Hướng dẫn sử dụng solid edge dh bk hà nội

Thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội vừa cho biết, ngày 24/11/2017, nhà trường và Công ty Siemens đã ký kết Biên bản thỏa thuận ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong phát triển khoa học và công nghệ hướng tới CMCN 4.0.

Theo Biên bản thỏa thuận hợp tác mới ký kết, Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty Siemens sẽ tăng cường hợp tác phát triển Phòng thí nghiệm nhà máy số của trường.

Cụ thể, Siemens sẽ đề xuất cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội các thiết bị và phần mềm cần thiết để đào tạo CMCN 4.0 tại Phòng thí nghiệm nhà máy số; hỗ trợ triển khai các khóa đào tạo thực hành.

Đồng thời, Siemens cũng sẽ cung cấp cho Đại học Bách khoa Hà Nội các thiết bị, phần mềm tự động hóa và truyền động, bản quyền phần mềm PLM và các nội dung cần thiết khác của chương trình đào tạo CMCN 4.0 với mức chiết khấu đặc biệt.

Bên cạnh đó, Siemens sẽ phối hợp cùng Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hội thảo để cập nhật về công nghệ mới nhất và tổ chức các khóa đào tạo liên quan. Với sự hỗ trợ của Siemens, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xây dựng giáo trình đào tạo định hướng CMCN 4.0.

Đặc biệt, Siemens sẽ tài trợ miễn phí 200 bản quyền phần mềm Solid Edge 3D CAD cho ĐHBK Hà Nội với giá trị thương mại của mỗi phiên bản khoảng 30.000 USD. Phần mềm Solid Edge là một nền tảng phát triển sản phẩm trực quan để tăng cường tất cả các khâu trong việc chế tạo sản phẩm, bao gồm thiết kế 3D, mô phỏng, trực quan, chế tạo và quản lý thiết kế.

Siemens cũng sẽ hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc phát triển khóa học “Tập huấn cho giảng viên nguồn” để giúp trường duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo quốc tế trong kỷ nguyên số.

Thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho hay, nhà trường và Công ty Siemens bắt đầu hợp tác vào năm 1996, chỉ 3 năm sau ngày Công ty Siemens chính thức hiện diện tại Việt Nam. Cùng thời gian đó, Siemens đã hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập Trung tâm Đào tạo tự động hóa.

Theo đó, Công ty Siemens đã tặng trường hàng loạt thiết bị tự động hóa, nhiều phần mềm khác nhau của Siemens bao gồm SIMATIC PLC, phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm [PLM] như Tecnomatix - giải pháp số hóa đẳng cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, hay phần mềm NX - giải pháp phát triển sản phẩm kỹ thuật số toàn diện, cho đến phần mềm mô phỏng quy hoạch lưới điện [SINCAL].

Trong phát biểu tại lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Siemens, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hợp tác với Siemens - tập đoàn toàn cầu dẫn đầu về công nghệ số không chỉ sẽ giúp trường đáp ứng được tối đa nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo mà còn phù hợp với chương trình đào tạo tinh hoa hướng tới CMCN 4.0 mang tên ELITECH đang được trường triển khai. “Các sinh viên của chúng tôi sẽ nhận được lợi ích to lớn bởi những trải nghiệm thực tế với công nghệ số tiên tiến trên lớp học sẽ mang lại cho các em lợi thế đáng kể khi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất”, PGS Hoàng Minh Sơn nói.

Trước đó, như ICTnews đã thông tin, trong bài giảng về xu hướng ngành nghề trong thời đại CMCN 4.0 dành cho các học sinh THPT Hà Nội tham gia chương trình “Một ngày là sinh viên Bách khoa” được tổ chức hồi trug tuần tháng 3/2017, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh, trong thời đại CMCN 4.0, việc học không chỉ ở trên giảng đường, lớp học mà phải học mọi nơi, mọi lúc; học thông qua trải nghiệm, nghiên cứu khoa học.

Ông cũng cho rằng: “Quan niệm thế nào là người học giỏi cũng thay đổi. Các bạn có tài năng không nhất thiết phải là người học giỏi Toán, L‎ý, Hóa. Chưa chắc người học giỏi nhất trong trường là người sẽ thành công vì còn nhiều yêu cầu đòi hỏi khác như khả năng ngoại ngữ, những hiểu biết về văn hóa, xã hội, đặc biệt là tư duy sáng tạo…”.

Trong bài giảng nêu trên, PGS Hoàng Minh Sơn cũng đã lưu ý về những năng lực không thể thiếu giúp sinh viên thành công trong thời đại của CMCN 4.0: “Thị trường việc làm có thể thay đổi rất nhanh, do đó mỗi người cần phải sẵn sàng để thay đổi và thích ứng với vị trí, ngành, nghề mới. Những năng lực cần phải trang bị là kiến thức nền tảng, chuyên môn vững vàng; khả năng tự học và khả năng sáng tạo; phương pháp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp; ngoại ngữ và các kỹ năng mềm; hiểu biết văn hóa rộng, đạo đức và ứng xử trong môi trường quốc tế”.

Đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Tại Chỉ thị này, để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, một trong những giải pháp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tập trung triển khai là thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Trong đó, cùng với yêu cầu tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học [STEM], ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo phải đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.

Chủ Đề