Sinh con trai để nối dõi tông đường

Tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam từ bao đời nay và dù cuộc sống đang ngày một hiện đại thế nhưng tư tưởng đó vẫn còn hiện hữu ở nhiều gia đình, vùng miền. Sau khi kết hôn, áp lực lớn nhất với nhiều người phụ nữ không phải chuyện cơm áo gạo tiền mà làtrách nhiệm sinh con trai để nhà chồng có người nối dõi.

Và để có thể thực hiện được trách nhiệm nặng nề đó, biết bao người phụ nữ đã phải bất chấp sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của bản thân để cố sinh cho bằng được 1 cậu con trai.

Trong những ngày cuối năm, khi nhiều người đang háo hức chờ đến Tết Nguyên đán để sum họp gia đình thì câu chuyện của người đàn ông có vợ không may mất mạng ngay trên bàn sinh được đăng tải khiến nhiều người suy tư. Có lẽ cũng đã phải tự dằn vặt bản thân, tự gặm nhấm nỗi đau mất vợ suốt những tháng ngày qua thì người đàn ông mới đủ dũng khí để chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.

Tủ quần áo cũ của vợ khiến người đàn ông nhói lòng

Nguyên văn câu chuyện được đăng tải lên mạng xã hội như sau:

"Mùa đông năm nay lạnh quá!

Ngày mai là tôi phải thu dọn quần áo của vợ đem đi cho cô ấy rồi. Tôi đã giữ nó 2 năm nay, để nguyên mọi đồ đạc trong nhà từ khi cô ấy mất.

Vợ chồng tôi lấy nhau 10 năm rồi. Tôi là đứa con độc đinh duy nhất của dòng họ. Con trai trưởng nên áp lực sinh con trai lớn lắm dù không khá giả gì. 2 đứa đầu đều con gái lại sinh mổ, tôi cũng không muốn sinh con thứ 3 vì sợ nguy hiểm tính mạng vợ. Nhưng rồi vợ tôi đi soi trứng và quyết định sinh đứa nữa, canh con trai. Và lần này vợ tôi bầu con trai thật. Cả nhà tôi mừng lắm.

Khó khăn áp lực con cái học hành cộng khoản tiền canh trứng con trai khiến cơm áo gạo tiền cứ ngày một nặng lên. Chúng tôi đành gửi một cháu về quê học. Vợ chồng đi làm tích góp gửi tiền về quê cho ông bà chăm giúp, chẳng dám sắm thứ gì.

Đến ngày gần sinh vợ tôi vẫn bình thường, sức khoẻ tốt. Cả gia đình hân hoan đón con chào đời. Hôm đó là ngày bọn tôi chọn sinh mổ sớm hơn dự tính. Vợ tôi trước khi vào phòng vẫn cười nắm tay tôi và nói "đợi em nhé" nhưng trong lòng tôi tự nhiên bất an vô cùng.

Vẫn là tiếng người và âm thanh bệnh viện như mọi khi. Rồi lúc sau là dồn dập những âm thanh khác nữa. Vợ tôi bị tai biến sản khoa.

Được chuyển lên Bệnh viện Trung ương cấp cứu luôn nhưng không cứu được. Chỉ còn lại thằng bé con, tôi đỡ con, thất thần mất ngủ mấy tháng liền. Cuộc sống không đủ ăn đủ mặc khiến vợ tôi gầy gò nằm đó. Tôi ôm con đỏ hỏn với 2 đứa nhỏ nhìn vợ lần cuối.

Tôi vẫn nhớ như in hình bóng của vợ tôi, nhớ những món thức ăn vợ nhịn ăn ở công ty phần về cho con nhỏ, nhớ vợ nhịn mặc cả năm có mấy bộ quần áo cũ cũng chẳng dám mua. Tôi xót vợ lắm. Vợ tôi mất chẳng kịp nói câu nào. Tôi nén lòng mua cho cô ấy bộ váy cô ấy thích. Tự tay tắm rửa, thay cho vợ tôi. Tới hôm nay khi thằng bé đã 2 tuổi, tôi mới quyết định dọn quần áo của vợ mang đi.

