Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn trong dạy học

Mục lục bài viết

  • 1. Phạm trù thực tiễn
  • 2. Phạm trù lý luận
  • 3. Thực tiễn là cơ sở, là động lực, là mục đích và tiêu chuẩn của lý luận
  • 4. Lý luận phải được vận dụng vào thực tiễn, tiếp tục bổ sung và phát triển trong thực tiễn
  • 5. Ý nghĩa phương pháp luận nguyên tắc giữa lý luận với thực tiễn hiện nay

1. Phạm trù thực tiễn

Vấn đề thực tiễn trong triết học trước Mác.

- Đa số các nhà triết học duy vật trước Mác chưa có quan điểm đúng đắn về thực tiễn, chưa đặt ra vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, mà chỉ nêu vai trò của thực nghiệm khoa học, do vậy chưa thấy vai trò của thực tiễn đối với nhận thức nói chung, với lý luận nói riêng. Đó là những nguyên nhân chủ yếu lý giải chủ nghĩa duy vật trước Mác đã không làm sáng tỏ được vai trò năng động, sáng tạo và tính tích cực của tư duy con người. Bêcơn là nhà triết học đầu tiên nhận thấy vai trò của thực nghiệm trong quá trình nhận thức, hình thành tri thức khoa học; theo đó nhận thức phải xuất phát từ giới tự nhiên và thực nghiệm để tìm ra mối quan hệ nhân - quả, phát hiện và kiểm tra chân lý. Phoiơbắc coi thực tiễn là hoạt động của con người, nhưng chỉ coi hoạt động lý luận là hoạt động đích thực của con người. Khuyết điểm chủ yếu của các nhà triết học duy vật trước Mác trong vấn đề thực tiễn là sự vật, hiện thực, cái cảm giác được, chỉ được nhận thức trong hình thức khách thể hay hình thức trực quan chứ không được coi là hoạt động cảm giác của con người, của thực tiễn. Tuy vậy, quan điểm về vai trò của thực nghiệm khoa học trong quá trình nhận thức, trong sự hình thành tri thức khoa học vẫn là một trong những tiền đề cho quan niệm về thực tiễn trong triết học Mác.

- Các nhà triết học duy tâm, tuy thấy được mặt năng động của tư duy, nhưng lại tuyệt đối hoá vai trò của nó, làm cho tư duy trở nên thần bí. Hêghen cho rằng, bằng thực tiễn, chủ thể tự nhân đôi mình, đối tượng hoá bản thân mình trong quan hệ với thế giới bên ngoài và tuy đó không phải là hoạt động vật chất của con người mà của ý niệm tuyệt đối nhưng vẫn là ý tưởng sâu sắc về thực tiễn.

Phạm trù thực tiễn trong triết học Mác - Lênin.

- Tính chất của thực tiễn:Thực tiễn là hoạt động vật chất, có tính lịch sử - cụ thể; có tính xã hội; có tính tất yếu; phong phú và đa dạng.

- Các hình thức thực tiễn cơ bản:Để hiểu được vai trò của thực tiễn đối với nhận thức nói chung, lý luận nói riêng, cần phải thấy thực tiễn là phương thức đầu tiên và chủ yếu của mối quan hệ giữa con người và thế giới xung quanh, là phương thức tồn tại của con người và xã hội loài người. Các hình thức thực tiễn cơ bản là hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động chính trị xã hội; hoạt động thực nghiệm khoa học và một số lĩnh vực của thực tiễn như hoạt động giáo dục, nghệ thuật, y tế v.v, trong đó hoạt động sản xuất vật chất là hình thức cơ bản, quy định các hình thức và lĩnh vực còn lại.

2. Phạm trù lý luận

Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, con người tự làm ra lịch sử của mình bằng hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới hiện thực chứ không phải bắt đầu từ những lý luận nào đó. Đó cũng là cách hiểu về vai trò của hoạt động thực tiễn như là điểm xuất phát của quan niệm duy vật về lịch sử, của lý luận duy vật biện chứng về nhận thức.

