Bí quyết vòng phản hồi nhanh là:

Bạn đã bao giờ nghe thành ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” chưa? Tôi chắc chắn rằng đã từng có người nói điều này với bạn ít nhất là một lần trong đời! Đó là một châm ngôn quen thuộc thường được sử dụng để khích lệ ai đó khi họ học hỏi hoặc thực hiện một điều gì mới mẻ đối với họ.

Họ có thể sẽ cần rất nhiều cố gắng trước khi thành công và và tìm hiểu một cách đúng đắn. Giống như là bắt đầu tập xe đạp, học cách lái xe, bắt đầu một ngôn ngữ thứ hai, hay là lần đầu tiên nấu ăn. Thật hiếm khi một ai có thể thành thạo việc gì ngay lần đầu tiên được.

Bất cứ khi nào bạn muốn bắt đầu học một điều gì mới lạ, tôi chắc chắn rằng bạn luôn hy vọng sẽ làm tốt điều đó một cách nhanh chóng. Tuy nhiên thì thực tế là đôi khi phải mất hàng ngày, hàng tháng hoặc thậm chí là hàng năm trước khi bạn thực sự tự tin thông thạo một kĩ năng.

Đó chỉ đơn giản là cách học tập hoạt động. Bạn cố gắng, bạn thu thập được kinh nghiệm, bạn học hỏi từ nó, và bạn lại cố gắng. Và mỗi lần như vậy, bạn sẽ càng cải thiện và tiến bộ. Cứ mỗi khi bạn lặp lại quá trình học tập này, bạn sẽ trải qua một thứ được gọi là Vòng lặp phản hồi.

Điều mà tạo ra khoảng cách giữa một người học nhanh với một người học chậm hơn không phải là một số tài năng tự nhiên bẩm sinh mà là bởi vì họ hiểu được cách thức họ học, và có một phương hướng có tính hệ thống để áp dụng điều đó mọi lúc, và rồi họ có thể học được nhiều thứ. Họ còn biết cách sử dụng Vòng lặp phản hồi một cách hiệu quả để tăng tốc quá trình học tập.

Vì vậy nếu hiện tại bạn đang mong muốn học một kĩ năng mới càng nhanh càng tốt, vậy thì điều đầu tiên bạn sẽ cần làm là học cách tạo ra một cái Vòng lặp phản hồi thật hiệu quả.

Vòng Lặp Phản Hồi

Phản hồi có nghĩa là nhận được thông tin về mức độ hiệu quả mà bạn thực hiện mỗi lần bạn nỗ lực tập luyện hoặc chuyên tâm về một kỹ năng nào đó. Phản hồi là những gì cho bạn biết cái gì đã đi sai hướng và cái gì đã đi đúng hướng.

Một Vòng lặp phản hồi bao gồm 3 giai đoạn:

  1. Thực hành/Áp dụng – Đây là giai đoạn mà bạn đặt được những gì bạn muốn học thành hành động.
  2. Đo lường, đánh giá – Giai đoạn này bạn sẽ ghi nhận thông tin về năng suất của bạn. Đây cũng là giai đoạn bị bỏ qua nhiều nhất… hoặc được thực hiện một cách kém hiệu quả.
  3. Tìm hiểu – Đây là giai đoạn phân tích bạn đã thực hiện tốt như thế nào, và đưa ra một số điều chỉnh để cải thiện và thực hành/áp dụng lại.

Đọc thêm bài này  CHƠI ĐÙA VỚI CON ĐÚNG CÁCH ĐỂ GIÚP BÉ THÔNG MINH HƠN

Điều quan trọng là phải nhìn nhận được 3 giai đoạn này và đặt chúng vào nơi mà mỗi lần bạn thực hiện một kĩ năng mới.

Rất nhiều người chỉ hoàn thành được Giai đoạn 1, và một quá trình rất không rõ ràng hoặc mờ nhạt cho Giai đoạn 2, và rồi dẫn đến những kết quả kém ở Giai đoạn 3.

Một chu trình tốt và suôn sẻ sẽ giúp bạn liên tục cải thiện với từng vòng, tạo ra một quá trình ổn định và nâng cao hiểu biết của bạn về kỹ năng bạn muốn biết.

