Dấu tích người Việt Nam nguyên thủy được tìm thấy ở dấu

Trong đợt khảo sát tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Tuyên Quang mới đây, các nhà khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Hà Giang đã tìm thấy nơi cư trú của người nguyên thuỷ tại hang Khuổi Nấng. Hang Khuổi Nấng là một hang khá lớn nằm trên tuyến đường du lịch lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, thuộc thôn Khuổi Nấng, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê, Hà Giang. Hang nằm trên độ cao 7m so với với cốt nước cao nhất của lòng hồ.

Từ câu chuyện kho báu của người xưa

Vào những năm cuối thế kỷ 20, tại vùng rừng núi đá vôi phía Nam huyện Bắc Mê, Hà Giang, dấy lên câu chuyện về một “kho của” do người xưa chôn giấu trong một hang động bí ẩn. Dư âm câu chuyện về “kho của” khiến hầu hết các hang động ở phía Nam huyện Bắc Mê, trong đó có hang Khuổi Nấng bị đào bới, thăm dò. Có một số người dân địa phương trong khi đào bới kiếm tìm trong hang Khuổi Nấng phát hiện một số công cụ đá mài nhẵn, đẹp. Thế rồi, lòng hồ thuỷ điện dâng cao, khiến cho cảnh vật thay đổi, người ta quên dần câu chuyện về “kho báu”. Mới đây, trong đợt khảo sát tuyến du lịch lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Hà Giang đã tiến hành khảo sát địa điểm này. Các nhà khảo cổ học cho biết, dấu tích của người tiền sử tìm thấy ở mọi nơi trong hang, nhưng khu cư trú chính tập trung ở khu vực gần ngoài cửa hang.

Đoàn khảo sát đã tiến hành đào một hố thám sát rộng 2 m2 gần khu vực giữa hang. Kết quả khai quật cho thấy tầng văn hoá hang Khuổi Nấng dày từ 60 - 70 cm, nằm sâu khoảng 10cm so với bề mặt hiện tại, chia làm 2 lớp, thể hiện 2 giai đoạn văn hoá phát triển khác nhau, được tạo bởi đất á sét màu xám nhạt xen lẫn đá vụn cùng nhiều vỏ ốc, xương răng động vật và di vật khảo cổ.

Công cụ đá tìm thấy ở Khuổi Nấng. Ảnh: do Viện Khảo cổ học Việt Nam cung cấp.

Các nhà khảo cổ đã thu được hơn 40 di vật khảo cổ, chủ yếu là di vật đá, công cụ lao động: cuốc tay để đào xới đất; rìu, dao dùng để chặt, đập; công cụ nạo cắt, chày nghiền, mảnh tước. Đặc trưng nổi bật của bộ sưu tập lớp văn hoá sớm mang những nét đặc trưng cơ bản của công cụ văn hoá Hoà Bình giai đoạn muộn ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta, đã tìm thấy rìu đẽo có vai nguyên thuỷ. Trong lớp văn hoá muộn [nằm bên trên] phát hiện được rìu mài nhẵn toàn thân, thuộc hậu kỳ Đá mới. Đây là bằng chứng đầy thuyết phục về sự đổi mới mang tính cách mạng trong kỹ thuật nguyên thuỷ, từ ghè đẽo thô sơ lên kỹ thuật mài. Sự có mặt của mảnh tước minh chứng cho quá trình chế tác công cụ tại chỗ của người thời xưa. Những chiếc chày nghiền và bàn nghiền là bằng chứng sinh động về việc gia công, chế biến thức ăn từ hoa, quả và cây củ của cư dân cổ ở đây. Một số lượng lớn vỏ ốc suối tìm thấy với những dấu vết bị chặt đuôi chứng tỏ chúng là một bộ phận quan trọng trong nguồn thức ăn của người thời cổ. Xương răng động vật chủ yếu là những loài thú nhỏ, chưa bị hoá thạch. Những dấu tích than tro tìm thấy khá nhiều trong tầng văn hoá. Các nhà khảo cổ học chưa tìm thấy đồ gốm trong các tầng văn hóa.

Lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia

PGS.TS Trình Năng Chung - Trưởng đoàn khảo sát cho biết: Dựa vào kết quả nghiên cứu tổng thể các di vật khảo cổ, vào mức độ trầm tích, có thể cho rằng Khuổi Nấng là một địa điểm cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử. Lớp cư trú sớm nhất thuộc hệ thống văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn, có niên đại cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm. Lớp cư trú muộn có niên đại cách đây khoảng 4.000 năm.

 

PGS.TS Trình Năng Chung đang khảo sát địa tầng văn hoá hang Khuổi Nấng. Ảnh: do Viện Khảo cổ học Việt Nam cung cấp.

Đây là địa điểm khảo cổ học quan trọng, đóng góp những nhận thức mới vào việc nghiên cứu thời tiền sử ở Hà Giang và Việt Nam nói chung. Đặc biệt là hang nằm trên tuyến du lịch lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang. Với những giá trị lịch sử và văn hoá cao, hang Khuổi Nấng tiềm ẩn những giá trị kinh tế - văn hoá lớn cần khai thác.

Hiện nay, công việc nghiên cứu kỹ di tích vẫn đang được tiến hành, di chỉ này dự kiến sẽ được khai quật lớn trong thời gian tới. Một cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Giang cho biết sau khi khai quật, hang Khuổi Nấng sẽ được lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia và có thể trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Theo Báo Đất Việt

Phát hiện các di tích sơ kỳ đá cũ ở thị xã An Kê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: BTC

Theo các nhà khoa học, với những tư liệu thu được tại thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Di tích khảo cổ trên 1 triệu năm

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, việc khai quật, nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại đá cũ vùng thượng lưu sông Ba - tỉnh Gia Lai là chương trình hợp tác với Viện Khảo cổ dân tộc học Novosibirsk, Nga, tiến hành giai đoạn từ năm 2015 - 2019.

Đợt khảo sát này đã phát hiện thêm 2 rìu tay ở di tích Rộc Giáo và Rộc Lớn. Cùng với 2 rìu tay phát hiện trước đây ở Rộc Tưng và Gò Đá, đến nay đã có một sưu tập 4 rìu tay tiêu biểu, điển hình cho rìu tay sơ kỳ đá cũ thế giới.

Đáng chú ý nhất, đã phát hiện 11 di tích sơ kỳ đá cũ nằm xung quanh khu vực Rộc Tưng, chúng hợp thành một quần thể di tích tập trung trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, thị xã An Khê.

Kết quả sơ bộ tại thời điểm này đã hé lộ nhiều thông tin gây chấn động về nơi cư trú và chế tác công cụ đá của người nguyên thủy.

Về niên đại tuyệt đối, theo TS Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, còn đợi kết quả phân tích bằng phương pháp quang học kích thích phát quang OLS và phân tích tuổi chính của các thiên thạch. Nhưng bước đầu có thể khẳng định, các di tích khảo cổ An Khê đều nằm trên thềm cổ nhất của sông Ba, cách đây khoảng trên 1 triệu năm và tuổi các chế phẩm bằng đá do con người làm ra ở An Khê ít nhất tương đương 77 - 80 vạn năm hoặc cổ hơn thế.

TS Nguyễn Gia Đối cũng cho biết, khi phân tích, so sánh về mặt hình thái và kỹ thuật sưu tập công cụ đá ở An Khê với một số di tích sơ kỳ khác ở Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, những người tham gia khai quật, nghiên cứu của hai nước Việt - Nga đều cho rằng các chế phẩm tìm thấy ở An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn.

Tổ hợp công cụ và niên đại của di tích An Khê tương đương với giai đoạn người vượn đứng thẳng [Homo erectus] và là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.

Những phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê có thể coi là bằng chứng khẳng định thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng dân cổ cách đây khoảng trên 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Lật đổ quan điểm rìu đá xuất hiện sớm ở phương Tây

TS Nguyễn Gia Đối nêu vấn đề, trong một thời gian dài, do không có tài liệu khảo cổ học soi rọi nên đã tồn tại quan điểm đối lập về văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Theo đó, ở phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người; còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không đóng góp gì cho nhân loại.

