Thiêng liêng bất khả xâm phạm là gì

[Thanh tra] - Giữ vững Chủ quyền quốc gia, Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết, là điều kiện ắt có và đủ để đảm bảo cho sự phát triển của dân tộc, của đất nước.

57 năm trước, ngày 19/9/1954 Bác Hồ về thăm Đền Hùng, gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sỹ đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô. Người căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác như một hiệu triệu, như lời hịch truyền cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và các thế hệ đời sau rằng, Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm.

Hơn ai hết, nhân dân ta thấu hiểu sự thiêng liêng của Chủ quyền quốc gia và Độc lập dân tộc, bởi dân tộc ta đã trải qua hơn một ngàn năm sống dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, hơn 80 năm bị thực dân Pháp xâm lược, và 30 năm bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm. Mất Chủ quyền quốc gia, mất Độc lập dân tộc là mất tất cả. Điều đó không có gì bàn cãi.

Chiến tranh đã kéo lùi sự phát triển của đất nước đến hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Bao thế hệ của dân tộc Việt Nam đã không tiếc máu xương đấu tranh cho nền Độc lập và Chủ quyền Quốc gia. Và cũng chính từ đó hình thành Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một giá trị văn hóa chủ đạo, một truyền thống tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam mà thế giới phải công nhận.

Việc chúng ta bảo vệ quyền làm chủ của mình với biển đảo quê hương đang thu hút sự quan tâm, ủng hộ của bè bạn năm châu. Nhiều bài viết, công trình nghiên cứu giúp chúng ta có thêm bằng chứng về chủ quyền Biển Đông.

Tuy nhiên, nhiều bạn bè quốc tế cũng nhắc ta rằng, “Chủ quyền của đất nước bạn là ở tư duy và trách nhiệm của mỗi con người trên đất nước bạn. Tại sao một số người trong các bạn lại có thể gọi “Biển Hoa Nam” thay vì gọi Biển Đông như bao đời nay?”… Ngẫm lại thấy đúng, vì tuy đã nhắc nhở, tuyên truyền nhiều mà một số đơn vị du lịch vẫn cho rải các tờ rơi, ca-ta-lô với hình bản đồ Việt Nam được ghi chú vùng Biển Đông là “Biển Hoa Nam”; hay như tấm bản đồ Việt Nam bao gồm các hải đảo thân yêu nhiều khi vẫn bị một số người vô trách nhiệm lãng quên những nét “chấm chấm” quan trọng, ngay cả trong những thời điểm nhạy cảm nhất.

Qua bao cuộc chiến tranh giữ nước, dân tộc ta nhỏ bé mà dũng mãnh đương đầu với giặc ngoại xâm để giữ từng tấc đất. Từ ngàn xưa khí phách của con người Việt Nam luôn hào sảng với quan điểm “Sông núi nước Nam Vua Nam ở…”. Đó là khí phách của bao thế hệ Lạc Hồng, Hùng Vương, những thế hệ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê; đó là oai vũ của Trần Hưng Đạo, Quang Trung - Nguyễn Huệ; đó là bước chân rầm rập của anh Giải phóng quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, của nhiều thế hệ Bộ đội cụ Hồ, của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh… Tôi cũng vô cùng tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói khi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng: “… Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm hết sức mình, bằng sức mạnh của cả dân tộc với sức mạnh của thời đại, quyết tâm bảo vệ vững chắc Chủ quyền của Tổ quốc”. Thủ tướng cũng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm, và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để bảo vệ vùng biển và hải đảo của mình”.

Đúng vậy! Hoàng Sa, Trường Sa là một phần của “cơ thể” Việt Nam. Bởi vậy, Hoàng Sa, Trường Sa phải là dòng chảy luôn hiện diện trong ý thức, con tim của mỗi con người yêu nước Việt Nam.

Chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm!

