Nâng cao hiệu quả phát hiện xử lý tham nhũng

21/10/2015 | 8833

Tham luận của Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XII, nhiệm kỳ 2015-2020.

 Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra và thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng [PCTN] và đạt những kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đạt được kết quả nêu trên là có sự đóng góp rất quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo việc tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ những quan điểm, chủ trương, đường lối, quy định về PCTN; trong tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN. Thể hiện trên một số mặt công tác chính sau:

 1. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN: Thời gian quacác cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc tham mưu, đề xuất cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về PCTN như: Nghị quyết Trung ương 3 [khóa X] “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI] “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 [khóa XI] về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 [khóa X]; Chỉ thị 33-CT/TW, ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”.

Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về PCTN, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN, như: Luật PCTN; Bộ luật hình sự [sửa đổi]; Bộ luật tố tụng hình sự [sửa đổi]; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Chiến lược quốc gia về PCTN; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 [khóa XI]; nhiều Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành hướng dẫn và triển khai thực hiện Luật PCTN[[1]]; các bộ, ngành và địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực được giao, góp phần PCTN; xây dựng, ban hành các quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác PCTN.

 2. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng:Trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị[[2]]; cải cách hành chính và đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn[[3]]; thực hiện quy tắc ứng xử và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức[[4]]; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách[[5]]; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức[[6]]. Nhiều giải pháp đã mang lại kết quả tích cực, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

3. Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng

Các cấp ủy, tổ chức đảng cũng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng: Năm 2013, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố 275 vụ/601 bị can; truy tố 293 vụ/675 bị can về các tội tham nhũng; xét xử sơ thẩm 271 vụ/566 bị cáo về tội tham nhũng. Trong 11 tháng của năm 2014, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố 263 vụ án/499 bị can; truy tố 307 vụ án/700 bị can; xét xử sơ thẩm 232 vụ án/531 bị cáo. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố 99 vụ/ 248 bị can; truy tố 129 vụ/ 286 bị can; xét xử sơ thẩm 120 vụ/ 248 bị cáo.

Để giúp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất đưa một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Đến nay, tổng số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là 15 vụ án và 02 vụ việc; Ban Nội chính Trung ương đang theo dõi, đôn đốc việc xử lý 17 vụ án, 03 vụ việc­; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 41 vụ án, 28 vụ việc.

4. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tham mưu cho cấp ủy Đảng về công tác PCTN

4.1. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo:Ngay sau khi Bộ Chính trị có Quyết định về việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương triển khai những công việc cần thiết để sớm ổn định tổ chức và hoạt động. Ban Nội chính Trung ương đã tích cực thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị nội dung, phục vụ các Phiên họp của Ban Chỉ đạo và Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo; chủ trì xây dựng và giúp Ban Chỉ đạo triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”; Đề án “Sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; ban hành Hướng dẫn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương; triển khai các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013 và 2014 v.v... Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, vị thế, vai trò của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo từng bước được khẳng định, dư luận xã hội đánh giá tích cực.

4.2. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy: Thực hiện Quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, 63 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đến nay, tổ chức, biên chế của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã cơ bản ổn định, đã tích cực triển khai các hoạt động như: tham mưu, đề xuất tỉnh ủy, thành ủy ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN; lựa chọn, tham mưu, đề xuất đưa các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; chủ trì, phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát công tác PCTN đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; chủ trì, tham gia thẩm định các Đề án, văn bản quan trọng của tỉnh về nội chính và PCTN; tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan nội chính; phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố trong công tác nội chính và PCTN; tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Trung ương v.v... Mặc dù mới được thành lập, nhưng các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác PCTN của địa phương.

5. Đánh giá chung

Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các quan điểm, chủ trương, đường lối, quy định về PCTN; lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các quy định về PCTN; góp phần làm cho công tác PCTN có những chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động; trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Kết quả trên khẳng định quyết tâm cũng như khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong PCTN.

