Ý nghĩa của bánh chè lam

Ẩm thực đất Việt mang một hương vị vô cùng đặc biệt, vừa đa dạng, vừa cuốn hút khiến bất kỳ người con nào khi xa quê đều luôn nhớ về. Trong đó, món kẹo chè lam là món ăn đặc biệt nhất. Món này đơn giản, dễ làm và thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ tết tại Việt Nam. Bài viết này hãy cùng Hải Trà Tân Cương tìm hiểu cách làm chè lam thơm ngon, chuẩn vị.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị khi làm chè lam

Chè lam vốn là một món ăn gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Món ăn này vốn có nguồn gốc từ miền Bắc được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc, dễ mua, dễ tìm. Để làm được chè lam, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:

Cần chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu trước khi làm món chè lam

  • Bột nếp: 400g
  • Lạc rang: 200g
  • Đường mật: 400g
  • Đường nâu: 100g
  • Mạch nha: 100g
  • Gừng tươi khoảng mộ củ lớn
  • Cà phê mối: ½ thìa
  • Các dụng cụ như: bếp, chảo, bát, đũa, đĩa…

Tùy vào mỗi gia đình các nguyên liệu chuẩn bị có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Tuy nhiên, khi nấu bạn hãy dựa vào tỉ lệ chúng tôi đề cập trên đây để tính toán sao cho hợp lý nhất.

Hướng dẫn làm chè lam đơn giản tại nhà

Ngày nay, xã hội phát triển đời sống của con người ngày càng được nâng cao. Những món ăn như chè lam mang đậm nét truyền thống, đơn giản nhưng vẫn được rất nhiều người yêu thích. Có rất nhiều cách làm chè lam, dưới đây là các bước làm dễ nhất bạn có thể tham khảo.

Chuẩn bị bột

Chè lam sử dụng loại nguyên liệu chính là bột nếp. Loại bột này có thể tìm mua dễ dàng tại các cửa hàng đồ khô, siêu thị. Nếu không mua được bột thì có thể sử dụng gạo nếp rang đến khi có màu vàng nhẹ thì cho vào máy xay mịn. Còn nếu có bột nếp thì vẫn rang bột trên chảo nóng đến khi có mùi thơm là được.

Nếu không chuẩn bị được bột nếp có thể rang gạo nếp trên chảo và bỏ vào máy xay mịn

Chuẩn bị xong bột thì chia thành 2 phần trong đó ⅔ số bột sử dụng làm chè lam ⅓ số bột còn lại dùng làm bột áo. Lạc được rang chín và bỏ vỏ còn gừng thì đem rửa với nước, để khô và thái nhỏ.

Làm nước đường

Nước đường cùng là một trong những yếu tố quan trọng khi làm chè lam. Cách làm nước đường khá đơn giản. Bạn chỉ cần trộn 400g đường mật, 100g mạch nha với 100g đường nâu. Đặt chảo sạch lên bếp để đến khi chảo nóng thì hạ nhiệt độ bếp xuống.

Đổ từ từ hỗn hợp đường vừa trộn vào chảo, khuấy đều tay. Bước làm này vô cùng quan trọng bởi bạn cần phải cân đo thời gian sao cho hợp lý thì đường mới không bị cháy sém. Đường nấu xong thì cho thêm chút lạc rang và gừng thái nhỏ vào là xong.

Trộn bột

Khi đường đã tan thì đổ bột gạo nếp làm chè vào khuấy đều tay. Lượng bột sử dụng bằng ⅔ của 400g bột đã rang sẵn, bếp để lửa nhỏ, không để lớn chè sẽ bị cháy. Đảo bột liên tục để hòa quyện với đường đến khi tạo thành một hỗn hợp sánh mịn, đặc quánh thì tắt bếp. Đến đây thì món chè lam cơ bản đã sắp được hoàn thành.

