Hướng dẫn trẻ cầm thìa

Tập dùng thìa Làm thế nào để giúp con tập xúc" là câu hỏi khiến vô số các bà mẹ trong Group Những người yêu thích phương pháp ăn dặm Baby led weaning đau đầu. Nhưng 10,000 bà mẹ thì có 10,000 cách khác nhau để hộ trợ con trong việc tập dùng thìa. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp lại những mẹo" phổ biến của các bà mẹ đã thành công trong công cuộc giúp đỡ các bé làm quen và thành thạo sử dụng thìa.

1. Xúc thìa mẹ thấy dễ ợt, sao con tập mãi vẫn không được?

Có rất nhiều mẹ gọi Ăn dặm bé chỉ huy - BLW là phương pháp ăn bốc, cũng có mẹ hỏi con em sẽ ăn bốc cả đời hay sao, khi con mới chỉ tập ăn dặm có 1-2 tháng? Xin thưa rằng, BLW không phải là ăn bốc, không chỉ quẳng cho con nắm cơm, thanh táo, lát trứng chiên rồi kệ mày làm gì thì làm. Cũng không bé nào ăn bốc cả đời cả! Bạn nên biết, động tác xúc thìa là một kĩ năng vận động tinh thực sự khó. Bởi vì nó đòi hỏi một chuỗi sự phối hợp hoạt động phức tạp của cả cơ thể:

Não nhận tín hiệu từ mắt.

Tay được não điều khiển cầm thìa để xúc được thức ăn.

Não còn phân tích quãng đường bao xa từ thìa đến miệng.

Tay phối hợp với miệng để khéo léo đưa thìa thức ăn đó vào miệng mà không rơi. [Nếu không thì thức ăn đưa đến tận nơi, miệng chẳng há ra kịp thì thức ăn trong thìa rơi ra ngoài hết mất].

Không chỉ là sự phối hợp của các bộ phận trên cơ thể, kĩ năng xúc thìa còn đòi hỏi sự dẻo dai và khéo léo của bàn tay, cổ tay và cánh tay con:

Tay con cần đủ khéo léo để cầm chắc chiếc thìa.

Cổ tay cần đủ sự linh hoạt và mềm dẻo để di chuyển chiếc thìa sao cho múc được thức ăn vào thìa.

Cánh tay cần đủ sự chắc chặn và độ dẻo dai để nhấc thìa lên đưa thìa đến gần miệng chính xác và chờ miệng há ra để đưa thức ăn vào miệng.

Đấy là cả một quá trình dài và khó khăn mà con cần phải học cũng như mẹ cũng cần phải học Kiên nhẫn nữa.


2. Thời điểm thích hợp để bé làm quen với chiếc thìa?

Có rất nhiều mẹ nghĩ rằng cho con làm quen với bát thìa từ sớm, khi bé mới tập ăn sẽ rút ngắn thời gian con biết xúc. Tuy nhiên kết quả lại ngược lại, có bé thậm chí đến vài tháng vẫn cứ thờ ơ hoặc chơi với bát thìa, chẳng chịu tập luyện gì cả, và các mẹ đâm ra nản lòng và nghĩ rằng con mình thật kém cỏi. Thật ra thì đó lại chính là sai lầm của mẹ, vì chọn sai thời điểm cho con làm quen với thìa. Trước khi tập cho bé dùng thìa, bé nên hoàn thiện kĩ năng bốc nhón đã. Tại sao? Vì khi đó kĩ năng vận động tinh của bé thực sự khéo léo hơn 1 bậc, hơn nữa, bé đã qua thời gian khám phá thức ăn nên sẽ tập trung khám phá đồ chơi mới [là bát và thìa] nên sẽ nhanh chóng nhận ra công dụng của nó hơn là khi vừa phải tìm hiểu thức ăn vừa phải tìm hiểu bát, thìa. Bé cũng ăn uống có tự chủ hơn, độ cáu kỉnh của bé giảm nhiều so với khi chưa hoàn thiện kĩ năng vận động tinh là bốc nhón để tiếp cận thức ăn, tính tập trung trong bữa ăn cũng tăng dần. [Đừng cho rằng bé thì không biết stress nhé, bé hoàn toàn có thể bị bực bội trong quá trình học và hoàn thiện các kĩ năng vận động thể chất đấy].

