số thì rất khó. Tuy cũng dành thời gian để kèm cho con nhưng thực sự chị cũng không có nhiều kinh nghiệm để có thể biết hướng dẫn cho con viết chữ, phát âm, ghép vần như thế nào là đúng chuẩn. 

Đến khi đi học trực tiếp, do cô giáo dạy “đuổi” chương trình khá nhanh nên con chị bị đuối và không qua được môn tiếng Việt khi kiểm tra cuối năm. “Đến hôm nay, bé gần như chưa có một ngày nghỉ hè vì phải miệt mài ôn tập và đã thi lại hai lần mà vẫn rớt. Hiện hằng ngày, con tôi vẫn học phụ đạo ở trường để chuẩn bị thi lại lần thứ ba vào tháng 8. Nếu vẫn không qua được, tôi cũng xác định tinh thần bé phải ở lại lớp”, chị Hoa buồn bã nói.

Các chuyên gia cho rằng học sinh lớp 1 không chỉ cần chuẩn bị kiến thức mà cả tâm lý, tinh thần cho quá trình học tập sau này [trong ảnh: Học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học Phú Thọ [quận 11, TPHCM]] - Ảnh: P.T.

Thực tế, năm học vừa qua, hầu hết trường tiểu học tại TPHCM đều có học sinh lớp 1 không qua được kỳ kiểm tra cuối năm. Tại Trường tiểu học Tân Kiên [huyện Bình Chánh, TPHCM], nhà trường vừa tổ chức thi lại lần thứ nhất nhưng vẫn có hơn 30 em lớp 1 không đạt và đang ôn luyện để chuẩn bị thi lại lần thứ hai. Cô Nguyễn Thị Bích Nga - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, suốt thời gian học online, thầy cô đều rất nỗ lực, vừa dạy vừa cố gắng phân loại học sinh. Sau đó, khi đi học trực tiếp, giáo viên tập trung kèm kỹ hơn cho các em yếu, tiếp thu chậm. Theo cô Nga, số lượng học sinh lớp 1 phải thi lại năm học này không tăng so với năm trước, tuy nhiên xét về tỷ lệ có tăng. Vì năm học 2020 - 2021 trường có hơn 500 học sinh lớp 1, còn năm 2021 - 2022 chỉ còn khoảng 400 em. 

Cô Phan Thị Châu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh [quận Gò Vấp, TPHCM] - cũng cho hay, trường có 4 em đang chuẩn bị thi lại lần thứ hai. Cô Châu thừa nhận trong bối cảnh dịch bệnh, giáo viên, phụ huynh đều hết sức nỗ lực tuy nhiên việc dạy online không thể nào hiệu quả được như trực tiếp. Sau khi trở lại trường, giáo viên cũng dành hai tuần đầu để ôn lại các kiến thức và phân loại những em yếu hơn để tập trung kèm cặp. Những năm học trước, số lượng học sinh lớp 1 phải ở lại, thi lại nếu có thì chỉ 1 - 2 em, có năm không có. 

Tại các trường tiểu học Võ Thị Sáu [quận Gò Vấp], Nguyễn Du [quận 12], Trương Định [quận 12], Đinh Tiên Hoàng [quận 1], Nhật Tảo [quận 10], Phan Huy Ích [quận Tân Bình], Phú Thọ [quận 11], Lê Trọng Tấn [quận Bình Tân]… đều có từ 4 - 10 học sinh lớp 1 phải thi lại, trong đó nhiều em xác định sẽ phải ở lại lớp.

Đáng lo ngại

Theo một giáo viên lớp 1 tại quận 11, không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà học sinh lớp Một hai năm học trở lại đây theo học chương trình mới khá nặng cũng phần nào khiến số lượng học sinh bị “đuối” tăng lên. Theo giáo viên này, chương trình mới có ưu điểm là nếu em nào theo kịp thì kết thúc lớp 1 có thể đọc viết nhuần nhuyễn. Tuy vậy, khả năng tiếp thu của mỗi em khác nhau và chương trình học nên hướng đến mọi đối tượng học sinh chứ không phải chỉ dành cho những em giỏi, tiếp thu nhanh.

Chương trình tiếng Việt mới có nhiều bài ba vần, bốn vần khó trong một tiết, thời gian học âm vần quá nhanh, còn nội dung bài tập đọc thì khá dài. Do dạy 3 - 4 vần một lúc nên học sinh chưa nắm chắc đã vội chuyển sang tập đọc. Với chương trình cũ thì đến tuần 25 mới sang tập đọc, chương trình mới thì tuần 19 đã có tập đọc mà câu văn dài, nội dung câu hỏi cũng gây khó khăn cho học sinh… Đối với môn toán, thay vì đặt tính dọc như trước thì chương trình mới đòi hỏi tính nhẩm, suy luận nhiều nên các em rất dễ nhầm lẫn. Chính vì nội dung nặng nên giáo viên cũng phải dạy “đuổi” cho kịp chương trình, không còn nhiều thời gian để kèm kỹ cho những em yếu, khiến các em này càng học càng đuối.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng bộ môn tâm lý học Trường đại học Sài Gòn - cho rằng, học sinh lớp 1 năm học vừa qua là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Bởi các em không chỉ bị ảnh hưởng tâm lý mà gần như “mất trắng” giai đoạn chuẩn bị hết sức quan trọng để chuyển tiếp từ bậc mầm non lên tiểu học. Việc các bé lớp 1 mới rời môi trường “vừa học vừa chơi” bước vào quá trình học tập thực sự đã phải chịu “cú sốc” thi đi thi lại, thậm chí ở lại lớp là một việc đáng lo ngại. Bởi điều này sẽ tạo nên tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin, thậm chí sợ hãi, chán ghét việc học trong khi đây chỉ mới là giai đoạn khởi đầu và các em còn quá trình học tập rất dài phía trước. “Do đó, việc quan trọng nhất là nhà trường, phụ huynh cần có giải pháp tích cực để ổn định tâm lý, chuẩn bị cho các em không chỉ kiến thức nền tảng mà xây dựng niềm yêu thích học tập cho lứa tuổi chuyển tiếp này. Nếu không, với khởi đầu đầy vấp váp như vậy có thể khiến các em trượt dài suốt quá trình học sau này”, cô Dao nhấn mạnh. 

Chủ Đề