Phương pháp thực nghiệm trong xã hội học

Nguồn://persephone247.wordpress.com/2015/07/10/cac-buoc-nghien-cuu-xa-hoi-hoc-thuc-nghiem-van-dung-trong-nghien-cuu-truyen-thong-dai-chung-va-cong-chung/

Những vấn đề của truyền thông đại chúng và công chúng là đối tượng nghiên cứu quan trọng của lĩnh vực xã hội học truyền thông đại chúng. Hoạt động của hệ thống truyền thông đại chúng luôn chịu sự tác động từ hai phía, phía thứ nhất là các thiết chế xã hội mà phương tiện đó là công cụ và phía thứ hai là công chúng. Bài viết này nhằm bước đầu tìm hiểu và xác lập một số bước cơ bản trong nghiên cứu xã hội học thực nghiệm vận dụng cho nghiên cứu truyền thông đại chúng và công chúng – lĩnh vực nghiên cứu được nhiều người quan tâm. Từ đó người viết mạnh dạn đề xuất một số hướng để thực hiện nghiên cứu xã hội học truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.

MỞ ĐẦU

Trong vài thập niên gần đây, truyền thông đại chúng đem đến những vai trò to lớn trong xã hội hiện đại. Cùng với sự phát triển vượt bậc về mặt kỹ thuật- công nghệ, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng truyền tải thông tin một cách rộng rãi, nhanh chóng kịp thời và thể hiện những ưu thế nổi trội trong quá trình tương tác với công chúng. Truyền thông đại chúng là một trong ba loại quá trình truyền thông xét theo quy mô và tính chất của một bên là phát và truyền tin với một bên là nhận và phản hồi thông tin. Thuật ngữ “truyền thông đại chúng” hay “công chúng” ngày nay thường được nhắc đến một cách rộng rãi, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu từ các ngành khoa học khác nhau trong đó có xã hội học.

Tiếp cận truyền thông đại chúng từ góc độ xã hội học là một trong những lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu truyền thông hiện nay. Trong khả năng hạn hẹp, người viết mong muốn bước đầu xác lập một số khái niệm, các bước nghiên cứu thực nghiệm cơ bản ở lĩnh vực này. Từ việc cố gắng xác lập một số lý thuyết về các bước nghiên cứu xã hội học thực nghiệm, người viết sẽ tiến hành vận dụng cho nghiên cứu về truyền thông đại chúng và công chúng, từ đó đề xuất một số hướng nghiên cứu về truyền thông đại chúng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

  1. CÁC BƯỚC CƠ BẢN TRONG NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC THỰC NGHIỆM

Trong xã hội học, tri thức thực nghiệm được thực hiện bằng các cuộc điều tra thực tế. Đó là phương tiện chủ yếu để thu thập các tài liệu cần thiết cho sự phân tích lý luận về mọi biểu hiện phức tạp của đời sống, nhằm đề xuất và hoàn thiện những quyết định, quản lý các quá trình xã hội.

Tài liệu do các cuộc điều tra xã hội học thực nghiệm thu được không phải là những tài liệu tùy tiện. Nó bám sát yêu cầu của xã hội học với tính cách một ngành khoa học, nghĩa là nó phù hợp với một trình độ nhất định của lý luận xã hội học chung và với lý luận xã hội học chuyên ngành.

Bằng cách cung cấp những tài liệu kinh nghiệm cần thiết nhằm vào một chủ đề xã hội học nhất định, những công trình xã hội học thực nghiệm nghiên cứu các hiện tượng xã hội và phân tích các hiện tượng ấy để tìm ra nguyên nhân và xu hướng phát triển của nó.

Điều tra thực tế, phân tích cụ thể các tình huống cụ thể là nhiệm vụ thường xuyên của những nhà nghiên cứu hay những cá nhân tập thể đang hoạt động trong lĩnh vực này cũng như những ngành liên quan. Nó giữ một vị trí hợp lý trong hệ thống các cấp độ nghiên cứu xã hội học, đồng thời phục vụ có hiệu quả cho mỗi lĩnh vực nghiên cứu nói riêng, xã hội nói chung ngày càng phát triển hoàn thiện hơn.

Để đạt được kết quả nghiên cứu chính xác, hiệu quả cao, người nghiên cứu phải trải qua 4 bước cơ bản khi tiến hành nghiên cứu xã hội học thực nghiệm [1].

Bước thứ nhất đó là xác định mục tiêu nghiên cứu. Trong bước này người nghiên cứu phải trả lời những câu hỏi như: nghiên cứu cái gì và bằng cách nào. Mục đích nghiên cứu là những kiến thức cần thu được qua các thông tin, xuất  phát từ nhận thức, lý thuyết và thực nghiệm. Nó hướng dẫn việc tìm kiếm kết quả của nghiên cứu xã hội học thực nghiệm về một chủ đề nào đó. Tên của đề tài được đặt ra chính xác khi xác định cụ thể vấn đề được nghiên cứu với các nội dung cụ thể để triển khai mục đích nghiên cứu.

