Quả thị ăn như thế nào

Càng đến gần rằm tháng bảy, đi trên các con phố nhỏ hay ghé qua các chợ dân sinh ở Hà Nội, đâu đâu cũng thoang thoảng hương thị thơm nức. Nếu như trước đây, loại quả này chỉ có thể tìm thấy ở các vùng quê thì nay các chị, các mẹ có thể mua trên đường phố hoặc trên các chợ online. Tuy nhiên, giá thị năm nay không hề rẻ.

Tại các chợ dân sinh như Thành Công, Nghĩa Tân, 8.3… thị đang được bán với giá từ 60.000 - 75.000 đồng/kg, hoặc bán lẻ, giá từ 4.000 - 6.000/quả. Chị Lành, một người bán hoa quả tại chợ 8.3 [Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội], cho biết: “Tôi ở H.Hoài Đức, trước hầu như nhà nào trong làng cũng có một cây trong vườn, đến mùa thị thơm từ nhà ra ngõ. Khoảng 20 năm trước, đất chật người đông, thị không mang lại hiệu quả kinh tế nên hầu hết các gia đình chặt bỏ. Trong làng giờ chỉ còn 1 - 2 cây, tôi mua tận gốc, bán tận ngọn, nên giá rẻ chỉ 60.000 đồng/kg, lấy ngày nào hết ngày đó. Nhiều khi khách đặt nhiều mang đi tặng hay đi lễ phải đặt trước mới có hàng”.

Theo chị Lành, thị có 2 loại, thị sáp và thị muộn. Thị sáp quả dẹt, nhỏ xinh như cúc áo, hạt lép, thơm. Thị quả tròn, còn gọi là thị muộn thì to hơn, có khi bằng nắm tay, có hạt nhưng giá rẻ hơn vì hương thơm không bằng thị sáp.

Trong khi ở chợ dân sinh, những người bán thị phần lớn lấy hàng từ quê lên Hà Nội bán và giá khá mềm thì các hàng rong trên phố chủ yếu mua buôn từ chợ đầu mối nên giá bán có khi lên đến 100.000 đồng/kg. Chị Nga, bán hàng rong ở đầu cầu Đông Tác [Q.Đống Đa, Hà Nội] cho hay: “Tôi không rõ thị trồng ở đâu nhưng về chợ đầu mối Long Biên ít lắm. Đợt này đang vào mùa, cánh hàng rong chúng tôi muốn lấy nhiều cũng không có, mỗi ngày chia nhau cũng chỉ được 10 - 15 kg, bán vèo trong buổi sáng là hết”.

Theo chị Nga, sở dĩ thị bán rong giá cao hơn ở chợ là do đã qua tuyển chọn, quả đều, đẹp, có lá, có cành. Khách hàng có thể lựa quả xanh về thắp hương cho chín dần hoặc mua quả đã chín vàng bóng về trưng cho đẹp, thơm nhà, thơm văn phòng. Thị là loại chơi bền, để 4 - 5 ngày vẫn thơm.

Dù giá thị khá đắt, nhưng khách hàng vẫn mua nhiệt tình, thậm chí còn không mặc cả. Chị Đỗ Quỳnh Vân, nhân viên văn phòng ở Q.Đống Đa, chia sẻ: “Với thế hệ 7X, 8X, quả thị gắn liền với ký ức tuổi thơ, hồi bé được mẹ mua cho quả thị, chúng tôi suốt ngày nâng niu trong lòng bàn tay, hít hà hương thơm, rồi lấy len tết thành túi lưới xách đi chơi hoặc treo ở cửa cho thơm. Tôi nhớ những quả thị to bọn trẻ con ăn xong còn lấy hột mài ra, cắm tăm vào giả làm kẹo mút để ngậm. Giờ mình mua thị lấy mùi hương kỷ niệm, chỉ 2 - 3 quả đã thơm lắm rồi, giá có đắt một chút cũng không sao”.