Tuyên ngôn độc lập: Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại

Thứ hai - 30/08/2021 10:47
[TG] - Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp là hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của nhân loại. Đó là văn kiện pháp lý thấm nhuần tư tưởng tiến bộ của thời đại, nêu cao nguyên tắc bình đẳng, dân chủ và các quyền cơ bản của con người, của dân tộc. Trân trọng những giá trị cao cả ấy, trong một thời đại mới và một cuộc cách mạng mới, Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa và hơn nữa phát triển các giá trị ấy ở hai nội dung cơ bản là quyền con người, quyền dân tộc và nguyên tắc chủ quyền nhân dân.


KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN DÂN TỘC
Tuyên ngôn độc lậpcủa nước Mỹ năm 1776 vàTuyên ngônNhân quyền và Dân quyềnnăm 1789 được ra đời từ sau cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và cuộc đại cách mạng tư sản Pháp. Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộthời kỳ Khai sáng, hai bản Tuyên ngôn là nhữnglời khẳng định đầy sức thuyết phục về quyền con người, quyền dân tộc, về nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến chuyên chếhướng con người vươn tới các giá trị dân chủ, giá trị nhân văn cao cả về tự do, bình đẳng, bác ái.
Các bản Tuyên ngôn khẳng định những quyền con người cơ bản nhất đó là quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền tư hữu tài sản. Đó là “quyền tự nhiên, không thể chuyển nhượng vàbất khả xâm phạm của mỗi con người”[1].
Trong bảnTuyên ngôn độc lậpnướcMỹ, tác giả Thomas Jefferson khẳng định các nước thuộc địa phải có quyền là quốc gia tự do và độc lập và từ việc xóa bỏ quyền thống trị của thực dân Anh, cuộc đấu tranh vì nền độc lập của các bang thuộc địa ở Bắc Mỹ cũng nhằm tới tranh đấu cho các quyền tự nhiên của riêng mỗi con người. Với những giá trị to lớn như vậy hai bản Tuyên ngôn đánh mốc dấu son trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Đó là bản Tuyên ngôn mang đậm giá trị nhân văn, nhân bản, là nền tảng để xây dựng các bản Hiến pháp dân chủ tiến bộ của nước Pháp, nước Mỹ sau đó.
BảnTuyên ngôn nhân quyền và dân quyềncủa cách mạng Pháp năm 1791 cũng nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[2].
TrongTuyên ngôn độclậpnăm 1945 của Việt Nam, từ những dòng đầu tiên, Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu nổi tiếng nhất trong hai bản Tuyên ngôn lịch sử đó với thái độ rất trân trọng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Ở đây, Hồ Chí Minh đãxuất phát từ những giá trị nhân văn cao cả, mang tính phổ quát toàn nhân loại làm cơ sở, mục tiêu cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Từ đó, Người khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cũng là nhằm thực hiện những quyền chính đáng, thiêng liêng không ai có thể xâm phạm, là sự tiếp nối của lá cờ giải phóng dân tộc, giải phóng con người mà các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đã giương cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự kế thừa và mở rộng, phát triển vượt bậc những giá trị của các bản Tuyên ngôn trước đó trong thời đại mới. TrongTuyên ngôn độc lậpcủa nước Mỹ, nguyên bản câu “tất cả mọi người” là “tất cả đàn ông” [All men]. Nguyên bản của câu đó là đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm cuối thế kỉ XVIII khi chế độ nô lệ còn tồn tại, sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc rất nặng nề, những người đàn ông có quyền mà Tuyên ngôn đề cập đến chỉ là những người đàn ông da trắng. Như vậy, các quyền cơ bản của con người, quyền vốn có ấy lại không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ dành cho đàn ông da trắng. Còn với Hồ Chí Minh, Người khẳng định một cách rõ ràng, quyền là dành cho “tất cả mọi người”, không phân biệt địa vị, thành phần, tôn giáo,giới tính, sắc tộc. Đó là sự mở rộng tuyệt đối, đem lại những giá trị to lớn và phù hợp với sự phát triển tiến bộ của nhân loại.