Để xác định mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu phải làm rõ các nhóm vấn đề cần nghiên cứu. Bước này tiến hành như sau: Tìm hiểu tư liệu, xem xét những kết quả đã thu được trong lĩnh vực cần nghiên cứu. Người nghiên cứu không chỉ tìm hiểu những vấn đề này trên khía cạnh kinh nghiệm mà còn phải tiếp cận vấn đề theo một hệ thống nhất định. Đây là bước nghiên cứu có tính chất khoa học. Người nghiên cứu cần coi trọng việc trao đổi ý kiến với những người làm công tác thực tế để có những nhận định ban đầu về hiện trạng của vấn đề. Sau khi tìm hiểu các nhóm vấn đề cụ thể thì mới hình thành hệ thống các vấn đề cần nghiên cứu, qua đó giúp nhà xã hội học phát huy khả năng sáng tạo của mình. Nếu vấn đề đặt ra có nhiều khía cạnh thì phải phân loại ra thành những vấn đề chính phụ. Làm tốt việc phân loại sẽ tạo điều kiện  thuận lợi cho xử lý kết quả.

Bước thứ hai, khi tiến hành nghiên cứu xã hội học thực nghiệm cần phân biệt đối tượng nghiên cứu và khách thể nghiên cứu. Khách thể là các lĩnh vực xã hội trong đó diễn ra các hoạt động xã hội, có thể là những hiện tượng xã hội hay một bộ phận cấu thành các quan hệ xã hội trong toàn bộ xã hội. Trong nghiên cứu có thể đề cập đến một tập hợp cá thể chính là khách thể nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu có thể là một trong nhiều yếu tố của khách thể. Tính chất của khách thể đặt ra những vấn đề mà các nghiên cứu thực nghiệm xã hội học dựa trên cơ sở lý thuyết xã hội học cần giải quyết, đó chính là tên đề tài cần nghiên cứu. Nhiệm vụ của nghiên cứu trả lời cho câu hỏi: nghiên cứu vì mục đích gì. Mục đích của đối tượng được triển khai ở những nhiệm vụ cụ thể là những khía cạnh, những biểu hiện trong khách thể nghiên cứu.

Từ việc xác định nhiệm vụ mục đích nghiên cứu, sẽ tiến hành xây dựng giả thuyết nghiên cứu. Giả thuyết nghiên cứu là những dự định hay tình huống mà ta sẽ đối chiếu vào việc nghiên cứu. Giả thuyết cho ta một khái niệm tương đối hoàn chỉnh về các hiện tượng của những vấn đề xã hội cũng như những khách thể cần nghiên cứu, hoặc cho ta những ý niệm về thực tiễn, về xu hướng phát triển có tính chất quy luật của khách thể. Giả thuyết được xây dựng nên bằng kiến thức lý luận và thực tiễn kết hợp với khả năng suy đoán của nhà nghiên cứu. Yêu cầu căn bản là sau khi nghiên cứu xong phải xem giả thiết nghiên cứu có đúng không, có nghĩa là giả thiết có tương đối hoàn chỉnh về cơ bản có phù hợp một phần hay không phù hợp với nghiên cứu thực tế thu được.

Sau khi xây dựng giả thiết nghiên cứu thì ta tiến hành xây dựng mô hình nghiên cứu. Mô hình lý thuyết là một hệ thống có kết cấu đồng nhất với kết cấu của khách thể nghiên cứu. Có nhiều loại mô hình lý thuyết như: mô hình tiếng, mô hình thể hiện bằng hình vẽ, mô hình thể hiện bằng bảng, mô hình bằng đồ thị hay mô hình thể hiện bằng thống kê toán. Ví dụ, đối với  nghiên cứu xã hội học thực nghiệm cho truyền thông đại chúng và công chúng, ta cần đọc kỹ lý thuyết về mô hình truyền thông ; lý thuyết xã hội học truyền thông đại chúng cùng với các hệ thống khác trong lý thuyết nghiên cứu và cụ thể hóa nó xét trên thực tế.

Sau khi xác định mô hình lý thuyết thì tiến hành định nghĩa các khái niệm nghiên cứu. Các khái niệm nghiên cứu chính là sự cụ thể hóa các tính chất trọng tâm của lý thuyết.

Bước thứ ba đó là bước tiến hành định nghĩa các khái niệm, thao tác hóa các khái niệm. Sau khi trình bày các khái niệm người nghiên cứu phải làm thao tác các khái niệm. Cách làm này gọi là thao tác hóa các khái niệm thành chỉ báo để đo lường trong nghiên cứu xã hội học thực nghiệm về truyền thông đại chúng. Trong điều tra công chúng, thao tác hóa các khái niệm thành chỉ báo chính là bước đầu tiên để điều tra công chúng.

Bước thứ tư, sau khi thao tác hóa các khái niệm ta tiếp tục lựa chọn phương pháp nghiên cứu. Việc lựa chọn các phương pháp nghiên cứu sau khi trình bày các sơ đồ lý thuyết và các khái niệm nghĩa là các phương pháp nghiên cứu phải phù hợp với những nội dung lý thuyết đặt ra. Có nhiều phương pháp nghiên cứu như: nghiên cứu định lượng [được thực hiện bằng bảng hỏi], nghiên cứu định tính [thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm, phân tích văn bản, phương pháp quan sát…]

Các phương pháp nghiên cứu được giới thiệu một cách khái lược trên đây mỗi phương pháp đều có ưu điểm, nhược điểm riêng. Người nghiên cứu cần phải khắc phục các khuyết điểm và để hỗ trợ cho việc nghiên cứu thì thường phối hợp các phương pháp khác với nhau, không nên tuyệt đối hóa ưu thế của một phương pháp nào. Sau khi đã trình bày các phương pháp thực hiện trong nghiên cứu thì phải tuân thủ một cách chặt chẽ các nguyên tắc để thực hiện phương pháp đó.