Làm Cách Nào Để Có Được Một Vòng Phản Hồi Hiệu Quả?

Để đảm bảo Vòng phản hồi của bạn được hiệu quả, bạn sẽ phải xem xét 3 yếu tố chính này: Tính kiên định, Tốc độ và Độ chính xác.

Kiên định là khi chất lượng của sự phản hồi không thay đổi. Bạn cần có khả năng so sánh mọi kinh nghiệm thực hành hoặc học tập để đánh giá, học hỏi và đưa ra những thay đổi. Nếu phản hồi của bạn không nhất quán, bạn sẽ gặp khó khăn khi nhận biết được cái gì sai hoặc cái gì đúng.

Lấy ví dụ như bạn đang học chơi đàn ghi ta. Nếu bạn cứ chơi một bản nhạc khác nhau mỗi lần bạn tập luyện, bạn sẽ nhận được phản hồi không hề mang tính kiên định. Bởi vì độ khó, nhịp điệu và tốc độ của mỗi bài hát là khác nhau cho nên bạn sẽ không có cách nào chắc chắn để so sánh mức độ của bài hát bạn vừa mới chơi với một bài cũ mà bạn đã chơi. Vì vậy cách tốt nhất để tìm hiểu là chỉ chơi một bài lặp đi lặp lại cho đến khi bạn đạt được sự thành thạo nhất định.

Có vẻ như trường hợp này khá rõ ràng, nhưng đó chỉ là một ví dụ. Việc tiếp nhận những cái khác nhau mà không có luyện tập rất là khó bởi vì chúng ta không tập trung vào việc giữ gìn một môi trường hay những hành động kiên định.

Hãy chuyển sang yếu tố thứ 2: Tốc độ. Có phản hồi ngay lập tức hay nhanh chóng thì quan trọng bởi vì càng mất thời gian để nhận được phản hồi thì khả năng cải thiện kỹ năng sẽ càng chậm hơn. Đó là lí do vì sao mà một số người bỏ ra một lượng thời gian lớn để luyện tập, nhưng tiến độ lại rất chậm.

Mặt khác, những hình thức phản hồi tốt nhất hầu như xuất hiện ngay lập tức. Một Vòng lặp phản hồi được hoàn thành càng nhanh thì càng tốt. Đó là bởi vì bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, nghĩa là nhận được nhiều sự cải thiện hơn trong một khoảng thời gian nhất định.

Cách Để Nhận Phản Hồi Nhanh Chóng.

Vậy thì chìa khóa dẫn đến nhận phản hồi nhanh là nắm lấy kỹ năng hoặc kiến thức nào đó và chia nó thành từng bước. Hãy cố gắng phân tích các kỹ năng thành các thành tố khác nhau. Ta có thể chia nhỏ chúng thành các bước nhỏ, các kỹ năng hoặc tiến trình đơn giản, hoặc thậm chí khó hơn.

Ví dụ như nếu kỹ năng mà bạn muốn tìm hiểu bao gồm một trình tự, bạn có thể chia nhỏ việc tìm hiểu thành từng bước. Hãy tạo ra một cái Vòng lặp phản hồi theo từng bước riêng lẻ thay vì thực hiện toàn bộ quá trình. Cô lập các quy trình thành những phần khác nhau mà bạn có thể tập trung và làm việc từng cái một.

Giả sử như bạn đang học nấu ăn. Bạn có thể chia nhỏ kỹ năng này thành từng bước, ví dụ như tìm nguyên liệu tươi và phù hợp, chuẩn bị và xử lí nguyên liệu, chuẩn bị gia vị và nước sốt, dọn lên bàn và thưởng thức….

Hoặc giả sử như bạn muốn học cách chơi đá banh. Bạn có thể xác định ra những kĩ năng nhỏ mà tạo nên các kĩ thuật lớn hơn để chơi được môn này và bạn cũng có thể tạo ra những Vòng lặp phản hồi cho mỗi kĩ năng phụ một cách riêng lẻ. Vì vậy bạn có thể bắt đầu bằng cách học cách đập quả bóng, tiếp theo là vượt qua đối thủ và rồi sút bóng.

