Thinprep là gì

* Sơ lược về ung thư cổ tử cung:

- Ung thư cổ tử cung là ung thư của cổ tử cung. Đây là loại ung thư phụ nữ thường gặp, đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư vú. Tuổi thường gặp ung thư cổ tử cung là 30-59, đỉnh cao là 48-52 tuổi.

- Bệnh diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu cụ thể để nhận biết, chỉ đến khi có những triệu chứng trên lâm sàng như ra máu bất thường không liên quan đến kỳ kinh hay sau khi giao hợp, ra khí hư, hôi, đau bụng vùng chậu, tiểu buốt… xuất hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

- Dựa trên những nghiên cứu được thực hiên dựa trên xét nghiệm HPV [Human papillomavirus] với các mẫu cổ tử cung, người ta thấy có khoảng 2,1% số phụ nữ nói chung ở Việt Nam bị nhiễm với HPV và trên 95% số ca ung thư cổ tử cung có liên quan tới HPV [Bosch FX 2003, trong đó 82,8% số ca ung thư cổ tử cung là do các type 16 và 18 của HPV [ICO HPV Information Centre 2015].

- Trong ung thư cổ tử cung, phần lớn [80-90%] là ung thư tế bào vảy [squamous cell cancers] và 10 đến 20% là ung thư biểu mô tế bào tuyến [adenocarcinoma].

- Theo các Chuyên gia y tế, nguyên nhân gia tăng bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam là do chị em phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp.

1. Xét nghiệm ThinPrep Pap là gì?

- ThinPrep Pap là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung [Pap smear] được cải tiến, trong đó các chất liệu cổ tử cung thu lượm không phải được phết [smear] vào một lam kính để làm tiêu bản như xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thông thường mà được rửa toàn bộ vào một chất lỏng định hình trong một lọ ThinPrep và được chuyển đến phòng thí nghiệm để được sử lý bằng máy ThinPrep để làm tiêu bản một cách hoàn toàn tự động.

- Dưới sự điều khiển chính xác của bộ vi xử lý của máy ThinPrep 2000, bộ lọc quay tạo nên sự phân tán nhẹ nhàng có tác dụng phá hủy các tế bào máu, chất nhầy và các mảnh vật chất không giúp ích cho chẩn đoán, sau đó trộn kỹ mẫu. Với một loạt các xung áp suất âm, chất lỏng được hút qua bộ lọc của máy ThinPrep 2000 để tạo nên một lớp đơn mỏng các tế bào đủ cho chẩn đoán trên bề mặt một màng lọc. Bộ lọc sau đó được dựng ngược lên. Dưới sự kiểm soát của bộ vi sử lý của một máy vi tính, các tế bào trên màng lọc được đẩy lên bề mặt của một lam kính, tạo nên một bề mặt hình tròn do được định vị và nhờ lực đẩy của một áp suất dương. Tiêu bản được di chuyển tự động vào một một lọ dung dịch chứa sẵn chất cố định tế bào, sau đó tiêu bản được nhuộm Papanicolaou để được đánh giá.

- Đây là xét nghiệm được sử dụng phổ biến tại các quốc gia phát triển như Mỹ, các nước Châu Âu và đang là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung đưa ra kết quả có độ nhạy cao nhất hiện nay.

- Được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Hoa Kỳ [Food and Drug Administration: FDA] phê chuẩn vào tháng 5 năm 1996, ThinPrep Pap là xét nghiệm dựa trên chất lỏng đầu tiên và ngày nay trở nên “tiêu chuẩn vàng” [gold standard] của xét nghiệm Pap, giúp làm số các trường hợp ung thư cổ tử cung trên thế giới giảm khoảng 30%.

2. Chỉ định của Thin Prep Pap:

* Xét nghiệm ThinPrep Pap có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:

- ThinPrep Pap nên bắt đầu được chỉ định ở tuổi 21 hoặc 3 năm sau lần quan hệ tình dục đầu tiên.

- ThinPrep Pap cần được chỉ định mỗi năm một lần ở độ tuổi từ 21-30.

- Sau 30 tuổi, ThinPrep Pap nên được chỉ định 2-3 năm một lần, nếu 3 lần xét nghiệm trước đó âm tính, 3 năm một lần, nếu cả xét nghiệm HPV và ThinPrep Pap đều âm tính.

- ThinPrep Pap nên được thực hiện thường xuyên hơn ở những phụ nữ đang bị ức chế miễn dịch, HIV dương tính hoặc những người sử dụng hormone tổng hợp diethylstilbestrol [DES] – một dạng estrogen, có khả năng gây ung thư cổ tử cung và âm đạo.

- ThinPrep Pap có thể được dừng chỉ định ở những phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung hoặc trên 65 tuổi mà trước đó không có ThinPrep Pap bất thường.

