Đặc điểm của thị trường cổ phiếu

       Trong bài viết tuần trước, chúng ta đã đề cập qua hai đặc điểm cơ bản đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam: 1] Số lượng doanh nghiệp niêm yết lớn trên cả ba sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, 2] Quy mô vốn hóa thị trường còn thấp. Trong bài viết tuần này chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về đặc điểm thứ ba đó là "Mức độ tập trung vốn hóa cao cho một số ngành nghề và nhóm cổ phiếu.

       Thị trường chứng khoán Việt Nam, với đặc thù của thị trường chứng khoán đang phát triển, có mức độ tập trung cao về vốn hóa và thanh khoản vào một số ngành nghề nhất định.

       Tỷ trọng vốn hóa các ngành nghề trên sàn chứng khoán Việt Nam thể hiện sự thiên lệch rất rõ cho ba nhóm ngành nghề: Tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu. Chỉ tính riêng cặp ngành nghề tài chính và bất động sản thì đã chiếm gần 55% giá trị vốn hóa toàn thị trường, nếu tính thêm ngành tiêu dùng thiết yếu vào thì con số này hơn 70%. Tiêu biểu của nhóm cổ phiếu tài chính, đó chính là các ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam [Mã cổ phiếu: VCB], Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam [Mã cổ phiếu: BID], trong khi đó, tiêu biểu cho nhóm cổ phiếu bất động sản chính là nhóm những cổ phiếu của tập đoàn Vingroup [Mã cổ phiếu: VIC]. Đối vi những cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu thì có các đại diện như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam [Mã cổ phiếu: VNM], Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn [Mã cổ phiếu: SAB] và Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan [Mã cổ phiếu: MSN].

Biểu đồ: Tỷ trọng vốn hóa của các ngành nghề trên thị trường chứng khoán [TTCK] Việt Nam năm 2019

       Tại sao ba nhóm ngành nói trên chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chứng khoán? Nguyên nhân chính xuất phát từ cấu trúc đặc thù của nền kinh tế của Việt Nam nói riêng và những quốc gia đang phát triển ở Châu Á nói chung. Nếu chúng ta so sánh cấu trúc cơ cấu ngành của chỉ số chứng khoán Việt Nam và chỉ số chứng khoán Shanghai của Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy có một sự tương đồng rất lớn. Ba nhóm ngành nghề tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu cũng chiếm tỷ trọng rất cao trong chỉ số. Ở những quốc gia này, hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch trong việc cung cấp nguồn vốn cả ngắn hạn và dài hạn cho các doanh nghiệp, cho nên ngân hàng thường giữ vai trò rất quan trọng trong cấu trúc của hệ thống tài chính. Kế đến là lĩnh vực bất động sản luôn là động lực tăng trưởng chính, các hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng ở những quốc gia đang phát triển cũng là một ngành nghề chiếm tỷ trọng rất lớn. Cuối cùng, nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu đại diện cho xu hướng tăng trưởng tiêu dùng ở những quốc gia đông dân và có tốc độ tăng trưởng dân số cao. Rõ ràng, những đặc thù trong mức độ phát triển của hoạt động kinh tế thực đóng một vai trò quan trọng trong việc chi phối hoạt động niêm yết của các doanh nghiệp trên sàn.

       Nếu nhìn sang cơ cấu ngành nghề trong vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trong chỉ số S&P 500 của Mỹ thì chúng ta sẽ có thể thấy ngay sự khác biệt. Những ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn lại là công nghệ, viễn thông, chăm sóc sức khỏe… Đây là những ngành nghề thiên về lĩnh vực dịch vụ cao cấp, vốn phù hợp với cấu trúc của hoạt động kinh tế thực của nền kinh tế Mỹ. Với những nền kinh tế phát triển như nền kinh tế Mỹ thì hoạt động sản xuất sẽ được gia côngở những thị trường đang phát triển như những gì chúng ta thấy ở các doanh nghiệp đầu tư FDI đầu tư vào những quốc gia Châu Á. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ở những quốc gia này cũng đã đi vào trạng thái bão hòa do nhu cầu nhà cửa và hạ tầng đã hoàn chỉnh.

Biểu đồ: Tỷ trọng vốn hóa các ngành nghề của TTCK Trung Quốc và TTCK Mỹ

       Không chỉ mức vốn hóa tập trung vào một số nhóm ngành nghề mà mức vốn hóa của thị trường chứng khoán còn tập trung vào chỉ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Thống kê cho thấy, 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường đã chiếm gần 50% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường năm 2019. Nếu chúng ta mở rộng những con số thống kê cho top 30 và top 50 thì tỷ lệ bao phủ vốn hóa toàn thị trường sẽ lên đến 70% và 80%. Tỷ lệ thống trị cao của các cổ phiếu vốn hóa lớn cho thấy chỉ số VN-Index sẽ có thể bị dẫn dắt bởi sự biến động của một vài cổ phiếu có vốn hóa lớn. Bảng bên dưới thể hiện danh sách 10 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019.