Hoàn thành kĩ năng bốc nhón còn có nghĩa là bé sử dụng các ngón tay khéo léo hơn, cổ tay cũng đã được rèn luyện uyển chuyển hơn thì khi chuyển sang cầm thìa bé cũng sẽ thực hiện được dễ dàng hơn. Tất nhiên nếu các mẹ muốn, thì vẫn có thể cho bé làm quen với bát thìa sớm. Tuy nhiên, thời điểm một bé 6, 7 tháng và một bé 9, 10 tháng từ lúc mới chơi với bát, thìa đến lúc nhận ra thìa dùng để làm gì hầu như là giống nhau [trung bình bé sẽ biết điều đó khi được 11 tháng trở lên]. Vậy nên, với những bé được chơi từ lúc 6, 7 tháng thì mẹ nên kiên trì hơn 1 chút và nên hiểu rõ về sự phát triển của con để tránh việc cảm thấy lo lắng, căng thẳng vì mãi [ở đây có khi chỉ là 2 tháng] mà con vẫn chẳng chịu làm gì với cái thìa.

3. Chọn thìa thế nào cho phù hợp?

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thìa dành cho các bé. Tuy nhiên, trong số đó có những loại thìa sản xuất dành cho những bé được bón thức ăn chứ không phải cho những bé tập xúc. Do đó, việc cha mẹ cần làm là xác định xem những loại thìa nào hỗ trợ bé tập xúc dễ dàng. Sau đây là những kinh nghiệm đã được tổng hợp từ những mẹ đã thành công trong việc giúp bé ăn bằng thìa.

Nên dùng thìa:

Có lòng hình tròn hoặc hoặc oval hơi tròn, đường kính khoảng 2-3 cm để bé khi bé xúc thức ăn vào thìa được dễ dàng.

Cán thìa vừa phải [ngắn hơn thìa người lớn hay ăn 1 chút] cho bé cầm không bị vương víu chiều dài khoảng 7-9cm.

Có độ sâu, để thức ăn ở trong thìa được lâu và không bị rơi vãi hết do thời gian đầu bé chưa điều khiển được thìa đúng cách rất dễ di chuyển linh tinh khuyến thức ăn rơi ra ngoài.

Làm bằng gỗ, inox hoặc nhựa an toàn cho bé, độ nặng vừa phải sao cho người lớn cầm lên thấy hơi nhẹ hơn một chút là được.

Các loại thìa khuyên dùng: Thìa nhựa Thái Lan. Thìa nhựa Ikea. Thìa inox Vietnam Airlines [loại hay dùng để ăn phở]. Thìa inox Munchkin. Thìa gỗ,...

Không nên dùng thìa:

Có lòng hình bầu dục quá dài do ban đầu lực tay bé còn yếu, xúc những loại thìa này khả năng thành công sẽ không cao, bé rất dễ cáu và [có thể] nản chí nữa.

Quá nhỏ.

Quá nông, sẽ làm thức ăn bé xúc được thời gian đầu vương vãi hết ra ngoài do tay bé chưa khéo. Hệ quả là bé sẽ bực bội khi không có thức ăn trong thìa.

Cán quá dài, bé cầm sẽ rất vướng víu nhất là lúc đưa lên miệng.

Làm bằng silicon hay nhựa mềm vì những loại này quá mềm, bé cầm không giỏi sẽ không có cảm giác chắc tay và cũng khó để xúc thức ăn vào thìa.

