Bản tin nợ công 2023

Sáng 30/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đã có buổi làm việc với Đoàn hỗ trợ kỹ thuật về thể chế quản lý nợ công của Ngân hàng Thế giới [WB], Quỹ Tiền tệ quốc tế [IMF]. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính; các chuyên gia từ IMF và WB.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Theo các chuyên gia của IMF và WB, từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 được ban hành Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong quản lý nợ công. Tuy nhiên, quản lý nợ công của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Các chiến lược và kế hoạch quản lý nợ hiện nay chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu an toàn nợ và chưa cung cấp đủ hướng dẫn cho quản lý nợ công nhìn từ góc độ quản lý vay và quản lý rủi ro. Việc nhiều đơn vị thuộc Bộ Tài chính tham gia vào quản lý nợ công làm công tác thông tin, tuyên truyền với các bên tham gia thị trường trở nên phức tạp. Công tác báo cáo nợ còn có những thách thức về mức độ bao phủ và tính kịp thời, cũng như thiếu sự phân tích. Việc quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng còn phân tán và cần cải thiện hơn nữa… Do đó, việc xây dựng một DMO thống nhất sẽ giúp giải quyết tốt hơn các thách thức hiện hữu và thách thức đang nổi lên. Các chuyên gia đề xuất hình thành DMO trong Bộ Tài chính. Bởi đây là mô hình tương đối đơn giản, dễ quản lý thực hiện một khi Luật được ban hành; gắn bó với các chức năng lập ngân sách và kế hoạch; giúp đảm nhận các chức năng chính sách, đặc biệt các chức năng phát triển thị trường trong ngắn hạn. Các nhiệm vụ không thuộc quản lý nợ công sẽ được chuyển sang cho các đơn vị có khả năng quản lý nhiệm vụ đó tốt hơn. Hoặc DMO có thể được thành lập như một cơ quan cấp Tổng cục thuộc Bộ Tài chính dựa trên một mô hình tương tự Kho bạc Nhà nước….

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia từ IMF, WB đối với Bộ Tài chính, nhất là trong việc tổ chức thành công các Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nợ công và các thông lệ tốt trong quản lý nợ công mới đây.

Thứ trưởng cho rằng, những kinh nghiệm quốc tế về quản lý nợ công cũng như những đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia rất có ý nghĩa trong quá trình cải cách quản lý nợ công của Việt Nam trong giai đoạn tới đây. Qua đó, tạo cơ sở cho Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công đảm bảo đúng quy định; nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nợ công theo mô hình phù hợp.

Theo Thứ trưởng, tuỳ vào hệ thống chính trị của từng quốc gia sẽ có các mô hình quản lý nợ [DMO] khác nhau. Mỗi mô hình DMO lại có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Theo Thứ trưởng, mô hình DMO là Tổng cục hay Cục không quan trọng, quan trọng là có thực hiện đầy đủ thống nhất chức năng quản lý nợ hay không.

Đại diện các chuyên gia từ IMF, WB tại buổi làm việc

Thứ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, tại Việt Nam, quản lý nợ công trên bình diện Chính phủ còn phân tán giữa các Bộ với nhau; và ngay cả trong Bộ Tài chính cũng còn phân tán. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, cần cải cách và trong quá trình cải cách chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau.

“Chúng tôi hiểu rằng, có được cơ quan quản lý nợ công chuyên trách, độc lập tương đối như đề xuất của Đoàn hỗ trợ kỹ thuật của IMF và WB là vấn đề lớn, đòi hỏi có quyết tâm chính trị cao. Để thực hiện cải cách phải có bước đi khôn khéo và có chiến thuật, chiến lược.”- Thứ trưởng phát biểu.

Nhất trí với đề xuất của Đoàn hỗ trợ kỹ thuật về việc tổ chức chương trình làm việc cụ thể trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục làm việc và cần có kế hoạch truyền thông để các cấp, các ngành cùng nhận thức được tầm quan trọng của cải cách quản lý nợ công…

HP

Nguồn: mof.gov.vn

Ngọc Hiển - Phòng Tài chính đầu tư [ST]

Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021

[MPI] – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 856/QĐ-TTg về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Mục tiêu của Chương trình nhằm đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, đảm bảo trong thời hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025. Thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.

Theo Quyết định, dự kiến về vay, trả nợ của Chính phủ, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2021-2023 là khoảng 1.738,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương khoảng 1.604,0 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 134,4 nghìn tỷ đồng.

Về bảo lãnh Chính phủ, đối với 2 ngân hàng chính sách, khống chế mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm. Hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước cũng như vay nước ngoài; hạn mức bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài hằng năm bảo đảm tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương khoảng 0,2% GDP hằng năm. Nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 18,4 nghìn tỷ đồng.

Về hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả: kiểm soát tốc độ tăng dư nợ ngắn hạn tối đa 18-20%/năm; hạn mức vay ròng trung, dài hạn hằng năm tối đa khoảng 6.350-7.000 triệu USD, bảo đảm chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.

Về kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021, vay của Chính phủ là 624.221 tỷ đồng, trong đó: vay trong nước 527.357 tỷ đồng và vay nước ngoài 96.864 tỷ đồng. Cụ thể, vay cho cân đối ngân sách trung ương là 579.772 tỷ đồng; vay về cho vay lại 44.449 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, trả nợ của Chính phủ năm 2021 là 394.506 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 366.224 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 28.282 tỷ đồng.

Về vay được Chính phủ bảo lãnh, mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với 2 ngân hàng chính sách sẽ được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành của 2 ngân hàng chính sách theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Rút vốn vay trong nước và nước ngoài của các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm.

Đối với kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương năm 2021, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác với số tiền khoảng 28.797 tỷ đồng. Trả nợ, kế hoạch trả nợ của chính quyền địa phương là 6.662 tỷ đồng, gồm chi trả gốc 3.997 tỷ đồng và chi trả lãi 2.665 tỷ đồng.

Vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa là 6.350 triệu USD. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 18%-20% so với dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2020.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bảo đảm thanh toán nợ đúng hạn, đặc biệt là việc bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự toán hằng năm từ năm 2021 và để thanh toán đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh của các dự án thực hiện theo hình thức BT, không để ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và uy tín của Chính phủ. Đồng thời, các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp trong việc nghiêm túc thực hiện các cam kết của Chính phủ, tránh tình trạng phối hợp không hiệu quả, không hết trách nhiệm dẫn đến việc chậm trả nợ.

Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; xây dựng đề án Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030, Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ Đề