Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các đại biểu thanh niên trong Quốc hội khóa II, 7-5-1963.

Mọi quốc gia, dân tộc, muốn ngày một phát triển và không tụt hậu, thì phải chăm lo bồi dưỡng, đào tạo lực lượng kế cận. Trước những vận hội mới của đất nước, có dịp đọc lại những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại,  càng  thấm thía hơn ý nghĩa lớn lao, sự quan tâm, lời căn dặn  của Người. Trước lúc đi xa Người dặn lại trong Di chúc: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"[1].

Thanh niên luôn là lực lượng xung kích

Lịch sử mọi quốc gia, dân tộc luôn là sự tiếp diễn, kế tục giữa các thế hệ và đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình phát triển phải có sự chủ động, chuẩn bị và chăm lo cả về 'tinh thần và lực lượng'. Từ nhận thức sâu sắc vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đánh giá một cách nghiêm túc, quan tâm một cách chu đáo đến vấn đề bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam. Dành nhiều tâm huyết cho thế hệ 'rường cột' tương lai của nước nhà, kỳ vọng họ chính là những người sẽ đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng bè bạn năm châu, Bác Hồ đã chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ.

Không phụ lòng Người, trong những năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng với lý tưởng cách mạng cao đẹp, với khát vọng chiến đấu và chiến thắng, với tinh thần cách mạng, sự gan dạ và luôn xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng tuổi trẻ Việt Nam đã góp sức vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 .

Sau hơn 80 năm trời nô lệ, một đất nước Việt Nam mới ra đời đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, đồng thời cũng mở ra cho thế hệ trẻ Việt Nam một tiền đồ rực rỡ, đi cùng với những nhiệm vụ rất vinh quang và nặng nề. Nhiệm vụ đó là: 'Thanh niên là người chủ    tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên'[2]. Có vị trí và vai trò quan trọng như vậy, nhưng để thanh niên có thể trở thành những người chủ xứng đáng, có thể hoàn thành những trọng trách mà cách mạng giao phó, bên cạnh việc tự trau dồi  bản thân, thanh niên Việt Nam phải luôn được bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, được quan tâm giáo dục; được hướng dẫn làm việc, từng bước trở thành một 'lực lượng to lớn và vững chắc'.

 Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên. Một mặt, Người khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã hoàn thành, mặt khác, Người nhẹ nhàng phê bình, và chỉ ra những thiếu sót, những tồn tại của thanh niên. Với ý nghĩa, 'Ðâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên', trong Thư gửi thanh niên [4-1951], Người viết: 'Huy hiệu của Thanh niên ta là: 'Tay cầm cờ đỏ sao vàng'. Ðó chính là thanh niên phải xung phong gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng, 'thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc'[3].

Có sức mạnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, song đi liền  những ưu thế đó, là những 'hạn chế' mà thanh niên thường dễ mắc như: Thiếu thực tế, nóng vội, hình thức, thậm chí thờ ơ hay bàng quan trước thực tiễn, sống thiếu lý tưởng, v.v. Trước thực trạng đó, Người thường có những chỉ bảo ân cần cách khắc phục những hạn chế, đồng thời cũng nhấn mạnh, để thanh niên trở thành những người gương mẫu, thì tất yếu phải: Giữ vững đạo đức cách mạng; Xung phong trong mọi công tác; Cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi và rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh, v.v.

 Thực tế cách mạng Việt Nam từ khi có Ðảng lãnh đạo đã khẳng định: Thanh niên Việt Nam đã cùng các bậc đàn anh, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, tre già măng mọc, góp sức làm nên những kỳ tích của dân tộc ta trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những Thanh niên Cứu quốc, Ðoàn quân Nam tiến, đến phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, và giờ đây là Thanh niên lập nghiệp, Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè, Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh, Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi', diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích, v.v... có thể thấy vai trò xung kích của thanh niên với sứ mệnh lịch sử: 'là lực lượng kế tục và phát triển những thành tựu cách mạng của cha anh' trong tiến trình cách mạng.

Chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ

Hơn lúc nào hết, công cuộc đổi mới đất nước, sự giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với bạn bè quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, tất yếu sẽ đem đến cho thế hệ trẻ Việt Nam nhiều cơ hội tích cực và cùng với nó, là những thách thức không nhỏ.

Từ thực tiễn, có thể thấy, đối với thế hệ trẻ, việc thường xuyên giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống 'mình vì mọi người, mọi người vì mình'; tạo môi trường thuận lợi để thanh niên Việt Nam được phát triển toàn diện cũng đã được ghi rõ trong các văn kiện của Ðảng, trong các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Ðảng. Ðó là, thanh niên được Ðảng ta và Luật thanh niên xác định 'ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nguồn lực con người', và với ý nghĩa đó, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thanh niên phát triển toàn diện là một trong những yếu tố bền vững của sự nghiệp cách mạng.

