Theo unesco văn hóa là gì

Ảnh minh họa. [ Nguồn: toquoc.vn].

Hơn 30 năm đổi mới, kinh tế nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Thành công có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới khởi nguồn từ những tư duy mới, những chính sách mới, đơn cử như việc xác định văn hóa là động lực của phát triển; phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Đề cao văn hóa, tức là coi văn hóa như sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của một dân tộc, đóng vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả dân tộc nói chung và của nền kinh tế nói riêng.

Văn hóa là một khái niệm rộng, có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa: Văn hóa nên được đề cập như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.

Ở nước ta, văn hóa cũng được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, từ quan điểm thông dụng chỉ học thức, lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến quan niệm văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử, nghĩa là con người sáng tạo, tích lũy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và như vậy, văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, là biểu hiện của văn minh, vừa mang dấu ấn chung của nhân loại, vừa in đậm dấu ấn của mỗi dân tộc, mỗi đất nước. Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, văn hóa chính là căn cước để các quốc gia, dân tộc hội nhập nhưng không hòa tan.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt nguyên tắc và mục tiêu “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Để có nền văn hóa tiên tiến, chúng ta phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các quốc gia khác trên thế giới, những thành tựu mới trong lĩnh vực văn hóa của quốc tế; bên cạnh đó,  chúng ta phải gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc được bồi đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới để đóng góp vào văn hóa chung của cả loài người.

Kinh tế phát triển dẫn đến sự thay đổi về nhiều mặt, trong đó có vấn đề văn hóa. Bên cạnh những yếu tố tích cực thì xuất hiện những hiện tượng phản văn hóa. Đó là thái độ phủ nhận những chuẩn mực, giá trị của nền văn hóa chung. Nó xung đột, đối lập với các chuẩn mực, giá trị chung của toàn xã hội. Coi thường chuẩn mực chung trong giáo dục gây ra những tiêu cực, những chuyện đau lòng; chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá nên dẫn đến những dự án gây ô nhiễm môi trường, lừa đảo trong kinh doanh, sản xuất và buôn bán hàng giả... đến vấn nạn tín dụng đen; coi thường chuẩn mực trong giao thông gây ra những vụ tai nạn, khiến thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng...

Hay một hiện tượng dễ thấy nhất là khủng hoảng hệ giá trị, dẫn đến những biểu hiện bất thường từ những chuyện như: Dâng cúng bánh chưng lớn nhất, chai rượu lớn nhất đến những biệt phủ thật hoành tráng, những đám cưới thật to… trong lúc thu nhập chính đáng còn thấp, đời sống của nhân dân nhiều nơi rất khó khăn. Sự khủng hoảng giá trị đó còn dẫn đến hiện tượng học giả, bằng thật rồi bằng giả, bổ nhiệm thật, đặc biệt là tệ tham nhũng, lãng phí gây ra những hệ lụy rất tệ hại.

Chính vì vậy mà vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân cũng đang được đặt ra một cách bức thiết. Dù nghị quyết rất hay, chủ trương rất đúng nhưng chính cán bộ, đảng viên không gương mẫu thực hiện, thậm chí làm ngược lại thì không thể thuyết phục được quần chúng nhân dân, chưa kể nó làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Do đó, nhìn một cách phổ quát, văn hóa đúng là ngọn đuốc soi đường, sức mạnh mềm!

[CPP] Văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình. Văn hoá là biểu hiện của trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định… Đó có lẽ là khái niệm phổ biến nhất đối với mỗi thế hệ học sinh, sinh viên… Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn các khái niệm về văn hóa nhé!

VĂN HÓA LÀ GÌ? CÁC ĐỊNH NGHĨA KHÁC NHAU VỀ VĂN HÓA

Theo chúng tôi, văn hóa là sản phẩm của con người; là hệ quả của sự tiến hóa nhân loại. Nhờ có văn hóa mà con người trở nên độc đáo trong thế giới sinh vật và khác biệt so với những con vật khác trong thế giới động vật. Tuy nhiên, để hiểu về khái niệm “văn hóa” đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó có những định nghĩa khác nhau về Văn hóa.

Những định nghĩa khác nhau về văn hóa

Năm 1952, A.L. KroeberKluckhohn xuất bản quyển sách Culture, a critical review of concept and definitions [Văn hóa, điểm lại bằng cái nhìn phê phán các khái niệm và định nghĩa], trong đó tác giả đã trích lục khoảng 160 định nghĩa về văn hóa do các nhà khoa học đưa ra ở nhiều nước khác nhau. Điều này cho thấy, khái niệm “Văn hóa” rất phức tạp.

Năm 1871, E.B. Tylor đưa ra định nghĩa “Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung gồm có tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách một thành viên của xã hội[1]. Theo định nghĩa này thì văn hóa và văn minh là một; nó bao gồm tất cả những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, từ tri thức, tín ngưỡng đến nghệ thuật, đạo đức, pháp luật… Có người ví, định nghĩa này mang tính “bách khoa toàn thư” vì đã liệt kê hết mọi lĩnh vực sáng tạo của con người[2].

F. Boas định nghĩa “Văn hóa là tổng thể các phản ứng tinh thần, thể chất và những hoạt động định hình nên hành vi của cá nhân cấu thành nên một nhóm người vừa có tính tập thể vừa có tính cá nhân trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên của họ, với những nhóm người khác, với những thành viên trong nhóm và của chính các thành viên này với nhau[3]. Theo định nghĩa này, mối quan hệ giữa cá nhân, tập thể và môi trường là quan trọng trong việc hình thành văn hóa của con người.