Sau khi hoàn chỉnh các bước cơ bản trên đây ta đã xác lập được chương trình cho một cuộc nghiên cứu xã hội học thực nghiệm và cũng là cơ sở để tiến hành và điều tra thu thập thông tin trong thực tế.

  1. VẬN DỤNG CHO NGHIÊN CỨU TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG VÀ CÔNG CHÚNG

3.1. Lịch sử nghiên cứu truyền thông đại chúng

Việc nghiên cứu về lĩnh vực truyền thông đại chúng đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học xã hội, đặc biệt là các nhà xã hội học trên thế giới. Các công trình nghiên cứu về truyền thông đại chúng đã được bắt đầu tiến hành từ đầu thế kỷ XX, với cột mốc đáng quan tâm là những chiến dịch tuyên truyền của Hitler trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ năm 1933 trở đi [2] . Còn trong công trình “Bùng nổ truyền thông – sự ra đời một ý thức hệ mới”, các tác giả đã nhận định rằng “trong thập kỷ 40 các kỹ thuật truyền thông lại chịu một ngọn roi quất mạnh để chúng chồm lên, khiến cho người ta có thể nói đến một sự  bùng nổ thật sự của truyền thông.”[3]

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về truyền thông đại chúng và công chúng từ những năm 1930 đến nay bởi nhiều ngành khoa học xã hội. Ở lĩnh vực xã hội học, truyền thông đại chúng được nghiên cứu như một quá trình xã hội, làm sáng tỏ mối liên hệ giữa truyền thông đại chúng và xã hội. Silbermann cho rằng, xã hội học về truyền thông đại chúng là bộ môn chuyên phân tích về hiện tượng truyền thông đại chúng và ý nghĩa của truyền thông đại chúng đối với cuộc sống của xã hội [4].

Các lĩnh vực nghiên cứu truyền thông trên thế giới gắn với các quan điểm nghiên cứu khác nhau qua bốn giai đoạn chính.[5]

Giai đoạn một bắt đầu từ thế kỷ XX đến cuối thập niên 30 của thế kỉ trước. Vào giai đoạn này những người thuộc trường phái Frankfurt của Đức cho rằng truyền thông đại chúng đặc biệt ở Mỹ đã biến các cá nhân thành những khối đại chúng, làm tan rã những khối xã hội truyền thống. Lập luận của Frankfurt là họ tiêu xài xã hội như thế nào thì sản phẩm xã hội như thế. Câu hỏi lớn được đặt ra cho giới nghiên cứu lúc bấy giờ là vai trò và tầm quan trọng của truyền thông đại chúng đối với xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu trong giai đoạn này thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm để chứng minh khả năng tác động trực tiếp của truyền thông đến công chúng [Laswell, 1927; Hovland et. al., 1953]. Hiệu ứng của truyền thông trong giai đoạn này được xem như “mũi kim tiêm” hoặc “viên đạn thần kỳ”, nghĩa là có sức mạnh vạn năng trong việc tác động đến nhận thức và hành vi của khán thính giả. Người ta có một cái nhìn bi quan về truyền thông đại chúng vì các phương tiện này tạo nên một xã hội giống nhau đặc biệt ở đô thị và công nghiệp.

Giai đoạn thứ hai từ năm 40 đến 60 của thế kỉ trước, người ta đưa ra những đánh giá bớt bi quan hơn về truyền thông đại chúng. Người ta cho rằng truyền thông địa chúng ít tác dụng trong các cuộc vận động cử tri, và truyền thông đại chúng không tác dụng hoàn toàn theo “mũi kim tiêm” mà tác động gián tiếp thông qua nhiều bước trung gian trong đó bước trung gian đóng vai trò là máy lọc hay những người hướng dẫn dư luận.

Giai đoạn ba từ những năm 60 của thế kỉ XIX cho đến hết thế kỉ XX, người ta không chỉ nghiên cứu công chúng mà còn mở rộng sang phân tích thông điệp, phân tích quá trình truyền thông, nghiên cứu bản thân các nhà truyền thông như nguồn gốc xã hội của các nhà truyền thông, tính chất xã hội của các nhà truyền thông. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu truyền thông trong thế kỷ XX cũng quan tâm đến việc tìm hiểu hoạt động của các hãng truyền thông nói riêng và ngành công nghiệp truyền thông nói chung. Theo McDowell [2005], những nghiên cứu này bao gồm nghiên cứu về ngành công nghiệp âm nhạc [Burnett, 1996; Negus, 1999], ngành công nghiệp truyền hình [Gershon, 1997; Sinclair, Jacka & Cunningham, 1996], ngành công nghiệp phim ảnh [Hoskin, McFayden, Finn, 1997; Wasko, 1994], viễn thông [Mansell, 1993].