Ðể biến nghị quyết của Ðảng thành hiện thực, trước hết, cần không ngừng tăng cường giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng cách mạng của Ðảng, của dân tộc; bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ. Dù khó khăn đến mấy cũng phải coi trọng việc bồi dưỡng lý tưởng, giáo dục đạo đức lối sống cách mạng. Những công việc đó cần được tiến hành thường xuyên, thông qua việc tổ chức cho thanh niên học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và quán triệt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức giáo dục đối với thanh niên, gắn lý luận với thực tiễn, 'học' đi đôi với 'hành'.  Ðề cao yếu tố 'tự giáo dục', 'tự rèn luyện' của người thanh niên, đi đôi với sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, và các tổ chức đoàn thể khác trong hệ thống chính trị.

Với ý nghĩa đó, suy ngẫm từ những việc làm cụ thể và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam, chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh [26-3-2011], thiết thực thực hiện Năm Thanh niên 2011, các cấp bộ Ðoàn  trong cả nước tiếp tục tổ chức và thực hiện có hiệu quả các phong trào 'Bốn đồng hành với thanh niên, lập thân, lập nghiệp'; 'Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc'...

............................................... 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996,  t 10, tr 465.

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 8,  tr. 185.

[3] Hồ Chí Minh, Sđd, t 6,  tr 197 - 198. 

TS VĂN THỊ THANH MAI Ban Tuyên giáo Trung ương

“Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội” [1]. Để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng đó, thanh niên cần phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đặc biệt phải luôn thực hành “nói đi đôi với làm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. "Nói đi đôi với làm” là việc làm thường xuyên trong suốt cuộc đời của mỗi người.Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng theo quan điểm của Hồ Chí Minh: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm gồm ba nội dung:



Nói đúng chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Nghĩa là phải nắm vững đường lối cách mạng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo. Phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, dù trải quanhững tình huống phức tạp, những bước ngoặt hiểm nghèo, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng xã hội tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Để nói đúng quan điểm, đường lối của Đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác- Lênin, nghị quyêt của Đảng. Hồ Chí Minh coi lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.

Nói đi đối với làm, tránh “nói một đằng làm một nẻo”

Theo Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.

Không được nói một đằng làm một nẻo. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà bản thân lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của nhà nước và nhân dân, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thốn thốn...thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.

Để chống việc nói một đằng làm một nẻo cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể, phải đi sâu, đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả thực hiện những công việc đề ra.

Hứa là phải làm

Lời hứa có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từ việc nhỏ đến việc lớn mang ý nghĩa thiết thực. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói thì phải làm, “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước” [2].

Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng” [3].

Hồ Chí Minh cho rằng với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ làm. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc” [4].

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đã sản sinh ra lớp thế hệ thanh niên ưu tú, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ là những con người đã góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Kế thừa những thành quả cách mạng của thế hệ cha anh, lớp thanh niên ngày nay có những thuận lợi: Được sống trong một môi trường hòa bình và một môi trường bảo đảmcho sự phát triển toàn diện. Thanh niên được thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới đất nước; được cống hiến và trưởng thành trong sự ổn định về chính trị, sự phát triển vững chắc của kinh tế xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Trong đấu tranh cách mạng, Đảng, Bác Hồ đã giành cho thanh niên những đánh giá rất có ý nghĩa và quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên. Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta tiếp tục thể hiện niềm tin sâu sắc vào thế hệ thanh niên Việt Nam, là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Những lợi thế này là hành trang giúp thanh niên vững bước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà thanh niên được thừa hưởng, họ còn phải đứng trước rất nhiều khó khăn và thử thách:

Những biến động của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, cùng với mặt trái của kinh tế thị trường đang làm biến đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, tác động đến đạo đức, lối sống, nhân cách của thanh niên.

Bên cạnh đó, sự chống phá của các thế lực thù địch bên ngoài, các âm mưu xóa bỏ những thành quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục tiêu của các thế lực thù địch là luôn nhằm vào thanh niên, coi đây là đối tượng dễ lung lạc và dùng các thủ đoạn kinh tế, chính trị, văn hóa tác động làm biến chất, tạo mầm mống chống chế độ; ra sức lôi kéo, tha hóa thanh niên, kích động thanh niên tham gia các hoạt động gây mất ổn định tình hình an ninh, chính trị đất nước.

