Vì sao hồ duy hải nhận tội

Về vụ án mạng bưu điện Cầu Voi và tử tù Hồ Duy Hải kêu oan, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Hồ Duy Hải có tới “25 lời khai nhận tội”, còn thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ thì nói “có sai lầm [trong quá trình tố tụng], nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, nên không hủy án”.

Chỉ dùng tư duy logic, chưa cần dùng tới kiến thức luật, bạn có thể nhận định về vụ án này như thế nào?

1. Hồ Duy Hải có tội hay vô tội?

Chưa biết. Khả năng nào cũng có thể xảy ra.

2. Nếu Hồ Duy Hải có tội thì pháp luật phải nghiêm trị là đúng rồi, sao lại bênh vực Hải?

Vấn đề đang tranh cãi là Hồ Duy Hải có tội hay không, chứ không phải là cần phải trừng phạt Hải như thế nào. 

Nếu Hải được chứng minh rõ ràng là có tội thì cần phải nghiêm trị. [Nhưng có nên sử dụng hình phạt tử hình không thì lại là một vấn đề khác, cũng gây tranh cãi.]

Nếu Hồ Duy Hải vô tội, mà vẫn bị tuyên có tội, thậm chí tuyên tử hình, thì nghĩa là pháp luật và những người phán xử đã hại chết người vô tội. Lúc đó, làm cách nào để đền mạng cho Hải?

Và đó là lý do tại sao trong các quyền của một con người, với tư cách bị can/ bị cáo, có quyền được hưởng “nguyên tắc suy đoán vô tội”. Chừng nào còn chưa đủ cơ sở buộc tội hay là bằng chứng kết tội chưa đủ vững chắc, chừng đó còn phải hiểu bị can/ bị cáo đó là vô tội. Cần nhớ rằng, khi ra tòa, người ta chỉ nói chuyện bằng chứng cứ.

3. Hồ Duy Hải có tới tận 25 lời khai nhận tội. Như thế đã đủ là bằng chứng kết tội Hải chưa?

Nếu chỉ cần khai nhận tội là đủ thì bất kỳ ai cũng có thể bị kết tội mà không nhất thiết phải là thủ phạm thực sự.

Một người mẹ có thể nhận tội thay cho con.

Một đệ tử có thể nhận tội thay cho đại ca.

Một nhân viên có thể nhận tội thay cho giám đốc.

Thủ phạm có thể chạy tội bằng cách mua chuộc/ép buộc/thuyết phục ai đó nhận tội thay cho mình và hối lộ công an, viện kiểm sát, tòa án để họ chấp nhận người chịu tội thay này.

Chúng ta có không thiếu các trường hợp bị cáo nhận tội, bị kết án, nhưng sau cùng kêu oan và được minh oan [Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long].

Do đó, 25 lời nhận tội hay 25 nghìn lời nhận tội cũng không đủ để kết án một ai.

Ngay cả trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng có quy định thế này:

Điều 98. Lời khai của bị can, bị cáo
1. Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của vụ án.
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

4. Vậy phải thế nào mới đủ?

Phải có chứng cứ vật lý cho thấy rõ bị cáo phạm tội, không còn đường cãi nữa. Phương Tây hay nói là chỉ khi không còn “nghi ngờ hợp lý” [reasonable doubt] nào nữa thì mới kết tội được một người.

Quy trình điều tra của một vụ án thường là:

Cơ quan điều tra [công an] thu thập dữ liệu, bằng chứng. Đó là những dữ kiện có thật, tồn tại khách quan, không liên quan đến lời khai hay nhận tội của bị can/bị cáo. Nói cách khác, ngay cả một bị can/bị cáo nào đó nhận mình là kẻ giết người thì công an cũng vẫn phải tìm kiếm, thu thập dữ liệu, bằng chứng phản ánh khách quan vụ án. 

Sau đó, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ qua cơ quan công tố [viện kiểm sát]. Viện kiểm sát tiếp nhận, đọc hồ sơ và quyết định: 

  • Trường hợp 1: Nếu hồ sơ thiếu sót, sai lệch, không có cơ sở thì trả về cơ quan điều tra. Công an lại tiếp tục thu thập các dữ liệu, bằng chứng, bổ sung hoặc điều tra lại từ đầu.
  • Trường hợp 2: Nếu hồ sơ hợp lý, chặt chẽ, chính xác thì truy tố bị can/ bị cáo ra trước tòa án để tòa tiến hành xét xử.

