Tổ chức cơ vai trò quan trọng trong cách mạng Tháng Tám

Tháng 8-1945, trước sự tác động thuận lợi của tình hình quốc tế và phong trào cách mạng trong nước dâng cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thực hiện những quyết định hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng để lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền trong toàn quốc. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa này, vai trò của Thủ đô Hà Nội là rất quan trọng.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu

1. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh dẫn đến quân đội của chúng ở Đông Dương mất tinh thần, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Chớp thời cơ, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào [từ ngày 13 đến 15-8-1945] ra quyết định phát động Tổng khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Chiều 16-8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, nhất trí phát động Tổng khởi nghĩa…

Ngày 15-8-1945, được tin Nhật chính thức đầu hàng, Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại Vạn Phúc [Hà Đông] quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương thuộc Xứ ủy phụ trách. Cùng ngày, Hội nghị cán bộ quân sự bất thường được Thành ủy Hà Nội triệu tập tại chùa Hà để bàn về công tác quân sự chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Ngày 16-8-1945, Thành ủy Hà Nội triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng thông báo Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng – Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội.

Chiều 17-8-1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Tổng hội viên chức tổ chức cuộc mít tinh hô hào nhân dân ủng hộ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim, song đã bị Ủy ban Quân sự cách mạng chiếm lấy diễn đàn để tuyên truyền cách mạng. Những tổ chiến đấu, những tuyên truyền viên xung phong đã thi hành nhiệm vụ; nhiều lá cờ đỏ sao vàng, trong đó một lá cờ đỏ sao vàng lớn đã phủ kín mặt trước lễ đài; tiếng reo hò của quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh lên cao và cuộc mít tinh này đã chuyển sang biểu tình, tuần hành do các đội tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi từ Nhà hát Lớn qua các phố trung tâm, với các khẩu hiệu được hô vang: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”… Có thể nói, đây chính là những phút giây đầu tiên của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội.

Sự kiện này khẳng định sự tin tưởng của quần chúng vào ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Trước khí thế cách mạng của quần chúng và tình hình của địch, tối 17-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp hội nghị mở rộng, bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa và dự kiến tiến hành vào ngày 19-8-1945.

Ngày 18-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chuyển vào nội thành. Theo kế hoạch, các đội tuyên truyền xung phong dùng mô tô, xe đạp cắm cờ đỏ sao vàng đi khắp phố phường phát truyền đơn, dán áp phích, kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa; các đội tự vệ cùng các tổ chức cứu quốc sẽ chiếm các nơi quan trọng…

Sáng 19-8-1945, từ các cửa ô, quần chúng nhân dân giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tiến về Nhà hát Lớn và trung tâm thành phố tham gia khởi nghĩa tạo khí thế cách mạng mạnh mẽ. Trưa cùng ngày, cuộc mít tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang, tuần hành thị uy của gần 20 vạn người. Quần chúng cách mạng có các đơn vị tự vệ chiến đấu dẫn đầu đã tỏa đi chiếm các cơ quan, công sở trọng yếu của địch theo đúng kế hoạch. Tại Phủ Khâm sai – cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn, quân dân Hà Nội đã tước vũ khí lính bảo an, phân phát cho tự vệ và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này…

2. Nhân việc quân Nhật bất ngờ đem xe tăng bao vây trại Bảo an binh, đòi tước vũ khí của quân ta đề phòng ta sau khi chiếm được trại sẽ tấn công chúng, người của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội là đồng chí Lê Trọng Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long đã đến cơ quan tham mưu của quân Nhật để đàm phán. Dù đàm phán diễn ra gay go, song cuối cùng quân Nhật cũng chấp nhận yêu cầu án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chính quyền cách mạng và Việt Minh sẽ không tiến công quân Nhật nếu chúng không can thiệp công việc của ta. Thắng lợi của cuộc đàm phán đã giúp lực lượng khởi nghĩa không phải đối đầu trực tiếp với quân Nhật, góp phần loại trừ các lực lượng chính trị ở Hà Nội đang có ý đồ đảo ngược tình thế cách mạng. Mọi nẻo đường Hà Nội lúc này đều rực rỡ cờ đỏ sao vàng.