Dưới tác động của toàn cầu hóa, sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, những sản phẩm độc hại phi văn hóa bằng nhiều con đường, nhất là qua internet tác động trực tiếp, liên tục với cường độ cao đến lối sống, nếp sống của thanh niên, tạo sức ép, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho việc bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc trong giới trẻ.

Những thách thức này đã dẫn đến hệ quả một bộ phận không nhỏ thanh niên trong xã hội có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, rơi vào lối sống thực rụng, buông thả, ích kỉ, xa rời truyền thống văn hóa của dân tộc. Một bộ phận khác, bị hoang mang, giao động trước những thế lực thù địch đang âm mưu chống phá cách mạng. Thực tế, hiện nay một thực trạng nữa đang tồn tại trong hầu hết thanh niên là xa đà vào lối “sống ảo”, bị vô cảm trước đồng loại. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” trong thanh niên càng trở nên quan trọng.

Trong hơn 30 năm đổi mới, một thế hệ thanh niên mới đã ra đời và trưởng thành. Tiếp bước tinh thần “Ba sẵn sàng” của thế hệ cha anh, theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, thanh niên ngày nay với tinh thần tích cực, chủ động sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng. Phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”, Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Với những đóng góp to lớn của thanh niên với sự phát triển của đất nước, hằng năm, Trung ương Đoàn và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam đã trao giải thưởng cho gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trong các lĩnh vực: học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, doanh nhân, quốc phòng, an ninh trật tự, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội.

Đó là bạn Nguyễn Thế Hoàn [sinh năm 1997]- Sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, một tấm gương về ý chí và nghị lực vượt khó cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Sinh ra tại mảnh đất Thái Bình, trong hoàn cảnh gia đình khó khăn: bố mẹ làm ruộng, nhưng ngày từ nhỏ Hoàn đã rất chăm chỉ, chịu khó, đạt thành tích cao trong học tập. Thương bố mẹ, quyết tâm của cậu học trò nhỏ ngày càng cao, trong đợt thi vào Trung học phổ thông em đã thi đỗ ba trường: THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, Khoa học Tự nhiên và chuyên Thái Bình. Thành tích của Hoàn là niềm tự hào với bố mẹ nhưng cũng đặt lên vai bố mẹ em gánh nặng. Với quyết tâm giúp con thực hiện niềm đam mê của mình, cha mẹ em đã theo con lên Hà Nội làm nghề phụ hồ để có tiền nuôi con ăn học. Thời gian đầu, chưa tìm được việc, cha Hoàn phải làm đủ việc, ai thuê gì làm nấy. Thương bố mẹ, Hoàn thường nhịn bữa sáng đến trường và ăn thật tiết kiệm vào hai bữa còn lại. Vượt lên hoàn cảnh, không phụ sự kì vọng của bố mẹ, trong kì thi Olympic Toán học quốc tế tổ chức tại Nam Phi năm 2014, em đã đoạt hai huy chương vàng và vinh dự trở thành một trong 10 gương mặt trẻ Thủ Đô tiêu biểu. Ngoài ra, Hoàn còn được nhận nhiều bằng khen và học bổng khác như: Học bổng Hoa phong lan của Quỹ học bổng Hoa phong lan, Singapore; Học bổng Trường Đại học New South Wales; Học bổng chương trình trọng điểm Quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020; Học bổng chương trình “Tiếp sức tài năng trẻ”của Trung Đoàn.

Đó là bạn Nguyễn Thủy Tiên [sinh 1988] có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội. Thủy Tiên là người đồng sáng lập, quản lý Mạng lưới ung thư vú Việt Nam. Để có thành công này, ít ai biết câu chuyện đau thương đầy xúc động của hai chị em Tiên. Tiên tốt nghiệp đại học luật [Trường Đại học Đà Lạt], dự định lập nghiệp tại Đà Lạt. Được tin Chị gái là Nguyễn Khánh Thương- giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn bị ung thư vú. Tiên đã từ bỏ tất cả, ra Hà Nội chăm sóc và cùng chị gái chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Quặn lòng khi nhìn thấy chị gái phải gồng mình chống chọi với những cơn đau, những đợt xạ trị, hóa chất định kì. Thương chị, Tiên đã quyết định cạo tóc để chị không thấy đơn độc, buồn tủi. Hàng ngày, chứng kiến những người phụ nữ khác cũng phải gánh chịu căn bệnh này, hai chị em đã quyết tâm, lên mạng tìm mọi thông tin, liên kết sáng lập và điều hành Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam. Năm 2015, chị gái cô qua đời, vượt qua cú sốc, Tiên càng quyết tâm duy trì mạng lưới này, tiếp tục ước mơ được làm nhiều việc hơn nữa cho những người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Cho đến nay, mạng lưới đã tổ chức được nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực: “Ngày chiếc nơ hồng năm 2013; "Vượt qua nỗi sợ hãi năm 2014"... Đặc biệt, trong năm 2015, Mạng lưới ung thư vú Việt Nam là tổ chức duy nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị Cải thiện hành động phòng chống ung thư do AEEPO tổ chức tại Bali, Indonesia... Với những đóng góp của mình, Tiên nhận được giải thương gương mặt trẻ triển vọng, Giải thưởng tình nguyện Quốc gia năm 2014.

