1 ly cafe chồn giá bao nhiêu

CFRR- Bạn có muốn mình góp phần gây ra sự tàn nhẫn không? Cho dù sự tàn nhẫn đó không phải là cố ý. Hãy nhìn những hình ảnh dưới đây hoặc hãy lưu lại những hình ảnh này, tới một lúc nào đó khi bạn có ý định mua cà phê chồn hãy nhớ ra chúng và xem lại. Sự tàn nhẫn đáng giá bao nhiêu?

Ảnh: World Animal Protection
Ảnh: Adhnk.com
Ảnh: The vegan review
Ảnh: The Sydney Morning Herald
Ảnh: Social News
Cà phê chồn bán ở chợ Bali. Ảnh: The Sydney Morning Herald

Cà phê chồn là gì

Cà phê chồn hay còn gọi là Civet coffee hoặc Kopi Luwak ở Indonesia, Kape Alamid ở Philippines. Đây là loại cà phê được đánh giá là hiếm có và thuộc dạng đắt nhất thế giới. Một cách đơn giản, cà phê này được các con chồn ăn vào, trải qua quá trình lên men trong hệ tiêu hóa của chúng, sau đó bài tiết ra ngoài theo phân. Công đoạn tiếp theo là những người nông dân gom nhặt chúng, rửa sạch, rồi phơi nắng. Những lý luận cho rằng cà phê chồn có những hương vị xuất sắc xuất phát từ hai lý do chính: một là, con chồn hoang dã với bản năng tinh tường của loại động vật tự nhiên luôn chọn những hạt cà phê ngon nhất và chín nhất để ăn, từ đó những hạt cà phê chồn thường là tốt nhất; hai là, trải qua quá trình lên men độc đáo với các enzim trong hệ tiêu hóa của con chồn, hạt cà phê có chất lượng tốt hơn, nhiều mùi thơm hơn, ít đắng, giảm acid và hương vị rất mượt mà. Một cách tất nhiên, để bán một sản phẩm giá cao vượt trội, thì việc xây dựng những câu chuyện độc nhất cho sản phẩm đó là điều dễ hiểu. Hãy cùng khám phá những mặt trái của cà phê chồn, với mục tiêu lợi nhuận mà bất chấp sự tàn nhẫn không đáng có lên một loài động vật hoang dã nhỏ bé.

Chồn ăn trái cà phê ngoài thiên nhiên. Ảnh: Arton Cafe

Hiện nay trên thế giới, giá của loại cà phê này luôn ở mức cao ngất ngưởng trên thị trường, với $100 một kilogram xuất xứ từ chồn nuôi và lên tới $1300 một kilogram cho việc thu nhặt từ chồn hoang dã. Ở Việt Nam, giá cà phê chồn nuôi là khoảng 3 triệu VNĐ cho 250 gram, cà phê chồn hoang dã là khoảng 8 triệu VNĐ cho 250 gram; thậm chí có loại lên tới gần 20 triệu VNĐ cho 250 gram. Rõ ràng, với mức giá cao như vậy thì không có lí do gì để các nhà sản xuất cà phê chồn phải từ bỏ mặt hàng kinh doanh này, và nhắc tới vấn đề đạo đức chắc chắn sẽ là thừa thãi đối với họ.

Theo Muzaifa và cộng sự [2019] đã nghiên cứu, lượng cà phê có thể sản xuất từ chồn mỗi ngày dao động từ 300-400 gam cà phê vỏ ướt hoặc tương đương 200 gam cà phê khô. Sản lượng cà phê chồn có thể đạt 0,12 kg / con / ngày trong vụ thu hoạch kéo dài 120 ngày mỗi năm. Như vậy trong một vụ, một con chồn có thể sản xuất được 14 kg cà phê. Cà phê chồn nuôi sau đó được chế biến tương tự như từ loài chồn hoang dã. Đó là ngâm rửa sạch, phơi nắng cho khô rồi tước vỏ sừng và phân loại để thu được hạt cà phê đạt chất lượng vật lý.

Tàn nhẫn hay không, phụ thuộc vào mức độ của sự ác độc ở trong bạn

Chỉ với một suy nghĩ đơn giản nhất bạn sẽ nhận ra được việc kinh doanh cà phê chồn nuôi là tàn ác hay không. Đó là, bắt những con chồn đang sống một cách thuận tự nhiên ngoài thiên nhiên hoang dã, nhốt chúng lại bằng những cái chuồng nhỏ, cho chúng ăn những hạt cà phê nhiều hơn thường lệ để tối đa sản lượng,

Có những lí luận ngược chiều rằng, chồn nuôi được đối xử tốt hơn nhiều so với khi chúng ở ngoài môi trường hoang dã, đó là chúng không phải đi kiếm ăn và không bao giờ bị đói, hoặc không bị đe dọa mạng sống bởi các loài săn mồi khác. Quan điểm này cho răng, nuôi chồn cũng giống như những con thú trong vườn bách thú, cũng phải sống trong lồng và sinh hoạt theo nhu cầu của con người.

Chắc có lẽ không cần phải phân tích nhiều, các bạn cũng nhận ra mấu chốt cơ bản nhất của sự tàn ác này là nhốt một động vật hoang dã vào chuồng, dù bất cứ mục đích gì nhưng bản chất của sự việc đối với chính loài động vật đó có ý nghĩa rằng nó đang phải đối diện với sự tàn nhẫn. Ngoài ra, điều kiện sống của chúng thực sự là địa ngục so với ngoài thiên nhiên tươi đẹp.

Theo như Britannica, ngoài thiên nhiên, chồn là loại động vật hoang dã với thức ăn đa dạng phong phú từ côn trùng cho tới hạt và trái cây – bao gồm đu đủ, dứa và cà phê. Chồn là sinh vật sống đơn độc tự nhiên và sống về đêm.

Khi được nuôi, chồn phải sống trong một môi trường cùng với cá thể đồng loại khác, điều này gây ra sự stress rất nặng nề đối với chúng. Thậm chí, có nhiều con chồn còn bỏ ăn và nhịn đói cho tới chết. Thêm vào đó, trong quá trình săn bắt và đặt bẫy của con người, một số lượng chồn đã chết ngay tại thời điểm đó mà chưa được đưa tới chuồng nuôi.

Cuộc sống khắc nghiệt tới mức buồn tủi của con chồn. Ảnh: One Green Planet

Tổ chức bảo vệ động vật thế giới [World Animal Protection] cho biết rằng, “Chồn thường bị thương trong quá trình bắt và bị căng thẳng tột độ khi bị con người xử lý”. Bản chất loài động vật này không thích môi trường ồn ào và ánh sáng ban ngày, khi chúng bị bắt nhốt và trở thành những sinh vật để con người tham quan trong những trang trại nuôi, thực sự là một sự ngược đãi quá lớn dành cho chúng.

Các nhà nghiên cứu từ Đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã của Đại học Oxford và Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới [World Animal Protection] phi lợi nhuận có trụ sở tại London đã đánh giá điều kiện sống của gần 50 con chồn hoang dã được nhốt trong lồng tại 16 đồn điền ở Bali, Indonesia. Các kết quả được công bố trên tạp chí Phúc lợi Động vật, vẽ nên một bức tranh tồi tệ.

Từ kích thước và vệ sinh của các lồng đến khả năng cư trú của chúng, mỗi đồn điền mà các nhà nghiên cứu đến thăm đều không đạt yêu cầu cơ bản về quyền lợi động vật. “Một số những cái lồng này thực sự là rất nhỏ – chúng tôi sẽ gọi chúng là những cái chòi dành cho thỏ”. Neil D’Cruze, một trong những nhà nghiên cứu cho biết, “chúng hoàn toàn đẫm nước tiểu và phân ở khắp nơi”.

Một số con chồn rất gầy do được cho ăn một chế độ ăn hạn chế chỉ có quả cà phê – loại quả bao quanh hạt cà phê. Một số bị béo phì, không bao giờ có thể tự do đi lại. D’Cruze cho biết một số đã bị nghiện caffeine.

Nhưng điều anh thấy băn khoăn nhất là sàn lưới bằng dây, nhiều con vật bị buộc phải đứng, ngồi và ngủ suốt ngày đêm. “Nếu bạn thường xuyên đứng trên loại lưới thép đó, nó sẽ gây ra vết loét và trầy xước. Chúng không có nơi nào để đi ra khỏi sàn đó, ”D’Cruze nói. “Đó là một sự đau đớn và khó chịu liên tục, rất dữ dội.”

Con chồn này dường như phải đưa 2 chân trước lên cao vì không chịu nổi sự đau đớn của lưới thép. Ảnh: Moving animals

Rất nhiều con chồn không được tiếp cận với nước sạch mà phải uống thứ nước vẩn đục trong những máng nước đầy chất bẩn. Thêm vào đó, chúng phải tiếp xúc liên tục với tiếng ồn ban ngày từ giao thông và khách du lịch, điều này đặc biệt gây khó chịu cho những loài động vật sống về đêm này.

Tạp chí Peta Asia cũng tiến hành một cuộc điều tra về mức độ đối xử với các con chồn ở các nông trại tại Bali, Indonesia. Họ công bố rất nhiều hình ảnh cho thấy sự khắc nghiệt mà các con chồn phải chịu đựng. Đó là, ngoài nguy cơ lây nhiễm bệnh mà các trang trại và người bán chồn gây ra, các nhà điều tra còn phát hiện thấy sự tàn ác lan tràn ở mọi trang trại mà họ đến thăm. Chồn thường bị giam giữ trong những chiếc lồng cằn cỗi, bẩn thỉu với đầy phân, chất bẩn, quả mọng phân hủy và thường được bao phủ bởi mạng nhện.