Giờ tôi đã hiểu cái người đàn ông cần không phải là con trai hay con gái mà chính là mái ấm và người vợ tào khang bên cạnh. Tại sao phải chạy theo dư luận dù nó nguy hiểm đến tính mạng vợ con?

Lòng tôi hôm nay đau quá. Chỉ muốn thú nhận tôi có tội với vợ tôi, nợ cô ấy cả cuộc đời".

Những dòng tâm sự được người đàn ông chia sẻ trong một group có hơn 1 triệu thành viên. Ngay sau khi được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và nhận về hàng chục ngàn lượt bày tỏ cảm xúc. Nhiều dân mạng lên tiếng động viên, an ủi người chồng cố gắng vượt qua nỗi mất mát để làm chỗ dựa tinh thần và lo cho các con khôn lớn, nên người. Bởi không chỉ làm cha, mà người đàn ông ấy còn phải kiêm luôn việc làm mẹ để chăm sóc cho đàn con - "món quà" mà người vợ tào khang đã phải đánh đổi bằng cả sinh mạng.

"Đọc xong mà không cầm nổi nước mắt. Không biết là người dễ mủi lòng rung cảm, hay vì nghĩ đến những người xung quanh mình cũng đang áp lực vì chuyện 'nếp tẻ'. Liệu rằng, khi có đủ nếp tẻ rồi, mà lại không còn vợ bên cạnh, thì hạnh phúc tìm đâu? Thương cho anh chồng và những đứa trẻ mồ côi mẹ. Mất vợ là mất đi một nửa gia đình, hạnh phúc cũng chẳng vẹn tròn nữa", tài khoản S.P. xót xa.

Bên cạnh đó, không ít người cũng suy tư khi trong thời hiện đại nhưng tâm lí phải có con trai để nối dõi tông đường, để lo nhang khói cho ông bà tổ tiên vẫn ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người. Để có được "quý tử" nhiều gia đình đã đánh đổi bằng tiền bạc, bằng hạnh phúc gia đình và đau đớn hơn là sự thiệt thòi, tổn thương của những người phụ nữ.

"Con nào cũng là con, dù gái dù trai lúc nào cũng chỉ mong mỏi chúng khỏe mạnh, chăm ngoan là an tâm rồi. Cần gì cứ phải có con trai thì gia đình mới hạnh phúc.Ai cũng nghĩ phải có con trai nối dõi tông đường, sợ sau chết đi không có người hương khói, nhưng mấy ai nghĩ rằng người sống mới là quan trọng nhất. Thương cho anh và mong anh mạnh mẽ vượt qua để lo cho 3 đứa nhỏ", một bạn khác chia sẻ.

Chỉ mong rằng câu chuyện trên như một hồi chuông nhằm thức tỉnh suy nghĩ của nhiều người, để không phải đi vào vết xe đổ ấy và làm khổ chính người phụ nữ bên cạnh mình.

Vẫn còn tư tưởng "trọng nam khinh nữ"

Chị T.T.T. [ngụ xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy] làm nghề may gia công, còn chồng chị là viên chức nhà nước. Vợ chồng chị T. đã có 2 con gái 10 tuổi và 6 tuổi. Tuy nhiên, do chồng chị là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh em nên áp lực phải sinh cho bằng được con trai luôn khiến chị T. phải băn khoăn, suy nghĩ. 

Kết quả, chị T. có thai lần thứ 3 ở tuổi 40 và vừa sinh thêm... bé gái. Chia sẻ về việc có tiếp tục sinh thêm con nữa hay không, chị T. tâm sự: "Mặc dù không ai nói ra nhưng khi tôi sinh con gái thứ 3, cha mẹ chồng không mấy vui vẻ. Vợ chồng tôi chưa có ý định sinh thêm con nữa nhưng cũng không chắc chắn sẽ dừng lại".

Hiện Tiền Giang có tỷ số giới tính khi sinh là 109,66 bé trai/100 bé gái. Mặc dù có sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng và sự thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai, con gái nhưng TSGTKS của tỉnh vẫn ở mức cao.

Do đó, để khống chế hiệu quả sự gia tăng TSGTKS rất cần sự chung tay, góp sức, thay đổi nhận thức của cả cộng đồng xã hội.

Thực tế hiện nay, những trường hợp như gia đình chị T. không phải hiếm, có những gia đình ở các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thậm chí nhiều gia đình công chức, viên chức, là đảng viên vẫn còn nặng nề vấn đề sinh con trai để "nối dõi tông đường" nên vẫn sinh cho bằng được con trai. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của y học cả về phương tiện kỹ thuật lẫn trình độ chuyên môn của nhân viên y tế là điều kiện để nhiều gia đình lạm dụng tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình [Bộ Y tế], tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh [MCBGTKS] ở nước ta đang có xu hướng tăng và lan rộng ở cả nông thôn và thành thị, ở các vùng miền khác nhau. Khảo sát mới đây của cơ quan chức năng cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh [TSGTKS] bình quân của cả nước hiện ở mức rất cao: 114,8 bé trai/100 bé gái, vượt quá ngưỡng an toàn cho phép [từ 103 - 107 bé trai/100 bé gái]. Cả nước có 55 tỉnh, thành có TSGTKS ở mức 108 bé trai/100 bé gái.

Hiện nay, MCBGTKS ở Việt Nam là vấn đề đáng lo ngại. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến cả cộng đồng; có thể "buộc" các em gái phải kết hôn sớm, làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, gây bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và tình dục ở nam giới…

Không chỉ vậy, để có được con trai, có phụ nữ đã phải nạo phá thai, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, mỗi lần sinh đẻ có thể gây ra những rủi ro khó lường đối với sức khỏe của cả mẹ và con. Nạo phá thai và cố đẻ để có con trai đều ảnh hưởng đến kinh tế gia đình do phải tăng thêm chi phí để chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ, giảm thu nhập của các thành viên trong gia đình...

Nỗ lực giảm tình trạng MCBGTKS

Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố, trong đó có Tiền Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025 nhằm tích cực triển khai các hoạt động can thiệp, kiềm chế tình trạng MCBGTKS.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của Tiền Giang xác định mục tiêu kiểm soát MCBGTKS là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc và chung tay của cả cộng đồng. Công tác tuyên truyền được quan tâm với nhiều hình thức, kết hợp với việc xây dựng các mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng đối tượng, đặc biệt hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào vận động giảm sinh, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền về MCBGTKS, bình đẳng giới, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số...

Là cơ quan chuyên môn trực tiếp, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án can thiệp, giảm tỷ lệ MCBGTKS; khuyến khích xây dựng mới và duy trì sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 ở các xã, phường, thị trấn; khuyến khích các địa phương đưa nội dung can thiệp giảm thiểu MCBGTKS như bình đẳng giới; không phân biệt vai trò con trai, con gái trong chăm sóc cha mẹ già, trong công việc gia đình, đưa nội dung không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước tại địa phương. 

Bên cạnh đó, Chi cục Dân số phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành tổ chức trao quà hỗ trợ trẻ em trong các gia đình sinh 2 con một bề là gái không sinh con thứ 3 trở lên có thành tích cao trong học tập; tổ chức hội nghị, hội thảo nói chuyện chuyên đề về giới, MCBGTKS…

Nhằm có những tác động tích cực đến tình trạng MCBGTKS, tỉnh đang triển khai Đề án Giảm thiểu MCBGTKS, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên... 

Để đạt được mục tiêu đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số, ngoài việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các đề án, mô hình đã áp dụng, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS.

Ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1679 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược với quan điểm chỉ đạo: "Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh".

Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Video liên quan

Chủ Đề