\n

Quà tặng “sang chảnh”

Nếu như tại các chợ dân sinh, gánh hàng rong thường bán thị theo ki lô gam, thì ở các cửa hàng online, thị bán theo quả và được nâng tầm thành quà tặng “sang chảnh” cho người thân, bạn bè, đối tác. Khách hàng có thể chọn thị làm quà tặng với nhiều mức giá khác nhau cho mỗi set 5 - 10 quả, đựng trong mẹt, giỏ, rổ, hay bộ quang gánh… giá từ 120.000 - 300.000 đồng/set. Một số cửa hàng còn trang trí, thắt nơ lụa, làm thành các set quà tặng cao cấp hơn, gồm giỏ thị kèm hoa tươi hoặc giỏ thị kèm hộp bánh trung thu, có giá 500.000 đồng - 1 triệu đồng/set.

Chị Hoàng Thị Ngọc Anh, chủ tiệm hoa Kính Coong ở Q.Hoàng Mai, bộc bạch: “Mình chuyên bán hoa tươi, đợt này bán thêm thị chủ yếu là để các khách hàng và bạn bè lưu giữ một phần ký ức tuổi thơ. Nguồn thị mình lấy từ mối buôn, gom ở Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh… Thường khách chuộng nhất là set làn thị và giỏ thị cho ý nghĩa”.

Chị Thảo Vân, bán hoa online ở Q.Thanh Xuân [Hà Nội], chia sẻ: “Năm ngoái, tôi chủ yếu bán mẹt thị kèm hoa lan, hoa nhài để cúng rằm, được mọi người ưa chuộng. Năm nay, nhiều khách hàng mua thị đi tặng nên tôi đặt giỏ, làn mini, đan thủ công bằng cói, nứa. Món quà quê này truyền thống nhưng cũng không kém phần sang trọng. Bạn bè người này giới thiệu người kia nên hàng chạy đến mức đóng gói không kịp, tôi chỉ dám nhận tối đa 200 set, trả đến sát rằm tháng bảy vì sợ không gom đủ thị”. Dù giá đắt ngang với trái cây nhập ngoại, nhưng các cửa hàng online cũng chủ yếu nhận đơn đặt hàng theo yêu cầu chứ không bán sẵn.

Không chỉ trưng cho đẹp và thơm, theo kinh nghiệm dân gian, với loại thị tròn, khi quả chín vàng, chỉ cần nắn nhẹ cho mềm vỏ là có thể ăn. Còn trong đông y, thị được làm thuốc chữa các bệnh như: sốt nóng, ngộ độc, nôn mửa, mẩn ngứa, lở loét, dị ứng, mụn nhọt, táo bón, đầy bụng…

Là thế hệ 9X, chưa biết nhiều về loại quả quê này nhưng chị Dương Lan Anh, nhân viên văn phòng, khá thích thú khi được bạn trai tặng một giỏ thị. Chị Lan Anh bộc bạch: “Tôi chỉ biết và nghe kể về quả thị qua truyện Tấm Cám, bây giờ mới được hít hà mùi thơm. Loại quả này đúng là gây thương nhớ, hương thơm như một loại tinh dầu có tác dụng trấn tĩnh, giảm căng thẳng và thư giãn”.

[Dân trí] - Quả thị có mùi thơm mát khi vừa chín tới, có tác dụng trấn tĩnh, thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh. Cả phần thịt, vỏ và lá cây đều có tác dụng dược lý trong y học cổ truyền.

Thị [Diospyros decandra] là một loại cây quả nhiệt đới. Khi vừa chín tới, quả thị có mùi thơm mát. Đến khi quả đã chín rục, mềm nhũn và chuyển sang màu vàng sẫm thì mùi thơm giảm nhiều.