Yếu tố thứ ba và cũng là cuối cùng để tạo ra một Vòng phản hồi hiệu quả chính là Độ chính xác. Điều này có nghĩa là một sự phản hồi sẽ thật sự phản ánh hiệu suất của bạn đã thể hiện một cách chính xác. Việc này rất quan trọng bởi vì bạn đang dựa vào phản hồi để cho bạn biết phải cải thiện cái gì và ở đâu vào lần tiếp theo. Đó là vì sao sự phản hồi là thước đo đánh giá cho một kĩ năng quan trọng để đạt được một Vòng phản hồi hiệu quả.

Cách Để Đánh Giá Sự Phản Hồi

Đạt được độ chính xác trong một phản hồi thường là điểm yếu thông thường với rất nhiều người học bởi vì không phải lúc nào cũng dễ dàng để định nghĩa được “chính xác” là gì.

Để nhận được phản hồi chính xác chúng ta phải có một cách để đánh giá nó. Lí do vì sao chúng ta đôi khi nhận phản hồi kém là bởi vì ta chỉ đang cố gắng đánh giá sự tiến bộ của ta mà không hề định lượng được hiệu suất của chúng ta, hoặc là chúng ta đang tính toán sai khi định lượng phản hồi. Tệ hơn nữa có thể là vì bạn không bao giờ đánh giá hay ghi lại hiệu suất làm việc gì cả.

Để tìm ra những phạm vi để cải thiện, bạn cần phải có khả năng so sánh đối chiếu hiệu suất thực hiện của bạn ngay bây giờ với hiệu suất trước.

Định lượng một thứ gì đó nghĩa là gắn liền một con số vào đó. Điều này giúp mang lại tính khách quan và tính kiên định khi bạn dùng biện pháp so sánh. Định lượng được phản hồi sẽ mang lại cho bạn những thông tin mang tính xây dựng để giúp bạn cải thiện hơn qua mỗi chu kỳ của Vòng phản hồi.

Luôn luôn cải thiện Vòng lặp phản hồi của bạn!

Bạn đã sẵn sàng đưa Vòng lặp phản hồi của bạn vào thực tiễn chưa? Kĩ năng mới mà bạn muốn bắt đầu là gì?

Hãy thử thực hiện mọi giai đoạn của Vòng phản hồi khi tìm hiểu kĩ năng mới này và tự minh nhìn nhận bản thân xem liệu việc học hỏi của bạn có cải thiện ở tốc độ nhanh hơn hay không.

Điều quan trọng ở chỗ liên tục phát triển Vòng tuần hoàn của bạn để duy trì động lực của bạn và tránh khỏi quy luật hiệu suất giảm dần. Cải thiện vòng tuần hoàn của bạn nghĩa là biết điều gì để đánh giá tiếp theo, và những câu hỏi để tìm hiểu.

Nếu bạn muốn tìm hiểu hơn, hãy theo dõi bảng tin của chúng tôi mỗi ngày. Bạn sẽ tìm thấy được rất nhiều nguồn quý giá giúp bạn học tập, và những kĩ năng này sẽ giúp tăng tốc độ học hành của mình. Tất cả các mục tiêu của bạn sẽ nắm trọn trong lòng bàn tay khi bạn đã nắm vững được Vòng phản hồi!

                                                                           An Dương [Theo Lifehack.org]

BBT: Việc nhận xét hay phản hồi kết quả học tập cũng như quá trình tham gia hoạt động lớp học cho học sinh là một việc hết sức quan trọng của người giáo viên, hay bất kỳ ai tham gia vào việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Ngoài các phương pháp dạy học và nghiệp vụ sư phạm cần có khi đứng lớp, kỹ năng đưa ra nhận xét, phản hồi hiệu quả cũng cần được người giáo viên quan tâm và rèn luyện từng ngày. Phản hồi đúng lúc, đúng cách mang lại hiệu quả học tập vượt trội, giúp giáo viên lẫn học sinh ngày càng phát huy khả năng dạy và học. 

Tuy nhiên, việc này lại gây nhiều khó khăn cho đa số giáo viên, vì họ loay hoay không biết phải phản hồi như thế nào cho đúng, đủ nhưng không kém phần khéo léo và hiệu quả. Nếu bạn cũng băn khoăn và muốn biết đâu là bí quyết của những phản hồi học tập tuyệt vời, hãy cùng FLC tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

—————————————————

Trong khi việc đánh giá đang trở nên khá phổ biến và được truyền bá rộng rãi, nhưng chúng ta vẫn còn hiểu sai về việc phản hồi hiệu quả cho việc học.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi phản hồi từ giáo viên chủ yếu là tiêu cực, nó có thể hủy hoại mọi nỗ lực và thành tích của học sinh [Hattie & Timperley, 2007, Dinham]. Theo kinh nghiệm của tôi, điều duy nhất tôi biết là tôi ghét phải nói trước đám đông, và tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tránh phải thực hiện điều này. Đối với vai trò một giáo viên, chúng ta đều có thể dễ dàng đưa ra những phản hồi tích cực và mang tính khích lệ hầu hết mọi lúc.

Tuy nhiên, trong những thời điểm khác nhau, chúng ta phải đi sâu tìm hiểu phản hồi thích hợp để không làm nản lòng việc học của học sinh. Đây là điểm làm học trò nhớ mãi về hình ảnh tích cực của người thầy, làm người thầy đó trở nên nổi bật hơn hẳn những giáo viên khác.

Giáo viên có trách nhiệm riêng trong việc bồi dưỡng việc học của học sinh và đưa ra những phản hồi làm sao để tránh việc học sinh rời lớp học với cảm giác bị “hạ gục, đánh bại”. Sau đây là 20 ý tưởng và kỹ thuật về cách đưa ra phản hồi học tập hiệu quả, giúp học sinh của bạn cảm thấy rằng chúng có khả năng chinh phục cả thế giới.

1. Thông tin phản hồi phải mang tính chất giáo dục.

Đưa ra phản hồi có nghĩa là đưa ra cho học sinh những lời giải thích về những điều chúng đang làm là đúng hay sai. Tuy nhiên, trọng tâm của phản hồi về cơ bản phải dựa trên những gì học sinh đang làm đúng. Việc học tập của học sinh sẽ diễn ra hiệu quả nhất khi chúng được nhận lời giải thích và ví dụ về những gì chính xác và không chính xác cho công việc mà chúng đang làm.

Cân nhắc sử dụng khái niệm ‘Feedback Sandwich[1] làm hướng dẫn trong việc đưa ra phản hồi của bạn, đó là: Khen ngợi, Chỉnh sửa, và Khen ngợi.

2. Thông tin phản hồi cần được đưa ra kịp thời.

Khi giáo viên đưa ra phản hồi ngay sau khi những lỗi sai trong quá trình học được làm sáng tỏ, học sinh phản hồi tích cực và tự tin ghi nhớ kinh nghiệm học tập đó hơn. Nếu chúng ta đưa ra phản hồi quá lâu, khoảnh khắc trên sẽ bị mất và học sinh khó có thể kết nối những phản hồi với hành động tiếp theo của chúng.

3. Nhạy cảm với các nhu cầu cá nhân của học sinh

Điều quan trọng là chúng ta phải xem xét từng học sinh khi quyết định đưa ra phản hồi. Các lớp học thường có đa dạng các kiểu học trò. Một số học sinh cần được thúc đẩy để đạt được trình độ cao hơn, trong khi những học sinh khác cần chúng ta quan tâm nhẹ nhàng hơn để không làm nản lòng việc học và làm tổn hại đến lòng tự trọng của chính các em. Cân bằng giữa việc không muốn làm tổn thương cảm xúc của học sinh và khuyến khích, động viên chúng một cách thích hợp là điều thực sự cần thiết.

4. 4 câu hỏi

Các nghiên cứu về dạy và học hiệu quả [Dinham, 2002, 2007a; 2007b] đã chỉ ra rằng người học muốn biết vị trí của bản thân đối với việc học của họ. Trả lời bốn câu hỏi sau đây một cách thường xuyên sẽ giúp bạn có được những phản hồi chất lượng. Bốn câu hỏi này cũng hữu ích cho bạn trong việc cung cấp phản hồi cho phụ huynh:

Học sinh có thể làm gì?

Học sinh không thể làm gì?

Việc học của một học sinh đang diễn ra như thế nào so với những học sinh khác?

Làm thế nào để học sinh có thể học tốt hơn?

5. Thông tin phản hồi nên đề cập đến một kỹ năng hoặc kiến thức cụ thể.

Đây là lúc các phiếu đánh giá trở thành một công cụ hữu ích [ví dụ: phiếu đánh giá đơn]. Phiếu đánh giá là một công cụ để truyền đạt những mong ước, yêu cầu của giáo viên đối với một bài tập nào đó và là một cách thức hữu ích để đưa ra phản hồi hiệu quả cho việc học. Phiếu đánh giá hiệu quả cung cấp cho học sinh thông tin cụ thể về hiệu suất học tập của chúng, được đánh giá dựa trên một loạt các tiêu chuẩn đã được thiết lập. Đối với học sinh nhỏ tuổi, hãy thử làm nổi bật các mục trong phiếu đánh giá của học sinh hoặc thử sử dụng biểu đồ hình dán.

6. Đưa ra phản hồi để giữ vững phong độ học tập của học sinh

Thường xuyên tham gia kết nối với học sinh để chúng biết được đối với bạn và trong lớp học, chúng đang giữ vị trí như thế nào. Sử dụng ‘4 câu hỏi’ được nói đến ở trên làm hướng dẫn giúp bạn đưa ra phản hồi của mình.

7. Tổ chức họp trao đổi một-đối-một

Một cuộc họp trực tiếp với học sinh là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để giáo viên đưa ra phản hồi. Học sinh sẽ nhận được sự chú ý và có cơ hội để hỏi những câu hỏi cần thiết. Nhìn chung, cuộc họp tính chất một-đối-một nên diễn ra lạc quan, vì như vậy học sinh sẽ mong chờ và sẵn sàng tham gia các cuộc họp tiếp theo.

Đối với tất cả các khía cạnh của giảng dạy, chiến lược này yêu cầu người giáo viên quản lý thời gian tốt. Hãy thử gặp riêng một học sinh trong khi các học sinh khác đang làm việc độc lập. Thời gian các cuộc họp không nên kéo dài quá 10 phút.

10. Phản hồi có thể được đưa ra bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

Hãy chắc chắn rằng những cái nhíu mày của bạn nằm trong tầm kiểm soát. Chúng ta bắt buộc phải theo sát và kiểm tra các “tín hiệu không lời” của mình. Biểu hiện gương mặt và cử chỉ cũng là những phương tiện truyền tải phản hồi của bạn. Điều này có nghĩa là , tốt nhất bạn không nên cau có khi trả lại bài tập đã chấm cho học sinh.

9. Tập trung vào một khả năng hoặc kỹ năng.

Việc đưa ra nhận xét, phê bình về một kỹ năng trọng tâm trong bài tập thay vì dàn trải nhận xét cho tất cả các kỹ năng làm bài của học sinh có tác động tốt hơn đến quá trình học hỏi của chúng

Ví dụ: khi tôi dạy phương pháp Writer’s Workshop[2] ở cấp tiểu học, tôi sẽ cho học sinh biết rằng vào ngày hôm đó, tôi sẽ kiểm tra về điều gì trong bài viết, ví dụ là việc chúng có ghi nhớ thụt đầu dòng ở các đoạn văn trong bài viết hay không. Khi tôi trao đổi với một học sinh về bài viết của chúng, thì kiểm tra thụt đầu dòng các đoạn văn sẽ là trọng tâm của tôi thay vì tất cả các khía cạnh khác trong bài viết. Ngày hôm sau sẽ là một khía cạnh khác nữa, và cứ như vậy để tránh nhận xét quá nhiều khía cạnh trong 1 buổi học.

10. Thay đổi luân phiên hạn nộp bài cho học sinh / lớp học của bạn.

Sử dụng chiến lược này khi chấm điểm các bài luận hoặc bài kiểm tra để đưa ra các phản hồi hiệu quả cho việc học. Chiến lược này cung cấp cho bạn thời gian cần thiết để đưa ra phản hồi bằng văn bản chất lượng. Chiến lược này cũng bao gồm việc sử dụng biểu đồ xoay vòng để học sinh có thể trao đổi, thảo luận về bài học với nhau ở mức độ sâu. Học sinh cũng sẽ biết được khi nào đến lượt chúng gặp bạn để trao đổi về bài vở và tăng khả năng cho học sinh có cơ hội đặt câu hỏi trong các cuộc thảo luận ở lớp.

11. Dạy cho học sinh cách đưa ra nhận xét, phản hồi cho nhau.

Làm mẫu cho học sinh xem phản hồi thích hợp sẽ là như thế nào, nghe ra làm sao. Với tư cách là giáo viên tiểu học, chúng ta gọi đây là “peer conferencing” – là khi hai người bạn cùng lớp cùng làm việc và xem xét kỹ bài viết của nhau, sau đó đóng góp ý kiến lẫn nhau giúp cho bài viết của chúng tốt hơn. Dạy cho học sinh cách đưa ra phản hồi mang tính xây dựng cho nhau theo cách tích cực và hữu ích nhất. Khuyến khích học sinh sử dụng giấy ghi chú để ghi lại các phản hồi đã đưa ra cho bạn mình.

12. Nhờ một người lớn khác đưa ra phản hồi.

Hiệu trưởng ở trường tôi từng dạy thường tình nguyện chấm các bài kiểm tra lịch sử hoặc đọc các bài viết của học sinh. Bạn cứ tưởng tượng mà xem, chất lượng bài viết của học sinh sau này sẽ tăng lên gấp mười lần sau khi được hiệu trưởng chấm và cho nhận xét đấy! Nếu hiệu trưởng quá bận [và hầu hết là như vậy], hãy mời một giáo viên ‘khách’ hoặc một trợ giảng/ giáo sinh để chấm và đưa ra nhận xét cho bài làm của học sinh.

13. Yêu cầu học sinh ghi chép lại các phản hồi

Trong các cuộc thảo luận sau bài kiểm tra, hãy cho phép học sinh vừa sửa bài vừa nghe bạn trò chuyện, nhận xét. Học sinh có thể sử dụng một cuốn sổ để ghi lại các ghi chú khi bạn đưa ra những phản hồi bằng lời nói cho bài kiểm tra của chúng.

14. Sử dụng sổ ghi chép để theo dõi sự tiến bộ của học sinh.

Sử dụng một quyển sổ ghi chép cho lớp học của bạn. Viết nhận xét hàng ngày hoặc hàng tuần của mỗi học sinh, ghi chú lại ngày tháng ghi nhận xét nếu cần. Theo dõi các câu hỏi hay mà học sinh hỏi, các vấn đề về hành vi, các lĩnh vực cần cải thiện, điểm kiểm tra, v.v. Tất nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải quản lý thời gian tốt, tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy sẵn sàng và tự tin khi tổ chức các cuộc họp với phụ huynh hay học sinh.

15. Trả bài kiểm tra hoặc phiếu nhận xét đầu giờ học.

Giáo viên nên trả bài kiểm tra vào đầu giờ học thay vì kết thúc, cho phép học sinh đặt những câu hỏi cần thiết và tổ chức một cuộc thảo luận trong lớp có liên quan đến vấn đề đó

16. Sử dụng giấy ghi chú

Đôi khi đọc một nhận xét sẽ hiệu quả hơn là chỉ nghe nó. Trong thời gian học sinh làm việc độc lập, bạn hãy thử viết các nhận xét phản hồi trên một tờ giấy ghi chú rồi dán chúng lên bàn của học sinh tương ứng. Một trong những học sinh cũ của tôi gặp khó khăn trong việc tập trung khi làm bài, nhưng cậu ấy sẽ bực bội và cảm thấy xấu hổ khi bị tôi gọi tên phê bình về hành vi thiếu tập trung trước lớp.

Sau đó cậu bé sẽ tức giận bỏ đi và từ chối làm bất kỳ công việc nào vì cậu cho rằng tôi đã làm nhục cậu trước lớp. Vì thế, tôi sử dụng giấy ghi chú để nhắc nhở mỗi khi cậu ấy mất tập trung. Mặc dù đó không phải là cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất của tôi, nhưng nó thực sự có tác dụng đối với cậu bé, nó cũng như một cách để đưa ra phản hồi hiệu quả cho việc học.