Trộn bột đều tay để tạo thành hỗn hợp sánh mịn, đặc quánh

Công đoạn đổ khuôn

Chuẩn bị một chiếc khay lớn sau đó rải ⅓ bột nếp đã rang lên chốc để làm bột áo, khiến chè không bị dính. Chè còn nóng nhanh tay đổ ngay ra khuôn. Đổ xong bạn cũng rắc lên chốc một chút bột nếp và dùng cán, cán nhẹ qua bề mặt chè đã đổ ra khuôn. Nếu không có đồ cán thì có thể sử dụng chai thủy tinh vệ sinh sạch sẽ là được.

Để chè nguội sau đó cắt thành từng miếng vừa để ăn. Thông thường chè hay được cắt thành hình chữ nhật nhỏ xinh vừa dễ ăn lại vừa đảm bảo tính thẩm mỹ. Tại các tỉnh miền Bắc, chè lam nếu được sử dụng kèm với một chút trà nóng là lý tưởng nhất. Bạn có thể hãm thêm một ấm chè tươi hoặc chè khô nhâm nhi với chè lam thì quả thật tuyệt cú mèo.

Ngoài ra, cách bảo quản loại chè này cũng vô cùng dễ dàng. Khi sử dụng không hết bạn chỉ cần dùng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm bọc lại, cho vào tủ lạnh là xong. Chè lam có thể để được từ 2 đến 3 ngày, không nên để quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị cả món ăn.

Một vài lưu ý khi làm món chè lam

Chè lam dễ làm, nguyên liệu chuẩn bị cũng đơn giản nhưng để có thể làm lên một món ăn chất lượng nhất thì bạn cần phải tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Trong đó, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Cần chú ý khi làm chè lam tuyệt đối không dùng đường trắng để thay thế cho mạch nha và mật mía

  • Có rất nhiều cách để nấu chè lam nhưng để chè giữ được hương vị truyền thống thì mật mía và mạch nha là hai nguyên liệu khá quan trọng. Bạn không nên thay 2 nguyên liệu này bằng đường trắng sẽ làm mất đi hương vị thơm vốn có, lại tạo nên cái vị lờ lợ rất khó ăn.
  • Phải biết cách chọn gừng sao cho chất lượng. nhiều người sẽ nghĩ gừng nào mà trả như nhau nhưng thực tế để làm nên món chè lam truyền thống thì phải chọn được loại gừng tươi có độ già vừa phải. Chọn gừng quá già sẽ làm món ăn mất đi hương vị vốn có.
  • Công đoạn nấu bột nếp cần phải chú ý khuấy thật đều tay thì bột mới không bị vón cục và chín nhanh hơn. Bước làm này vô cùng quan trọng quyết định đến hương vị và hình thức của chè khi hoàn thành. Theo đó, bột càng sánh mịn thì chè lam thành phẩm sẽ càng dẻo và thơm hơn.
  • Các dụng cụ làm chè nên được vệ sinh sạch sẽ trước khi chế biến để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chè làm kết hợp với uống trà xanh Thái Nguyên thơm ngon hơn

Chè lam dẽo ngọt, kết hợp với Trà Tân Cương Thái Nguyên với hương vị thơm của cốm khi uống vào rất ngọt. Bài viết trên dây chúng tôi đã hướng dẫn bạn cách làm chè lam đơn giản nhất tại nhà. Món ăn này chế biến đơn giản, dễ ăn và rất phổ biến, khi có thời gian rảnh hãy cùng trổ tài cho người thân và bạn bè thưởng thức.

Chè Lam là một món ăn quen thuộc của nhiều vùng miền nước ta. Đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán, mỗi khi khách đến nhà mang đĩa Chè Lam ra mời thật là tuyệt!

Chè Lam Sơn Vi - Ngọt ngào hương vị Tết quê

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi nhà nhà sắm sửa đào, quất, tất bật chuẩn bị cho một mâm cỗ đủ đầy với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… thì  người dân ở làng Sơn Vi [huyện Lâm Thao, Phú Thọ] cũng bắt tay vào làm chè lam - một món ăn truyền thống quen thuộc chỉ có trong dịp Tết.