Trong lĩnh vực lao động sản xuất, doanh nhân, Phan Thanh Sang [sinh năm 1984]- Chủ trang trại hoa lan Ysaorchid, Đà Lạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, là tấm gương thanh niên vừa làm kinh tế giỏi, vừa tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương.

Từ một cậu sinh viên trường Đại học Nông nghiệp, với sở thích trồng hoa lan, Sang đã tìm tòi, nghiên cứu và lai được nhiều giống lan quý, có giá hàng tỷ đồng, tạo điều kiện cho lao động địa phương. Lúc đầu, công việc này với anh rất khó khăn vì là sinh viên phải vừa học, vừa làm, tay nghề, vốn đầu tư đều chưa có. Quá trình lai tạo các giống lan rất dài và gặp nhiều khó khăn phụ thuộc vào: nhiệt độ, khí hậu...Có những lúc anh thất bại, cảm thấy nản nhưng với lòng quyết tâm, sau khi tốt nghiệp anh vẫn theo đuổi ước mơ của mình. Sang bắt đầu đầu tư thời gian tự học hỏi, tự nhân ra các loại giống Lan với các mùi hương khác nhau. Sự nỗ lực đã mang lại thành công cho anh. Hiện anh là Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ người dân địa phương phát triển kinh tế. Năm 2015, anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng; Top 20 đại biểu được tuyên dương tại Đại hội tài năng trẻ toàn quốc; Bằng khen của UBND tỉnh các năm 2009, 2010, 2013, 2015; Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam năm 2014...

Còn rất nhiều những tấm gương thanh niên khác trong toàn quốc, bằng sức trẻ, sự nỗ lực của bản thân, đang không ngừng cố gắng vươn lên, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của thanh niên Việt Nam.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” có hiệu quả, theo tôi, thanh niên cần:

Thứ nhất, tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng. Thanh niên phải rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; đấu tranh chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các tiêu cực, tệ nạn xã hội…

Thứ hai, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần- kiệm- liêm- chính- chí công- vô tư.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì cũng không lợi gì cho con người”[5].

Để rèn luyện đạo đức cách mạng thì trước tiên thanh niên phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các bệnh rất nguy hiểm: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc thực dụng, óc lãnh tụ. Chủ nghĩa cá nhân việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình” [6].

Thanh niên phải có một đời tư trong sáng, phải là tấm gương sáng trong cuộc sống. Nếu đoàn viên, thanh niên không có đời tư trong sáng thì sẽ không thuyết phục, vận động được nhân dân trong các phong trào cách mạng.

Thứ ba, thanh niên cần tích cực học tập và tự học để nâng cao trình độ, mang tài năng, trí tuệ cống hiến, phục vụ Tổ quốc. Đây được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là quyền lợi, nghĩa vụ đối với mỗi người thanh niên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”[7]

Thứ tư, phát huy hơn nữa tinh thần xung kích của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên”, tích cực tham gia các công tác xã hội; luôn hoàn thành và đi đầu trong mọi nhiệm vụ với tinh thần nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh

“Nói đi đôi với làm” là một phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên tắc này đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Để có một xã hội ngày càng tốt đẹp, tất cả mọi người được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì lối sống mình vì mọi người cần được phát huy, nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Đặc biệt, thế hệ thanh niên càng phải cố gắng xây dựng và thực hành tốt nếp sống “nói đi đôi với làm” để làm nền tảng cho sự thành công trong cuộc sống, và xứng đáng với niềm tin, sự kì vọng của Đảng, Nhân dân và Bác Hồ kính yêu về vị trí, vai trò của thanh niên

---------------------

[1] ĐCSVN: Nghị quyết hội nghị Trung ương 7, khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2008, trang 7.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.126.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, tập 5, tr.290.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.6, tr.233.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, tập 11, tr.399

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, tập 5, tr.295.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, tập 5, tr.216.

Kim Thanh – Phạm Giang

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề