Tư tưởng hồ chí minh về nhà nước do dân vì dân

15 Tháng 09 Năm 2011 / 13378 lượt xem

Trần Thị Thắm

Phòng Tuyên truyền – Giáo dục

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tạo nên dấu son trên bản đồ thế giới với hai tiếng “Việt Nam” kiêu hãnh tự hào, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng đó là sự khởi đầu của quá trình xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh, người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 

Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân bắt nguồn từ truyền thống văn hoá của dân tộc trong xây dựng nhà nước dân tộc độc lập, trong việc khai thác những giá trị dân chủ sơ khai, trong tổ chức và quản lý xã hội của dân tộc ta. Hồ Chí Minh cũng là người thừa kế những giá trị tư tưởng của nhân loại trong vấn đề nhà nước pháp luật, đặc biệt Người đã sử dụng rất thành công và phát triển quan điểm “dĩ đức trị quốc” [tức là lấy đức để trị nước] của phương Đông. Hồ Chí Minh cũng là người kế thừa, phát triển và nâng cao một cách rất tài tình các giá trị tư tưởng dân chủ phương Tây, của các nhà tư tưởng khai sáng như Vonte, Rútxô, Môngtétxkiơ,… Hồ Chí Minh cũng kế thừa rất thuần thục Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn và tìm thấy trong đó “những điều thích hợp với điều kiện nước ta”. Cao hơn nữa, bằng mẫn cảm chính trị của mình, Người đã vươn tới nắm bắt, lĩnh hội được chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết khoa học, cách mạng phát triển trong vấn đề nhà nước.

Cùng với những nhận thức về mặt lý luận, Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để hình thành nên quan niệm về nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trên thực tế, Người đã nghiên cứu, khảo sát 3 loại hình nhà nước tiêu biểu lúc bấy giờ :

Thứ nhất, Nhà nước thực dân phong kiến: Hồ Chí Minh đã nghiên cứu mô hình này trên tất cả các mặt văn hoá, kinh tế, chính trị, tư tưởng và đi đến kết luận: Nhà nước thực dân phong kiến là một nhà nước phản văn hoá, phản tiến bộ, cần phải đập tan và tiêu diệt, thay vào đó một nhà nước khác tiến bộ hơn.

Thứ hai, Nhà nước dân chủ tư sản :

Trên hành trình khảo sát, tìm kiếm con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc, tìm hiểu, nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và các hình thức, bản chất nhà nước của Pháp, Mỹ. Hình thức nhà nước mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn để áp dụng vào điều kiện của Việt Nam, tiêu chí đầu tiên là nhà nước đó phải đại diện cho đa số, mưu cầu cho lợi ích của đa số. Từ nhận thức chung như vậy, Hồ Chí Minh nói: Ta làm cách mạng ta sẽ không xây dựng mô hình nhà nước như của Mỹ, của Pháp, mà ta sẽ xây dựng mô hình nhà nước khác.

Thứ ba, Nhà nước Xô viết :

Khi đánh giá về nhà nước Xô Viết, Hồ Chí Minh thấy rằng nhà nước này bao hàm trong đó những giá trị vượt trội so với tất cả các nhà nước khác. Người nhận thấy nhà nước này thật sự đề cao vai trò của nhân dân, giành lấy chính quyền về tay nhân dân, lập nên các Xô viết công nông binh, đưa lại quyền lợi thật sự cho nhân dân lao động. Hồ Chí Minh kết luận: cách mạng Việt Nam nên theo Cách mạng Tháng Mười Nga 1917: quyền lực Nhà nước thuộc về số động người. Sau khi đến Liên Xô, Người tìm thấy một mô hình nhà nước kiểu mới: “phát ruộng đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền,… ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng”[1]. Mô hình nhà nước đó đã gợi ý cho Hồ Chí Minh về một kiểu nhà nước sẽ được xây dựng ở Việt Nam trong tương lai.

Trong các văn kiện do Hồ Chí Minh soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 thông qua, tư tưởng của Người về kiểu nhà nước cho “dân chúng số nhiều” lần đầu tiên được Người nêu ra trong Chánh cương vắn tắt của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng, sau khi cách mạng thắng lợi sẽ “dựng ra Chính phủ công nông binh”. Đây là hình mẫu chính quyền Xô viết của Cách mạng Tháng Mười Nga và mô hình nhà nước này trong thực tế được thiết lập ở một số địa phương trong cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong cao trào cách mạng đó, ở nhiều làng, xã của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, lực lượng cách mạng đã lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên chính quyền Xô viết.

Năm 1941, sau một thời gian dài hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Nhật – Pháp và tay sai, chuẩn bị lực lượng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị lần thứ tám [5/1941] của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Người chủ trì đã quyết định thay đổi chiến lược cách mạng tư sản dân quyền thành cách mạng giải phóng dân tộc. Người đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần dân chủ. Chương trình Việt Minh công bố ngày 25/10/1941, ghi rõ : “Sau khi đánh đổ được bọn đế quốc phát xít Nhật, Pháp, sẽ lập nên Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, theo tinh thần dân chủ, lấy cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm cờ chung của nước. Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Quốc dân đại hội cử ra” [2] .

Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc [tháng 10/1944] Hồ Chí Minh cũng nói rõ: Trước hết cần có một Chính phủ đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân, gồm tất cả các đảng phái cách mệnh, các đoàn thể ái quốc trong nước cử ra. “Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang” [3]. Như vậy, từ mô hình nhà nước công nông binh chuyển sang mô hình nhà nước Dân chủ Cộng hoà - đại biểu cho khối đoàn kết của toàn thể quốc dân là một bước chuyển sáng suốt của Hồ Chí Minh, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phản ánh được nét đặc thù của thực tiễn dân tộc, phù hợp với sự chuyển hướng chiến lược và sách lược của Cách mạng Việt Nam.

Năm 1945, phong trào phát triển mạnh, căn cứ địa cách mạng được mở rộng, hình thành một vùng rộng lớn gồm sáu tỉnh : Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và một số vùng ngoại vi thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái… Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Khu giải phóng, cử ra Uỷ ban chỉ huy lâm thời, thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng. Tại các địa phương trong khu giải phóng, các Uỷ ban nhân dân cách mạng cũng được thành lập, do dân cử ra để thi hành 10 chính sách của Việt Minh. Khu giải phóng [với Tân Trào là Thủ đô] là hình ảnh “nước Việt Nam mới phôi thai”, các Uỷ ban nhân dân cách mạng vừa lãnh đạo nhân dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, vừa huấn luyện cho nhân dân nắm chính quyền.

Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã đi đến quyết định lịch sử: phát động Tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong toàn quốc, thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, ra mắt Quốc dân đại hội, thực hiện chức năng của Chính phủ lâm thời ngay sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, lễ độc lập được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Trong buổi ra mắt quốc dân của Chính phủ lâm thời, trên cương vị là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh đã có công đầu tiên trong việc đặt nền móng xây dựng một nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc : Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Người khẳng định :

“Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [4].

Nhà nước của dân:

Thứ nhất, Chính phủ do nhân dân bầu ra, nhân dân lập nên nhà nước dưới hình thức phổ thông đầu phiếu, dân chủ trực tiếp. Quyền chính trị của nhân dân được đảm bảo. Giá trị pháp lý cho quyền lực của một nhà nước, điều đảm bảo cho công tác đối nội và đối ngoại, thể hiện ở chỗ nhân dân bầu ra Quốc hội một cách thật sự dân chủ.

Tư tưởng nhà nước của nhân dân lao động đã được thể hiện ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời [3/9/1945], Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành càng nhanh càng tốt một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, toàn bộ người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được đi bỏ phiếu, tự do lựa chọn những đại biểu của mình.

Ngày 9/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới do
Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã được Quốc hội thông qua. Tư tưởng trên đã được thể hiện rất rõ ràng trong tên gọi và trong các điều của Hiến pháp.

Điều 1: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.

Điều 32: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý …”.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống chính quyền cách mạng của nhân dân được hình thành với cơ sở pháp lý vững chắc mà phương hướng phát triển của nó, như lời nói đầu của Hiến pháp đã ghi nhận “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”, nghĩa là làm cho quyền lực nhà nước thật sự thuộc về nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, Nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước. Quyền kiểm soát, giám sát và bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khi những người được bầu không hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó, không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”[3]. Trong nhà nước của dân thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân bằng mọi nỗ lực, hình thành được các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Cũng trên ý nghĩa đó, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là người được uỷ quyền của dân, chỉ là “công bộc’ của dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chính phủ là Chính phủ của nhân dân chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân.

Có thể nói rằng, quan điểm này của Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng Nhà nước kiểu mới của nước ta. Các hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 đều thể hiện tinh thần đó.

Điều 8 của Hiến pháp 1992 ghi rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

Thứ ba, trong nhà nước “của dân”, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là quyền làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật.

Nhà nước do dân:

Đó là nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; nhà nước do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu, hoạt động; nhà nước đó lại do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[4]. Nghĩa là khi các cơ quan đó không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân sẽ bãi miễn nó.

Khi nói về sức mạnh của nhân dân, Người cho rằng: có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được, không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Như vậy, mọi việc đều phải do lực lượng nhân dân thực hiện. Nếu nhân dân không ra tay, không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong. Nhà nước muốn làm bất cứ việc gì đều phải dựa vào sức dân thông qua việc huy động nhân tài, vật lực của dân, không ai có thể làm thay quần chúng, dù đó là : ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân.

Nhà nước vì dân :

Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính.

 Để có được nhà nước vì dân phải có điều kiện tiên quyết: nhà nước của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì dân được.

Những nguyên tắc của một nhà nước vì dân thể hiện trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Hồ Chí Minh hết sức thuyết phục. Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, nhưng Người không coi mình đứng ở đỉnh tháp quyền lực mà quan niệm chức vụ đó là do nhân dân trao cho để phục vụ nhân dân. Năm 1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý một chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui ” [5].

Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đứng đầu nhà nước đó trong vòng 24 năm, đặc biệt là những năm khó khăn đầu tiên. Cùng với quá trình hoạt động của mình, Người đã để lại một di sản tư tưởng, lý luận vô cùng đồ sộ. Bên cạnh đó, Người còn để lại cho chúng ta một tài sản vô giá, đó là phong cách lãnh đạo dân chủ. Phong cách đó kết tinh thành giá trị có tầm vóc văn hoá, có chiều sâu văn hoá.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân có sức sống, sức hấp dẫn và có sức lan toả rộng. Chính vì vậy, trong mỗi bước đi của chúng ta hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tư tưởng của Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân vẫn đang tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi. 
Chú thích:

[1], [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2000, t7, tr.127.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t3, tr.505.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr.698.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr.60.

Video liên quan

Chủ Đề