Peta Asia miêu tả rằng, những con vật sống về đêm này chủ yếu bị nhốt trong lồng ngoài trời dưới ánh sáng mặt trời, không có chỗ tối và yên tĩnh để ngủ vào ban ngày, làm tăng thêm sự khốn khổ và sức khỏe của chúng rất kém. Một số thở hổn hển liên tục vì hơi nóng. Nhiều con có vết thương hở đau đớn mà không được chăm sóc y tế, và chúng có biểu hiện bất thường như tự cắn vào đuôi của mình và liên tục đi đi lại lại, cho thấy tâm lý đau khổ nghiêm trọng.

Kết quả điều tra của tạp chí này cũng đưa ra những kết luận: “mặc dù kopi luwak thường được quảng cáo là “có nguồn gốc từ tự nhiên”, một nông dân nói với một nhà điều tra rằng gần như không thể sản xuất nó chỉ từ động vật hoang dã và các nhà sản xuất cố tình ghi nhầm cà phê tự nhiên từ những con chồn bị nuôi nhốt. Nhà sản xuất thừa nhận rằng họ có thể thu thập một lượng nhỏ phân do chồn tự do thả rông trong rừng và trộn với phân của chồn trong lồng để chúng có thể khẳng định rằng cà phê của họ có nguồn gốc từ tự nhiên.

Ảnh: Peta Asia
Ảnh: Peta Asia
Ảnh: Peta Asia
Ảnh: Peta Asia
Ảnh: Peta Asia
Ảnh: Peta Asia

Các công trình nghiên cứu khoa học về loại cà phê chồn này cũng đưa ra những quan điểm tương tự. Chồn là động vật hoang dã, thường bị nhốt trong chuồng và bị suy dinh dưỡng [Brown, 2015], bị ép ăn mà không có gì ngoài hạt cà phê và bị bỏ lại trong cơ thể và bệnh tật [Brown, 2020], do đó làm tăng tỷ lệ tử vong của động vật này và tạo ra sự không chắc chắn liên quan đến an toàn thực phẩm của loại cà phê chồn này. Cần nhấn mạnh rằng chất lượng của cà phê có nguồn gốc chồn nuôi trong lồng thấp hơn nhiều so với cà phê từ chồn hoang dã. Sự dã man này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và một số cuộc điều tra liên quan đến sự tàn ác đối với động vật trong quá trình sản xuất một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới đã được tiến hành gần đây [Lynn & Rogers, 2013].

Chất lượng thực sự của cà phê chồn như thế nào dưới góc độ khoa học?

Đây là một điều rất đáng quan tâm và rất quan trọng đối với người tiêu dùng loại đồ uống này, họ sẽ nhận được những gì từ ly cà phê chồn với giá đắt đỏ?

Hương vị của cà phê chồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như giống cây, chất lượng đất trồng, thời gian ăn trái cây theo mùa của chồn. Sự kết hợp của các yếu tố này dẫn đến mỗi lô nhỏ là duy nhất. Hương vị của cà phê chồn thường được mô tả bằng các thuật ngữ như ‘earthy’ [đất] và ‘musty’ [mốc], với một chút caramel và sô cô la. Quá trình lựa chọn và tiêu hóa cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định hương vị của sản phẩm cuối cùng. Trên thực tế, loài vật sống về đêm này có xu hướng chỉ chọn những quả cà phê ngon nhất, do đó chất lượng cà phê rất tốt [Waycap Refillable Capsules & Coffee, 2018]. Hơn nữa, ruột và dịch tiêu hóa của chồn có thể ảnh hưởng đến hương vị, vì dịch vị và các enzym của chúng làm tăng nồng độ axit xitric trong hạt. Trong quá trình tiêu hóa, các enzym sẽ phá vỡ một số protein của hạt, đây là yếu tố tạo ra hương vị đắng đặc trưng của cà phê. Quá trình này tạo ra sản phẩm cuối cùng có đặc điểm là mùi chanh và hương thơm tinh tế, mượt mà, không có bất kỳ dư vị khó chịu nào [Myhrvold, 2018; Waycap Refillable Capsules & Coffee, 2018].

Các đặc điểm hóa lý của cà phê chồn từ Indonesia và Ethiopia đã được các nhà khoa học phân tích. Cà phê chồn từ Indonesia được phân tích là cà phê Robusta Luwak. Kết quả chỉ ra rằng cà phê chồn chứa tổng lượng protein [tiền chất tạo vị đắng trong quá trình rang] thấp hơn làm giảm mức độ đắng của cà phê [Smith, 2014; Selmar và cộng sự, 2015; và Marcone, 2004] [8,12,15]

Thêm vào đó theo kết quả nghiên cứu của Yusianto và cộng sự [2010], cho thấy cà phê chồn arabica hoang dã có mùi thơm, hương thơm, vị đậm và dư vị, độ chua vừa phải, thân trung bình và mức độ cân bằng tốt. Nhưng đôi khi nó đi kèm với một vị đất mạnh.

Hạt cà phê chồn có hàm lượng nước cao 38,89% nên vẫn cần phải thực hiện công đoạn làm sạch và phơi khô. Kết quả phân tích protein, chất béo, tro và cacbohydrat trong quả cà phê và hạt cà phê chồn cho kết quả khác biệt rõ rệt. Kết quả phân tích màu sắc cho thấy độ sáng của hạt cà phê thông thường có giá trị cao hơn so với hạt cà phê chồn. Trong quá trình tiêu hóa, chồn gây ra sự thay đổi màu sắc với hạt cà phê sẫm màu hơn [Muzaifa và cộng sự, 2016]. Hơn nữa, cà phê chồn có mùi thơm đặc trưng và ngon hơn cà phê thông thường. Các thành phần dễ bay hơi và các hợp chất chuyển hóa axit hữu cơ chứa trong cà phê chồn có thể thể hiện tính độc đáo của loại cà phê này [Sari và cộng sự, 2012; Putri và cộng sự, 2015; và Jumhawan và cộng sự, 2013]

Nghiên cứu về cà phê chồn arabica hoang dã và cà phê chồn nuôi có nguồn gốc từ Gayo Highland cho thấy sự khác biệt về chất lượng. Mặc dù cả hai đều có điểm thưởng thức tốt nhưng cà phê chồn nuôi lại có mùi thơm quá mức của đu đủ và ổi. Cả hai loại quả này thường được nông dân cho chồn ăn vì rẻ và rất nhiều [Muzaifa và cộng sự, 2018]. Trong các nghiên cứu tiếp theo, phân tích sáu mẫu cà phê chồn hoang dã từ vùng cao nguyên Gayo cho thấy rằng vị béo ngậy, tanh, vị sôcôla, vị nướng và mùi đất là những đặc điểm nổi trội phổ biến. Kết quả điểm thử nghiệm dao động từ 83,75 đến 85,75 với mức trung bình là 84,58 và được phân loại là đặc biệt [specialty] dựa trên thang điểm của SCAA [Muzaifa và cộng sự, 2017; SCAA, 2012].

Cà phê chuồn nuôi arabica có hương vị và mùi thơm tốt hơn cà phê chồn nuôi robusta. Với đặc tính cảm quan vượt trội, cà phê chồn thường được xếp vào loại cà phê đặc sản, mặc dù việc xử lý không đúng cách có thể làm giảm chất lượng [ Yusianto và cộng sự, 2010; Muzaifa và cộng sự, 2016]

Cà phê chồn sau khi làm sạch. Ảnh: coffeearks

Hiện nay, sự hấp dẫn của vấn đề cà phê chồn dẫn đến những nỗ lực chuyên sâu của một số nhà nghiên cứu. Họ đã tiến hành nghiên cứu khoa học để có thể sản xuất loại cà phê này mà không liên quan đến động vật. Một số nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng vi sinh vật, enzym hoặc sự kết hợp của cả hai có thể được sử dụng để thay đổi hương vị cà phê [Murthy và cộng sự, 2011; Cheng-Chang, 2010; Pei-jung và cộng sự, 2010; Martinez và cộng sự, 2009; và Takahashi và cộng sự, 2012]. Quá trình lên men cà phê chồn có thể được nhân rộng bằng cách sao chép quá trình lên men xảy ra trong đường tiêu hóa của chúng. Việc khám phá các vi sinh vật từ nguồn gốc chồn bao gồm cả vi khuẩn axit lactic và vi khuẩn không axit lactic đều là những nỗ lực nhằm thu được các vi sinh vật ưu việt có thể được sử dụng như một chất khởi đầu nuôi cấy trong sản xuất cà phê chồn. Việc sản xuất cà phê chồn chứa probiotic là một trong những nỗ lực nhằm bắt chước các đặc tính của cà phê chồn nguyên bản [Fauzi, 2008; Muzaifa và cộng sự, 2016; và Suhandono và cộng sự, 2016].

Có thể thấy rằng, dưới góc độ khoa học đã được kiểm chứng và đánh giá cảm quan theo các tiêu chuẩn của SCAA, cà phê chồn hoang dã có chất lượng tốt hơn so với cà phê chồn nuôi và sau đó là tới cà phê thông thường. Mùi hương của cà phê chồn nuôi bị ảnh hưởng một phần bởi các loại thực phẩm mà chúng được con người cho ăn. Quy trình nuôi chồn và xử lý hạt cà phê chồn cũng cần phải đúng cách mới duy trì được chất lượng.

Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng cà phê thông thường, chỉ cần một kết luận rằng chất lượng cà phê chồn tốt hơn cà phê thông thường là đủ thuyết phục họ bỏ tiền mua loại cà phê này. Đó là một điều rất đáng ngại. Trên thực tế, dưới góc độ khoa học và thực tiễn, có rất nhiều phương pháp chế biến quả cà phê để tạo ra các hương vị tốt hơn nhiều cà phê chồn mà không cần phải bạc đãi động vật. Thêm vào đó, mức điểm từ 83,75 đến 85,75 trong thang điểm của SCAA chỉ là dải điểm thấp so với vô số loại cà phê specialty khác trên thế giới với điểm số có thể lên tới 90 hoặc hơn nhiều [SCAA xác định từ điểm cà phê từ 80 cho tới 100 điểm là cà phê đặc sắc – specialty coffee].

Lịch sử cà phê chồn và sự ân hận của người đầu tiên mang loại cà phê này tới phương Tây

Quay trở lại thế kỷ thứ mười tám khi Sumatra và Java là một phần của đế chế Hà Lan ở Đông Ấn, cà phê arabica đã được giới thiệu như một loại cây trồng để kiếm tiền với nguồn gốc từ Bán đảo Ả Rập.

Các chủ đồn điền Hà Lan cấm công nhân bản địa được sử dụng thành quả lao động của họ là những quả cà phê chín. Nhưng người dân địa phương đã nhận thấy rằng những con chồn cũng ăn quả cà phê mà họ đang thu hoạch, và sau đó thải những hạt cà phê trong phân của chúng; những hạt cà phê này sẽ không bị cấm dùng vì chúng đã được coi như bỏ đi.

Sau đó, người dân địa phương làm sạch và rang các hạt cà phê này, bắt đầu pha cà phê của riêng họ từ chúng. Cuối cùng, những người chủ đồn điền đã nắm bắt được thông tin về loại cà phê đặc biệt này, họ đã thử nó và nhận ra rằng đây là loại cà phê ngon hơn thường lệ.

Trong nhiều năm qua, Kopi Luwak đã trở thành loại cà phê đặc biệt nhất, nổi tiếng theo đúng nghĩa của nó, được cung cấp bởi mọi nhà bán lẻ đặc sản tham vọng trên toàn thế giới, đồng thời xuất hiện trên CNN News, Oprah, và nhiều kênh truyền hình khác.

Nhu cầu về loại cà phê đặc biệt này đã tăng lên, đặc biệt là kể từ khi bộ phim hài The Bucket List [2007] được phát hành, trong đó nhân vật của Jack Nicholson đọc mô tả về sản phẩm này cho Morgan Freeman’s [Brown, 2020].

Trong bài báo có tiêu đề “Cà phê chồn, tại sao đã tới lúc phải dừng lại” của Tony Wild, người đầu tiên nhập loại cà phê này tới Mỹ vào năm 1991, ông đã thể hiện sự hối tiếc của mình khi đã góp phần vào sự phổ biến cà phê chồn ở phương Tây. Ông bày tỏ “Tôi rất tiếc, tôi là người đã bắt đầu tất cả”. Ông nói rõ sự tàn ác của loại hình kinh doanh cà phê chồn nuôi với những điều kiện sống tồi tệ, khác xa với hình dung ban đầu của ông về việc thu nhặt cà phê từ phân chồn hoang dã. “Nghĩ lại, có lẽ tôi thực sự có thể tự mình tiêu hóa lượng cà phê mà tôi đã mua? Đó sẽ là một kết luận thích hợp cho sự đồng lõa của tôi trong sự trỗi dậy và sụp đổ của hoạt động buôn bán hoàn toàn phi lý, hoàn toàn ghê tởm này”, Tony Wild kết luận.

Rất khó để biết đâu là cà phê từ chồn thật. Ảnh: whatsnewindonesia

Những lí do không nên mua cà phê chồn

Đầu tiên, lí do lớn nhất phải nhắc tới đó là hàng giả. Mức giá cao ngất ngưởng chắc chắn sẽ dẫn tới việc làm hàng nhái. Các chứng nhận chất lượng và nguồn gốc cà phê chồn để đảm bảo hàng thật gần như là vô nghĩa trong trường hợp này. Do đó, một tỷ lệ phần trăm rất cao là khi bạn mua ly cà phê hoặc gói cà phê hạt từ con chồn, bạn sẽ nhận được một sản phẩm chỉ là một loại cà phê bình thường. Vì bạn sẽ không bao giờ tranh luận được đây là hàng thật hay hàng giả.

Thứ hai, cà phê chồn hoang dã ngon chủ yếu vì sự tinh tường của loài vật này khi chọn những quả cà phê ngon nhất để ăn. Khi được nuôi, con người sẽ đưa cà phê cho chúng ăn và đương nhiên là những quả cà phê này chất lượng không phải là tốt nhất, thậm chí còn tệ. Từ đó, cà phê chúng thải ra cũng không thể nào ngon như loại mà chúng tự chọn để ăn.

Thứ ba, chất lượng cà phê. Có rất nhiều loại cà phê ngon trên thế giới với mức điểm số cao hơn hẳn cà phê chồn dù là chồn hoang dã. Hương vị của các loại cà phê này phong phú với đa dạng mùi hương từ hương hoa cho tới trái cây, hay quả mọng; do sự khác nhau của các hợp chất có trong chúng. Quá trình lên men cũng rất phong phú để có thể tạo ra những ly cà phê chất lượng hơn ly cà phê chồn rất nhiều.

Thứ tư, đó là chủ đề đạo đức. Bạn uống một ly cà phê chồn, có nghĩa bạn đã đóng góp vào việc tiêu thụ loại sản phẩm này, dù vô tình hay cố ý. Những con chồn bị bạc đãi trong môi trường nuôi nhốt là một điều không thuận theo tự nhiên và tàn nhẫn. Có cần thiết phải uống ly cà phê kèm theo những điều xấu xa như vậy?

Và cuối cùng, chính bạn là người nhận hậu quả từ sự bạc đãi động vật, trong khi người sản xuất hay người bán hàng lại là người thu lợi.

Dưới quan điểm trong Phật Giáo, theo Ngô Đức Vượng, “Minh Triết trong ăn uống của Phương Đông” từ nguồn trang của Sư Nan Đà Khemananda, khi một loài động vật stress chúng sẽ sinh ra những độc tố. Cũng giống nhưng khi chúng ta gặp chuyện gì căng thẳng, sẽ gây ra bệnh đau dạ dày và đường ruột. Những con chồn chắc chắn sẽ cảm thấy rất căng thẳng khi ở một môi trường tệ hại hoàn toàn khác với tự nhiên, những chất tiêu cực sẽ được sản sinh đặc biệt trong hệ tiêu hóa của chúng. Những chất này sẽ chuyển hóa vào các hạt cà phê chồn nuôi, và những hạt cà phê này sẽ thành đồ uống rồi đi vào cơ thể bạn. Có nghĩa là bạn đang hấp thụ những sự tiêu cực thông qua cà phê từ những con chồn nuôi.

Dưới góc độ khoa học theo Bộ môn Sinh Lý học của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, khi bị stress, cơ thể của chúng ta tuy có những đáp ứng khác nhau ở mỗi người nhưng chúng đều bị chi phối bởi 3 loại hormone dưới đây:

Cortisol được tiết ra khi cơ thể đáp ứng với stress. Chúng làm tăng lượng đường trong máu, khởi động các đáp ứng giao cảm như tim đập nhanh, tăng tiết mồ hôi, co mạch, tăng bài tiết dịch vị axit trong dạ dày. Về lâu dài, cortisol tiết nhiều, kéo dài sẽ tăng cảm giác thèm ăn, thèm ngọt, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, ngoài ra còn ức chế chức năng miễn dịch bảo vệ sức khỏe của cơ thể chúng ta.

Khi cơ thể chúng ta bị stress, Adrenaline được tiết ra nhiều làm tăng các hoạt động cơ thể như tăng hoạt động cơ tim, tăng nhịp tim, tăng hơi thở, tăng huyết áp, tăng cường hoạt động cơ. Nhưng khi tình trạng này kéo dài, cơ thể phải chịu hoạt động quá mức, sự căng cơ, sự quá tải quá mức sẽ gây tổn thương các tế bào trong cơ thể, làm giảm hiệu quả chống chọi với stress và làm nặng hơn tình trạng bệnh tật của cơ thể.

Norepinephrine được tiết nhiều sẽ gây kích thích tim, co mạch, dồn máu nuôi ở những cơ quan kém quan trọng đến những nơi có những cơ quan quan trọng hơn như tim, não bộ, các cơ…, để đáp ứng kịp thời khi cơ thể đối mặt với stress. Việc chịu đựng stress lâu dài khiến cho việc phân bổ chất dinh dưỡng cũng như máu nuôi đến các cơ quan không được hợp lý, dẫn đến việc tổn thương các tế bào của cơ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây hại như vi sinh vật, tế bào ung thư…

Các hậu quả do stress gây ra bao gồm: lo lắng; trầm cảm; mệt mỏi; rối loạn tiêu hóa như táo bón, đầy bụng hoặc tiêu chảy; đau đầu; bệnh tim; huyết áp cao; cáu gắt; các vấn đề với trí nhớ và sự tập trung; các vấn đề sinh sản như ham muốn tình dục thấp; rối loạn cương dương hoặc kinh nguyệt không đều và rụng trứng; khó ngủ; phục hồi chậm sau tập thể dục; và tăng cân. Ảnh: Bệnh lý trầm cảm

Bạn có muốn uống một ly cà phê chứa đựng quá nhiều những điều tiêu cực như trên?