Chè lam vốn là món ăn dân dã, có ở nhiều vùng miền, nhưng mỗi vùng lại đem tới một hương vị và cách chế biến khác nhau. Nhắc tới chè lam, nhiều người thường nghĩ ngay đến thương hiệu chè lam Thạch Xá nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội, hay chè lam Phủ Quảng [Vĩnh Lộc, Thanh Hóa]… Còn ở làng Sơn Vi, người dân làm chè lam để gia đình, bạn bè cùng thưởng thức chứ không vì mục đích kinh doanh. Bởi vậy, chỉ những vị khách tới chơi nhà vào đúng dịp Tết cổ truyền mới có cơ hội được nếm món ăn này. Chè lam là món ăn mà vị của nó gợi nhắc cho con người ta thời khắc đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Nấu chè lam ngày Tết từ lâu đã trở thành phong tục và nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân làng Sơn Vi. Thậm chí, bên cạnh bánh chưng, bánh dày, ở Sơn Vi, nhà nào không làm chè lam thì nhà đó coi như không có Tết. Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 25 đến 27 tháng Chạp âm lịch, các bà, các mẹ trong làng lại rục rịch chuẩn bị nguyên liệu nấu chè lam, bao gồm bột gạo nếp, củ lạc, củ gừng, hạt vừng, đường mía. Tất cả đều bắt nguồn từ những sản phẩm nông nghiệp vô cùng gần gũi, thân thuộc với đời sống của bà con nông dân.

Nguyên liệu làm chè lam không cần cầu kỳ và cách chế biến cũng không quá phức tạp. Gạo nếp sau khi xay thành bột sẽ được cho vào máy nổ thành bỏng gạo, từ bỏng gạo lại nghiền thành bột, sau đó sẽ phải lọc để bột được mịn và nguyên chất hơn. Kế đến là rang lạc và vừng cho chín vàng để trộn cùng với bột gạo nếp. Gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ rồi đập nhỏ.

Khi nổi lửa, đường mía được hòa vào với nước theo tỉ lệ rồi trút vào nồi gang to, đun nhỏ lửa để tránh bị cháy khét. Chè lam được làm chủ yếu từ mật mía, nhưng khi đời sống trở nên khấm khá, người dân làng Sơn Vi thay mật mía bằng đường để kẹo có vị ngọt thanh hơn. Nồi đường mía sôi khoảng 15 phút, bắt đầu trút gừng đã băm nhỏ vào quấy. Đến khi hỗn hợp dậy lên mùi thơm của gừng cay, bà cho bột [đã trộn lạc vừng] vào nồi. Đây là công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng của nồi chè lam. Một khi bột bắt đầu dinh dính, người làm sẽ phải dùng đũa cả quấy liên tục cho đến khi nồi chè đặc sánh lại - Phải đánh mạnh và đều tay thì kẹo mới dẻo, để được lâu và ăn ngon hơn. Nếu lười quấy, kẹo bị vón cục, nhanh bở và chóng hỏng.

Không giống như chè lam ở những nơi khác, thay vì dùng bột gạo nếp làm “áo kẹo”, chè lam Sơn Vi được khoác trên mình tấm “áo vừng” thơm ngậy. Chè lam còn nóng được dàn đều ra nia vừng, rồi sau đó được “khoác” thêm một lớp vừng nữa lên trên cho đẹp và khỏi dính.

Khi chè nguội và rắn lại, dùng dao cắt thành từng miếng con con bằng đầu ngón tay, bày gọn gàng ra đĩa. Chè lam Sơn Vi có vị dẻo thơm của gạo nếp, vị cay dịu của gừng, vị bùi ngậy của vừng, của lạc, vị ngọt thanh của đường mía. Nhâm nhi chè lam Sơn Vi cùng những ngụm trà ấm, nói dăm ba câu chuyện trong cái lạnh của những ngày đầu năm mới càng khiến không khí Tết của vùng quê Phú Thọ thêm nồng nàn và ấm cúng.

