Tại sao Sông núi nước Nam được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên được viết bằng thơ

     Dọc theo bề dày lịch sử dân tộc Việt Nam, đã có biết bao áng văn được khắc lên như một sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ một cách kiên định và “Sông núi nước Nam” cũng là một trong số đó. Bài thơ như một bản cáo trạng hùng hồn đanh thép khẳng định chủ quyền lãnh thổ và thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc ta.

Tại sao “Sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên”

Mở bài

     Bài thơ Nam quốc sơn hà là bài thơ thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt, hiện vẫn chưa rõ tác giả là ai nhưng cũng có những nguồn ghi chép lại người sáng tác ra bài thơ là Lý Thường Kiệt. Đây là áng văn không rõ xuất xứ được mọi người truyền tai nhau qua những truyền thuyết. Có truyền thuyết cho rằng năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy kéo vào bờ cõi nước ta. Vua Lý Nhân Tông lệnh Lý Thường Kiệt mang quân ra phòng ngự ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bỗng một đêm, quân sĩ nghe văng vẳng trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trường Hát tiếng ngâm bài thơ:

                    “Nam quốc sơn hà Nam đế cư

                    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

                    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

                    Nhữ đặng hành khang thủ bại hư.”

      Hay theo bản dịch nghĩa:

                    “Sông núi nước Nam vua Nam ở

                    Rành rành phân định tại sách trời

                    Cớ sao lũ giặc kia xâm phạm

                    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.”

Thân bài lý giải vì sao sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ở nước ta

      Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, một lời tuyên bố kiên quyết về chủ quyền và quyền tự chủ của nhân dân Đại Việt. “Sông núi nước Nam” còn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam bởi nó là lời khẳng định chủ quyền của nước ta cùng với thái độ kiên quyết đẩy lùi ngoại xâm được thể hiện qua nhiều khía cạnh. 

    “Sông núi nước Nam” là một lời tuyên bố trịnh trọng, một lời khẳng định vững chắc về chủ quyền, lãnh thổ muôn đời nay được nối truyền qua bao thế hệ “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Bởi chỉ có những bậc đế vương phương Nam, những triều đại hào hùng đã lãnh đạo nhân dân khắc ghi nên những chiến công oanh liệt mới được quyền ngự trị nơi đây. Đất nước này do một tay vua Nam dựng lên, giang sơn này do một tay vua Nam gìn giữ, bọn ngoại xâm cướp nước không có quyền xâm lăng lãnh thổ mà ta dựng nên. 

     Chủ quyền lãnh thổ rõ ràng đã được ghi chép tại “sách trời”: “Rành rành phân định tại sách trời”. Việc mà bọn chúng xâm phạm đến lãnh thổ nước ta chính làm làm trái lại thiên ý, trái với những gì mà sách trời đã ghi nên. Chính vì thế, hành động phi nghĩa của chúng chính là nghịch thiên, là không tuân theo mệnh lệnh của đấng tối cao. 

     Một lãnh thổ có những triều đại hào hùng, có lịch sử kéo nghìn năm văn hiến, có chủ quyền được phân định rạch ròi thì lãnh thổ ấy xứng đáng có được những tự do, những chủ quyền của riêng mình. Nói “Sông núi nước Nam” chính là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta quả không sai bởi chỉ thông qua vỏn vẹn bấy nhiêu từ mà chủ quyền quốc gia đã được khẳng định một cách hào hùng, các triều đại lịch sử được hiện lên một cách đầy uy nghi. 

Xem thêm:
Nếu cảm nghĩ về bài sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam: Hoàn cảnh sáng tác, nội dung và dàn ý

     “Sông núi nước Nam” đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của một bản tuyên ngôn độc lập là sự tuyên bố với cả thế giới nền độc lập, lãnh thổ Việt Nam đã là những thứ bất di bất dịch, được lịch sử ghi chép rõ ràng. Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với thể thơ hùng hồn, đanh thép, “Sông núi nước Nam” khẳng định chủ quyền một cách đanh thép cùng với tinh thần bất khuất, ý chí sắt đá không thể lay chuyển nổi của quân dân ta.

