Cách chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa được không hay kiểm soát bệnh ở mức độ như thế nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe như: mệt mỏi, hạn chế sinh hoạt, hoạt động thể lực, chất lượng cuộc sống giảm sút, khó thở nặng hơn là suy hô hấp Do đó, người bệnh COPD cần sớm được phát hiện, điều trị và quản lý chặt chẽ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Mai Mạnh Tam Khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Ai có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD?

Những người có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh nguy hiểm này là:

    • Người hút thuốc lá [chủ động và thụ động]: Theo thống kê từ Hiệp hội phổi Hoa Kỳ [ALA], khoảng 85% 90% người mắc bệnh tắc phổi nghẽn mạn tính có liên quan đến thuốc lá, bao gồm cả những người hút thuốc lá thụ động. Trong đó, nguy cơ tử vong vì bệnh COPD của người hút thuốc cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Các phân tử khí độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân gây phá hủy cấu trúc đường thở, làm giảm lưu lượng khí lưu thông và không hồi phục được dẫn đến bệnh COPD.
    • Người làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm, khói bụi, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.
    • Người có khuyết tật về gen gây thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin, nên bệnh COPD có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. [1]

Do quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường kéo dài, nên người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD

Tùy vào tình trạng, mức độ, giai đoạn bệnh và các bệnh lý đồng mắc có thể có như: Tăng huyết áp, đái tháo đườngmà phác đồ điều trị của người bệnh COPD sẽ khác nhau. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, thường xuyên theo dõi sức khỏe để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời những dấu hiệu nặng của bệnh COPD. [2]

1. Điều trị chung

1.1 Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ

Ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc

1.2 Bỏ hút thuốc

Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào là việc rất khó khăn nhưng lại cực kỳ quan trọng ngăn chặn COPD tiến triển nặng lên, tăng tỷ lệ sống lâu hơn. Trong cai thuốc, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai giúp người bệnh cai thuốc dễ dàng hơn.

1.3 Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp

    • Nhiễm trùng đường hô hấp [cúm và viêm phổi] là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc tiêm phòng vắc xin có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
    • Tiêm phòng vắc xin cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm cho các đối tượng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
    • Tiêm phòng vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định. [4]

Bỏ thuốc lá là cực kỳ quan trọng trong điều trị COPD.

2. Thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính

2.1 Thuốc giãn phế quản

    • Thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ưu tiên các loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, dùng đường phun hít hoặc khí dung.
    • Liều lượng và đường dùng của các thuốc này tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh.

2.2 Corticoid dạng hít

Nhóm thuốc steroid [corticosteroid] dạng hít được bác sĩ kê đơn cho những người thường xuyên có đợt tắc nghẽn cấp tính khó thở phải nhập viện, người có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chồng lấp hen và COPD hoặc tăng bạch cầu ái toan trong máu. Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ, nên người bệnh cần thận trọng và dùng theo chỉ định của bác sĩ. [3]

Steroid [corticosteroid] dạng hít là một trong các thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, được sử dụng cho những người bệnh COPD cấp độ nhẹ.

2.3 Corticoid đường uống

Thuốc Corticoid đường uống thường được dùng cho những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3 hoặc 4. Điều trị ngắn ngày bằng thuốc Corticoid đường uống có tác dụng giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng Corticoid đường uống trong thời gian dài có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ toàn thân nguy hiểm như: loãng xương, đục thủy tinh thể, tăng cân, đái tháo đường Do đó, việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng Corticoid đường uống phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ.

2.4 Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định đối với những bệnh nhân COPD có xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng như: ho có đờm đục, sốt khiến tình trạng bệnh diễn tiến xấu hơn. Thuốc kháng sinh có vai trò tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

3. Liệu pháp phổi

3.1 Liệu pháp oxy

Thở oxy ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là liệu pháp hỗ trợ người bệnh đang trong tình trạng bị thiếu oxy máu, suy hô hấp. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mà liệu pháp thở oxy ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được sử dụng ngắn hạn tại các cơ sở y tế hoặc được bác sĩ chỉ định sử dụng dài hạn tại nhà.

3.2 Phục hồi chức năng phổi

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa được không? Mặc dù bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, kiểm soát chặt chẽ thì vẫn có thể tham gia sinh hoạt, hoạt động thể lực, gia tăng chất lượng cuộc sống như những người bình thường khác. Phục hồi chức năng phổi không chỉ dành riêng cho những người mắc bệnh COPD mà còn có tác dụng cả với những người đang mắc bệnh phổi khác như: tăng áp phổi, bệnh phổi mô kẽ; người trước khi hoặc sau khi mổ ghép tạng, xơ nang phổi.