- Nguồn gốc của lý luận:Lý luận hình thành nhờ quá trình nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận do các thế hệ trước để lại.

+ Nhận thức kinh nghiệm được hình thành nhờ quá trình quan sát những diễn biến xẩy ra của các sự vật, hiện tượng. Nhận thức kinh nghiệm gồm tri thức kinh nghiệm thông thường, là tri thức có được nhờ hoạt động hàng ngày giúp con người giải quyết những vấn đề đơn giản, cụ thể; còn tri thức kinh nghiệm khoa học là tri thức thu được nhờ tri thức kinh nghiệm thông thường và tri thức thu được trong quá trình thực nghiệm khoa học, loại tri thức này là tiên đề trực tiếp để hình thành lý luận khoa học.

+ Nhận thức lý luận được hình thành nhờ tri thức kinh nghiệm khoa học và lý luận do các thế hệ trước để lại.

- Các cấp độ lý luận:Lý luận ngành và lý luận triết học

+ Lý luận ngành là lý luận khái quát những quy luật hình thành và phát triển của một ngành; có vai trò là cơ sở lý luận để sáng tạo, đông thời là phương pháp luận của ngành đó [lý luận văn học, nghệ thuật v.v].

+ Lý luận triết học là hệ thống những quan niệm chung nhất về thế giới, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới ấy, đồng thời là thế giới quan và phương pháp luận của hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.

- Các chức năng cơ bản của lý luận:Chức năng phản ánh hiện thực khách quan và chức năng phương pháp luận cho hoạt động thực tiễn.

+ Chức năng phản ánh hiện thực khách quan của lý luận thể hiện qua những quy luật chung nhất.

+ Chức năng phương pháp luận cho hoạt động thực tiễn [xem phương pháp luận].

Dưới đây sẽ là những nguyên tắc cơ bản của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với tực tiễn.

3. Thực tiễn là cơ sở, là động lực, là mục đích và tiêu chuẩn của lý luận

Đúng vậy, thực tiễn là cơ sở, là động lực, là mục đích và tiêu chuẩn của lý luận; lý luận hình thành, phát triển phải xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

Thực tiễn là cơ sở của lý luận.

- Thực tiễn là cơ sở của nhận thức là do nhu cầu của hoạt động thực tiễn buộc con người phải nhận thức thế giới.

- Thực tiễn là cơ sở của nhận thức là vì nhờ hoạt động thực tiễn, các giác quan và bộ não của con người không ngừng được hoàn thiện và phát triển, tạo ra năng lực tư duy trừu tượng ngày càng cao.

- Thực tiễn là cơ sở của nhận thức là vì nhờ thông qua lao động, thực tiễn trang bị cho con người công cụ, phương tiện nhận thức ngày càng tinh vi hơn, giúp con người đẩy nhanh quá trình tìm hiểu bản chất sự vật, hiện tượng, mở rộng tầm bao quát những quá trình đang diễn ra trong thế giới.

Thực tiễn là động lực của lý luận.

- Hoạt động thực tiễn là nguồn gốc để con người hoàn thiện mình và hoàn thiện các mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội.

- Hoạt động thực tiễn tạo cơ sở để con người khái quát tri thức thành lý luận, làm lý luận phản ánh hiện thực ngày càng đầy đủ, phong phú và sâu sắc hơn.

- Nhờ vậy, thực tiễn thúc đẩy sự hình thành khoa học lý luận.

Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý của lý luận.

- Tính chân lý của lý luận là sự phản ánh phù hợp của lý luận với hiện thực khách quan mà nó phản ánh và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Giá trị của lý luận phải được thực tiễn chứng minh.

- Không phải mọi thực tiễn đều là tiêu chuẩn của lý luận, bởi thực tiễn cũng vận động, phát triển và chuyển hoá. Nếu lý luận chỉ phản ánh một trong những giai đoạn nào đó của thực tiễn, thì lý luận chỉ mới chỉ là tương đối; chỉ có những lý luận nào phản ánh được thực tiễn trong tính toàn vẹn của nó mới đạt đến chân lý.