Giai đoạn thứ 4 bắt đầu từ đầu thế kỉ XXI cho đến nay với sự xuất hiện của internet, truyền thông không còn là vấn đề của từng địa phương mà trở thành một trong các yếu tố quan trọng của quá trình toàn cầu hóa. Sự tiến bộ của công nghệ điện tử đã tạo cho thế giới một ngôi nhà chung, các kênh truyền, mạng xã hội tạo nên một cuộc cách mạng về thông tin báo chí – một không gian báo chí mà trước đó chưa bao giờ có. Bản thân quá trình toàn cầu hóa cũng tác động một cách sâu rộng đến truyền thông. Cùng với những công nghệ mới, nhiều học giả đưa ra giả thiết truyền thông tự sẽ tự quản lý chính mình chứ không còn chịu sự chi phối của luật pháp từng quốc gia nữa. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu về truyền thông đề xuất đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng kiến trúc của công nghệ nhằm phát triển thông tin vì cả lợi ích kinh tế lẫn xã hội. Đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động mang tính toàn cầu như vận động dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động, an toàn hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật công nghệ truyền thông mới…

Ở Việt Nam, tình hình nghiên cứu về truyền thông của các nhà xã hội học, trong đó có thể kể đến các nghiên cứu về xã hội học truyền thông của tác giả Mai Quỳnh Nam như: Đề tài NCKH 2006 – Mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và công chúng trong điều kiện hiện nay, Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội, Tạp chí XHH số 1, 1996, Về vấn đề nghiên cứu hiệu quả của truyền thông đại chúng, tạp chí XHH số 4 năm 2001, Báo thiếu nhi dân tộc và công chúng thiếu nhi dân tộc, tạp chí XHH số 4 năm 2002, Truyền thông và phát triển nông thôn,Tạp chí XHH số 4 năm 2003…; các công trình của tác giả Trần Hữu Quang như: Chân dung công chúng truyền thông [qua khảo sát xã hội học tại TPHCM], 2001; Xã hội học báo chí, 2006.

Quá trình truyền thông đại chúng là một quá trình xã hội đặc thù bao gồm ba thành tố là: Hoạt động truyền thông; các nhà truyền thông; và công chúng độc giả hoặc khán thính giả. Chính ba thành tố này cũng trở thành đối tượng và khách thể nghiên cứu nói chung cho các ngành khoa học nghiên cứu về lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên, ngành xã hội học ở Việt Nam đã có những bước tiến khi xác lập những lĩnh vực nghiên cứu chính của bộ môn xã hội học truyền thông đại chúng bao gồm ba nội dung trên và thêm nội dung thứ tư là nghiên cứu về các tác động xã hội của truyền thông đại chúng.[6]

3.2. Vận dụng nghiên cứu xã hội học thực nghiệm cho truyền thông đại chúng và công chúng

Xã hội học truyền thông đại chúng được nghiên cứu như một quá trình xã hội. Các phương tiện truyền thông đại chúng được phân tích như một thiết chế xã hội. Nhiệm vụ của ngành xã hội học là làm sáng tỏ mối liên hệ giữa truyền thông đại chúng và xã hội [tác động của truyền thông đại chúng với xã hội như thế nào và ngược lại].

Những đối tượng nghiên cứu của xã hội học truyền thông đại chúng bao gồm:

  • Nghiên cứu các tổ chức và các nhà truyền thông
  • Phân tích nội dung các thông điệp truyền thông
  • Nghiên cứu công chúng
  • Nghiên cứu tác động xã hội của truyền thông đại chúng [truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; truyền thông đại chúng và xã hội hóa cá nhân]

Thứ nhất, nghiên cứu về các nhà truyền thông cũng là một đối tượng của xã hội học truyền thông đại chúng. Đối tượng này gồm 4 nhóm: những người lãnh đạo, quản lý, điều hành; những người sáng tạo; nhà báo; các kỹ thuật viên. Thực ra thì phần lớn các công trình điều tra thực nghiệm trong lĩnh vực này đều được tiến hành ở giới nhà báo [kể cả báo in lẫn truyền hình và phát thanh], vì nhóm này chính là đội ngũ nòng cốt trong hoạt động thông tin đại chúng.

Trong lịch sử nghiên cứu xã hội học về giới truyền thông, lúc đầu người ta tập trung khái niệm các nhà truyền thông, về những đặc điểm cá nhân và xã hội của họ. Song về sau, trên cơ sở nhận thức rằng hoạt động truyền thông đại chúng là lao động tập thể cho nên người ta chưa nghĩ đến cơ cấu xã hội vốn là yếu tố bao trùm lên lĩnh vực truyền thông.

Có ba hướng chính để nghiên cứu người làm truyền thông. Đó là: nguồn gốc xã hội, nguồn gốc đào tạo; sản phẩm truyền thông đại chúng là kết quả của lao động tập thể cho nên ngừơi nghiên cứu vừa phân tích hoạt động của cá nhân trong tập thể và tác động của tập thể với cá nhân trong truyền thông đại chúng; nghiên cứu tính chất của lao động trong hoạt động truyền thông, cơ cấu tổ chức của hoạt động truyền thông.