Phục hồi chức năng phổi là chương trình giáo dục và thể dục thể thao, có tác dụng xử trí bệnh hô hấp, tăng cường năng lượng và giảm khó thở. Thông qua chương trình này, người bệnh có thể kiểm soát được hơi thở, biết cách điều hòa nhịp thở

Thông thường, các buổi tập thể dục sẽ được thiết kế riêng cho từng trường hợp, và sẽ được giám sát bởi nhân viên phục hồi chức năng phổi. Độ khó của các bài tập sẽ đi từ đơn giản và tăng dần tùy theo khả năng của từng người. [5]

Tập thể dục nhẹ nhàng có tác dụng giúp phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

4. Liệu pháp thông khí không xâm lấn

Thông khí không xâm lấn [NIV] là hình thức hỗ trợ thở máy cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà không sử dụng ống đặt nội khí quản. Liệu pháp này được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp suy hô hấp cấp và mạn tính, giúp tránh được các biến chứng tiềm tàng khi thông khí cơ học xâm lấn. Ngoài ra, liệu pháp này còn được sử dụng để hỗ trợ liệu pháp cai thở máy.

5. Quản lý các đợt cấp COPD

Thông thường, có 3 bước quản lý bùng phát COPD mà người bệnh cần lưu ý. Đây cũng là cách chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường được bác sĩ áp dụng cho người bệnh.

5.1 Sử dụng ống hít

Việc sử dụng ống hít giúp đưa một luồng thuốc mạnh đến thẳng và sâu trong phế quản bị co thắt, giúp các phế quản trong đường thở giãn ra một cách nhanh chóng. Qua đó giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.

5.2 Dùng corticosteroid đường uống để giảm viêm

Corticosteroid có khả năng làm giảm viêm, sưng tấy, đồng thời mở rộng đường hô hấp để không khí lưu thông nhiều hơn trong phổi. Thông thường, corticosteroid sẽ được bác sĩ kê đơn trong một tuần hoặc hơn sau khi bùng phát để giúp kiểm soát tình trạng viêm một cách tốt nhất.

5.3 Can thiệp cơ học

Đối với những trường hợp mà ống hít, Corticosteroid chống viêm không giúp đưa các dấu hiệu đợt cấp COPD trở lại trạng thái kiểm soát, người bệnh phải sử dụng một chiếc máy để hỗ trợ thở thông qua một quá trình.

6. Phẫu thuật

Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn nặng, không đáp ứng được các phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

6.1 Phẫu thuật giảm thể tích phổi

Phẫu thuật giảm thể tích phổi là hình hình thức phẫu thuật cắt bỏ các phần nhỏ của mô phổi bị thương tổn ở phần trên, giúp tạo thêm không gian trong khoang ngực để các mô phổi khỏe mạnh còn lại được mở rộng. Qua đó, giúp cơ hoành hoạt động hiệu quả hơn.

6.2 Phẫu thuật ghép phổi

Phẫu thuật ghép phổi là phương pháp được chỉ định dành cho người bệnh COPD nặng và tiên lượng xấu nếu không được ghép phổi. Sau khi cấy ghép, người bệnh sẽ cải thiện được khả năng thở và hoạt động thể chất. Tuy nhiên, ghép phổi là một cuộc phẫu thuật lớn với nhiều rủi ro. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật ghép phổi cần phải dùng thuốc để ức chế miễn dịch suốt đời.

6.3 Phẫu thuật cắt phổi

Phẫu thuật này sẽ cắt đi khoảng 20% 30% phần phổi bị tổn thương nặng nhất, giúp tăng đường kính dẫn khí ở phần phổi còn lại. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thông khí, cũng như giảm các triệu chứng đối với những bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính.

Lưu ý những sai lầm trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Có nhiều cách chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giúp làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa diễn tiến nguy hiểm, nhưng lại không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể sẽ phải kéo dài suốt đời, đòi hỏi người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ liệu trình để có kết quả tốt nhất.

Trên thực tế, có không ít người mắc COPD chỉ điều trị khi có các đợt cấp, mà không tuân thủ cả liệu trình điều trị dự phòng; tự ý ngưng sử dụng thuốc khi thấy các triệu chứng như ho, khó thở, tức ngực có dấu hiệu thuyên giảm; không đi tái khám theo lịch của bác sĩ. Việc không tuân thủ điều trị, khiến mục đích điều trị bệnh rút ngắn đoạn bệnh nặng sẽ đến nhanh hơn, bệnh khó cải thiện dứt điểm, thậm chí trầm trọng hơn. Đây được xem là những sai lầm thường thấy ở những người mắc COPD lớn tuổi.

Chăm sóc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

1. Môi trường xung quanh

Các tác nhân gây dị ứng từ môi trường như khói thuốc, bụi bẩn, lông thú nuôi được xem là hung thủ gây ra các cơn ho và khó thở cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Do đó, khi chăm sóc người bệnh COPD tại nhà, chúng ta cần thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, làm sạch mọi ngóc ngách trong nhà để đảm bảo môi trường người bệnh được ở trong môi trường an toàn nhất.

2. Chế độ ăn dinh dưỡng

Khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà, cần đặc biệt lưu ý chế độ dinh dưỡng, tránh sử dụng những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng, tạo nên các cơn ho khan và thậm chí gây khó thở như: tôm, cua, cá tanh, rau có tính lạnh, các gia vị cay, hạn chế ăn muối. Nên bổ sung những thực phẩm giàu protein, vitamin và chất xơ như: thịt đỏ, thịt trắng, rau củ có màu sắc tươi sáng, sữa chua, pho mát Đây đều là những thực phẩm có lợi cho sức khỏe người đang trong quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Phổi tắc nghẽn mãn tính nên ăn gì? Cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất [protein, vitamin, chất xơ] sẽ giúp quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đạt được hiệu quả tốt.

3. Đi khám bác sĩ thường xuyên

Do quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường kéo dài, nên người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám theo chỉ định của bác sĩ; chủ động đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ để được thăm khám khi có những dấu hiệu bất thường, các triệu chứng COPD kéo dài dai dẳng để được điều trị càng sớm nhằm hạn chế tổn thương phổi có thể xảy ra.

Tại đây, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện đo chức năng hô hấp, chụp X quang ngực để giúp chẩn đoán COPD và loại trừ các tình trạng phổi khác.

4. Các bài tập thở cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ngoài những lưu ý kể trên, chúng ta cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng về các bài tập thở cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các môn thể thao nhẹ nhàng như: đạp xe, đi bộ để hướng dẫn hoặc cùng tập luyện với người bệnh, giúp họ tăng sức đề kháng và tăng cường sức khỏe người bệnh.

Đối với những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xuyên xuất hiện đờm, chúng ta có thể dùng tay vỗ nhẹ vào lồng ngực, hoặc lưng một cách nhịp nhàng để giúp tống đờm ra khỏi phế quản. Ngoài ra, bạn có thể kê cao một đầu giường lên khoảng 20cm để giúp người bệnh dễ thở hơn.

Thắc mắc khi điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa được không?

Là một bệnh mạn tính, nên COPD hiện không thể chữa khỏi hoàn toàn, mà chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa diễn tiến nguy hiểm, đặc biệt trong các đợt cấp giúp người bệnh đỡ ho khạc đờm, khó thở và hết sốt Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần tuân thủ quy trình điều trị trong khoảng thời gian dài, duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm tần suất của các đợt cấp. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, các triệu chứng kéo dài dai dẳng, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do COPD gây ra.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nên tiêm vắc xin covid-19 không?

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế ban hành ngày 15/7/2021, nhóm người lớn tuổi [trên 65 tuổi], người có tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định thì phải được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện. Như vậy, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính thường thuộc nhóm người cao tuổi, có một hoặc nhiều bệnh nền, nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19. Do đó, người mắc bệnh COPD rất cần được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, trước và sau khi tiêm cần lưu ý những điều sau:

    • Người bệnh COPD khi tiêm phải ở giai đoạn ổn định [ngoài đợt cấp]. Sau khi tiêm, người bệnh cần tiếp tục duy trì điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để kiểm soát tốt các triệu chứng COPD và lưu ý không sử dụng corticosteroid trong 2 tuần.
    • Trước khi tiêm, người bệnh COPD cần được nhân viên y tế khám sàng lọc kỹ lưỡng, hỏi han về tiền sử dị ứng, đo nhiệt độ, mạch, huyết áp, khám hô hấp. Bệnh nhân COPD có nhịp thở dưới 25 lần/phút, SpO2> 94% mới được phép tiêm COVID-19.
    • Ở lại điểm tiêm để theo dõi trong 30 phút. Khi về nhà, người bệnh cần chú ý theo dõi tình trạng khó thở, dị ứng sau tiêm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khó thở, thở rít, nổi ban dát sẩn ngoài da phải báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
    • Sau khi tiêm, người bệnh vẫn sử dụng các thuốc kiểm soát COPD theo hướng dẫn. Nên dùng các dạng phun, hít và hạn chế dùng dạng uống.

3. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm vắc xin gì?

Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm ngừa vắc-xin cúm hàng năm và vắc-xin phế cầu để làm giảm nguy mắc các đợt bùng phát COPD hiệu quả.

ĐỂ ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM VÀ TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH, XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Hà Nội:

  • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP. Hà Nội
  • Hotline: 1800 6858

TP.HCM:

  • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
  • Hotline: 028 7102 6789

Fanpage: //www.facebook.com/benhvientamanh

Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về các câu hỏi quan trọng: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa được không, cách chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như thế nào.

Video liên quan

Chủ Đề