Một định nghĩa khác về văn hóa mà A.L. KroeberKluckhohn đưa ra là “Văn hóa là những mô hình hành động minh thị và ám thị được truyền đạt dựa trên những biểu trưng, là những yếu tố đặc trưng của từng nhóm người… Hệ thống văn hóa vừa là kết quả hành vi vừa trở thành nguyên nhân tạo điều kiện cho hành vi tiếp theo[4]

ĐỊNH NGHĨA VĂN HÓA Ở VIỆT NAM

Khái niệm về văn hóa tại Việt Nam

Ở Việt Nam, văn hóa cũng được định nghĩa rất khác nhau.

Hồ Chí Minh cho rằng “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa[5]. Với cách hiểu này, văn hóa sẽ bao gồm toàn bộ những gì do con người sáng tạo và phát minh ra. Cũng giống như định nghĩa của Tylor, văn hóa theo cách nói của Hồ Chí Minh sẽ là một “bách khoa toàn thư” về những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người.

Phạm Văn Đồng cho rằng “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… [văn hóa] bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh[6]. Theo định nghĩa này thì văn hóa là những cái gì đối lập với thiên nhiên và do con người sáng tạo nên từ tư tưởng tình cảm đến ý thức tình cảm và sức đề kháng của mỗi người, mỗi dân tộc.

Riêng Nguyễn Đức Từ Chi xem văn hóa từ hai góc độ. Góc độ thứ nhất là góc độ hẹp, mà ông gọi là “góc nhìn báo chí”. Theo góc nhìn này, văn hóa sẽ là kiến thức của con người và xã hội. Nhưng, ông không mặn mà với cách hiểu này vì hiểu như thế thì người nông dân cày ruộng giỏi nhưng không biết chữ vẫn bị xem là “không có văn hóa” do tiêu chuẩn văn hóa ở đây là tiêu chuẩn kiến thức sách vở. Còn góc nhìn thứ hai là “góc nhìn dân tộc học”. Với góc nhìn này, văn hóa được xem là toàn bộ cuộc sống – cả vật chất, xã hội, tinh thần- của từng cộng đồng[7]; và văn hóa của từng cộng đồng tộc người sẽ khác nhau nếu nó được hình thành ở những tộc người khác nhau trong những môi trường sống khác nhau. Văn hóa sẽ bị chi phối mạnh mẽ bởi sự kiểm soát của xã hội thông qua gia đình và các tổ chức xã hội, trong đó có tôn giáo.

Trong những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam và kể cả ở nước ngoài khi đề cập đến văn hóa, họ thường vận dụng định nghĩa văn hóa do UNESCO đưa ra vào năm 1994. Theo UNESCO, văn hóa được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộngnghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng thì “Văn hóa là một phức hệ – tổng hợp các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm… khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng…[8]; còn hiểu theo nghĩa hẹp thì “Văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng [ký hiệu] chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng[9]

TỔNG KẾT

Nhìn chung, các định nghĩa về văn hóa hiện nay rất đa dạng. Mỗi định nghĩa đề cập đến những dạng thức hoặc những lĩnh vực khác nhau trong văn hóa.

Như định nghĩa của Tylor và của Hồ Chí Minh thì xem văn hóa là tập hợp những thành tựu mà con người đạt được trong quá trình tồn tại và phát triển, từ tri thức, tôn giáo, đạo đức, ngôn ngữ,… đến âm nhạc, pháp luật

Còn các định nghĩa của F. Boas, Nguyễn Đức Từ Chi, tổ chức UNESCO… thì xem tất cả những lĩnh vực đạt được của con người trong cuộc sống là văn hóa.

Chúng tôi dựa trên các định nghĩa đã nêu để xác định một khái niệm văn hóa cho riêng mình nhằm thuận tiện cho việc thu thập và phân tích dự liệu khi nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng, văn hóa là sản phẩm của con người được tạo ra trong qua trình lao động [từ lao động trí óc đến lao động chân tay], được chi phối bởi môi trường [môi tự nhiên và xã hội] xung quanh và tính cách của từng tộc người. Nhờ có văn hóa mà con người trở nên khác biệt so với các loài động vật khác; và do được chi phối bởi môi trường xung quanh và tính cách tộc người nên văn hóa ở mỗi tộc người sẽ có những đặc trưng riêng.

Với cách hiểu này cùng với những định nghĩa đã nêu thì văn hóa chính là nấc thang đưa con người vượt lên trên những loài động vật khác; và văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra trong quá trình lao động nhằm mục đích sinh tồn.

Theo Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[1] E.B. Tylor, Văn hóa nguyên thủy, Huyền Giang dịch từ tiếng Nga, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, tr, 13.
[2] Vũ Minh Chi, Nhân học văn hóa – con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, [sách tham khảo], NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 39
[3] F. Boas, Primitive Minds [Trí óc của người Nguyên Thủy], Ngô Phương Lan dịch, 1921, p. 149
[4] A.L. Kroeber và Kluckhohn, Culture, a critical review of concept and definitions, Vintage Books, A Division of Random House, New York, 1952, p.357
[5] Hồ Chí Minh Toàn Tập, in lần 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 431.
[6] Dẫn theo Trần Quốc Vượng [chủ biên], Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dụ, 2005, tr. 22
[7] Nguyễn Đức Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, NXB Chính trị Quốc gia, 2003, tr. 565, 565, 570.
[8] Dẫn theo chương Văn hóa trong giáo trình Nhân học đại cương của Bộ môn Nhân học, Đại học KHXH&NV TP.HCM, tài liệu đánh máy.
[9] Ngô Văn Lệ, Tộc người và văn hóa tộc người, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2004, tr. 314.

Chủ Đề