Thứ hai, về lĩnh vực nghiên cứu về nội dung truyền thông, đó là hoạt động nghiên cứu tất cả những thông điệp [văn tự hay phi văn tự] xuất hiện trên truyền thông đại chúng. Nghiên cứu nội dung truyền thông là một hướng rất bổ ích cho thấy nhiều mặt của đời sống xã hội và cả sự biến đổi của xã hội vào từng thời kỳ nhất định. Việc nghiên cứu nội dung truyền thông được thực hiện bằng phương pháp phân tích nội dung. Phương pháp này được thực hiện theo hướng định lượng hoặc định tính hoặc kết hợp cả hai cách. Người nghiên cứu phân biết rõ phương pháp phân tích nội dung thực nghiệm và phương pháp phân tích nội dung tín hiệu học. Mục đích của việc phân tích nội dung của một văn bản nào đó là nhằm tìm hiểu sâu xa hơn về động cơ, ý định của tác giả trong thông điệp của họ mang tới cho công chúng, có nghĩa là người nghiên cứu cần định lượng hóa các chỉ tiêu trong văn bản [trên giấy in, những thước phim truyền hình, những ảnh trên báo chí…]. Để làm được những định lượng hóa, người nghiên cứu cần xác định được hệ thống khái niệm và từ khóa rồi lấy đó làm cơ sở cho việc phân tích nói trên. Việc phân tích nội dung cần dựa theo những nguyên tắc chính xác, xác định rõ khái niệm để bảo đảm rằng những nhà nghiên cứu khác nhau tiến hành phân tích nội dung một loại thông điệp giống nhau trong một thời gian cùng xuất hiện trong một kênh nào đó mang đến những kết quả giống nhau.

Phân tích nội dung được áp dụng rộng rãi trên các kênh của truyền thông đại chúng, tất nhiên việc áp dụng phương pháp này trên các kênh cần dựa trên sự nhận thức với đặc điểm của từng kênh tức là cách cung cấp thông điệp trên từng kênh cụ thể. Vì vậy đặc điểm của từng kênh được trở thành dấu hiệu căn bản cho sự phân tích.

Thứ ba, về nghiên cứu công chúng truyền thông. Ở Việt Nam hiện nay, các hướng nghiên cứu thường tập trung ở nghiên cứu công chúng, ảnh hưởng xã hội của truyền thông đại chúng đến công chúng. Nghiên cứu công chúng là lĩnh vực cơ bản, xuyên suốt trong quá trình phát triển của xã hội học truyền thông đại chúng trong 4 giai đoạn nghiên cứu truyền thông đại chúng.

Khi nghiên cứu thực nghiệm về công chúng, bước đầu tiên người nghiên cứu cần xác định rõ mục tiêu nghiên cứu. Đó là làm rõ những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và công chúng, tác động của truyền thông đại chúng đối với công chúng, với các thiết chế xã hội và ngược lại.

Bước tiếp theo, khi tiến hành nghiên cứu xã hội học thực nghiệm cần phân biệt đối tượng nghiên cứu và khách thể nghiên cứu. Khách thể nghiên cứu ở đây chính là tập hợp công chúng nói chung, và đối tượng nghiên cứu có thể là một trong nhiều yếu tố của công chúng [như hành vi, cách thức tiếp nhận…] của công chúng.

Sau khi xây dựng giả thiết nghiên cứu thì ta tiến hành xây dựng mô hình nghiên cứu. Đối với  nghiên cứu xã hội học thực nghiệm cho truyền thông đại chúng và công chúng, ta cần đọc kỹ lý thuyết về mô hình truyền thông; lý thuyết xã hội học truyền thông đại chúng; lý thuyết về công chúng truyền thông cùng với các hệ thống khác trong lý thuyết nghiên cứu và cụ thể hóa nó xét trên thực tế.

Sau khi xác định mô hình lý thuyết thì tiến hành định nghĩa các khái niệm, thao tác hóa các khái niệm trở thành chỉ báo để đo lường trong nghiên cứu xã hội học thực nghiệm về truyền thông đại chúng. Với điều tra công chúng, thao tác hóa các khái niệm thành chỉ báo chính là bước đầu tiên để điều tra công chúng.

Chúng ta cần coi công chúng như một tập hợp xã hội rộng lớn được tạo thành bởi nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đang sống trong những quan hệ xã hội nhất định, tức là đặt họ trong bối cảnh xã hội, trong các điều kiện sống cũng như trong mối quan hệ cụ thể của họ. Người nghiên cứu cần nhấn mạnh nhiều đến bối cảnh xã hội của công chúng trong quá trình truyền thông đại chúng, dù nhận thấy rằng phần lớn công chúng là nặc danh trong mắt các nhà truyền thông nhưng các nhà truyền thông và các nhà nghiên cứu lại cố gắng chỉ ra các đặc điểm chung trong các hoạt động giao tiếp đại chúng của họ, có nghĩa là những người cùng chung một bối cảnh xã hội, có chung những điều kiện của bối cảnh xã hội, các giá trị và các chuẩn mực chung và các tương đồng xã hội khác như: giới tính; độ tuổi; học vấn; điều kiện gia đình… thì vẫn có những đặc điểm chung trong giao tiếp.

Những dấu hiệu đầu tiên để điều tra công chúng là các đặc điểm khái niệm nhân khẩu xã hội [giới tính, văn hóa, điều kiện xã đình, trình độ học vấn, việc làm, nghề nghiệp, thị hiếu, quan hệ xã hội của công chúng].

Sau đó người nghiên cứu tiến hành khảo sát cách thức đọc báo, nghe đài, xem truyền hình của công chúng, tìm những phản ứng, ý kiến thái độ của họ đối với các kênh, chuyên mục, thông điệp truyền thông.

Người nghiên cứu cần đi sâu hơn nữa vào việc lý giải sự khác biệt giữa các giới, các tầng lớp xã hội khác nhau trong việc và tiếp nhận nội dung thông điệp của tờ báo, đài phát thanh hay truyền hình.