4. Quá trình bé tập sử dụng thìa

Ban đầu khi mẹ đưa cho bé chiếc thìa và cái bát cùng với thức ăn đựng trong bát, bé sẽ nghĩ rằng mẹ đưa cho bé đồ chơi mới vì thế bé say mê khám phá thứ đồ đó bằng mọi phương tiện. Bé cho vào mồm gặm để xem xem món đồ chơi mới này có thể ăn được không, chất liệu của nó có giống như những gì bé đã từng gặm hay không hoặc đơn giản là bé đang ngứa răng, gặm vào thích quá. Bé cũng sẽ vất thức ăn ở trong bát đi vì bé nghĩ rằng thức ăn đó làm vướng víu quá trình chơi với đồ chơi của bé và cũng là do bé đã khám phá thức ăn rồi. Bé cũng sẽ vất thìa và cũng có thể là vất bát đi nhằm phục vụ cho công cuộc thử nghiệm khoa học của bé.

Rất nhiều cha mẹ hiểu nhầm những hành vi trên của con là chống đối nhưng thực tế thì đa số các bé tầm tuổi này làm thế để khám phá hơn là để trái ý cha mẹ. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên tỏ thái độ ủng hộ, khuyến khích hành động đó của bé, cũng không nên la mắng bé quá nặng nề, trước sau như một, hãy luôn luôn chỉ cho bé 1 cách rõ ràng và nghiêm túc rằng thìa, bát thức ăn dùng để làm gì, nên để ở đâu và hành động vứt đồ là không nên. Nếu thực hiện rõ ràng ngay từ đầu thì khi đến độ tuổi bé biết về nguyên nhân hệ quả, bạn sẽ không phải mất thời gian sửa thói quen xấu cho bé nữa.

Quá trình khám phá thông thường mất từ 1-3 tháng tính từ mốc bé bốc nhón thành thạo. Sau khi hoàn thành khóa học khám phá và sau khi quan sát cách người lớn sử dụng thìa thì bé sẽ dần dần nhận ra vai trò của chiếc thìa và cái bát. Lúc này bạn sẽ thấy bé loay hoay bắt chước người lớn xúc đồ ăn. Ban đầu, bé sẽ rất vụng về và hay cáu vì làm mãi mà không được. Bé sẽ phản ứng bằng cách vất thìa, vất đồ ăn, khóc lóc đòi ra khỏi ghế hoặc lơ luôn cái thìa, chỉ ăn bốc. Quá trình này thông thường mất từ 2-5 tháng. Đây là thời điểm, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc hỗ trợ và khuyến khích bé tập xúc. Nên nhớ rằng, bé cần hội tụ đủ các kĩ năng về sự phối hợp, sự khéo léo, sự dẻo dai và thể lực thì mới có thể cầm thìa xúc thức ăn cho nên thời điểm này, có thể bé đã hiểu được dùng thìa để làm gì nhưng do chưa chuẩn bị đủ các yếu tố nên có những bé sẽ tạm thời ngưng việc luyện tập lại, quay trở về bốc thức ăn, rèn luyện thêm cho đến lúc sẵn sàng. Vì thế cha mẹ cần kiên trì và không nên thúc ép bé.

Sau thời gian vụng về ban đầu thì rồi bé cũng đã biết và chịu dùng thìa xúc đồ ăn dù vẫn còn 8 phần ra, 2 phần vào. Nhưng ở thời điểm này, thường thì các bé sẽ thiên về xúc một dạng thức ăn [như lỏng, sệt, khô, nát, dẻo] mà bé cho là dễ xúc hơn cả sau đó khi xúc giỏi dạng đó thì bé mới chuyển sang luyện xúc dạng thức ăn khác. Quá trình này thông thường mất tới 3-5 tháng. [ví dụ bạn Nhím xúc cơm từ 1 tuổi nhưng đến 15 tháng mới biết xúc canh, trong khi bạn Sâu biết xúc sữa chua từ 11 tháng nhưng mãi 17 tháng mới biết xúc cơm]. Vai trò của bố mẹ vẫn rất quan trọng.

Lưu ý: Theo như tài liệu nước ngoài thì có những bé đến tận 1.5 hoặc 2 tuổi mới tỏ ra có hứng thú với chiếc thìa. Nhưng một khi có hứng thú rồi thì các bé đó lại tập xúc rất nhanh chóng và khéo léo. Vì vậy, nếu con bạn đến tận 14, 15 tháng vẫn thờ ơ với chiếc thìa thì cũng đừng lo lắng quá, có thể các bé là những bông hoa nở muộn đó ạ.