Tối 19-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng; trong đó có thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời [ra mắt sáng 20-8-1945 và đã ban bố một số chính sách, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ]. Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội đã thắng lợi.

Hà Nội khởi nghĩa thành công như một tiếng bom mở đầu, lan nhanh, vang dội đi khắp nơi; có tác động quyết định, cổ vũ và tạo điều kiện để nhân dân các địa phương trên cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền sau đó… Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội – nơi có hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng, đông nhất so với các thành phố, thị xã ở Bắc Kỳ mà không phải đổ máu đã cho thấy sự cân nhắc kỹ của Xứ ủy Bắc Kỳ và sự chủ động, linh hoạt nhưng chu đáo, cẩn trọng của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội trong từng quyết sách.

Việc dự kiến khả năng xấu nếu như quân Nhật gây xung đột vũ trang thì ta kiên quyết đánh, đoạt vũ khí của chúng, củng cố lực lượng, chờ cơ hội tiến công chiếm lại thành phố đã không xảy ra cũng cho thấy sức mạnh của quần chúng được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, được cổ vũ, động viên kịp thời khi thời cơ đến đã trào dâng thành làn sóng, đè bẹp sự kháng cự của kẻ thù. Việc chiếm đánh “dập đầu” chính quyền địch ở trung tâm thành phố trong điều kiện ta và địch có sự chênh lệch về mặt lực lượng quân sự, nhưng lực lượng chính trị quần chúng của Hà Nội mạnh hơn đã được Ủy ban Quân sự cách mạng – Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội khai thác và phát huy kịp thời. Khí thế cách mạng của quần chúng lên cao chưa từng thấy đã lôi cuốn cả những người còn do dự cùng tiến vào đánh chiếm các công sở, giành chính quyền về tay nhân dân.

Hà Nội là thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp, nên khởi nghĩa giành chính quyền tại đây thắng lợi là đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật trên cả nước, dẫn đến sự tuyệt vọng, tan rã của chúng và có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân ở nước ta. Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng đánh giá: “Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước”. Cả nước theo gương Hà Nội, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội nên đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa thành công, giành được độc lập cho dân tộc. Đồng thời, Hà Nội khởi nghĩa thành công đã tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền cách mạng chủ động chuẩn bị cho ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

Thứ ba, 19/08/2014 08:17 GMT+7

Biên phòng - Cách đây 69 năm, trên bán đảo Đông Dương diễn ra sự kiện chính trị gây chấn động thế giới - Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam thắng lợi. Sự kiện vĩ đại này đã cuốn hút nhiều học giả và giới chính trị gia tư sản phương Tây tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của nhằm tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng. Cho đến hiện nay, nhiều nhận định của các học giả, giới nghiên cứu tư sản vẫn chưa thống nhất, thậm chí còn đối nghịch. Trớ trêu thay trong một số nhận định đó đã phản ánh sai lệch hiện thực lịch sử, thiếu tính khách quan, mang tính chủ quan duy ý chí, cho rằng, thắng lợi của Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám là do "vận may đem đến"? Các nhà nghiên cứu Mác-xít chân chính đã phân tích tường tận, bóc trần hiện thực lịch sử, khẳng định chân lý thắng lợi mà Việt Nam giành được trong Cách mạng Tháng Tám không phải do "vận may", mà là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quyết định.