Trước đây người ta quan tâm nhiều đến cách ứng xử của công chúng với các phương tiện truyền thông. Về sau người ta kết nối các ứng xử của họ với cơ cấu xã hội tức là đặt ứng xử của công chúng vào bối cảnh xã hội của họ [nông thôn hay đô thị, trình độ học vấn, văn hóa, nghề nghiệp như thế nào…]. Đồng thời hiện nay những nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến thị hiếu của công chúng như là một yếu tố quan trọng trong khi tiến hành nghiên cứu.

Sau khi thao tác hóa các khái niệm liên quan đến các hướng nghiên cứu truyền thông đại chúng và công chúng, ta tiếp tục lựa chọn phương pháp nghiên cứu. Việc lựa chọn các phương pháp nghiên cứu sau khi trình bày các sơ đồ lý thuyết và các khái niệm nghĩa là các phương pháp nghiên cứu phải phù hợp với những nội dung lý thuyết đặt ra. Có nhiều phương pháp nghiên cứu như: nghiên cứu định lượng [được thực hiện bằng bảng hỏi], nghiên cứu định tính [ thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm, phân tích văn bản, phương pháp quan sát…]. Cũng có những lúc cần kết hợp giữa nhiều phương pháp nghiên cứu để đem đến kết quả chính xác hơn. Mỗi phương pháp đều có những đặc trưng và ưu thế riêng, tuy nhiên không nên tuyệt đối hóa bất kỳ một phương pháp nào trong hoạt động nghiên cứu thực nghiệm mà nên vận dụng và kết hợp nhiều phương pháp để đạt kết quả chính xác.

Các hướng nghiên cứu nói trên cần được xem xét trong sự tương tác với các thiết chế truyền thông đại chúng vì các thiết chế này được coi là nơi cung cấp thông tin để nói cho công chúng biết. Thiết chế truyền thông đại chúng vừa mang những tính chất chung của thiết chế xã hội vừa mang những đặc điểm riêng gắn với truyền thông đại chúng. Khi nghiên cứu thiết chế truyền thông cần chú ý đến những đặc điểm của nó:

1] Sản xuất và phân phối tin tức, tạo ra các kênh để các thành viên trong xã hội giao lưu kết nối với nhau

2] Mang đặc điểm điển hình- hoạt động trong lĩnh vực công cộng, mở rộng cho mọi người không hạn chế ai, tạo nên một không gian công cộng. [Ví dụ với công chúng thì thiết chế mở này chủ yếu tác động đến công chúng vào thời gian rỗi]

3] Các phương tiện truyền thông đại chúng chịu sự chi phối và chế định của pháp luật theo nhiều cách khác nhau

Trên đây là các bước cơ bản cho một cuộc điều tra xã hội học thực nghiệm. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và đề tài nghiên cứu mà các bước thực hiện sẽ có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên các nghiên cứu truyền thông nào cũng đều phải dựa trên bốn bước – được xem là cơ bản như trên trong quá trình nghiên cứu xã hội học thực nghiệm.

3.3. Những hạn chế còn tồn tại trong nghiên cứu xã hội học thực nghiệm về truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay

Tri thức thực nghiệm là một đòi hỏi tất yếu trong nghiên cứu xã hội học, người làm nghiên cứu xã hội học phải dựa trên cơ sở các thực chứng, nắm vững lý thuyết chuyên ngành và các lý thuyết chung về xã hội học. Các nghiên cứu thực chứng đóng một vai trò rất quan trong và nghiên cứu xã hội học cho phép các nhà nghiên cứu có thể đánh giá được khái niệm, điều chỉnh hệ thống lý luận và sự “vận động” của lý thuyết vào những thời điểm nghiên cứu nhất định [các biến đổi xã hội sẽ dẫn đến sự biến đổi của các quy phạm xã hội học], vì vậy việc quan trọng của người nghiên cứu là phải làm tốt thao tác hóa khái niệm để cho ra được các chỉ báo cụ thể và dễ hiểu.

Theo PGS.TS Mai Quỳnh Nam, một nhược điểm hạn chế của nghiên cứu xã hội học thực nghiệm vẫn còn tồn tại hiện này vấn đề khái quát hóa là trong các phân tích thực nghiệm còn rất hạn chế. Vì vậy khi triển khai các vấn đề nghiên cứu cần xác định đây là nghiên cứu tổng quan hay là nghiên cứu trường hợp để có được những hướng tiếp cận vấn đề đúng đắn nhất.

Mặc dù Việt Nam đã mở cửa và giao lưu với thế giới được một thời gian dài nhưng riêng trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông, chúng ta chưa thật sự hội nhập với các lĩnh vực nghiên cứu trên thế giới. Khoảng cách giữa nghiên cứu truyền thông trong nước và quốc tế có thể được lý giải bởi các nguyên nhân sau:

Đào tạo báo chí và truyền thông hiện nay ở nước ta vẫn được quan niệm là đào tạo nghề. Vì vậy phần lớn thời gian của các chương trình đào tạo dành cho việc hoàn thiện các kỹ năng làm báo và làm truyền thông cho sinh viên chứ chưa chú trọng đến khía cạnh nghiên cứu. Bên cạnh đó nguồn tài liệu tham khảo chưa có nhiều. Hiện nay chỉ có một số ít sách tham khảo và giáo trình có sự kết nối và cập nhật thông tin về nghiên cứu truyền thông trên thế giới.

Nghiên cứu về báo chí nói riêng và truyền thông nói chung của Việt Nam chịu ảnh hưởng của trường phái báo chí Xô Viết [cả một thế hệ các nhà báo, các nhà đào tạo truyền thông được học tập và nghiên cứu ở Liên Xô]. Đây là thế mạnh, nhưng cũng là điểm yếu vì các thế hệ sau trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông không có được kiến thức nền tảng từ các nước phương Tây.