Với trường hợp 2: Tại tòa, luật sư bào chữa và viện kiểm sát tranh luận. Viện kiểm sát có nghĩa vụ chứng minh bị cáo có tội. Luật sư bào chữa thì chứng minh những bằng chứng do viện kiểm sát [và cơ quan điều tra] đưa ra là không đủ để kết tội. Những bằng chứng này không tính đến số lời khai nhận tội của bị can/ bị cáo. Nghĩa là có ký nhận 25 hay… một tỷ bản nhận tội thì cũng vậy. Cái mà luật sư quan tâm ở đây là bằng chứng kết tội có thuyết phục hay không. Còn tòa sẽ căn cứ vào chứng cứ được trình bày trước tòa, lập luận của hai bên để đưa ra phán quyết của mình.

Ngược lại, nếu bị cáo có tội thật, và bằng chứng kết tội thuyết phục, thì không cần bị cáo ký nhận tội, tòa vẫn xử có tội.

Ở đây, xin một lần nữa nhấn mạnh với bạn: Luật sư bào chữa không cần biết thân chủ của mình có tội hay vô tội; cái luật sư quan tâm là bằng chứng kết tội có thuyết phục hay không, và luật sư, ở vai trò người bào chữa, phải tìm cách chứng minh rằng bằng chứng kết tội chưa đủ thuyết phục. 

5. Bằng chứng thế nào thì mới đủ thuyết phục?

Bằng chứng phải được thu thập một cách hợp pháp, hay nói cách khác, việc thu thập bằng chứng phải tuân thủ quy trình, thủ tục tố tụng.  

Diễn đạt theo ngôn ngữ luật thì như thế này:  

“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội” [Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015].

“Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự” [Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Khoản 2]. 

Vụ án bưu điện Cầu Voi, hẳn các bạn đều đã nghe, có đầy rẫy những sai sót về trình tự, thủ tục, chẳng hạn tình tiết điều tra viên mua con dao ở chợ về và bảo đó là hung khí của vụ án. Như vậy, đã đủ để khẳng định “bằng chứng kết tội không đủ thuyết phục” chưa?

6. Liệu có thể nói đó chỉ là một sai sót về thủ tục, hình thức, không làm thay đổi bản chất vụ án?

Trong luật pháp hình sự, hình thức quyết định nội dung. Bởi vì một vụ án đều xoay quanh chứng cứ, nên quy trình thu thập chứng cứ quyết định kết quả của vụ án. Chỉ một sai sót về thủ tục [tức là vi phạm chuẩn mực tố tụng – due process violation] là đủ để vô hiệu hóa chứng cứ dùng để buộc tội.

“… Nguyên tắc ‘thủ tục quyết định nội dung’ yêu cầu xác định có sai sót về tố tụng hay không chứ không đặt ra vấn đề có làm thay đổi bản chất vụ án hay không. Nếu có sai sót về tố tụng, thì chỉ cần yếu tố CÓ cũng đủ vô hiệu hóa về chứng cứ buộc tội nếu nó được thu thập không đúng quy định tố tụng. Nếu chứng cứ đó thuộc loại quyết định trong vụ án, thì xem như cả vụ án phải buộc đình chỉ” [LS. Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook, ngày 16/6/2020].

7. Đòi hỏi công lý cho Hồ Duy Hải, vậy còn công lý cho hai cô gái đã bị sát hại trong vụ án mạng bưu điện Cầu Voi thì sao? Ai đem công lý tới cho vong linh họ?

Thực thi công lý cho người này không có nghĩa là đem đến bất công cho kẻ khác.

Chứng cứ không thuyết phục thì không kết tội ai đó giết người được. Không kết tội được thì phải trả tự do hoặc hủy án [oan] đó để điều tra lại. Việc điều tra lại cũng có thời hạn, hết thời hạn đó thì phải trả tự do cho bị can/ bị cáo, chứ không phải không chứng minh được ai đó giết người thì cứ giam họ mãi, chờ khi nào tìm được thủ phạm rồi mới tha họ.

Vụ án bưu điện Cầu Voi, nếu không thể tìm ra thủ phạm, thì xã hội cũng đành phải chấp nhận “không có công lý cho hai nạn nhân bị sát hại”. Không thể cố giết bằng được một người vô tội rồi coi đó là thực thi công lý cho nạn nhân. Giết oan một người, nghĩa là lại thêm một trường hợp không được hưởng công lý [coi như mất công lý cho vong linh người đó, trừ trường hợp hy hữu là thủ phạm ra đầu thú về sau]. Bởi vậy người ta hay nói kết án oan cho một người là hai lần bất công.

Điều tra, truy tố, xét xử chuẩn xác, nghiêm minh chính là nuôi hy vọng thực thi công lý.