     Nếu nói khẳng định chủ quyền là điều kiện cần thì việc thể hiện tinh thần sẵn sàng ngã xuống, hy sinh cho từng tấc đất quê hương là điều kiện đủ khiến “Sông núi nước Nam” là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. 

     Hai câu cuối của bài thơ thể hiện tinh thần sắt thép của hàng triệu nhân dân Việt Nam trường tồn qua biết bao thế hệ. Đó là thứ tinh thần vững chắc không có gì lay chuyển được tồn tại trong dòng máu của mỗi con người Việt Nam. Kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm, sẵn sàng đứng lên theo tiếng gọi Tổ Quốc. Ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền khỏi tay mọi giặc thù được thể hiện trong mỗi linh hồn Việt Nam từ già, trẻ, lớn, bé ai cũng sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc lâm nguy. 

     Chỉ cần non sông gấm vóc Việt Nam còn tồn tại, mọi thế lực thù địch lăm le bờ cõi ta nhất định sẽ bị diệt trừ, không một thế lực nào được phép phá vỡ đi nền độc lập được ta xây dựng bao đời.

     Đây cũng là bài thơ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam dám nêu cao nền độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ một cách hùng hồn, đanh thép. Dân tộc Việt Nam vốn chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng với lòng tự tôn dân tộc đậm đà cùng với tài chỉ huy tài ba của những nhà thao lược tài giỏi luôn luôn giữ vững bờ cõi mà thế hệ trước đã dựng nên. 

Kết bài

     Sau “Sông núi nước Nam” còn có “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Bản tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh được xem là những áng văn chính trị có giá trị dân tộc sâu sắc. Cả ba đều khẳng định được chủ quyền dân tộc một cách rõ ràng cùng tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất, kiên trung của dân tộc ta. Mỗi bài một cách thể hiện, một giọng văn khác nhau nhưng “Sông núi nước Nam” luôn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên và có ý nghĩa nhất định đối với dân tộc Việt Nam.

Những câu hỏi liên quan

Sông núi nước Nam được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ. Vậy thế nào là một Tuyên ngôn Độc lập? Nội dung Tuyên ngôn Độc lập trong bài thơ này là gì?

Bài thơ “Sông núi nước Nam’’ được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, vậy nội dung tuyên ngôn độc lập ở đây là gì ?

A. Lời tuyên bố về chủ quyền của đất nước

B. Lời tuyên bố về độc lập của nước ta

C. Lời tuyên bố về tự do của nước ta

D. Lời tuyên bố kết thúc chiến tranh

Trong tiến trình lịch sử oanh liệt đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã xuất hiện những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, mà Nam quốc sơn hà là bản mở đầu.

Đại Việt ta khởi đầu sự nghiệp của mình bằng sự tạo lập nhà nước Văn Lang của các vua Hùng bên bờ sông Hồng. Mười tám đời cha truyền con nối, tổ tiên ta vẫn khẳng định được vị thế của mình. Từ Văn Lang phát triển thành Âu Lạc, núi sông bờ cõi đã được mở mang. Nhưng rồi chỉ một phút mất cảnh giác của An Dương Vương mà sự nghiệp mấy trăm năm tổ tiên gây dựng tan thành mây khói. Mất nước là mất tất cả, vẫn sống ở đất mình mà thành kẻ nô lệ. Gông cùm xiềng xích đè nặng cả ngàn năm. Suốt đêm trường tối tăm ngột ngạt của kiếp nô lệ lầm than mà sức sống Đại Việt vẫn rất tiềm tàng. Bản lĩnh ngoan cường đã giúp cha ông ta bảo tồn được nòi giống, giữ gìn được bản sắc và giành lại được chủ quyền dân tộc vào đầu thế kỉ X.

Từ thế kỉ X, quốc gia phong kiến Đại Việt độc lập đã được xây dựng. Các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê rồi Lí kế tiếp nhau trị vì đất nước đến nay đã hơn trăm năm. Nhưng bọn phong kiến phương Bắc, với tư tưởng bá quyền nước lớn, muốn thống trị toàn thiên hạ vẫn ngông cuồng xâm lược Đại Việt, những tưởng có thế lại biến nước ta thành quận huyện của chúng như xưa. Đã đến lúc dân tộc ta phải đĩnh đạc lên tiếng khẳng định lại chủ quyền của mình! Và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên đã ra đời:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng bay nhất định phải tan vỡ.

Sông núi nước Nam là của người Nam. Đó là chân lí độc lập bất hủ!

Song, dễ hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng trong lời tuyên ngôn này, cần nhìn từ góc độ nguyên tác chữ Hán của bài thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Câu mở đầu của bài thơ thật hùng hồn và đanh thép:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư.

Ý thức tự tôn dân tộc được bộc lộ mạnh mẽ qua hai từ Nam quốc và Nam đế đầy ẩn ý.

Trong Hán tự, quốc là chữ dùng đế chỉ nước lớn, nước thiên tứ thống trị toàn thiên hạ [còn “bang” là nước nhỏ, nước chư hầu]; đế là chữ dùng để chỉ vua của nước lớn, nước thiên tử [còn "vương” là vua nước nhỏ, nước chư hầu; tước do “hoàng đế” phong cho]. Trong tư tưởng bá quyền của bọn phong kiến Trung Hoa, chưa bao giờ chúng chịu thừa nhận nước khác là quốc và vua của nước khác là đế.

Từ thế kỉ VI, người anh hùng Lí Bí của Đại Việt sau khi khởi nghĩa chống ách nô dịch thắng lợi đã tự xưng là Lí Nam Đế. Một thái độ phủ nhận uy quyền nước lớn.

Thái độ ấy, một lần nữa được nhắc lại trong Sông núi nước Nam. Khẳng định nước Nam [Nam quốc] là của người Nam [Nam đế] là sự ý thức sâu xa về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc. Hơn nữa, thái độ ấy là tư thế của một dân tộc dám kiêu hãnh đứng thẳng làm người, giơ một quả đấm thép giáng thẳng vào bộ mặt kiêu căng ngạo mạn của bọn phong kiến Trung Quốc coi nước khác chỉ là chư hầu của chúng, coi dân tộc khác chỉ là nô lệ của chúng.

Sông núi nước Nam là của người Nam. Đó là “lẽ phải”, là “sự thật” hiển nhiên, bởi giang sơn bờ cõi này là do tự bàn tay dân tộc ta đã gây dựng. Nó đã tồn tại từ mấy ngàn năm nay.

Ngay đến cả đấng thần linh tối cao là “Trời” cũng phải thừa nhận và ghi rõ trong “sách trời”:

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Thêm một lần nữa, bài thơ nhấn mạnh tính chất tất yếu của quyền độc lập tự chủ và khát vọng chính đáng của một dân tộc.

Càng khát khao độc lập tự chủ, dân tộc ta càng kiên quyết đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập. Ý chí ấy được khẳng định ở hai câu kết của bài thơ:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Lời tuyên bố thật đanh thép: kẻ thù chớ có xâm phạm. Nếu chúng bay dám coi thường cả đấng tối cao là “Trời”, phạm vào “sách trời”; coi thường cả một dân tộc, phạm vào lòng tự tôn dân tộc, xâm phạm đến sông núi nước Nam thì sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại, nhơ nhuốc đến ngàn đời.

Có thể nói, Sông núi nước Nam là lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn nhất từ trước đến nay về chủ quyền đất nước.

Với ý nghĩa ấy, Sông núi nước Nam xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

Bản tuyên ngôn ấy kết tinh tất cả tư tưởng và tình cảm, khát vọng và ý chí của cả dân tộc Đại Việt suốt mấy ngàn năm dựng nước giữ nước và toả sáng đến muôn đời.

Video liên quan

Chủ Đề