Những lưu ý khi ăn thị

TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết hương thơm của quả thị có tác dụng trấn tĩnh, thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh. Loại quả quen thuộc này có vị ngọt, chát nhẹ, nếu biết cách ăn, chúng ta cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon của nó. Cách ăn là xoay quả và bóp nhẹ cho đến khi thịt quả mềm ra và nứt ra một khe nhỏ thì cho lên miệng hút.

Ngoài hương thơm mát khi vừa chín tới, quả thị cũng có vị ngọt, chát nhẹ [Ảnh: Phạm Công].

Thị là loại quả tốt cho sức khỏe nhưng chúng ta chỉ nên ăn quả đã chín mềm, không nên ăn quả xanh và quả chưa chín kỹ bởi hàm lượng tanin cao trong quả chưa chín sẽ tạo vị chát khó ăn. Không những thế, có thể khiến niêm mạc ruột bị săn se lại, ảnh hưởng nhu động ruột, thậm chí còn vón lại tạo thành khối ở trong đường tiêu hóa có thể gây bán tắc ruột hoặc tắc ruột.

Ngoài ra, không nên ăn lúc đói, đặc biệt là quả chưa chín, sẽ ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa.

Thực tế đã có những trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì tắc ruột do ăn nhiều những loại quả có chất tanin như quả hồng, quả thị… Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ acid dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Công dụng với sức khỏe của quả thị

Nghiên cứu năm 2011 của các nhà khoa học Thái Lan cho thấy quả thị có hàm lượng cao nhất của tổng số hợp chất phenolic [215mg GAE/g] và tổng hàm lượng flavonoid [187mg RE/g] trong số 19 loại trái cây được nghiên cứu. Flavonoid là một trong những hoạt chất tự nhiên có mặt rộng rãi nhất trong thực vật và là phân nhóm quan trọng trong các hợp chất phenol. Flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống lão hóa.

Theo tài liệu Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam [Viện dược liệu], thịt quả thị có chứa 86,5% nước, 0,16% chất béo, 0,67% chất protein, 12% glucid, 0,33% tanin, 0,47% xenlulose, 0,5% tro. Tanin trong quả thị thuộc loại pyrocatechic.

Theo y học cổ truyền, thịt quả thị có tác dụng trừ giun, an thần. Vỏ quả tiêu độc, tiêu viêm. Trong khi đó lá có tác dụng hạ khí, gây trung tiện, tiêu viêm, giảm đau.

Thịt quả thị được dùng để an thần và tẩy giun [nhất là giun kim] ở trẻ em, hàng ngày ăn 2 - 3 quả. Vỏ quả phơi khô, đốt thành than tán bột mịn, hòa với dầu nền [dầu vừng, dầu dừa, dầu hạnh nhân…] dùng để bôi ngoài da chữa rộp da do giời leo.  

Ngoài quả, lá, vỏ cây, rễ cây cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh trong dân gian để cầm nôn ói, giảm đau, tiêu viêm; trị mụn nhọt, vết thương, vết bỏng, dị ứng, phù thũng…, TS Giang cho biết

"Các bộ phận khác của cây thị như lá, vỏ thân, rễ, vỏ quả, hạt tuy có những tác dụng dược lý nhưng cũng có độc tính và có thể gây tác dụng không mong muốn nếu sử dụng không đúng cách. Bởi vậy, chúng ta không nên tự ý sử dụng, nên hỏi ý kiến và sự hướng dẫn của thầy thuốc", TS Giang nhấn mạnh.

Tin liên quan

Ăn hồng, ổi, măng cần biết điều này để không rước bệnh vào người

Khi bị đói, nếu ăn hoa quả nhiều chất xơ, nhựa dễ tạo thành khối bã rắn chắc, dễ dẫn đến nguy cơ tắc ruột nguy hiểm.

Công dụng bất ngờ của các loại rau củ quả có vị đắng

Những loại rau củ quả có vị đắng thường rất kén người ăn, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, nhiều loại có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe.

Chủ Đề