Tuy nhiên, với tinh thần nghiêm túc và thẳng thắn cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác PCTN thời gian qua vẫn còn những hạn chế, thể hiện: Kết quả công tác PCTN vẫn chưa tương xứng với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước; công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN chưa đầy đủ, nên xã hội chưa thấy hết được ý nghĩa, kết quả tích cực của công tác PCTN; công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế - xã hội; các cơ chế chính sách còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn nhiều bất cập trong thực hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; việc tự phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật; nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội v.v…

Nguyên nhân của những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác PCTN là do: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN chưa được quan tâm thường xuyên; năng lực chuyên môn, tinh thần gương mẫu, tích cực, đi đầu trong PCTN của một số đảng viên chưa cao; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn chưa được quan tâm đúng mức; không ít cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý; chưa có cơ chế, biện pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, có biểu hiện thoái hóa, biến chất, tiêu cực v.v...

  6. Kiến nghị một số giải pháp

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác PCTN, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là,tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu; tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong PCTN.

Hai là, quan tâm thực hiện công tác xây dựng đảng, cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ. Thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ; kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và không kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản của cán bộ công chức; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, của cấp ủy, tổ chức đảng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các quy định về PCTN; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có sai phạm. Chủ đông phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bốn là,các cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu phải thực sự coi PCTN là một công tác trọng tâm của công tác xây dựng Đảng; lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức làm công tác tham mưu trong lĩnh vực PCTN.

Năm là, tiếp tục kiện toàn về tổ chức, biên chế các cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước về PCTN. Bộ máy các cơ quan tham mưu về PCTN phải gồm những cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các cơ chế, chính sách giúp nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Sáu là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan chức năng trong PCTN; phát hiện, tố giác những hành vi tham nhũng./.


[[1]] Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN; Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thông tư quy định chi tiếthướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cácquan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN; Thông tư liên tịch quy định việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng v.v...

[[2]]Năm 2013 các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.605 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện 118cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm. Năm 2014 các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 6.016 cuộc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã phát hiện 105 cơ quan, tổ chức, đơn vị có sai phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra 3.519 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 23 đơn vị vi phạm.

[[3]] Năm 2013 các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành mới 2.719 văn bản, sửa đổi, bổ sung 1.962văn bản và huỷ bỏ 209văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành hơn 4.000cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 188vụ việc vi phạm. Năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành mới 3.090 văn bản; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 1.359 văn bản quy định về các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 9.284 cuộc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; phát hiện 183 vụ việc, 91 người có sai phạm; đã xử lý kỷ luật 55 người, xử lý hình sự 01 người; kiến nghị thu hồi, bồi thường 181 tỷ đồng. 

[[4]] Năm 2013 các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 4.392cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm tại 70 cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác 32.427cán bộ, công chức. Năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 4.431 cuộc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, phát hiện 293 trường hợp có sai phạm; chuyển đổi vị trí công tác được 18.717 cán bộ, công chức, viên chức. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 2.987 cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác 8.649 cán bộ, côngchức, viên chức.

[[5]] Năm 2013 các bộ, ngành, địa phương đã xử lý trách nhiệm 111 trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do để xảy ra tham nhũng. Năm 2014, các bộ, ngành, địa phương xử lý 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Trong 6 tháng đầu năm 2015, 18 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, đã xử lý kỷ luật 11 người.

[[6]] Năm 2012 có 113.436 người kê khai lần đầu [đạt tỷ lệ 97,9%]; 519.320 người kê khai bổ sung [đạt tỷ lệ 98,6%]; có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác. Năm 2013là 944.425 người kê khai, trên tổng số 952.178 người phải kê khai. Số bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai theo quy định là 914.245 bản. Năm 2014 là 995.383 người kê khai [đạt tỷ lệ 99,6%]; số bản kê khai đã công khai năm 2014 là 979.296 bản [đạt tỷ lệ 98,4%]; có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

Còn tiếp...

Ban Biên tập

Đáng quan tâm

Các bài viết khác

Chủ Đề