Kết luận

Có thể thấy rằng, giá của cà phê chồn cao do tác nhân chính là quan điểm rằng chúng hiếm và độc đáo, còn nguyên nhân do chất lượng chỉ là một phần nhỏ vì mức độ ngon chênh lệch không xứng đáng với vài chục triệu hay cả trăm triệu đồng một kg. Mà rất có thể thứ mà bạn mua lại không phải là cà phê chồn thật. Khi bạn uống ly cà phê chồn bạn mong đợi điều gì? Được hưởng chất lượng cao hay sự tự hào vì sở hữu loại cà phê độc đáo? Cả hai lí do này có xứng đáng không? Có lẽ về bản chất, mức giá cao của cà phê chồn là để trả cho việc dám làm những điều tàn nhẫn mà có thể người khác sẽ không làm.

Thật khó tưởng tượng nếu bạn bỏ tiền ra mua cà phê chồn để uống với một loạt những tác hại gần như chắc chắn, trong khi đổi lại chất lượng cà phê chỉ ở mức khá so với rất nhiều loại khác trên thế giới mà mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng một kilogram.

Trong trường hợp, nếu bạn định mua cà phê chồn để tặng cho một ai đó nhằm thể hiện sự quý mến và tôn trọng của mình, hãy chọn những người mà bạn ghét bỏ hoặc có mối thù từ lâu. Vì tất cả những gì tiêu cực từ quá trình stress của con chồn đều nằm trong những hạt cà phê mà bạn mang tới cho họ.

Ồ thật lạ kỳ, nếu bạn bỏ rất nhiều tiền để uống một loại nước làm ra từ chất thải của động vật.

Ảnh: World Animal Protection

Ghi chú: Đây là bài viết trong mục Góc nhìn Coffeerary với quan điểm cá nhân.

Ký tên: Lee Nam

“Hãy uống cà phê khi bạn biết mình phải làm gì hoặc không biết phải làm gì”

Nguồn tham khảo:

artoncafe.com

ABT Sari, C Ismayadi, T Wahyudi, A Sulihkanti. 2012. Anaysis of luwak coffee volatile by using solid phase microextraction and gas chromatography. Pelita Perkebunan, 28[2]:111-118.

Brown, N. [2015]. Responsible, Sustainable Kopi Luwak Production: Could It Be a Real Thing? Retrieved January 22, 2021, from Daily Coffee News website: //dailycoffeenews.com/2015/07/10/responsible-sustainable-kopi-luwak-production-could-it-be-a-real-thing/

Brown, N. [2020]. The Price of Zoonotic Transfer: Rethinking Kopi Luwak in the Age of COVID-19. Retrieved January 22, 2021, from Daily Coffee News website: //dailycoffeenews.com/2020/09/10/the-price-of-zoonotic-transfer-rethinking-kopi-luwak-in-the-age-of-covid-19/?utm_source=Roast+Magazine+%26+Daily+Coffee+News&utm_campaign=fcd613989a-EMAIL_CAMPAIGN_6_14_2018_8_20_COPY_01&utm_medium=email&utm_term=0_8f24fab631-fcd613989a-193817856

Civet coffee: why it’s time to cut the crap | Coffee | The Guardian

D Selmar, M Kleinwachter, G Bytof. Metabolic responses of coffee beans during processing and their impact on coffee flavor. In: Schwan RF and Fleet GH Editors. Cocoa and coffee fermentations. Boca Raton: CRC Press. 2015.

doi:10.1088/1755-1315/365/1/012041

Theexoticbeans.com

//giacngo.vn/dieu-phuc-chuyen-hoa-con-gian-post8783.html

//phatgiao.org.vn/vi-sao-chung-ta-nen-han-che-an-thit-d27902.html

//www.aswindrajaya.com/en/bali-tourist-attractions/coffee-plantation-bali/

//www.endocrineweb.com/endocrinology/cortisol

//www.nationalgeographic.com/animals/article/160429-kopi-luwak-captive-civet-coffee-Indonesia

//www.scaa.org.

theplanetedit.com

IB Smith. 2014. Kopi luwak coffee-world’s most expensive coffee beans from civet poop or an urban myth?. IBS Publishing, USA.

ICATES 2019

IOP Conf. Series: Earth and Environmental Science 365 [2019] 012041

K Takahashi, Y. Minami., Y. Kanabuchi., K. Togami dan M. Mitsuhashi. 2012. Method of processing green coffee. Patent application number 20120244254.