Cuối cùng là rào cản về ngôn ngữ. Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều chuyển biến, truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn và các mối quan tâm trong nghiên cứu truyền thông đa dạng hơn. Trong đó, những nghiên cứu về truyền thông tại các quốc gia đang phát triển hoặc tại các quốc gia có những điểm khác biệt về chính trị – kinh tế so với các quốc gia Âu Mỹ, ví dụ như Việt Nam, được đánh giá là khá thu hút. Tuy nhiên trình độ ngoại ngữ của một số người công tác trong lĩnh vực xã hội học truyền thông tại Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến những cản trở khi tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo từ nước ngoài cũng như trong quá trình làm việc và giao tiếp đã hoạt động nghiên cứu.

  1. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU CỦA TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG Ở VIỆT NAM

Để cùng gia nhập vào về các vấn đề truyền thông trên thế giới, chúng ta có thể quan tâm đến một số hướng nghiên cứu sau:

Truyền thông trong mối tương quan với và chính trị và nhà nước: Với các nước tư bản phương Tây, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tranh cử và tuyên truyền, tạo điều kiện cho công dân tham gia và bày tỏ ý kiến, phát huy tính dân chủ; truyền thông đưa ra các vấn đề để thảo luận về chiến tranh, hòa bình, chống khủng bố; là một trong các phương tiện thể hiện chính sách ngoại giao, đồng thời cũng tác động ngược trở lại đến các chính sách này; truyền thông đại chúng cũng là một trong các yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình cách mạng ở một số quốc gia.

Ở nước ta, báo chí truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Khả năng phản biện xã hội của báo chí, vai trò diễn đàn công dân của báo chí trong việc tạo ra một không gian thảo luận công cộng, ảnh hưởng của báo chí và các phương tiện truyền thông mới đến nhận thức chính trị của người dân Việt Nam… sẽ là những vấn đề nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu truyền thông trên thế giới [nếu được thảo luận dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc và các nghiên cứu thực nghiệm khách quan, không áp đặt các suy luận chủ quan, hình thức].

Truyền thông và phát triển: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cần đương đầu như xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, phát triển cho phụ nữ, quyền trẻ em… [7]. Các nghiên cứu có thể thực hiện theo hướng này là: Cơ sở hạ tầng của truyền thông, viễn thông và vai trò đối với chất lượng sống cũng như khả năng sản xuất của nền kinh tế; Chính sách của nhà nước và các chủ trương truyền thông; Nội dung truyền thông về các vấn đề phát triển và khả năng tác động thực tế. Tuy nhiên, khi giới thiệu các kết quả nghiên cứu này với các nước phương Tây lưu ý rằng, truyền thông và phát triển là vấn đề có tính hai mặt. Một mặt, báo chí & truyền thông là công cụ hiệu quả, nhưng mặt khác, việc nhà nước điều khiển báo chí [dù với mục đích nào] cũng hạn chế sự độc lập và vai trò của báo chí.                                   Truyền thông và các vấn đề văn hóa – xã hội: Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, một trong các vấn đề được bàn cãi nhất là có hay không sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa phương Tây thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự có mặt của các tên tuổi truyền thông phương Tây qua các tạp chí nhượng quyền, các kênh phát trên truyền hình cáp, phim ảnh, hàng hóa tại Việt Nam hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến lối sống và văn hóa Việt Nam? Liệu văn hóa phương Tây sẽ thắng thế, hay sẽ có một nền văn hóa mới trong đó có sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và văn hóa phương Tây? Công nghệ truyền thông mới, ví dụ như Internet, có khả năng giúp cho nền văn hóa bản địa tác động ngược trở lại văn hóa phương Tây? Bên cạnh các vấn đề về văn hóa, truyền thông cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến các vấn đề xã hội như: tội ác, bạo lực, khiêu dâm, sự lệch lạc xã hội, sự bất bình đẳng về giới tính, bất bình đẳng trong thông tin, chủ nghĩa tiêu dùng…

Truyền thông trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia: Nhờ vào truyền thông, mỗi quốc gia đều có khả năng xây dựng hình ảnh của mình để không bị hòa tan trong quá trình toàn cầu hóa. Xây dựng hình ảnh quốc gia là một trong các khía cạnh nghiên cứu khá thú vị hiện nay của truyền thông. Từ việc tìm hiểu các lý thuyết về việc xác lập một quốc gia đến việc xây dựng các chiến lược truyền thông và triển khai trên thực tế đều rất hữu ích không chỉ cho riêng giới nghiên cứu mà còn cho chính các quốc gia.

Nghiên cứu công chúng: Công chúng vốn đa dạng và cách sử dụng truyền thông cũng như tiếp nhận của công chúng rất khác nhau. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông như hiện nay cũng tác động đến thói quen và nhận thức của công chúng. Trong lĩnh vực nghiên cứu công chúng, các nhà nghiên cứu có thể quan tâm đến cả khía cạnh học thuật và khía cạnh áp dụng thực tế bằng việc xây dựng các bộ công cụ khảo sát. Bất cứ cơ quan truyền thông nào cũng muốn hiểu được công chúng của mình.