“Bình dân Học vụ” là một nhóm viết được thành lập ngày 10/6/2020 với mục đích tập trung vào những bài viết cung cấp kiến thức căn bản, đơn giản nhất về logic, triết học, chính trị, pháp luật… cho người đọc Việt Nam. Phương châm của nhóm là phải bắt đầu mọi thứ từ điều cơ bản nhất: tập cách tư duy.

Dự kiến 6-8.5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về các tội “giết người”, "cướp tài sản”.

Phiên tòa giám đốc thẩm này sẽ do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

Vụ án kéo dài từ năm 2008 đến nay, với nhiều diễn biến từ tưởng như tuyệt vọng đến những "kỳ tích" bất ngờ.

Bà Nguyễn Thị Loan - Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải tâm sự trong khi chờ phiên giám đốc thẩm

Sáng 14.1.2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi [đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An] bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc.

Sau đó, bản án sơ thẩm [2008] và phúc thẩm [2009] tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về hành vi dùng thớt, ghế và dao để giết 2 nạn nhân.

Sau khi những bản án được tuyên, mẹ bị án Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con. Nhưng ngày 24.10.2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định không xem xét kháng nghị vụ án của Hồ Duy Hải.

Cũng theo 2 bản án trên, sau khi giết nạn nhân, Hồ Duy Hải mở tủ lấy hơn 1 triệu đồng và một số tài sản, đồ nữ trang rồi bỏ trốn. Số nữ trang Hải mang lên TP.HCM bán được 3,7 triệu đồng. Quần áo, dây thắt lưng mang khi gây án, Hải đem đốt ở vườn sau nhà một người tên Len để phi tang.

Hội đồng thẩm phán nhận định: "Trong những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội" - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Hoãn thi hành án

Sau 2 bản án tử hình trên, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Đến ngày 24.5.2011, Chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng nghị và tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. Đồng thời, ngày 24.10.2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị và tờ trình gửi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hải.

Ngày 17.5.2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Từ đây, Hồ Duy Hải và mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Loan cùng luật sư Trần Hồng Phong [Đoàn luật sư TP.HCM] quyết liệt có đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải.

Ngày 4.12.2014, mẹ ruột của Hồ Duy Hải nhận được thông tin sẽ thi hành án tử hình đối với Hải vào ngày 5.12.2014.

Bất ngờ, trong ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng, về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không.

Ngày 4.12.2014, Hội đồng thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Tòa giám đốc thẩm lý giải về việc cơ quan điều tra mua dao và thớt trong vụ án Hồ Duy Hải - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Chủ tịch nước yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ án

Từ việc yêu cầu tạm dừng thi hành án đối với Hải của Chủ tịch nước, một lần nữa, gia đình Hồ Duy Hải và luật sư Trần Hồng Phong gửi đơn kêu oan cho Hải đến các cơ quan chức năng liên quan.

Ngày 20.1.2015, bà Lê Thị Nga [Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên] có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải; ngày 12.2.2018, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội kiến nghị với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án; ngày 5.6.2018, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ đề nghị Viện KSND tối cao cung cấp thông tin để trả lời kháng thư của Liên Hiệp Quốc về trường hợp Hồ Duy Hải.

Và 23.7.2018, Văn phòng chủ tịch nước yêu cầu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có văn bản thể hiện quan điểm, cách giải quyết cụ thể để xử lý dứt điểm vụ án.

Đồng thời, ngày 24.7.2019, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Tòa giám đốc thẩm nhìn nhận Hồ Duy Hải tiêu thụ tài sản trong vụ án như thế nào? - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Đến kháng nghị bất ngờ của Viện trưởng Viện KSND tối cao

Ngày 22.11.2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định kháng nghị mới nhất này sẽ thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao năm 2011.

Theo kháng nghị của Viện KSND tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.

Đặc biệt, Viện KSND tối cao đánh giá diễn biến lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án. Mặt khác, ghế thu giữ được sau khi vụ án xảy ra hơn 2 tháng là một chiếc ghế có mã số khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường.

Về nhận dạng đối tượng phạm tội, Viện KSND tối cao nêu,  "không có nhân chứng nào khẳng định thấy Hải có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ án".

Đáng lưu ý, Viện KSND tối cao phân tích: cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được; kết luận giám định cho thấy dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hải, nhưng là của ai cũng không được làm rõ…

Về thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án, Viện KSND tối cao phân tích các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng, như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Ngoài ra, Viện KSND tối cao xác định lời khai đầu tiên ngày 20.3.2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, mặc dù những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của CQĐT.

Cơ quan tiến hành tố tụng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, là nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án; ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề