Bộ máy thúc đẩy bình đẳng giới ở địa phương

Quyết tâm chính trị mạnh mẽ

Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia, trở thành thành viên có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín ở phạm vi toàn cầu và khu vực. Những thành tựu đạt được trong hội nhập quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tình hình an ninh, chính trị ổn định; văn hóa, xã hội có bước phát triển; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Nền tảng này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới [BĐG] nói chung, công tác nhân quyền nói riêng.

Trên bình diện quốc tế, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ trên phạm vi toàn cầu. Các cam kết BĐG trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững [SDGs] thể hiện một bước tiến quan trọng tiếp nối các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ [MDGs]. Trong đó, các mục tiêu cụ thể về BĐG được xây dựng dựa trên nguyên tắc của các công ước và cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền như Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ [CEDAW] và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh...

Diễn đàn quốc gia nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng với và xóa bỏ bạo lực giới. [Ảnh: UN Women]

Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 toàn cầu đã đề ra nội dung hướng tới “chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử; xóa bỏ bạo lực và các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; giải quyết vấn đề về công việc chăm sóc và công việc nội trợ không được trả công; bảo đảm sự tham gia hiệu quả của phụ nữ ở mọi cấp độ ra quyết định, và tiếp cận phổ cập đến quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục” [Mục tiêu số 5]. Với cam kết của mình, cộng đồng quốc tế đã và đang dành những nguồn lực tài chính cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm đạt được BĐG và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trên cơ sở pháp luật và các công ước, cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và nhiều bộ luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách nghiêm túc. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng và phù hợp với thực tiễn quốc gia.

Bên cạnh việc xây dựng, ban hành luật pháp, chính sách, Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, các đề án, chương trình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông về bình đẳng giới… và mới đây là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Đây là các văn kiện quan trọng nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp để thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như các nội dung về bình đẳng giới trong các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu được ghi nhận

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tiêu biểu có thể kể đến đó là:

Trong 10 năm qua, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG đã và đang được triển khai tương đối đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện BĐG.

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc BĐG, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội như Luật Bảo hiểm xã hội [2014], Bộ luật Lao động [2019]; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND [2015]; Luật Ngân sách nhà nước [2015]... Bên cạnh đó, nội dung BĐG đã được lồng ghép trong nhiều chiến lược, chương trình, chính sách được ban hành trong 10 năm qua.

Kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội [tỷ lệ cao nhất kể từ khóa V tới nay] và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp.

Cán bộ y tế tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số. [Ảnh: UN Women]

Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới trong thập kỷ qua, bất chấp những biến động kinh tế-chính trị của khu vực và thế giới. Về giáo dục, tỷ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối. Về chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam và là nền tảng vững chắc để các cấp, các ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới.

Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020, chỉ số phát triển con người [HDI] của Việt Nam đang ở mức 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 0,997, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong số 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.

Các cấp, các ngành đã quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác BĐG, đây là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG. Ngoài ra, sự hợp tác, hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác BĐG.

Các cơ quan chức năng đã chú trọng thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, nâng cao năng lực về BĐG từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Trong 10 năm qua, ước tính có khoảng gần 15 triệu lượt cán bộ làm công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các bộ, ngành và địa phương được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ.

Công tác thống kê số liệu có tách biệt giới tính đã được quan tâm triển khai. Các hoạt động nghiên cứu khoa học tạo nền tảng lý luận cho việc đề xuất chính sách, pháp luật về BĐG cũng đã được các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ quan tâm thực hiện trong thời gian qua.

Những giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới

Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 3/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025… Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn tới cần chú trọng các nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Trước mắt cần tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và lập ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác bình đẳng giới.

Ba là, triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025...

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như: Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm.

Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học. Xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp. Tăng cường truyền thông về luật pháp, chính sách và những thành tựu, kết quả về bình đẳng giới của Việt Nam cho các đối tác quốc tế; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về bình đẳng giới và các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Năm là, nhân rộng các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới và nơi tạm lánh, nơi trú ẩn an toàn cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, những người bị ảnh hưởng tâm lý do thất nghiệp, mất việc làm, phá sản,…

Sáu là, tăng cường lồng ghép giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển dân tộc miền núi và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa hình thức trợ cấp, hỗ trợ sinh kế nhằm đảm bảo tự do tài chính cho phụ nữ.

Bảy là, tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia.

Tám là, chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Video liên quan

Chủ Đề