Phong trào phụ nữ Ba đảm đang ra đời khí nào

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Từ nhận thức và đánh giá đúng đắn đó, trong mối quan tâm, chăm lo chung của Người tới các phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, có sự quan tâm nhất mực tới phong trào thi đua của phụ nữ Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” – phong trào do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, trở thành một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, có tác dụng to lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bác Hồ thăm Nhà máy dệt 8-3 năm 1965

Trước khi ra đời phong trào “Ba đảm đang”, hòa chung với khí thế thi đua của cả nước, phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ Thủ đô đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phụ nữ Thủ đô luôn thấm nhuần sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như trong bài phát biểu của Người tại buổi tiếp đại biểu nhân dân Hà Nội: “Nhân dân Thủ đô có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng yêu nước nồng nàn, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày càng thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước” .

Dù bận trăm công nghìn việc, ngày 19/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị phụ nữ lao động tích cực Thủ đô lần thứ nhất. Tại đây Người căn dặn: “Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất Tổ quốc, Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tích thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ, bán đắt”, tệ “mặc cả, nói thách”. Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc.”  Người còn khẳng định đây là hội nghị lao động tích cực, có giác ngộ nên mới tích cực lao động, khai hội về chị em phải tích cực hơn nữa, giúp cho những người chưa tích cực cố gắng hơn để có thêm nhiều người tích cực.

Ngày 8/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai. Thay mặt Đảng, Chính phủ Người khen ngợi thành tích của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng. Người nói: “Phụ nữ trí thức cũng đã góp nhiều công trong phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, trong việc xây dựng các vườn trẻ, lớp mẫu giáo và trong các ngành nghề khác. Việc tổ chức vườn trẻ, lớp mẫu giáo rất đáng khen. Trong phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa, chị em  buôn bán nhỏ đã tổ chức lại, đi vào con đường hợp tác và sửa đổi cách làm ăn buôn bản như thực thà, không lấy lãi, khiêm tốn phục vụ khách hàng, rất đáng khen. Chị em tư sản tự mình tiếp thu và khuyên chồng tiếp thu cải tạo và đi vào con đường công tư hợp doanh. Phụ nữ ta còn tham gia nhiều việc khác như lao động xây công viên Bẩy Mẫu, tham gia Tết trồng cây…”. Tại hội nghị Người cũng đặt ra vấn đề là số phụ nữ giữ cương vị ở các ngành còn ít, Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, bản thân phụ nữ phải cố gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước, giác ngộ xã hội chủ nghĩa và hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”.

Từ năm 1964, khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến lớn miền Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” , với khí thế cách mạng to lớn, lớp lớp thanh niên tình nguyện lên đường ra mặt trận với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng vạn phụ nữ tình nguyện đảm nhiệm “việc nước, việc nhà” để chồng, con yên tâm ra trận. Trong không khí sục sôi thi đua chống Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày toàn quốc chống Mỹ, ngày 18/3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trên cơ sở phong trào khởi phát ở huyện Đan Phượng, Hà Tây [nay là Hà Nội] đã thảo luận kỹ và đề xuất với Trung ương Đảng tổ chức cuộc vận động phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Phụ nữ đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu; Phụ nữ đảm nhiệm việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội; Phụ nữ đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.

Đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được Trung ương Đảng đồng ý. Ngày 22/3/1965, Ban thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới phong trào của chị em phụ nữ và Người chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Tuy chỉ thay đổi một chữ nhưng đã phản ánh được đúng bản chất của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó, phù hợp với truyền thống của phụ nữ Việt Nam và càng tăng thêm sức mạnh động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ. Không chỉ đặt tên, sửa tên cho phong trào mà ngay từ khi phong trào mới ra đời, trong “Lời kêu gọi nhân ngày 20-7” năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”.

Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ đủ các tầng lớp, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, từ nông thôn tới thành thị, từ miền xuôi đến miền núi; biến tiềm năng cách mạng của phụ nữ thành hiện thực sinh động, thành nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngay sau khi phát động, từ tháng 3 đến tháng 6-1965, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện “Ba đảm đang”. Phong trào “Ba đảm đang” được phụ nữ Thủ đô hưởng ứng sôi nổi và mạnh mẽ, bởi nơi đây là khởi nguồn của phong trào và phụ nữ Thủ đô quyết tâm đi đầu gương mẫu cho phụ nữ cả nước như mong muốn, tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để kịp thời động viên phong trào, chiều ngày 2-12-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Hà Nội. Người đã trực tiếp trao huy hiệu của Người cho những phụ nữ có nhiều thành tích trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô. Phát biểu tại Đại hội, Người nói: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta. Thi đua với phụ nữ miền Nam là đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh. Khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược” .

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, phụ nữ Thủ đô đã không quản ngày đêm và bom đạn của kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong sản xuất nông nghiệp, với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí” các nữ nông dân Thủ đô vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu với khí thế“tay cày, tay súng” đưa Hà Nội đứng thứ hai miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, góp phần cùng cả nước hoàn thành khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến miền Nam. Chị em phụ nữ nông thôn sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, đạt kiện tướng chăn nuôi, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị là chủ nhiệm giỏi. Hàng vạn nữ viên chức Thủ đô đã phấn đấu “giỏi một việc, biết nhiều việc” hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp với khẩu hiệu thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, những nữ công nhân Thủ đô “tay búa, tay súng” đã sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nhiều chị liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều năm liền. Phong trào cũng đã huy động đông đảo lực lượng phụ nữ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phát huy truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” nhiều phụ nữ tham gia lực lượng dân quân tự về, đội viên dân phòng, chị em đã chuyên cần luyện tập, kiên cường chiến đấu cùng lực lượng phòng không quốc gia bắn rơi nhiều máy bay Mỹ  bảo vệ bầu trời Thủ đô. Riêng năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần gửi thư khen ngợi quân và dân Hà Nội vào ngày 7/5/1967, ngày 27/10/1967 và ngày 7/11/1967 vì đã đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, bảo vệ trị an tốt và làm tốt công tác phòng không nhân dân, trừng trị thích đáng bước leo thang mới của giặc Mỹ, xứng đáng là Thủ đô anh hùng. Trong thành tích đó có sự đóng góp của chị em phụ nữ Thủ đô.

Luôn dõi theo phong trào thi đua “Ba đảm đang” của phụ nữ nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên, gửi thư khen, tặng thưởng huy hiệu, tổ chức gặp gỡ các mẹ, các chị, các nữ dân quân, du kích bắn rơi máy bay Mỹ… Nhiều phụ nữ có thành tích trong phong trào đã được Bác gửi tặng huy hiệu của Người. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số hơn 100 phụ nữ cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu thì có khoảng hơn 50 phụ nữ Thủ đô được Bác tặng huy hiệu.

Tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ngày 19/10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Phong trào “năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân”.

Trong phong trào chống Mỹ cứu nước, ở miền Nam có nhiều chị em rất anh hùng. Như các cô Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Vân và nhiều cô khác. Ở miền Bắc có mười phụ nữ công, nông, binh được tuyên dương anh hùng; 723 phụ nữ trong các ngành đã có thành tích đặc biệt và được Bác thưởng huy hiệu”. Những thành tích đó của Phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng với 12 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khen tặng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang, chống Mỹ cứu nước”.

55 năm đã đi qua, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô cùng với phụ nữ cả nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nhưng những giá trị tinh thần và hiệu quả to lớn của phong trào vẫn giữ nguyên giá trị và trở thành truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa tinh thần “Ba đảm đang”, ngày nay cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ êô đã và đang phấn đấu rèn luyện các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đóng góp tích cực, trách nhiệm, nhiệt huyết vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và sự nghiệp bình đẳng giới. Từ đó, góp phần xây dựng Thủ đô ngàn năm tuổi, văn hóa, hòa bình, anh hùng, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trong thời đại mới.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dương 

Trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Video liên quan

Chủ Đề