Tại sao ô tô điện lại được thế giới đang quan tâm sử dụng

Công nghệ pin là chìa khóa

Với chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước và việc công nghệ pin ngày một rẻ hơn, tương lai xe điện rẻ ngang, hoặc thậm chí rẻ hơn, xe chạy xăng không còn quá xa. Hiện nay, giá bán quá cao của xe điện so với xe chạy xăng hiện vẫn là lý do chính khiến nhiều người tiêu dùng không muốn chuyển sang loại phương tiện mới này. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới cho thấy điều đó sẽ thay đổi trong những năm tới.

Với cỡ pin như hiện tại, trung bình một bộ pin chiếm chi phí khoảng 6.300 USD trong một chiếc xe điện thông thường [với xe sang có thể cao hơn]. Giá pin đã giảm rất nhiều - 89% trong 10 năm qua, theo BloombergNEF. Chi phí trung bình hiện tại ở mức 137 USD/kWh, giảm nhiều so với con số 1.191 USD vào năm 2010, nhưng vẫn còn cách xa mốc 100 USD để xe điện có thể rẻ bằng xe động cơ đốt trong.

Chi phí này không thể giảm trong một sớm một chiều, trong khi chi phí vật liệu sản xuất pin ngày một tăng. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi đột biến, thì chi phí này sẽ giảm xuống mức 92 USD/kWh vào năm 2024, theo dự báo của BloombergNEF, và đạt mức 58 USD/kWh vào năm 2030.

Xe điện được cho là tương lai tất yếu của ngành công nghiệp ô tô [Ảnh: Getty Images].

Ngoài vấn đề chi phí, có thể nói pin chính là bộ phận quan trọng nhất của một chiếc xe điện. Quãng đường xe có thể chạy sau mỗi lần sạc điện chính là mối bận tâm lớn của người mua xe điện. Ngày nay, các mẫu xe điện đời mới, như MG ZS của Trung Quốc, có thể chạy 260km sau mỗi lần sạc và chỉ mất 40 phút để sạc đầy 80% pin. Như vậy tức là khi xe cạn pin, bạn chỉ cần chờ sạc 40 phút là có thể chạy thêm 200km.

Hay như mẫu Kia Niro EV của Hàn Quốc có thể chạy 385km sau mỗi lần sạc và có thể nạp đầy 80% pin chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng nếu sử dụng bộ sạc kết hợp SAE trang bị tiêu chuẩn đi kèm.

Nếu như vậy vẫn chưa khiến người tiêu dùng yên tâm, thời gian chờ đợi cả tiếng đồng hồ để xe sạc pin vẫn là quá lâu nếu so với việc chỉ mất vài phút đổ xăng, thì thị trường xe điện còn có thêm một phương án, đó là đổi pin, hoặc dùng sạc dự phòng như với điện thoại di động.

Theo đó, bạn có thể đổi bộ pin cạn lấy bộ đã sạc đầy sẵn tại trạm sạc. Hiện công nghệ này vẫn chưa phổ biến rộng rãi, nhưng sẽ trở nên quen thuộc trong tương lai không xa. Và khi đó, xe điện sẽ trở thành lựa chọn số 1 của người tiêu dùng. 

Công nghệ sạc dự phòng cho xe điện như với điện thoại di động dự kiến cũng sẽ có mặt trên thị trường trong một vài năm tới, tạo tâm lý yên tâm cho người dùng xe điện trong những chuyến đi xa, ở những nơi chưa được lắp đặt trạm sạc cố định, hoặc khi tài xế quên để ý đến dung lượng pin trên xe.

Chi phí sở hữu thấp

VinFast VF e34 là mẫu xe điện đầu tiên của Việt Nam [Ảnh: VinFast].

Người mua ô tô không chỉ quan tâm tới giá xe, mà quan trọng hơn là chi phí sở hữu, bao gồm, mức độ mất giá của xe, chi phí vay, chi phí nhiên liệu, phí bảo hiểm, phí bảo dưỡng và sửa chữa, cùng các loại thuế, phí khác.

Ở hầu hết các nước, xe điện đều đang được chính phủ trợ giá hoặc ưu đãi thuế, phí. Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng cao và giá nhiên liệu đắt đỏ có thể khiến ô tô chạy xăng trở thành gánh nặng tài chính đối với chủ xe. Nhưng những vấn đề này sẽ "biến mất" ở xe điện.

Một khảo sát gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy chi phí bảo dưỡng của xe điện thấp hơn 40% so với xe động cơ đốt trong.

Hiện chi phí sở hữu xe hybrid đang thấp nhất, nhưng xe điện sẽ nhanh chóng đuổi kịp khi giá pin giảm xuống. Không có gì chắc chắn về việc các chi phí này sẽ giảm nhanh đến đâu, nhưng công nghệ có vẻ như đang phát triển đúng hướng.

"Tên đã lên dây"

Hiện xe điện mới chỉ chiếm khoảng 1% phương tiện đường bộ. Tuy nhiên, với các chính sách năng lượng và môi trường như hiện nay của các nước, cùng với nỗ lực của các nhà sản xuất và sự tiếp nhận của người tiêu dùng, tổng số lượng xe du lịch, xe buýt, xe van và xe tải chạy điện dự kiến sẽ tăng lên mức 145 triệu chiếc, chiếm khoảng 7% số phương tiện đường bộ vào cuối thập kỷ này.

Nếu áp dụng các chương trình khí hậu và khí thải nghiêm ngặt hơn, con số này có thể tăng lên 230 triệu chiếc, tương ứng với 12% phương tiện đường bộ vào năm 2030. Đó là chưa tính motor và xe gắn máy.

Có một thực tế đáng chú ý là doanh số xe điện trong năm 2020 tăng tới 41% trong khi tổng doanh số ô tô nói chung trên thế giới giảm 16%. Châu Âu đã vượt qua Trung Quốc, lần đầu tiên trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Trong tổng số 3 triệu xe điện bán ra, mức tiêu thụ của thị trường châu Âu đã tăng hơn 2 lần lên 1,4 triệu chiếc, trong khi tiêu thụ xe điện tại Trung Quốc tăng lên 1,2 triệu chiếc.

Hiện trên thế giới đã có khoảng 370 mẫu xe điện khác nhau. Việc chi phí pin giảm xuống đã khiến người tiêu dùng tăng 50% chi tiêu cho xe điện vào năm 2020, lên mức 120 tỷ USD.

Quãng đường xe có thể chạy sau mỗi lần sạc điện chính là mối bận tâm lớn của người mua xe điện [Ảnh: New York Times].

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp khuyến khích chuyển đổi sang sản xuất, tiêu dùng xe điện, như trợ giá, giảm thuế, chính phủ các nước còn siết quy định khí thải và tiêu thụ nhiên liệu. Hiện đã có hơn 20 nước ban hành lệnh cấm bán xe mới sử dụng động cơ đốt trong. Một số nước châu Âu đã lồng ghép các chương trình ưu đãi mua xe điện vào các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trung Quốc đã gia hạn chương trình trợ giá xe sử dụng năng lượng mới [NEV] sang năm 2022 để bảo toàn doanh số xe điện trong đợt suy thoái kinh tế do đại dịch.

Trong khi đó, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã đặt mục tiêu tới giữa năm 2030, toàn bộ xe mới bán ra trên thị trường đều phải là xe hybrid hoặc xe điện thuần túy, dần loại bỏ toàn bộ xe sử dụng động cơ đốt trong ra khỏi thị trường xe mới.

Chính phủ Anh cũng đã thông báo, đến năm 2030 sẽ chấm dứt bán xe ô tô mới, sử dụng động cơ đốt trong.

Mỹ, đặc biệt là bang California, cùng nhiều quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu ban hành luật để tiến tới ngừng sản xuất ô tô chạy bằng xăng, dầu truyền thống vào năm 2035. Các nước này định thực hiện điều đó bằng cách hướng người dân sang sử dụng xe điện. Việc này cho thấy khó có khả năng họ sẽ sớm từ bỏ các kế hoạch này để theo đuổi một cái gì đó hoàn toàn khác trong tương lai gần.

Việc nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast, ngày 29/3, công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin ở bang North Carolina, Mỹ được giới truyền thông thế giới đặc biệt quan tâm. Ngày 29/3, Nhà trắng ra thông báo chính thức của Tổng thống Biden đánh giá cao về sự hiện diện của VinFast tại Mỹ.

Trên trang web của Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, nhà sản xuất xe điện VinFast sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện và pin ở bang North Carolina - trị giá 4 tỷ USD để tạo ra hơn 7.000 việc làm cùng hàng trăm nghìn xe điện và pin - là thí dụ mới nhất về chiến lược kinh tế của ông.

Tổng thống Biden cho biết gần đây các công ty khác như GM, Ford và Siemens đã thông báo đầu tư vào Mỹ trở lại và tạo thêm nhiều việc làm. Kể từ khi nhậm chức, ông đã thực hiện chiến lược công nghiệp nhằm hồi sinh ngành sản xuất trong nước với việc tạo ra công ăn việc làm có thu nhập tốt cho người Mỹ, củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ và trợ lực các ngành công nghiệp của tương lai như xe điện.

Theo ông Biden, những nỗ lực xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch đang khuyến khích các công ty sản xuất nhiều hơn ở Mỹ, xây dựng lại chuỗi cung ứng ở Mỹ và cuối cùng là giảm giá hàng hóa cho người dân Mỹ.

Tài khoản Twitter của Tổng thống Biden chia sẻ thông tin VinFast xây dựng nhà máy sản xuất pin và ô tô điện ở bang North Carolina của Mỹ. 

Tài khoản Twitter và Facebook của Tổng thống Biden cũng chia sẻ lại tuyên bố của ông. Các bài đăng đều nêu bật thông tin VinFast sẽ xây nhà máy sản xuất pin và ô tô điện ở bang North Carolina với vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Tại sao VinFast chọn bang North Carolina để đặt nhà máy?

Theo AP, việc VinFast xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện hứa hẹn mang lại 7.500 việc làm và chấm dứt chuỗi vắng bóng các nhà sản xuất ô tô tại các tiểu bang.

Theo Bộ Thương mại bang North Carolina, VinFast sẽ xây dựng nhà máy Bắc Mỹ đầu tiên ở hạt Chatham, phía tây nam Raleigh, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Công ty dự kiến sẽ tuyển dụng 7.500 người vào năm 2027 với mức lương trung bình là 51.000 USD.

Thống đốc bang Roy Cooper cho biết: "Dự án của VinFast sẽ mang lại nhiều việc làm tốt cho tiểu bang của chúng tôi, cùng với môi trường trong lành hơn khi ngày càng có nhiều xe điện hơn để giúp chúng tôi giảm phát thải khí nhà kính".

Công ty dự kiến sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào việc xây dựng nhà máy trên một khu đất rộng gần 800 ha, cách Raleigh khoảng 30 phút lái xe. Nhà máy lên kế hoạch sản xuất 150.000 ô tô mỗi năm.

VinFast công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của hãng tại thị trường Bắc Mỹ. Ảnh: VinFast 

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho biết: "Những cam kết mạnh mẽ của bang North Carolina trong việc xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để VinFast phát triển những chiếc xe điện cao cấp, thông minh và thân thiện với môi trường".

Ngày 29/3, Chủ tịch Hiệp hội Công nhân Ô tô Mỹ Ray Curry cho biết, Hiệp hội có kế hoạch tổ chức cho công nhân làm việc tại nhà máy VinFast mới, cũng như các nhà máy sản xuất xe điện và pin khác ở các bang ở Nam Mỹ.

Theo AP,  VinFast, có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ, có kế hoạch bán xe thông qua mạng lưới cửa hàng của riêng mình, với phần lớn quy trình đặt hàng được thực hiện trực tuyến. Công ty đã có kế hoạch mở 60 cửa hàng chỉ riêng ở California. Công ty cũng sẽ có một số trung tâm dịch vụ và dịch vụ di động.

Bước đi táo bạo của VinFast

Tờ Bloomberg dẫn lời của bà Lê Thị Thu Thủy cho biết nhà máy sẽ được đặt tại Tam giác đổi mới của hạt Chatham. Nó dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2024 và khoản đầu tư ban đầu sẽ lên tới 2 tỷ USD. Thông báo này được đưa ra trước kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của VinFast tại Mỹ. 

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, nhà máy ở North Carolina là giai đoạn đầu của một khu phức hợp được VinFast lên kế hoạch ở Mỹ vào tháng 11/2021 sẽ có tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD. 

Cơ sở này sẽ có công suất sản xuất 150.000 ô tô điện mỗi năm, đồng thời sẽ sản xuất xe búyt điện và pin. Đây sẽ là nhà máy sản xuất xe thứ hai của VinFast sau nhà máy ở thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Bà Thủy cho biết, công ty dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất pin tại nhà máy ở Hà Tĩnh vào cuối năm nay.

VinFast đặt mục tiêu bắt đầu giao xe tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan vào cuối năm 2022. Giá các mẫu SUV chạy điện VF8 và VF9 của hãng sẽ dao động từ 41.000 USD đến 61.000 USD. VinFast bắt đầu giao những chiếc ô tô điện đầu tiên trong nước vào tháng 12.

Reuters dẫn lời văn phòng Thống đốc bang North Carolina cho biết, đây sẽ là nhà máy ô tô đầu tiên của bang North Carolina và nó là thông báo phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử của bang.

"VinFast đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ, nơi họ hy vọng sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô và công ty khởi nghiệp kế thừa bằng các mẫu SUV chạy điện giá cả phải chăng và mô hình cho thuê pin", tờ báo viết.

Reuters cho biết, trong khi đó, các công ty khởi nghiệp xe điện khác như Rivian và Lucid đã cắt giảm mục tiêu sản xuất trong năm nay do sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19, khiến giá cổ phiếu bị ảnh hưởng.

Năm ngoái, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho biết: "Thật khó để đạt được sản lượng hàng loạt với chi phí phải chăng".

Theo Reuters, ngoài Bắc Mỹ, VinFast đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng thêm một nhà máy ở Đức.

[theo nhandan.vn]

Video liên quan

Chủ Đề