5. Tổng hợp những kinh nghiệm hỗ trợ bé dùng thìa

Trong thời gian cho bé làm quen với thìa, cha mẹ cũng nên dùng thìa để ăn cơm. Mục đích là giúp bé nhận ra cách sử dụng thìa và để bé bắt chước làm theo. [Các con rất thích bắt chước các hành động của người lớn mà].

Mẹ có thể chuẩn bị sẵn 4-5 chiếc nĩa hoặc thìa các loại khác nhau để xem bé thích và dễ dùng chiếc thìa nào.

Với các bé thích dùng nĩa. "Mặc dù hầu hết bố mẹ cho bé bắt đầu sử dụng muỗng trước nhưng nhiều bé lại thấy bắt đầu sử dụng nĩa dễ hơn. Tốt nhất là nên sử dụng muỗng cùng với bát và thức ăn dạng lỏng. Sử dụng muỗng để lấy thức ăn trên đĩa có thể khó khăn, và cũng rất khó để giữ yên thức ăn trên muỗng trong khi bạn đưa vào miệng. Sử dụng nĩa để lấy thức ăn thì dễ hơn muỗng rất nhiều vì đâm thức ăn dễ hơn xúc, và thức ăn sẽ ở yên trên nĩa ngay cả khi nó bị quay lộn ngược. Vì thế lúc đầu sử dụng nĩa dễ hơn muỗng. Bạn có thể chọn cho bé loại nĩa nhỏ, răng nĩa không quá dày để bé có thể đâm thức ăn, cũng không chọn răng nĩa quá mỏng hoặc nhọn sẽ gây nguy hiểm cho bé".

Ban đầu, mẹ có thể xiên viên thức ăn vào nĩa, như tôm bóc vỏ, thịt viên, giò, xúc xích, xoài, dưa hấu [cách làm xúc xích tham khảo tại trang. Bé sẽ học cách đút nĩa xiên sẵn thức ăn vào miệng.Các loại nĩa cho bé thời kì này là:

Nĩa hoa quả: ưu điểm, rẻ,tiện, và dễ xiên thức ăn, chọn đầu nĩa tù.

Nĩa đầu tròn: an toàn khi bé còn chưa thực sự khéo léo, nhược điểm là đầu nĩa không nhọn, nên để bé tự tập xiên hơi khó.

Với các bé không thích dùng nĩa. Mẹ có thể để sẵn thức ăn ở trong thìa cho bé đưa lên miệng. Ưu tiên các loại thức ăn bám chắc vào lòng thìa như cháo đặc, cơm dẻo, xôi trắng,... Hoặc đơn giản hơn là cho bé tự do xoay sở. Dần dà, khi bé khéo hơn mẹ có thể cho bé cầm các loại thìa nĩa khác nhau, thêm thực đơn đa dạng từ thức ăn đặt sẵn trên thìa, tới được để trong bát, rồi cho bé xúc thứ lỏng như soup, cháo, nước sốt, canh hoặc cho bé tự chọn thìa, nĩa của mình, cùng mẹ dọn bàn ăn khi tới bữa ăn để bé thêm hào hứng và chứng tỏ mình quan trọng.

Lưu ý: Có những bé biết xúc đồ sệt, lỏng trước đồ khô trong khi có những bé lại ngược lại. Nên ban đầu, mỗi bữa ăn mẹ có thể chuẩn bị thức ăn ở các dạng khác nhau để xem bé ưu tiên tập với dạng nào thì sau đó mẹ sẽ ưu tiên cho bé tập với những dạng đó nhiều hơn.

Thức ăn dạng dẻo, dính khó rơi vãi nhưng lại khó xúc vào thìa. Nên nếu mẹ chọn cách xúc sẵn cho con thì sau khi bé đã biết đưa thức ăn lên miệng rồi thì mẹ nên tránh để bé tập xúc với dạng này vì dễ làm bé cáu vì mãi thức ăn không rơi vào thìa.