Đồng thời việc mở rộng các nghiên cứu, thảo luận về chính các phương pháp nghiên cứu truyền thông là điều cần thiết hiện nay để thúc đẩy cho các nghiên cứu truyền thông của Việt Nam có chỗ đứng trên thế giới.

Các hướng nghiên cứu trên không phải hoàn toàn mới. Ít nhiều thì các nghiên cứu tại Việt Nam đã bàn đến các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, để hội nhập với thế giới, các nhà nghiên cứu cần đặt những mối quan tâm của mình trong bối cảnh thế giới hiện nay và quá trình toàn cầu hóa chứ không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước. Bên cạnh đó, các nghiên cứu truyền thông hiện đại đều mang tính liên thông với các ngành khác như chính trị học, kinh tế học, xã hội học… đồng thời ở hướng nghiên cứu nào cũng nên lưu ý đến sự phát triển của những công nghệ mới trong truyền thông.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, vai trò của truyền thông, đặc biệt là truyền thông đại chúng, ngày càng trở nên quan trọng. Trong một chừng mực, có thể thấy, xã hội hiện nay mang tính chất của xã hội truyền thông, con người sống trong xã hội luôn có nhu cầu nắm bắt thông tin, từ những vấn đề nổi bật mang tính thời sự có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội đến những nội dung liên quan với đời sống hàng ngày của người dân như giá cả, lịch trình các dịch vụ xã hội… Tầm ảnh hưởng của các hoạt động truyền thông đến các thành viên trong xã hội là không thể phủ nhận. Chính vì thế, nghiên cứu xã hội học truyền thông đại chúng sẽ là một lĩnh vực mang lại những hiệu quả to lớn với sự phát triển xã hội.

Như vậy, khi xem xét các lĩnh vực nghiên cứu truyền thông, cần đặt nó trong mối quan hệ  xã hội, gắn với các thiết chế truyền thông và bối cảnh xã hội. Dựa trên bối cảnh ấy để xem xét và nghiên cứu bốn nội dung chính của truyền thông là công chúng của các phương tiện truyền thông đại chúng, các tổ chức và các nhà hoạt động truyền thông, phân tích nội dung của các thông điệp truyền thông, và nghiên cứu về ảnh hưởng cũng như tác động xã hội của các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý thêm các cấp độ truyền thông liên cá nhân và truyền thông tập thể để hiểu rõ hơn những vấn đề của truyền thông đại chúng.

Có thể thấy rằng, xã hội học thực nghiệm đã được trở thành một trong những hướng nghiên cứu quan trọng trên thế giới. Xã hội học thực nghiệm đã đặt được những nền tảng về nghiên cứu truyền thông với các hướng nghiên cứu ở Việt Nam. Qua đó, truyền thông có thể vận dụng kế thừa và ngày càng làm sáng tỏ các khái niệm, các quan điểm khi nghiên cứu lĩnh vực truyền thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Michael Schudson, 2003, Sức mạnh của tin tức truyền thông [bản dịch cuốn The Power of News, Harvard, Harvard University Press, 1995, người dịch: Thế Hùng, Trà My], NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Philippe Breton, Serge Proulx, 1996, Bùng nổ truyền thông, sự ra đời một ý thức hệ mới, bản dịch củaVũ Đình Phòng, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  3. Mai Quỳnh Nam, Bài giảng Các phương pháp thiết kế và triển khai nghiên cứu truyền thông, Lớp CHBCK5, TP.HCM, 2013
  4. Trần Hữu Quang, Chân dung công chúng truyền thông [qua khảo sát xã hội học tại TPHCM], NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Trung tâm Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, 2001
  5. Trần Hữu Quang, Xã hội học báo chí, NXB Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Trung tâm Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, 2006
  6. Trần Hữu Quang, 2008, Truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 7 và 8, Xuân Mậu Tý, 7 – 2, tr. 16 – 19.
  7. Trần Hữu Quang, Xã hội học truyền thông đại chúng, NXB Đại Học Mở Bán công TP. Hồ Chí Minh, 1997
  8. Trần Hữu Quang, Công chúng TP.HCM với các phương tiện truyền thông đại chúng, tạp chí về phụ nữ, số 2/1998
  9. Trần Hữu Quang, Khảo sát mức độ theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng ở TP.HCM, tạp chí xã Hội học số 2/1998
  10. Truyền thông phát triển – Một hướng đi mới cho báo chí ở các nước đang phát triển, Nguyễn Minh Nguyệt, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 12, 2008

[1] PGS. TS Mai Quỳnh Nam, Bài giảng Các phương pháp thiết kế và triển khai nghiên cứu truyền thông, CHBCK5, TP.HCM, 2013

[2] Trần Hữu Quang, 2001, tr. 21

[3]  Philippe Breton, Serge Proulx, 1996, tr. 10

[4] Trần Hữu Quang, Xã hội học báo chí, NXB Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Trung tâm Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, 2006

[5] PGS. TS Mai Quỳnh Nam, Bài giảng Các phương pháp thiết kế và triển khai nghiên cứu truyền thông, CHBCK5, TP.HCM, 2013

[6] PGS. TS Mai Quỳnh Nam, Bài giảng Các phương pháp thiết kế và triển khai nghiên cứu truyền thông, CHBCK5, TP.HCM, 2013

[7] Xem thêm Truyền thông phát triển – Một hướng đi mới cho báo chí ở các nước đang phát triển, Nguyễn Minh Nguyệt, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 12, 2008

Video liên quan

Chủ Đề