Trở lại lịch sử thập kỷ 40 [thế kỷ XX], trước đòn tấn công quyết liệt của lực lượng Việt Minh, thực dân Pháp ở Đông Dương sau nhiều thất bại nặng nề, đã thay đổi chính sách cai trị, tăng cường cấu kết với phát xít Nhật đàn áp, bóc lột nhân dân Việt Nam, đẩy sinh mệnh quốc gia dân tộc lâm vào khốn đốn, cùng kiệt. Nhận thức đúng trách nhiệm của mình trước sinh mệnh đất nước, Đảng và Hồ Chí Minh đã xem xét cẩn trọng tình hình, tìm kiếm nhiều phương kế, cống hiến nhiều trí tuệ, công sức, lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân làm nên thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Cống hiến nổi bật của Đảng tập trung trên 3 vấn đề chiến lược: Một là, dự báo chính xác khả năng"nổ ra một cuộc đảo chính" giữa Nhật và Pháp ở Đông Dương; nhận định "xuất hiện thời cơ cho một cuộc cách mạng dân tộc". Những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, tình hình Đông Dương diễn biến hết sức mau lẹ, một mặt, thực dân Pháp và phát xít Nhật lo đối phó với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân do Đảng lãnh đạo, mặt khác, bọn chúng đang "công kích lẫn nhau", tranh giành địa vị quyền lực rất quyết liệt. Trong bối cảnh đó, Đảng và Hồ Chí Minh rất bình tĩnh phân tích đánh giá thấu đáo tình hình, nhận rõ, tuy thực dân Pháp và phát xít Nhật đều có chung mưu đồ thống trị Đông Dương, song mâu thuẫn giữa chúng ngày càng sâu sắc, không thể điều hòa. Dựa trên kết quả phân tích, Đảng dự báo tất yếu "sẽ nổ ra cuộc đảo chính trong nay mai"; và làm "xuất hiện thời cơ cho cuộc cách mạng dân tộc". Cuối năm 1944, Hồ Chí Minh trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình thực tiễn, chỉ ra cho đồng bào toàn quốc: "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh!"1. Những dự báo, nhận định của Đảng và Hồ Chí Minh về tình hình Đông Dương [1940-1945] có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn bộ tiến trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Đây cũng là cơ sở khoa học giúp các lực lượng cách mạng điều chỉnh nhiệm vụ, mục tiêu, phương thức đấu tranh nâng cao hiệu quả hoạt động; định hướng nhanh quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng chuẩn bị cho vũ trang khởi nghĩa khi thời cơ đến; tạo cơ sở để thống nhất tư tưởng trong Đảng, các đoàn thể quần chúng, khắc phục mọi biểu hiện lệch lạc, giúp các lực lượng  đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, phản động.                          Hai là, thực hiện chuyển hướng chiến lược cách mạng, hình thành phương thức dựa vào bạo lực cách mạng của quần chúng để tiến hành cách mạng. Xuyên suốt tư tưởng trong các hội nghị của Đảng từ năm 1941 đến 1945, là quan điểm chuyển hướng chiến lược cách mạng, cốt lõi là thực hiện cuộc đấu tranh "giải phóng dân tộc" - đặt nhiệm vụ đánh đế quốc, tay sai giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Quyết định này của Đảng không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra năm 1930, mà là bước triển khai cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng trong giai đoạn đầu của chiến lược cách mạng vô sản "giành chính quyền". Cách mạng Tháng Tám là đỉnh cao của cuộc đấu tranh dân tộc, là giai đoạn cuối của tiến trình khởi nghĩa vũ trang - giai đoạn Tổng khởi nghĩa. Trong lãnh đạo cách mạng, nét độc đáo, sáng tạo trong tư duy của Đảng và Hồ Chí Minh là nắm chắc độ chín muồi của thời cơ cách mạng, làm cơ sở cho những quyết định đúng. Trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Đảng và Hồ Chí Minh chỉ đạo đình hoãn các cuộc khởi nghĩa bởi lúc đó, thời cơ cách mạng chưa xuất hiện. Đến khi cuộc đảo chính diễn ra [9-3-1945], tuy thời cơ đã xuất hiện, song Đảng và Hồ Chí Minh vẫn chưa quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa, bởi "do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp đứng giữa chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiên phong còn đang lúng túng về chuẩn bị khởi nghĩa"2. Lúc này Đảng chỉ cho phép các địa phương, nếu có đủ các điều kiện thì tiến hành khởi nghĩa từng phần. Khi cao trào chống Nhật cứu nước dâng cao, thời cơ cách mạng chín muồi trong phạm vi cả nước [13-8-1945], Đảng mới phát lệnh tiến hành Tổng