*Một số chú ý khi chỉ định xét nghiệm ThinPrep Pap:

- Tránh làm xét nghiệm khi đang hành kinh, thời gian tốt nhất để làm ThinPrep Pap là ngày thứ 10-14 của chu kỳ kinh.

- Không chỉ định xét nghiệm ThinPrep Pap trong vòng 1-2 ngày sau quan hệ tình dục.

- Các chất bôi trơn cá nhân, máu và thuốc đặt âm đạo có thể gây cản trở cho sự thu lượm các tế bào cổ tử cung cũng như chất lượng của mẫu tế bào xét nghiệm.

- Cần loại bỏ các mẫu không đáp ứng các yêu cầu cơ bản về số lượng tế bào, các mẫu không được bảo quản tốt hoặc được dự đoán là không đạt yêu cầu để đánh giá.

- Các phát hiện bất thường cần phải phù hợp với bệnh sử và kết quả của các xét nghiệm khác.

- ThinPrep Pap có giá trị để phát hiện các tế bào tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, kết quả âm tính giả và dương tính giả đều có thể xảy ra. Các kết quả dương tính cần được xác nhận với các nghiên cứu bổ sung theo chỉ định của lâm sang.

Hình ảnh các tế bào vảy cổ tử cung:

A] Bình thường

B] Tổn thương biểu mô vảy mức độ thấp [Low-grade squamous intraepithelial lesion: LSIL]

C] Tổn thương biểu mô vảy mức độ cao [High-grade squamous intraepithelial lesion: HSIL]

D] Ung thư cổ tử cung.

3. Phạm vi chẩn đoán của ThinPrep Pap:

* Xét nghiệm ThinPrep Pap có thể được sử dụng để đánh giá mẫu tế bào cổ tử cung-âm đạo [cervical-vaginal sơeciment] để phát hiện các thay đổi về tiền ung thư, ung thư và viêm. Các vị trí có thể được đánh giá bao gồm các tế bào ở cổ tử cung, trong cổ tử cung [endocervix], ngoài cổ tử cung [ectocervix], âm đạo và âm hộ.

* ThinPrep Pap có khả năng phát hiện sớm các bất thường của các tế bào cổ tử cung ở các mức độ khác nhau:

- Các tế bào vảy không điển hình ý nghĩa không xác định

- Các tế bào vảy không điển hình không thể loại trừ tổn thương mức độ cao

- Các tế bào tuyến không điển hình ý nghĩa không xác định

- Tổn thương biểu mô vảy mức độ thấp

- Các tổn thương do Human Papillomavirus [HPV]

- Loạn sản nhẹ [mild dysplasia]

- Loạn sản nhẹ do HPV

- Loạn sản biểu mô vảy mức độ cao

- Loạn sản mức độ trung bình

- Loạn sản nặng

- Ung thư biểu mô tại chỗ

- Ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung tại chỗ

- Dương tính đối với ung thư biểu mô vảy

- Dương tính đối với ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung [endocervical adenocarcinoma]

- Dương tính đối với ung thư biểu mô tuyến tử cung [endometrial adenocarcinoma].

4. Hiệu quả của ThinPrep Pap so với Pap smear thông thường:

- Việc nhuộm tế bào để phát hiện ung thư cổ tử cung được George Papanicolaou đưa vào ứng dụng lâm sàng từ năm 1940. Năm 1945, xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và nhuộm bằng Papanicolaou, được gọi là Papanicolaou smear hay Pap smear thông thường [conventional Pap smear], được Hội Ung thư Hoa Kỳ [American Cancer Socety: ACS] xem như một phương pháp hiệu quả để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

- Một số hạn chế của xét nghiệm Pap smear là việc chuyển không đủ các tế bào lên tiêu bản [slide], sự phân bố các tế bào bất thường không đồng đều khi phết, bị các tế bào máu, tế bào viêm hoặc tế bào biểu mô che khuất. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế của Pap smear, xét nghiệm ThinPrep Pap đã ra đời.

- So với Pap smear, ThinPrep Pap làm tăng độ nhạy, đồng thời làm giảm tỷ lệ âm tính giả trong phát hiện các bào tiền ung thư và ung thư cổ tử cung một cách có ý nghĩa rất rõ rệt.

- Nhờ xét nghiệm Pap Smear, thế giới đã giảm thiểu đến 70% số nữ giới mắc ung thu cổ tử cung. Tuy nhiên, xét nghiệm PAP chỉ có độ nhạy từ 50-75%. Với sự ra đời của ThinPrep Pap test giúp nữ giới có thể phát hiện ung thư cổ tử cung sớm với độ nhạy lên tới 90%.

CN. Tôn Hoàng Dũng

* Nguồn tin:
– benhvienhungvuong.org
– ungbuouvietnam.com
– medlatec.vn
– hfh.com.vn
– vinmec.com
– medlatec.vn

Số lượt xem: 647

Chủ Đề