Hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay

Thời gian qua tại tỉnh ta, công tác đánh giá cán bộ đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và cách làm, bảo đảm đúng nguyên tắc, trình tự, nội dung, thẩm quyền, công khai, khách quan; kết quả đánh giá chất lượng cán bộ ngày càng thực chất, phản ánh tương đối đầy đủ, chính xác mức độ hoàn thành nhiệm vụ, kết quả thực thi công vụ, tinh thần trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ tương xứng với kết quả hoạt động của địa phương, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý.

Tuy vậy, đánh giá cán bộ là việc làm khó, rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, do vậy việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có lúc, có việc chưa thực sự sát với yêu cầu, còn lúng túng về cách làm; công tác đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất phẩm chất, năng lực của cán bộ. 

Trong đánh giá có nơi chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ nên kết quả xếp loại cán bộ có lúc chưa sát với kết quả công tác của đơn vị. Đôi khi đánh giá cán bộ còn nặng cảm tính, xuê xoa, thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng. Đánh giá cán bộ khi đề bạt, bổ nhiệm có lúc chưa khách quan, nhấn mạnh nhiều đến ưu điểm mà ít đánh giá những khuyết điểm, hạn chế hoặc thường chỉ nêu những khuyết điểm chung chung, những biểu hiện bề ngoài. 

Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, một số ít cán bộ còn chưa dám nói thẳng, nói hết những khuyết điểm, yếu kém của mình cũng như đồng chí mình, chậm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế chế được chỉ ra sau kiểm điểm, đánh giá. 

 Nguyên nhân của thực trạng này là do nhận thức của một số cán bộ về công tác đánh giá cán bộ chưa xác định đúng mục đích, yêu cầu khi đánh giá, xếp loại cán bộ. Chỉ đạo của cấp ủy có lúc thiếu kiên quyết, tổ chức thực hiện chưa thực sự nghiêm túc; kiểm tra chưa sâu sát, cụ thể; tổng kết, rút kinh nghiệm chưa kịp thời. Về khách quan, khi nhận xét, đánh giá cán bộ chủ yếu vẫn căn cứ vào tiêu chuẩn chung; chưa phân định được thành tích hoặc hạn chế của cá nhân với tập thể dẫn đến đánh giá hoặc phân định trách nhiệm không rõ ràng, vì vậy việc phân loại cán bộ còn gặp khó khăn. 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Các cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức và cán bộ; vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa thành các quy định, kế hoạch, hướng dẫn sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với đề cao vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ trong công tác cán bộ nói chung và đánh giá cán bộ nói riêng; tăng cường kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, cách làm, từng bước khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém trong từng khâu công tác cán bộ, trước hết là đánh giá cán bộ. 

Nghiên cứu rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn của tỉnh về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ theo đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Tiếp tục đổi mới các khâu trong công tác cán bộ; thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng năm để làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ bảo đảm đúng nguyên tắc của Đảng, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. 

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nền nếp, chặt chẽ, dân chủ, khách quan việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. 

Việc đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả công việc là thước đo phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín của cán bộ. Đánh giá cán bộ phải trung thực, khách quan, công tâm, khắc phục triệt để tình trạng "dĩ hòa vi quý", nể nang, xuê xoa, né tránh, ngại va trạm; có hình thức phù hợp để động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo, hiệu quả trong công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồng thời phải thẳng thắn phê bình, nhắc nhở những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp; kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế hoặc cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác đối với cán bộ làm việc yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ. 

 Thực hiện nghiêm túc, đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm theo hướng mở rộng dân chủ đối với các chức danh lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định; gắn việc lấy phiếu tín nhiệm với đánh giá cán bộ, kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá cán bộ của cấp ủy nơi công tác và đánh giá về kết quả thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú của cán bộ.

Phối hợp chặt chẽ giữa các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong kiểm điểm, đánh giá cán bộ. Nâng cao hơn nữa hiệu quả việc theo dõi, nắm thông tin của cán bộ được phân công theo dõi địa bàn, cơ quan, đơn vị đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hiện công khai lĩnh vực công tác, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát, góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm và thông qua đó để xem xét, đánh giá cán bộ… 

Bùi Quang

Trong các khâu của công tác cán bộ, mỗi khâu có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau, thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong những năm qua, tỉnh ta đã kết hợp chặt chẽ các khâu để thực hiện công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của tỉnh. Trong đó, có thể nói, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, là căn cứ để thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ, có ảnh hưởng đến tất cả các khâu của công tác cán bộ.

Công tác đánh giá cán bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; từ đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ.

Công tác đánh giá cán bộ của tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hàng năm và khi tiến hành quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã được thực hiện theo đúng Quyết định số 286-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị và Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ; đồng thời, thực hiện nghiêm công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm theo quy định của Trung ương, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng. Nhìn chung, việc đánh giá cán bộ của tỉnh trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, sắp xếp cán bộ; qua đánh giá đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời kiện toàn bộ máy cán bộ lãnh đạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đối với người đứng đầu để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ của tỉnh trong thời gian qua vẫn là khâu yếu, còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể: Một số trường hợp đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ, thiếu những phương pháp, cách làm hiệu quả, thiếu những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng cán bộ, nên khó định lượng và khó đánh giá trong thực tế, từ đó có những trường hợp cán bộ, công chức trong quá trình công tác vi phạm khuyết điểm nhưng đánh giá cán bộ không phát hiện ra, chỉ khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra mới phát hiện. Điều này cho thấy, việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức ở những địa phương, cơ quan, đơn vị này còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thiếu khách quan, sâu sát, có biểu hiện nể nang, né tránh, sợ mất lòng hoặc không nắm chắc cán bộ, nên không phát hiện sai phạm của cán bộ.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, cần thực hiện một số nội dung sau:

- Quán triệt để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; xem đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, làm tiền đề cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, qua đó phát huy được năng lực, sở trường của mỗi cán bộ, đảng viên.

- Xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sát với từng nhóm chức danh cán bộ, từng đối tượng cán bộ cụ thể; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo. Coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, đồng thời, chú trọng việc mở rộng dân chủ rộng rãi trong Đảng và quần chúng nhân dân để giám sát trong công tác đánh giá cán bộ.

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ đối với cấp dưới. Đồng thời, sẽ xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để công tác nhận xét, đánh giá cán bộ thực hiện một cách qua loa, hình thức, nhận xét đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất.

Nguyễn Vương Duy Tân - Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Video liên quan

Chủ Đề