Mẹ nên khen ngợi bé, với mỗi 1 thìa xúc thành công vào miệng, kể cả khi bé rớt ra ngoài cũng đừng mắng mỏ bé, ngoài ra mẹ cũng có thể nhờ bé xúc cho mẹ, bé rất thích thú việc này. Nên nhớ, kiên trì và tin tưởng ở bé là nguyên tắc chủ đạo giúp mẹ và bé tập xúc nói riêng cũng như theo đuổi một phương pháp nào đó nói chung đạt tới thành công. Như vậy, thay vì sốt ruột, bạn nên chờ đợi và khen ngợi bé ngay khi có thể, thời gian đầu bé sẽ vứt thìa đi, gặm cán thìa, hay cầm thìa khua khoắng bởi với bé thìa vẫn là 1 đồ chơi lạ lẫm, bạn có thể tập lại cho bé vào thời gian sau, muộn nhất là trước 18 tháng, nếu bé chưa sẵn sàng hoặc kích thích sự tò mò, ham muốn thử thách của bé khi thấy mẹ tự xúc ăn một cách rất ngon miệng trước mắt, bé dần dà sẽ hiểu thìa là một công cụ giúp mình tiếp cận thức ăn. Ngoài giờ ăn, mẹ và bé có thể chơi trò tập xúc này với búp bê. Dùng đồ chơi đồ hàng là bát, thìa nhựa, giả vờ như bạn đang xúc thức ăn từ bát rồi đưa vào miệng cho bé. Sau đó, hướng bé lặp lại động tác này với mẹ, hoặc với búp bê.

Giai đoạn tập gắp: truyền thống ăn của người Việt là dùng đôi đũa, vì vậy rồi cũng tới lúc bé thích thú với việc gắp đồ ăn như bố mẹ, lúc này bạn chuẩn bị sẵn cho bé đôi đũa gỗ, tránh dùng đũa trơn như nhựa, inox vì thức ăn dễ trượt. Ban đầu bạn cho bé tập gắp với phở, nui, miến, dạng sợ dài, sau đó cho bé tập tới các viên, mẩu thức ăn bé dần hơn.

Với bé lớn đã quen được mẹ xúc và mới làm quen phương pháp BLW, mẹ càng cần phải kiên nhẫn, nên cho bé ngồi chung bàn ăn với cả nhà, không ăn rong và coi bé như một cá thể độc lập. Hãy khuyến khích bé thể hiện sự tự lập của mình qua động tác xúc ăn ở bữa cơm, và hãy để bé đói một chút, nếu có thể. Ở độ tuổi nhận thức được, bạn hãy cho bé cùng đi chợ, cùng vào bếp nhặt rau, rửa hoa quả giả vờhỏi bé xem món trứng yêu thích của bé phải chế biến như nào để mềm dễ xúc, bạn có thể lồng ghép các câu chuyện mang tính chất giáo dục: nhờ bé giải thích tại sao con chim lớn rồi được bay nhảy tự do kiếm mồi, mà không cần mẹ mớm. Vì cả đời, chả con chim nào cần mẹ mớm cho mãi cả.

Tránh việc sửa tư thế khi cầm thìa cho con hay cầm tay con để xúc thìa rồi đưa lên miệng vì đa số các bé thích tự làm hơn là bị điều khiển nên nếu cha mẹ cứ cố ép con làm theo ý mình, rất có thể bé sẽ phản kháng bằng cách "nghỉ chơi" bạn thià. Chấp nhận sự bừa bộn và bẩn thỉu.

6. Các món ăn bổ trợ cho việc tập xúc dễ dàng

Các món lỏng, sệt: Canh, sữa, nước lọc, nước hoa quả, cháo đặc, súp, sữa chua, cơm chan canh [không khuyến khích], sinh tố,...

Các món khô: Cơm rang, xôi vò, cốm, ngũ cốc ăn sáng, thịt băm/xay xào khô, trứng bác, tép rang/xào, ngô xào.

Video liên quan

Chủ Đề