Bên cạnh hàng trăm nghìn thứ kẹo bánh hiện đại ngon mắt, bạn bè, khách khứa mỗi khi đến chúc Tết người dân làng Sơn Vi cũng chỉ thích thú với mỗi kẹo chè lam, món quà quê dân dã, dung dị, ngọt ngào và gần gũi. Trong cái lạnh se se của những ngày đầu năm mới, bên mùi hương trầm ngày Tết, ở làng Sơn Vi, người ta mời chào nhau miếng kẹo chè lam ngọt dai, cay nồng, cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới nhiều niềm vui và an lành.

Chè Lam Phủ Quảng - ngày Tết trong ký ức tuổi thơ

Phải nói mỗi vùng miền có một cách làm Chè Lam khác nhau nhưng có lẽ chẳng nơi nào có món Chè Lam độc đáo như vùng Phủ Quảng xứ Thanh - Bởi lẽ Chè Lam Phủ Quảng thơm ngon vì cái vị giòn giòn độc đáo tan ra ngay trên đầu lưỡi.   

Phủ Quảng là tên gọi xưa của huyện Vĩnh Lộc. Miếng Chè Lam Phủ Quảng tuy rắn nhưng lại giòn tan, chỉ cần vỗ nhẹ là vỡ ra thành từng mảnh nhỏ. Nhưng để được như thế cũng lắm công phu. Gạo nếp được xay nhuyễn bằng cối đá bắc, một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát... tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía sánh óng ngọt lừ đang bắt lửa sôi như say trên chảo gang.

Khối mật óng ánh đông lại ôm tất cả vào lòng, rồi lại chờ bàn tay người đảo, luyện như luyện linh đơn tiên dược. Từng giọt mật óng vàng ngoan ngoãn tan ra, thấm sâu vào phiến bột trắng ngần, từng hạt nếp cái hoa vàng vừa biến màu trên chảo gang đỏ lửa. Cái ngọt, cái mềm, cái thơm, cái cay quyện hòa vào nhau, tan biến vào nhau, để đến khi ta cầm trên tay thanh Chè Lam mỏng mảnh phủ ngoài lớp áo bột trắng phau, ta chẳng còn phân biệt được đâu là cái ngọt thanh của nếp cái hoa vàng, đâu là vị ngọt sắc của lóng mía Kim Tân. Ùa vào trong mọi ngõ ngách của các giác quan là cái ngọt đến lịm người, cái dẻo quẹo của hạt nếp, bùi ngậy của lạc nhân và vị gừng cay vừa nồng nàn như cái nắng buổi trưa hè, vừa êm ả như cơn mưa rào mát rượi đổ xuống ngày đầu hạ.

Đã có chè lam thì không thể thiếu ấm nước trà xanh hay trà tàu. Bưng chén trà phảng phất khói mờ và bồng bềnh vài lá trà xanh mềm sâm sẫm, nhấp ngụm trà ngan ngát, cái chan chát đăng đắng làm dịu đi vị ngọt sắc đang còn lưu luyến trên đầu lưỡi. Mộc mạc và dân dã đến vậy nên Chè Lam luôn là nỗi nhớ thẳm sâu trong mỗi người con Phủ Quảng, dù có đi nơi đâu cái hương vị quê nhà vẫn len lỏi trong tâm trí. Nỗi nhớ ấy có vị ngọt ngào của hạt nếp quê, của giọt mật thơm chắt chiu từ lòng đất, hòa lẫn với hương gừng cay nồng nàn sâu lắng, có hình hài miếng bánh nhỏ xinh, cứ giòn tan khúc khích như tiếng cười thơ trẻ.

Sưu tầm và tổng hợp

Video liên quan

Chủ Đề