Bảng: Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất toàn thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019

       Có hai điểm chúng ta có thể lưu ý từ danh sách top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất. Thứ nhất là các cổ phiếu của tập đoàn Vingroup và các công ty con [VIC, VHM và VRE] chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá trị vốn hóa toàn thị trường. Điều đó có nghĩa là: Những biến động trong tình hình kinh doanh của tập đoàn Vingroup sẽ có thể ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng biến động chung của thị trường. Thứ hai, nhóm các cổ phiếu ngân hàng cũng thể hiện tầm ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng chung của thị trường. Tóm lại, dù có số lượng cổ phiếu niêm yết rất lớn trên ba sàn chứng khoán dựa trên quy mô của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam có mức độ tập trung rất lớn vào một số ít nhóm ngành nghề cũng như một vài cổ phiếu rất cao, qua đó làm giảm tính đại diện của chỉ số.

        Như vậy, đặc điểm cơ bản thứ ba của thị trường chứng khoán Việt Nam là mức độ tập trung về vốn hóa và thanh khoản chỉ ở một số nhóm ngành nhất định, mà cụ thể ở đây là ngành tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu. Mức độ tập trung này tạo nên sự khác biệt đối với các thị trường phát triển như Mỹ, nhưng lại rất tương đồng với các thị trường đang phát triển như Trung Quốc. Nguyên nhân, xuất phát từ cấu trúc đặc thù nền kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt so với Mỹ. Bên cạnh mức độ tập trung vào các ngành nghề cao, thì thị trường Việt Nam thậm chí còn bị ảnh hưởng bởi những cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Tính thanh khoản cao

Cổ phiếu có khả năng chuyển hóa thành tiền mặt dễ dàng. Tuy nhiên, tính thanh khoản của cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành. Thông thường, nếu tổ chức phát hành hoạt động kinh doanh có hiệu quả, trả cổ tức cao, cổ phiếu của công ty sẽ thu hút nhà đầu tư và cổ phiếu thực sự dễ mua bán trên thị trường. Ngược lại, nếu công ty làm ăn kém hiệu quả, không trả cổ tức hoặc cổ tức thấp, giá cổ phiếu của công ty sẽ giảm và khó bán. Thứ hai là mối quan hệ cung cầu trên thị trường. Thị trường cổ phiếu cũng như các loại thị trường khác đều chịu sự chi phối của quy luật cung cầu. Giá cổ phiếu trên thị trường không chỉ phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của công ty, mà còn phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của nhà đầu tư. Tuy một loại cổ phiếu rất tốt, nhưng thị trường đang bão hòa nguồn cung [nhiều hàng bán] thì cổ phiếu đó cũng khó tăng giá, thậm chí xu hướng giảm giá chung của thị trường đôi khi đánh đồng giữa cổ phiếu tốt và xấu [tất cả đều giảm và thanh khoản thấp]. Ngược lại, khi thị trường khan hiếm hàng hóa thì ngay cả những cổ phiếu chất lượng kém hơn cũng có thể bán dễ dàng với mức giá cao. Ngoài ra, các nhân tố khác như đầu cơ, móc ngoặc, lũng đoạn chứng khoán của cá nhân, tổ chức nhằm tạo ra cung cầu chứng khoán giả tạo cũng làm tính thanh khoản bị méo mó.

Tính lưu thông

Tính lưu thông khiến cổ phiếu có giá trị như một loại tài sản thực sự, nếu như tính thanh khoản giúp cho chủ sở hữu cổ phiếu chuyển cổ phiếu thành tiền mặt khi cần thiết thì tính lưu thông giúp chủ sở hữu cổ phiếu thực hiện được nhiều hoạt động như thừa kế, tặng, cho… để thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình.

Tính tư bản giả

Cổ phiếu có tính tư bản giả, tức là cổ phiếu có giá trị như tiền. Tuy nhiên, cổ phiếu không phải là tiền và nó chỉ có giá trị khi được đảm bảo bằng tiền. Mệnh giá của cổ phiếu cũng không phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu. Tuy nhiên, lưu ý rằng, với cổ phiếu phổ thông thì mệnh giá chủ yếu mang tính chất danh nghĩa do giá trị của cổ phiếu được quyết định bởi thị trường, nhưng với cổ phiếu ưu đãi thì mệnh giá gần với giá trị thực tế hơn, vì cổ tức được tính toán theo một số phần trăm nhất định của mệnh giá.

Tính rủi ro cao

Về lý thuyết, khi đã phát hành, cổ phiếu không đem lại rủi ro cho tổ chức phát hành, mà rủi ro lúc này thuộc về chủ sở hữu cổ phiếu. Nguyên nhân là giá trị của cổ phiếu do các nguyên nhân khách quan quyết định, như kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia và toàn thế giới… Hơn nữa, giá trị cổ phiếu còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý của số đông nhà đầu tư khi nắm bắt các thông tin không chính xác hay chính sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư cũng khiến cổ phiếu rủi ro hơn. Tất nhiên, rủi ro cao thường đi kèm với kỳ vọng lợi nhuận lớn và điều này tạo nên sự hấp dẫn của cổ phiếu đối với các nhà đầu tư.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội [HSSC]
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội [HSSC]

Video liên quan

Chủ Đề