Cũng từ việc khẳng định đạo lý và chính nghĩa của nhân loại, Hồ Chí Minh đã vạch trần bộ mặt giả dối, bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp. TrongTuyên ngôn độc lập, Người đã khái quát một cách sâu sắc tội ác của thực dân Pháp trong gần 100 năm cai trị ở đất nước ta trên tất cả các mặt, đặc biệt làviệc chà đạp, tước đoạt quyền các quyền tự nhiên của con người, của dân tộc. Và từ đó, Người khẳng định: trong thời đại mới, không chỉ chế độ phong kiến chuyên chế mà chủ nghĩa thực dân với bản chất tàn bạo của nó cần được xóa bỏ, để bảo vệ quyền và nhân phẩm của con người. Khi còn chủ nghĩa thực dân, còn tình trạng dân tộc này áp bức, nô dịch dân tộc khác thì chắc chắn quyền con người ở các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc bị chà đạp, không được ghi nhận và thực hiện.
Một điểm đáng chú ý nữa là từ quyền của con người, Hồ Chí Minh đã suy rộng ra quyền dân tộc“các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống,quyền sung sướng và quyền tự do”[3]. Từ quyền con người, Người suy rộng ra quyền dân tộc cũng là quyền tự nhiên, thiêng liêng “là lẽ phải không ai chối cãi được”[4].Nếu như trong bản Tuyên ngôn của nước Mỹ đã đề cập đến cả quyền con người, quyền dân tộc, thì đến bản Tuyên ngôn của Việt Nam đã gắn kết hai phạm trù pháp lý cơ bản này trong mối liên hệ biện chứng, chặt chẽ với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người và ngược lại thực hiện quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Quyền con người cao nhất chính là được sống trong đất nước tự do, là công dân của một nước độc lập.
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh đã mở rộng nội hàm khái niệm quyền dân tộc cả chiều rộng và chiều sâu, mà các bản Tuyên ngôn trước chưa đề cập đến. Xuất phát từ hoàn cảnh nước Việt Nam thuộc địa vừa mới giành độc lập và bối cảnh lịch sử quốc tế bấy giờ, Hồ Chí Minh khẳng định: quyền dân tộc không chỉ là quyền dân tộc tự quyết, mà còn là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.Độc lập dân tộc đã gắn bó mật thiết với các nguyên tắc dân tộc bình đẳng và tự quyết, với quyền sống và quyền hạnh phúc của mỗi dân tộc. Hơn nữa, quyền độc lập, bình đẳng ở đây phải được xác lập trong mối quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu hay khác nhau về thể chế chính trị.Vì thế,Tuyên ngôn độc lậpkhông còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhỏ yếu đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân.
Từ quyền con người suy rộng ra quyền dân tộc, Tuyên ngôn độc lập đã góp phần tạo lập và khẳng định một nền pháp lý và công lý mới của văn minh nhân loại, hướng tới công bằng, bình đẳng, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công trên bình diện quốc gia và quốc tế. Công lý ấy về sau không chỉ trở thành nguyên tắc lập hiến của Việt Nam, của nhiều quốc gia khác mà trở thành điều khoản pháp lý quốc tế khi nó đã được ghi vào Liên hợp quốc với các công ước quốc tế liên quan đến chủ quyền quốc gia, về quyền độc lập dân tộc và quyền tự quyết.
Hai bản Tuyên ngôn nước Pháp, nước Mỹ đề cập đến quyền con người, quyền dân tộc là quyền thiêng liêng, là một tất yếu của tạo hóa. Nhưng là người dân của một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc rằng quyền thiêng liêng, vốn có ấy không phải tự nhiên mà có được, mà phải đổ máu, hy sinh, phải đấu tranh với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[5].Đứng trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, một dân tộc không biết đấu tranh cho độc lập, tự do thì cũng không xứng đáng được hưởng nền độc lập, tự do. BảnTuyên ngôn độc lậpcủa Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập…Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minhchống phát xítmấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[6]. Dân tộc đó còn có quyết tâm sắt đá “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”[7].
Sự ra đời củaTuyên ngôn độc lậpthực sự là một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, cũng như trong cuộc đấu giải phóng của các dân thuộc địa. Nếu hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người; thì Tuyên ngôn độc lậpbáo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do.

KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN NGUYÊN TẮC VỀ CHỦ QUYỀN NHÂN DÂN
Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ trong tác phẩmKhế ước xã hộicủaJean Jacques Rousseau,Tuyên ngôn độc lậpcủa Mỹ khẳng định chân lý: “Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân”[8].Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyềncủa Pháp đã chỉ ra “sự thiếu hiểu biết, hờ hững hoặc coi thường những quyền của con người chính là nguyên nhân duy nhất dẫn đến những tai họa của cộng đồng, và dẫn đến sự thối nát của các chính quyền... Mục đích của tất cả các tổ chức chính trị là bảo vệ các quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người”[9]. Sự cần thiết của việc xây dựng chính quyền nhân dân, hoạt động vì mục tiêu cao nhất bảo vệ quyền con người, vì hạnh phúc con người đã được khẳng định trong hai bản Tuyên ngôn lịch sử này. Hơn thế nữa “bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ”[10].
Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo không chỉ là cuộc cách mạng làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xóa bỏ xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và của phát xít Nhật. Cuộc cách mạng ấy đồng thời thực hiện nhiệm vụ lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót gần 1.000 năm. Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến đã trở thành một nước độc lập, theo chế độ Dân chủ Cộng hòa.
TrongTuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ chủ thể của cuộc cách mạng chính là nhân dân, thành quả cách mạng đạt được do nhân dân làm ra và nhân dân là người bảo vệ thành quả đó: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”.Có thể nói, đến đây nguyên tắc“chủ quyền nhân dân” với ý nghĩa nhân dân là chủ thể nước Việt Nam mới, của chế độ Dân chủ Cộng hòa đã được Hồ Chí Minh khẳng định rõ ràng. Hơn nữa, khái niệm nhân dân mà Hồ Chí Minh sử dụng không bó hẹp trong giai cấp, tầng lớp nào mà là mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giới tính, địa vị, tôn giáo, giai cấp.
Chế độ Dân chủ Cộng hòa được Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn là chế độ thực hành nguyên tắc“chủ quyền nhân dân” một cách triệt để và thực chất. Đó là chế độ lập ra từ thành quả đấu tranh của nhân dân, được xây dựng theo ý nguyện của các tầng lớp nhân dân, hướng tới mục tiêu cao cả“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho nhân dân.Tư tưởng này của Người sau đó được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam do Người làm Trưởng ban soạn thảo: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều 7 trong Hiến pháp ghi nhận quyền chính trị của công dân: Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình. Nhân dân có quyền quyết định những công việc trọng đại của đất nước cũng như bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra.
Có thể nói, ra đời sau hai bản Tuyên ngôn lịch sử của nhân loại hơn một trăm năm, trong bối cảnh lịch sử mới, bảnTuyên ngôn độc lậpcủa Việt Nam đã kế thừa, chắt lọc phát triển giá trị căn cốt, mang tính bền vững và phổ quát nhất của hai bản Tuyên ngôn trước đó. Với những giá trị đó,Tuyên ngôn Độc lậpcủa Việt Nam không chỉ là lời tuyên bố độc lập, khai sinh cho một Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đuổi mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, mà còn đóng góp quan trong cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người và vì hạnh phúc của con người.
TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
___
[1] [7] [8] [9] Nguyễn Văn Út:9 bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2006, tr. 125, 126, 285, 286.
[2] [3] [4] [5] [6] [10] [11] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 4, tr. 1, 1, 1, 534, 1, 3, 3

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo:

Chủ quyền lãnh thổ là bất khả xâm phạm

[HNM] - Trả lời báo chí quốc tế tại thủ đô Manila [trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á] về việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 [Hải Dương - 981] trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng; Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó... Như vậy, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã chuyển một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng: Chủ quyền lãnh thổ đối với dân tộc Việt Nam là bất khả xâm phạm và không thể đánh đổi.

1. Dân tộc Việt Nam sinh ra bên bờ Biển Đông. "Năm mươi người con theo mẹ lên rừng, năm mươi người con theo cha xuống biển", từ thuở hồng hoang cuộc sống của người Việt đã gắn liền với biển. Ba vùng văn hóa lớn [Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Nam Trung bộ, Óc Eo ở niềm Nam] đều lưu giữ những dấu tích người Việt Nam mở đất, lấn biển... từ thuở xa xưa, sống cùng biển và vươn ra biển để mưu sinh, để mở mang lãnh thổ. Cương vực lãnh thổ Việt Nam xưa nay căn cứ vào những bằng chứng pháp lý, lịch sử là những tấm bản đồ, là những dòng lịch sử được ghi chép chuẩn xác, là dấu chân cha ông, là hồn phách của những con người "đi có về không" vì lệnh vua, phép nước. Chủ quyền đất nước được lưu giữ trong truyền thống văn hóa, được ký thác trong tâm thức dân tộc... rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam.

Nói về chủ quyền, không thể không nhắc đến những đặc điểm địa lý [có thể xem như một thành tố không thể thiếu trong việc hình thành tính cách dân tộc]. Trải dài từ Bắc xuống Nam, dải đất hình chữ S là nơi tiếp xúc giữa đại lục và đại dương, là đầu mối giao thương và có vị trí đặc biệt trong mưu đồ thôn tính, bá quyền của những thế lực hùng mạnh. Do vậy, từ thuở "mang gươm đi mở cõi", dân tộc Việt Nam phải đối mặt với một số mệnh khắc nghiệt của "đất nước nơi đầu sóng". Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chưa một dân tộc nào trên thế giới phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc đến như vậy. Lịch sử dựng nước gắn liền với lịch sử giữ nước đã hun đúc ý thức độc lập tự chủ trong lòng dân tộc và làm nên phẩm giá Việt Nam.

Lý Thường Kiệt đã khẳng định chân lý vĩnh hằng: "Sông núi nước Nam vua Nam ở" [Nam quốc sơn hà nam đế cư] qua bài Thơ Thần bên sông Như Nguyệt. Mấy trăm năm sau, Nguyễn Trãi thể hiện tinh thần tự chủ "Từ Triệu - Đinh - Lý - Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán - Đường - Tống - Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương" với Đại Cáo bình Ngô. Lê Thánh Tông khắc lên núi Bài Thơ "Muôn thuở trời Nam sông núi còn mãi" [Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại], việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành một mệnh lệnh của vương triều: "Kẻ nào dám đem một thước đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc sẽ bị tội tru di". Trước giặc Thanh cuồng bạo, Quang Trung - Nguyễn Huệ tiếp nối ý chí quật cường với lời hịch vang vọng non sông "Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng và có chủ" [Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ]... Trong bản Tuyên ngôn độc lập [năm 1945] khai sinh ra nước Việt Nam mới của một thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập"...

Ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã chuyển thành lòng yêu nước, chảy một mạch ngầm mãnh liệt trong đời sống con người Việt Nam truyền từ đời này sang đời khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

2. Số mệnh khắc nghiệt đã buộc dân tộc Việt Nam phải vượt qua những cơn binh lửa để gây nền tự chủ. Do vậy, người Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Để "dập tắt muôn đời chiến tranh", trong cái thế "đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông", trước quân tướng nhà Minh xâm lược như "tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ", nhưng Lê lợi, Nguyễn Trãi vẫn "lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức". Hội thề Đông Quan đã thể hiện rõ mục đích cuối cùng trong cuộc chiến vệ quốc, là một dấu ấn lịch sử thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với đại diện Chính phủ Pháp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau… cũng là những ví dụ điển hình cho thấy dân tộc Việt Nam luôn mong muốn và luôn tìm mọi cách để có trong tay cơ hội hòa bình. Để gìn giữ nền hòa bình, nhiều người con nước Việt đã ngã xuống cho máu đào tô thắm cờ Tổ quốc, cho hồn phách hòa vào biển đảo quê hương.

Với dân tộc Việt Nam, hòa bình được đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ, nên hòa bình đồng nghĩa chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chứ không phải là thứ "hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc". Trước những hành động nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông của phía Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bắt buộc phải tự vệ..." và "Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình...". Đất nước Việt Nam cần hòa bình ổn định, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với việc gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Nhưng khát khao hòa bình không đồng nghĩa với sự "lệ thuộc". Và, một điều khắc cốt ghi tâm: Người Việt Nam không bao giờ đánh đổi chủ quyền thiêng liêng, bởi đó là tâm thức thiêng liêng, là lợi ích chính đáng, là lẽ sống của cả dân tộc.

Lịch sử đánh giặc giữ nước của cha ông ta đã chứng minh rằng, một đất nước nhỏ bé hoàn toàn có thể bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của mình nếu có chính nghĩa, có lẽ phải và biết cách tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc. Người dân Việt Nam đã "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo". Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, nhiều nước trong khu vực, những người có lương tri trên khắp thế giới và ngay cả những người yêu chuộng hòa bình ở Trung Quốc đều nói lên tiếng nói chính nghĩa ủng hộ Việt Nam. Trong lúc này, mỗi người dân nước Việt cần đoàn kết, đồng lòng với ý nguyện vì một nền hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Chúng ta đều biết, nếu không có trái tim nóng bỏng sẽ không có đủ quyết tâm để vượt qua thách thức, nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, nếu trái tim nóng không được điều khiển bởi cái đầu sáng suốt, mẫn tiệp thì chắc chắn sẽ phải trả giá đắt. Nhà lập quốc Hoa Kỳ Alexander Hamilton có một câu nói đến nay vẫn còn tính thời sự: "... trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước". Những lời cảnh báo từ lịch sử cho chúng ta thấy rằng, những thế lực xấu xa vẫn đang đứng trong bóng tối. Do vậy, mỗi người Việt Nam cần có "cái đầu lạnh" để phân biệt rõ đâu là biểu hiện của lòng yêu nước chân chính, đâu là hành động vụ lợi của những kẻ nhân danh yêu nước để đánh bóng tên tuổi, để mưu đồ phá hoại đất nước. Mỗi chúng ta cũng cần nhận thức rõ ràng: Những hành vi phá hoại trong bối cảnh đất nước đang đứng trước thử thách khắc nghiệt như hiện nay là vô cùng nguy hiểm và cần phải nghiêm trị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Chúng ta bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng ý chí, trí tuệ và những việc làm cụ thể xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân. Sức mạnh Việt Nam sẽ được nhân lên gấp bội khi cả nước một lòng, khi dân tộc Việt Nam cùng nhìn về một hướng. Hòa bình chính là đích đến để người dân Việt Nam thực hiện "quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Máu xương của biết bao thế hệ đã đổ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, để giành lại hòa bình cho đất nước, người Việt Nam hôm nay không cho phép bất cứ thế lực nào xâm phạm lãnh thổ cha ông, tước đoạt nền hòa bình của dân tộc, đồng thời cũng không cho phép bất cứ kẻ nào lợi dụng lòng yêu nước để phá hoại trật tự, an toàn xã hội, phá hoại chế độ.

Cù Xuân Trường

Video liên quan

Chủ Đề