Cách làm cho cây ổi ra hoa

Ngày đăng: 05-05-2014 | Chuyên mục: Câu hỏi - Giải đáp | Tác giả:

Hỏi:
Kính gửi: Ban Biên tập.

Hiện tôi ở Tây Ninh, tôi có trồng khoảng 100 gốc ổi lê đài loan, và 250 gốc đu đủ, xen kẻ. Cây ổi đã trồng được 13 tháng, cây đã ra hoa rất nhiều, nhưng tôi thường cắt bỏ, chưa lấy trái, nên tôi nhờ Ban Biên tập hướng dẫn giúp tôi cách để cây ổi được ra hoa nhiều và mang lại hiệu quả hơn.
Còn đối với cây đu đủ, đã trồng khoảng gần 4 tháng, hiện nay có một số cây đã ra hoa, nhưng tôi chưa biết cách chăm sóc như thế nào, để khi cây ra hoa, trái có chất lượng hơn và cách để phân biệt cây đu đủ đực và cây đu đủ cái, tôi nghe nói, cây đu đủ đực vẫn cho ra trái được phải không?

Xin vui lòng tư vấn.

Trân trọng!

huynh man < >

Trả lời:
Bạn đọc thân mến!

Qua nội dung câu hỏi của bạn tôi có một số hướng dẫn như sau:

Cây đu đủ:

Theo các tư liệu Tây Ninh nhóm đất xám chiếm tỉ lệ rất cao vì vậy muốn đu đủ cho sai quả và có quả to cần chọn chân đất tốt, ẩm và thoát nước tốt, ánh sáng đầy đủ, không bị cây khác che khuất.

Khi mới trồng nên đào hố sâu, rộng, bón lót phân hữu cơ mục, phân chuồng [từ 3-5kg, nhiều càng tốt] và thêm 0,1kg lân/gốc có thể bón thêm vôi [100-200gr/gốc]. Một tháng sau trồng hòa 10 gr urê + 20gr super lân pha trong 5 lít nước tưới cho cây [1 tuần tưới 1 lần]. Sang tháng thứ 2-3 thì bón thúc mỗi gốc khoảng 30 gr DAP hòa tan trong nước, tưới vào dưới tán cây, cách xa gốc 20-30cm. Tháng thứ 4-7: bón thêm khoảng 40-50gr urê + 50 gr super Lân + 40 gr KCL. Nên bổ sung phân chuồng, trong mùa nắng phủ gốc giữ ẩm. Chú ý vào mùa nắng cần tưới nhiều nước.

Đề phân biệt đủ đủ đực cái có 2 cách để phân biệt: nếu còn nhỏ bạn có thể xem rễ cây nếu cây đực sẽ có một rễ cọc rất dài thẳng cây cái thì không, nếu cây đã lớn thì bạn có thể phân biệt bằng hoa: cây đực thì hoa dài hơn hoa cái [có hoa đực có thể dài đến 40cm]. Đối với những người trồng chuyên thì họ tuyển khi còn là hạt giống, đối với hạt chìm sẽ cho ra hoa cái. Cây đực vẫn cho trái nhưng số lượng trái rất ít so với cây cái, thường trong một vườn đu đủ cũng nên có một vài cây đực [tùy lượng cây trong vườn nhiều ít] để giúp đu đủ thụ phấn cho trái tốt hơn.

Cây ổi:

Sau trồng 8-12 tháng cây đã bắt đầu ra hoa, đậu quả, tuy nhiên trong 1,5-2 năm đầu không nên khai thác quả ngay, để tập trung dinh dưỡng nuôi cây và tạo hình cho cây. Ổi lê Đài Loan là giống sinh trưởng khỏe, quả to, sinh khối lớn nên có thể đầu tư phân bón cao để khai thác năng suất mà không lo lốp đổ, nhưng phải chăm bón cân đối. 2 năm đầu định kỳ bón cho mỗi gốc 0,5-1kg phân AT1 [18.14.7], định kỳ khoảng 20-25 ngày một lần để nuôi trái, kích thích ra chồi, ra hoa, ra rễ mới. Lượng phân bón tăng dần theo tuổi cây. Vùng bị phèn nên bón thêm vôi, lân, tro.

Từ năm thứ 3 chuyển sang khai thác quả, cần bón nhiều phân chuồng. Ngoài ra sau mỗi lần bao quả bón thúc thêm mỗi cây 0,3-0,4kg Kali sunfat hoặc Kali clorua để tăng chất lượng quả. Những nơi không có phân gia cầm có thể thay bằng phân bón AT2 [10.15.15], liều lượng 1-2kg/gốc [bón giai đoạn cây mang quả].

Tỉa cành: Sau khi thu hoạch, tiến hành tỉa cành, cắt ngọn ở độ cao 1m, xới đất quanh gốc và bón phân sau đó vét mương bồi lên trên một lớp bùn mỏng, khi lớp bùn khô nứt thì tưới nước giữ ẩm thường xuyên để cây ra rễ và chồi mới.

Chúc bạn thành công

Th.S. Huỳnh Thị Như Thủy

Sở Khoa học và Công nghệ

Tin tức khác cùng chuyên mục

Video liên quan

Chủ Đề