Những phát hiện công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm này, mà còn góp phần bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.

Hào hứng với những phát hiện này, tuy nhiên, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, cho rằng nếu chỉ căn cứ vào tuổi của tectit phát hiện được phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá thì cần phải mở rộng nghiên cứu nhiều hơn nữa để tìm ra tuổi thực sự của chủ nhân của các công cụ đá cũ vừa được tìm thấy.

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu cho thấy người thời đồ đá sống ở nhiều nơi, song các di tích ở An Khê và mảnh thiên thạch niên đại 70 - 80 vạn năm sẽ thuyết phục các nhà khoa học quốc tế rằng di tích ở Việt Nam còn cổ hơn ở một số di tích thế giới đã khai quật.

Tuy nhiên, trước một số ý kiến chưa có cơ sở xác định niên đại gần 1 triệu năm, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng đây là các đánh giá ban đầu của đoàn khảo cổ và chuyên gia Nga về một số hiện vật được giám định tại Nga.

Thời gian tới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội sẽ kết hợp với tỉnh Gia Lai tiếp tục khảo cổ và lấy ý kiến các chuyên gia địa chất, lịch sử. Dự kiến, các nhà khoa học sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để làm rõ hơn những phát hiện khảo cổ học này.

Cũng tại buổi thông báo kết quả khảo cổ học này, Viện Khảo cổ học đã lên tiếng đề nghị đặc cách công nhận khu di chỉ khảo cổ học tại thị xã An Khê, Gia Lai là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Theo SGGP

Dọc theo bờ bên phải của sông Gâm thuộc hai thôn Đồng Quắc và Tân Lập [xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa] là những dãy đồi, gò cao dạng bát úp, trước đây là vùng thềm cổ sông Gâm. Tại các khu vực này, đoàn khảo sát đã phát hiện hàng chục công cụ đá trên bề mặt và dưới lòng đất. Tất cả các di vật tìm thấy được chế tác từ đá cuội sông, bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ tạo thành những công cụ hình mũi nhọn, công cụ chặt thô, nạo thô, dao cắt… Theo xác định của các nhà khoa học, những bậc thềm cổ sông Gâm, nơi chứa những hiện vật đá nêu trên có tuổi thành tạo vào thời Cánh Tân muộn, cách nay khoảng hơn 100 nghìn năm. Khi so sánh, phân tích những đặc trưng phân bố, đặc trưng di vật ở địa điểm này cùng các di tích, di vật thuộc văn hóa Sơn Vi tìm thấy ở những địa phương như: Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ, các nhà khảo cổ cho rằng giữa chúng có nhiều điểm giống nhau. Các nhà nghiên cứu xác định những di tích Đồng Quắc và Tân Lập thuộc nền văn hóa Sơn Vi, niên đại hậu kỳ Đá cũ, cách nay khoảng 20 nghìn năm. Đây là những di tích đá cũ đầu tiên tìm thấy ở Tuyên Quang.

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang Lý Mạnh Thắng chia sẻ: Khu vực này có nhiều con suối len lỏi giữa rừng chảy ra sông Gâm, chung quanh rất hiếm hang động đá vôi. Đây chính là môi trường sinh thái tốt, thường là nơi cư trú của những cư dân nguyên thủy. Có rất nhiều khả năng họ dựng lều bằng cây, lá trên đồi cao, săn bắt, hái lượm trong thung lũng hoặc những “mom” đất cao ven sông. Các công cụ lao động bằng đá là những vật chứng duy nhất còn lại minh chứng cho quá trình sinh tụ và kiếm sống của người nguyên thủy.

Cuối năm 2018, ở khu đồi lớn Đền Thượng [xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa], các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng trăm di vật đá cùng nhiều mảnh tước, hòn ghè bằng đá cuội giống với các di vật tại thôn Đồng Quắc và Tân Lập trên diện tích hơn 5.000 m2 chung quanh đỉnh đồi. Về mặt loại hình công cụ gồm có: những công cụ mũi nhọn rất thích hợp cho việc đào đất lấy củ; công cụ chặt thô, nạo thô, dao cắt dùng trong công việc săn bắt, hái lượm… Điều này cho thấy, người tiền sử đã chế tác công cụ ngay trên sườn đồi, nơi họ cư trú và tìm kiếm nguồn thức ăn dưới thung lũng và các loài thủy sinh vùng sông Gâm.