4. Lý luận phải được vận dụng vào thực tiễn, tiếp tục bổ sung và phát triển trong thực tiễn

Khi thực tiễn phải được chỉ đạo bởi lý luận; ngược lại, lý luận phải được vận dụng vào thực tiễn, tiếp tục bổ sung và phát triển trong thực tiễn

Lý luận có khả năng soi đường cho thực tiễn bằng các chức năng định hướng mục đích; xác định lực lượng, phương pháp và biện pháp thực hiện mục đích; cụ thể:

- Lý luận định hướng mục đích. Ban đầu, hoạt động chỉ để đáp ứng nhu cầu tồn tại và thông qua đó, khái quát thành lý luận; về sau hoạt động muốn có hiệu quả cần có lý luận soi đường, hoạt động từ bản năng chuyển sang tự giác.

- Lý luận có khả năng xác định lực lượng, phương pháp và biện pháp thực hiện mục đích.

- Lý luận dự báo khả năng phát triển, những khả năng có thể xẩy ra trong quá trình hoạt động, bởi vậy lý luận không những giúp hoạt động hiệu quả, mà còn là cơ sở để khắc phục những hạn chế và tăng cường năng lực hoạt động của con người.

Lý luận có vai trò giác ngộ mục tiêu, lý tưởng; liên kết các cá nhân thành cộng đồng, tạo ra sức mạnh trong cải tạo tự nhiên, xã hội.

Lý luận phải trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm trong thực tiễn và tiếp tục bổ sung, phát triển trong thực tiễn; chống lý luận suông và sự lạc hậu của lý luận so với thực tiễn.

5. Ý nghĩa phương pháp luận nguyên tắc giữa lý luận với thực tiễn hiện nay

Lý luận phải luôn bám sát thực tiễn; phản ánh được yêu cầu của thực tiễn; khái quát được những kinh nghiệm của thực tiễn, cụ thể:

- Thực tiễn luôn vận động, phát triển và biến đổi nên nhận thức phải bám sát để phản ánh quá trình đó; so sánh, đối chiếu, phân tích để chọn lọc những thực tiễn có tính quy luật làm cơ sở cho quá trình hình thành lý luận.

- Lý luận phải khái quát được kinh nghiệm của nhân loại; tổng kết được thực tiễn mới có tính khoa học và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Hoạt động thực tiễn phải lấy lý luận chỉ đạo; khi vận dụng lý luận phải phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể

- Lý luận là sự tổng kết thực tiễn và là mục đích cho hoạt động thực tiễn tiếp theo.

- Lý luận phản ánh thực tiễn trong dạng quy luật nên lý luận có khả năng trở thành phương pháp luận cho thực tiễn.

Khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều

Bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều là những biểu hiện khác nhau của sự vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn.

- Bệnh kinh nghiệm, nguyên nhân và con đường khắc phục. Bệnh kinh nghiệm xuất hiện do tuyệt đối hoá những kinh nghiệm đã có và áp dụng chúng vào hiện tại mặc đù điều kiện đã thay đổi. Muốn khắc phục bệnh này, cần quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, luôn bám sát thực tiễn, nâng cao trình độ lý luận; bổ sung, vận dụng lý luận phù hợp với thực tiễn.

- Bệnh giáo điều, nguyên nhân và con đường khắc phục. Bệnh giáo điều xuất hiện do nắm lý luận còn nông cạn, tuyệt đối hoá lý luận, vận dụng máy móc những kiến thức đã có trong sách vở mà coi nhẹ kinh nghiệm. Muốn khắc phục bệnh này, cần quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, luôn gắn lý luận với thực tiễn, kiểm tra lý luận trong thực tiễn và phát triển lý luận cùng với sự phát triển của thực tiễn.

[MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.]

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê [Sưu tầm và biên tập].

Video liên quan

Chủ Đề