L Cheng-Chang. 2010. Approach of improving coffee industri in Taiwan promote quality of coffee bean fermentation. The Journal of International Management Studies. 5 [1]: 154-159

L Pei-jung, L Chao-chia, L Chao-hsiang. 2010. Method for manufacturing coffee by solid state fermentation. US Patent Application 20100239711.

LF Martinez, MO Balaban. 2009. Quality Enhancment of Coffee Bean ewith Acid and Enzyme Treatment. US Patent No 20090220645.

Lynn, G., & Rogers, C. [2013, September 13]. Civet cat coffee’s animal cruelty secrets. BBC News. Retrieved from //www.bbc.com/news/uk-england-london-24034029

M Fauzi. 2008. Isolasi dan karakterisasi bakteri asam laktat biji kopi luwak [civet coffe]. Laporan Penelitian, Universitas Jember.

M Marcone. 2004. Composition and properties of Indonesian palm civet coffee and Ethiopian civet coffee. Food Res. Int. 37: 901-912.

M Muzaifa , D Hasni , A Patria, Febriani, A Abubakar .2017. Chemical Compounds Analysis of Green Bean and Its Effect on Kopi Luwak Cupping Quality. Proceeding of 2 ndInternational Conference Science and Technology, 23-24 August 2017, Lombok.

M Muzaifa , D Hasni , A Patria, Febriani, A Abubakar .2018 Sensory and microbial characteristics of civet coffee Int. J. Adv. Sci. Eng. Inf. Technol. 8 1 165–171.

M Muzaifa , D Hasni . 2016. Exploration study of gayo specialty coffee [Coffeea arabica L]: chemical compounds, sensory profile appearance. Pakistan Journal of Nutrition 15[5]: 486-491.

M Muzaifa, A Patria, Febriani, A Abubakar A, D Hasni, F Rahmi , I Sulaiman. 2016. Kopi luwak produksi mutu dan permasalahannya. Syiah Kuala University Press.

M Muzaifa, A Patria, Febriani, A.Abubakar. 2016. Isolation and screening of proteolytic lactic acid bacteria from civet [Paradoxurus hermaproditus]. Proceeding of The 6th AIC in Conjunction with The 12th ICMSA, 4-6 Oktober 2016 Banda Aceh.

Myhrvold, N. [2018]. Kopi luwak. In Encyclopedia Britannica. Retrieved from //www.britannica.com/topic/Kopi-Luwak

Polojac, A. [2017]. Monografie “PERÙ.” Gruppo Italiano Torrefattori Caffè. Retrieved from //www.gitc.it/monografie-peru/

PS Murthy, M Naidu. 2011. Improvement of robusta coffee fermentation with microbial enzymes. European Journal of Applied Sciences 3 [4]: 130-139.

Ramsay, E. [2015]. Procyonids and Viverids. In R. E. Miller & M. E. Fowler [Eds.], Fowler’s Zoo and Wild Animal Medicine. Saunders. doi: //doi.org/10.1016/C2012-0-01362-2

S Suhandono , H Setiadi ,T Kristianti ,AB Kusuma , W Wedanringtyas , DT Djajadi INP Aryantha. 2016. Diversity of culturable bacterial in various parts of luwak’s [Paradoxurus hermaprodithus Javanica] gastrointestinal tract Microbiol. Indonesia 10 [2]: 65-70.

Sakai, S. T., & Arsznov, B. M. [2017]. The Nervous Systems of Early Mammals and Their Evolution. In J. H. Kaas [Ed.], Evolution of Nervous Systems [Second Edition] [pp. 413–428]. Nashville, TN, United States: Academic Press. Retrieved from //www.sciencedirect.com/topics/immunology-and-microbiology/procyonidae

SCAA. 2012. Coffe facts and statistics. Specialty Coffee Association of America.

SS Putri, U Jumhawan, E Fukusaki. 2015. Application of GC/MS and GC/FID-based metabolomics for authentication of Asian palm civet coffee [Kopi Luwak]. Metabolomics 33-41.

U Jumhawan , SS Putri, Yusianto, T Bamba, E. Fukusaki . 2013. Quantification of coffee blends for authentication of Asian palm civet coffee [Kopi Luwak] via metabolomics: A proof of concept. Journal Bioscience Bioengineering. 122 [1]: 79-84.

Waycap Refillable Capsules & Coffee. [2018]. Kopi Luwak: civet coffee aka the infamous poop coffee.

Yusianto, S Mawardi, C Ismayadi, Sulistitowati, 2010. Karakteristik fisik dan citarasa kopi luwak. Prosiding Simposium Kopi, Denpasar 4-5, 2010.285-295

Chủ Đề