khởi nghĩa toàn quốc: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"3. Tư duy sáng suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược về sức mạnh quyết định của quần chúng, từ đó đề ra nhiều chủ trương, phương thức tuyên truyền, tổ chức quần chúng phù hợp, biết sáng tạo ra nhiều biện pháp thiết thực nhằm phát huy cao độ sức mạnh các giai tầng trong xã hội hướng vào nhiệm vụ đánh đổ bộ máy thống trị của phát xít Nhật. Vì vậy, Cách mạng Tháng Tám xét về thực chất đã biến thành "Ngày hội của quần chúng". Ba là, kiên định tư tưởng chiến lược tiến công, giữ vững quyền lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng, lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới V.I.Lênin đã dạy: "Không bao giờ được đùa với khởi nghĩa", rằng "một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì phải hết sức quyết tâm hành động và dù sao cũng tuyệt đối phải chuyển sang tấn công. Phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa vũ trang"4. Kế thừa và vận dụng sáng tạo lý luận ấy, Đảng và Hồ Chí Minh luôn nhận thức khởi nghĩa vũ trang là cuộc cách mạng bạo lực mang tính chất triệt để, muốn giành phần thắng không được do dự, chần chừ, mà phải "kiên quyết chỉ huy tiến công"5. Tư tưởng tiến công trong khởi nghĩa vũ trang nói chung, trong Cách mạng tháng Tám nói riêng là tư tưởng chiến lược, được Đảng và Hồ Chí Minh chuyển hóa thành những hành động "chủ động" trong thực tiễn: Chủ động đề ra đường lối, phương thức tiến hành bạo lực cách mạng; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể cách mạng nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng; chủ động bám nắm tình hình, chớp thời cơ lãnh đạo quần chúng cách mạng vùng lên đấu tranh lật đổ bộ máy thống trị của phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ chính trị, luật pháp nô dịch gần trăm năm của chủ nghĩa thực dân đế quốc, dựng lên chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, ban bố thực thi chính sách, pháp luật cách mạng mới "của dân, do dân, vì dân". Trong suốt tiến trình chuẩn bị khởi nghĩa, khởi nghĩa, Đảng luôn nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò lãnh đạo của mình, coi trọng nhiệm vụ phát triển đảng viên, tổ chức Đảng; tăng cường công tác kiểm tra giữ nghiêm kỷ luật Đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn bám sát thực tiễn, gương mẫu, đi đầu trong phong trào cách mạng của nhân dân, thực hiện tác phong làm việc và sinh hoạt gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng. Chính điều này không những củng cố vững vàng "trận địa" lãnh đạo của Đảng "trong lòng dân", mà còn giúp Đảng phát huy hết khả năng, trách nhiệm vinh quang đối với dân, với nước. Đánh giá vai trò của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần dầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc"6. Gần 7 thập kỷ đã trôi qua, song dư âm thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn in đậm, lưu truyền trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt Nam và những người yêu nước, tiến bộ trên thế giới. Lịch sử khó có thể lặp lại, song trí tuệ khoa học lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ở Việt Nam đã để lại nhiều kinh nghiệm quý cho nhiều quốc gia, dân tộc trên con đường đấu tranh giành, bảo vệ nền độc lập của mình. Đối với cách mạng Việt Nam, những cống hiến to lớn của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám không chỉ có giá trị đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, mà đến nay vẫn còn giá trị rất to lớn trong công cuộc kiến dựng sức mạnh để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tập 3, trang 506. 2. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Sơ thảo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1981, trang 382. 3.Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tập 3, trang 554. 4.V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập 34, trang 502. 5.Hồ Chí Minh, Con đường giải phóng, Tài liệu lưu Thư viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trang 27.

6.Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tập 6, trang 159.

Your browser does not support the video tag.

Video liên quan

Chủ Đề