Theo nhận định của các chuyên gia trong đoàn khảo cổ, khu đồi Đền Thượng vừa là một di chỉ cư trú, vừa là một xưởng chế tác công cụ của người nguyên thủy căn cứ vào kỹ thuật chế tác và loại hình công cụ, cũng như đặc trưng phân bố của di tích và di vật. Đoàn khảo sát cũng đưa ra đánh giá ban đầu về khu di tích Đền Thượng là một dạng của di tích nền văn hóa Sơn Vi, thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá cũ, có tuổi cách nay khoảng 20 nghìn năm. Mặt khác, ở những quả đồi gần kề với khu đồi Đền Thượng, nhiều công cụ lao động bằng đá ghè đẽo cũng được tìm thấy. Có nhiều chế phẩm mang dấu ấn kỹ thuật chế tác tiến bộ hơn so với sưu tập Đền Thượng. Đó là những công cụ có hình dáng ổn định, được phân định chức năng rõ rệt như: loại rìu ngắn, rìu hình bầu dục, công cụ gần hình đĩa và được chế tác bằng kỹ thuật bổ, hoặc ghè đẽo chung quanh rìa lưỡi với bề mặt công cụ không còn vỏ cuội.

Cùng với đó, tất cả những mảnh tước ở đây rất hiếm thấy. Đây là những điểm mới và khác so với sưu tập Đền Thượng. Khi so sánh với các sưu tập đồ đá trong các di tích sơ kỳ Đá mới, tìm thấy trước đây tại vùng Na Hang [Tuyên Quang] như hang Phia Vài, hang Thẳm Hẩu, hang Nà Mạ..., cho thấy nhiều đặc điểm giống nhau. Và có thể nhận định, những công cụ do cư dân thời sơ kỳ Đá mới chế tác, thuộc nền văn hóa Hòa Bình, có niên đại từ 8.000 đến 9.000 năm. Tại hang Loong Cha [thôn Đồng Ngự, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa], các nhà khảo cổ còn tìm thấy một số công cụ: rìu mài hình tứ giác, và gốm thô trên bề mặt hang, được cho là di chỉ cư trú của cư dân thời hậu kỳ Đá mới, cách nay khoảng hơn 4.000 năm.

Theo PGS, TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trưởng đoàn khảo sát: Những phát hiện nêu trên của các nhà khảo cổ học có ý nghĩa khoa học đóng góp vào nhận thức về văn hóa thời tiền sử, chứng tỏ Chiêm Hóa là vùng đất có lịch sử, trầm tích văn hóa dày đặc không chỉ ở Tuyên Quang mà còn ở Việt Nam. Cho tới thời điểm này, hơn mười di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hòa Bình đã được phát hiện tại Tuyên Quang, chủ yếu phân bố dọc đôi bờ sông Gâm. Cũng dưới chân khu đồi Đền Thượng, nhân dân địa phương đã phát hiện nhiều vật dụng được làm bằng đồng như: rìu, mũi tên, giáo, lao kiểu đồ đồng văn hóa Đông Sơn, có niên đại hơn 2.000 năm. Đáng chú ý, khu vực di tích Đền Thượng thuộc loại hình di tích khảo cổ học ngoài trời. Đây là nơi cư trú khá liên tục của nhiều thế hệ cư dân tiền sử, từ thời Đá cũ đến thời Đá mới. Bước sang thời đại Kim khí, khu vực này có thể là một điểm cư trú khá lớn của cư dân Đông Sơn thời Hùng Vương. Đây là loại di tích còn hiếm gặp ở miền núi phía bắc nước ta. Thời gian tới, các nhà chuyên môn sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu để có những đánh giá toàn diện hơn về thời tiền sử tại khu vực này.

NINH CƠ

Video liên quan

Chủ Đề