17. Khen ngợi chân thành.

Học sinh dễ dàng nhận ra việc giáo viên sử dụng lời khen ngợi vô nghĩa để giành được sự đồng tình. Nếu bạn liên tục nói với học sinh của mình rằng ‘Good Job’ hoặc ‘Nice Work’ thì theo thời gian, những từ ngữ khen ngợi này trở nên vô nghĩa. Hãy cho điểm A + trong bài kiểm tra từ vựng của học sinh. Nếu bạn cảm thấy thích thú và hài lòng với những thể hiện của học sinh gần đây, hãy cho những số điểm cao hơn, ấn tượng hơn, và hơn thế nữa hãy dành cho chúng những lời động viên và khen ngợi.

Gọi điện thoại về nhà kể cho bố mẹ nghe, để họ biết bạn hào hứng như thế nào với những thể hiện tốt của học sinh. Các nhận xét và đề xuất trong phản hồi chân thành cũng phải mang tính ‘tập trung, thiết thực và dựa trên đánh giá về những gì học sinh có thể làm và có khả năng đạt được’ [Dinham].

18. “Thầy/Cô nhận thấy rằng….”

Cố gắng nhận thấy cố gắng hoặc nỗ lực của học sinh trong một nhiệm vụ. Ví dụ; “Thầy/Cô thấy là nếu em nhóm lại chính xác cột hàng trăm, là em có thể giải được bài rồi đó” “Thầy/Cô thấy em đến lớp đúng giờ trong cả tuần này đó” Việc ghi nhận một học sinh và những nỗ lực mà chúng đang thực hiện sẽ ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập.

19. Đưa ra một khuôn mẫu hoặc ví dụ cho những đánh giá của bạn

Trao đổi với học sinh về mục đích của việc đánh giá và / hoặc phản hồi. Lấy một ví dụ minh họa cho học sinh về cách cho điểm của bạn, ví dụ như hình thức của một bài kiểm tra đạt A+, đồng thời cũng đưa ví dụ về 1 bài làm đạt loại C sẽ khác như thế nào. Điều này đặc biệt quan trọng ở các cấp học cao như cao đẳng, đại học.

20. Mời học sinh đưa ra phản hồi, nhận xét về bạn

Hãy nhớ lại khi bạn hoàn thành một lớp học ở trường đại học và bạn được trao cơ hội để ‘chấm điểm’ cho giảng viên. Sẽ thật tuyệt cho bạn để nói ra những khúc mắc trong lòng, như việc đọc mãi một quyển sách mà giảng viên giao thật quá nhàm chán, mà không lo điều bạn nói sẽ ảnh hưởng đến điểm số cả kỳ? Tại sao không để học sinh phản hồi cho bạn về cách dạy mà bạn đang thực hiện?

Hãy cho phép học sinh gửi phản hồi ẩn danh. Chúng thích gì và không thích gì về lớp học của bạn? Nếu chúng đóng vai là giáo viên, chúng có cách nào khác không? Chúng học được gì nhiều nhất từ ​​bạn? Nếu chúng ta cởi mở với học sinh, chúng ta sẽ nhanh chóng học được một vài điều về bản thân mình – với tư cách là những nhà giáo dục.

Hãy nhớ rằng phản hồi có hai chiều và với tư cách là giáo viên, điều khôn ngoan là không ngừng cải thiện và mài giũa các kỹ năng của chính mình.

*Chú thích:

[1]:Feedback Sandwich là khi cấp trên, người quản lý hoặc đồng nghiệp đưa ra những lời phản hồi mang tính xây dựng, hoặc phản hồi mang tính tích cực-tiêu cực-tích cực xen kẽ nhau.

[2]: Writer’s Workshop là một phương pháp dạy viết lấy học sinh làm trung tâm với phương châm rằng học sinh sẽ cải thiện kĩ năng viết một cách tốt nhất khi chúng viết thường xuyên, trong khoảng thời gian dài, và về các chủ đề chúng chọn

Tác giả: Laura Reynolds

Nguồn: 20 Ways To Provide Effective Feedback For Learning

Dịch giả: Vũ Phương Quỳnh

Video liên quan

Chủ Đề